Nhiều doanh nghiệp đang lo lắng trước dự thảo Luật Lao động sửa đổi có thể sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của họ, nhất là số giờ làm thêm tối đa trong một năm.
Để có thể dung hòa giữa doanh nghiệp (DN) với người lao động trong việc sửa đổi Bộ luật Lao động, dưới góc độ DN, ông Nguyễn Ngọc Nở, Quản lý cấp cao của công ty TNHH May mặc United Sweethearts Việt Nam (Đồng Nai), cho rằng ngoài tính nhân văn, thiên về thời gian nghỉ ngơi cho người lao động thì cũng phải xét đến thách thức đối với DN.
Hạn chế giờ làm thêm
Theo ông Nở, cần phải xây dựng một lộ trình cụ thể cho DN từng bước thích ứng, tạo niềm tin cho họ, chứ không thể như đề xuất năm nay áp dụng giảm thời gian làm việc trong tuần xuống 44 giờ/tuần, rồi năm tới lại giảm xuống 40 giờ/tuần.
“Nhiều nhà đầu tư đang lo lắng không biết quy định mới ở Luật Lao động sửa đổi sẽ như thế nào. Họ cũng không biết sẽ ứng phó với những thay đổi này ra sao”, ông Nở băn khoăn.
Chia sẻ tại hội thảo lấy ý kiến giới DN về dự thảo Luật Lao động sửa đổi vừa được tổ chức, bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ (Amcham) tại Tp.HCM, khẳng định các công ty Mỹ dành sự quan tâm lớn đến lao động Việt. Chính vì lẽ đó, một số công ty Mỹ nhiều lần được bình chọn là một trong những nơi làm việc tốt nhất tại Việt Nam.
Tuy nhiên, theo đại diện Amcham, năng lực cạnh tranh đầu tư của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào chiến lược lao động và chi phí lao động. Nếu chi phí lao động không hấp dẫn thì việc hấp dẫn dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sẽ khó khăn, giảm tính cạnh tranh. Đặc biệt là tốc độ tăng lương hàng năm của Việt Nam lại cao hơn năng suất lao động.
Trong văn bản mới đây của Amcham và 6 hiệp hội DN đóng góp ý kiến về Luật Lao động sửa đổi có đề nghị tăng mức thời gian làm thêm tối đa hằng năm từ 200 giờ lên 300 giờ (đối với các ngành nghề bình thường).
Riêng đối với một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định, người sử dụng lao động có thể tăng số giờ làm thêm từ 400 giờ lên 500 giờ với điều kiện là có nhu cầu kinh doanh chính đáng như các ngành nghề phục vụ xuất khẩu, phục vụ đơn hàng… và được sự đồng ý của người lao động đối với công việc làm thêm giờ.
Chưa kể, tổng số giờ được làm thêm tối đa trong một năm của Việt Nam đang bị hạn chế (200 giờ), thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia đang cạnh tranh lao động với Việt Nam trong các nước ASEAN.
Đơn cử như Thái Lan (1.836 giờ), Malaysia (1.248 giờ), Philippines (1.224 giờ), Indonesia (714 giờ) hay Trung Quốc (432 giờ), Bangladesh (408 giờ), Ấn Độ (300 giờ). Việc này được cho là ảnh hưởng rất lớn đến sức cạnh tranh về lao động của Việt Nam so với các quốc gia khác.
Cần có lộ trình
Ngoài ra, trên thực tế thời gian làm việc tiêu chuẩn của Việt Nam là 48 giờ/tuần, tương đương với các quốc gia đang phát triển, cạnh tranh lao động với Việt Nam như Thái Lan, Ấn Độ, Bangladesh, Philippines, Lào… Do đó, không thể nói thời gian làm việc ở Việt Nam nhiều hơn các nước nên không tăng khung thời gian làm thêm giờ.
Các DN cũng kiến nghị không quy định trả lương lũy tiến làm thêm giờ để có thể đảm bảo tính cạnh tranh với các quốc gia khác. Về việc giảm thời gian làm việc trong tuần xuống 44 giờ/tuần được nêu trong dự thảo Luật sửa đổi, các hiệp hội kiến nghị không giảm mà giữ nguyên số giờ làm việc tiêu chuẩn như hiện nay là 48 giờ/tuần.
Theo phản ánh của nhiều DN khi trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, do nhân lực không đủ nên DN phải tổ chức làm thêm giờ để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Tuy nhiên, giới hạn làm thêm giờ của Việt Nam (200 giờ) là quá ít nên buộc nhiều DN phải “phá vỡ luật”, vượt khung giờ làm thêm theo tiêu chuẩn thì mới có thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Nếu giờ làm việc tiêu chuẩn cũng bị cắt giảm đi thì chắc chắc các DN trong nước sẽ khó đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, gây mất niềm tin và dần dần sẽ không còn đơn đặt hàng từ khách hàng nữa.
Trong vấn đề giờ làm thêm, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), lưu ý là nhiều DN dệt may hoạt động theo mùa vụ, có tháng phải dồn dập làm ngày làm đêm để kịp giao hàng, nhưng cũng có những tháng công việc lại rất thảnh thơi. Không riêng gì ngành dệt may, một số ngành nghề khác cũng vậy.
Cho nên, theo ông Cẩm, với quy định mới trong bản dự thảo sửa đổi Luật về giảm thời gian làm việc trong tuần sẽ ảnh hưởng lớn đến DN khi áp dụng giao hàng gấp.
Trong khi đó, xu hướng hiện nay khi giao hàng là càng ngày càng ngắn lại. Khi giao hàng gấp, DN bắt buộc phải gia tăng giờ làm thêm, việc vi phạm quy định như trong dự thảo Luật đưa ra là khó tránh khỏi. Vì vậy, Phó chủ tịch Vitas đề nghị dự thảo sửa đổi Luật Lao động nên bỏ quy định giảm giờ làm thêm trong tháng.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Ngọc Nở, dù chưa có sự thay đổi với Luật Lao động thì nhà máy đã phải huy động làm thêm giờ. Trong khi đó, năng suất lao động của công nhân công ty chỉ đạt 65 – 70%, không thể nói là năng suất cao để có thể giảm giờ làm thêm.
Theo /doanhnghiephoinhap.vn
Nguồn bài viết: http://doanhnghiephoinhap.vn/sua-luat-lao-dong-doanh-nghiep-lai-lo.html
Link nội dung: https://phaply.net.vn/sua-luat-lao-dong-doanh-nghiep-lai-lo-a211735.html