(Pháp lý) - Được kỳ vọng là công cụ pháp lý để giám sát và sử dụng tài sản công hiệu quả, tuy nhiên, sau hơn 1 năm đi vào thực hiện, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập cần tháo gỡ.
Những bất cập
Ông La Văn Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, việc triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công vẫn còn một số hạn chế như, một số loại tài sản và lĩnh vực còn thiếu các văn bản quy định chi tiết hoặc không còn phù hợp với Luật như việc quản lý, khai thác quỹ nhà, đất do công ty quản lý kinh doanh nhà quản lý, việc chuyển đổi mô hình chợ, tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ...
Nguyên nhân của khó khăn trên là do tài sản công ở nước ta có phạm vi rất rộng, do nhiều chủ thể khác nhau quản lý, sử dụng. Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có nhiều đổi mới trong công tác quản lý, sử dụng, khai thác, xử lý tài sản công theo hướng chặt chẽ, công khai, minh bạch. Tuy nhiên, đối với một số tài sản công đặc thù cần có quy trình rà soát, chuyển đổi phù hợp.
Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được Quốc hội khóa 14 thông qua ngày 21/6/2017 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Tuy nhiên, hiện mới có khoảng 50% Bộ, ngành, địa phương ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công chuyên dùng. Sự chậm trễ này đã ảnh hưởng tới việc đầu tư xây dựng, mua sắm, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo và xử lý tài sản.
Ông La Văn Thịnh chỉ ra các đơn vị như: Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chưa ban hành quy định chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản chuyên dùng. Vì thế, đơn vị, địa phương không có cơ sở để xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, định mức cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.
Bàn về vấn đề phân cấp quản lý trong Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, quá trình triển khai thực hiện cho thấy việc phân cấp quản lý còn chưa rõ ràng với một số loại tài sản, trong một số lĩnh vực. Tình trạng sử dụng lãng phí tài sản công còn diễn ra phổ biến. Tài sản công thuộc sở hữu của nhà nước, tập thể, nói rộng ra là thuộc sở hữu của toàn dân. Việc giữ gìn, bảo quản tài sản công phải tuân thủ những quy định chặt chẽ của pháp luật. Tuy vậy, thực tế hiện nay cho thấy, lãng phí, thất thoát trong việc sử dụng tài sản nhà nước đang diễn ra khá nghiêm trọng. Từ xây dựng cơ bản, quản lý và sử dụng đất, xây dựng trụ sở, đến thiết bị văn phòng đều gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Ông Nguyễn Hữu Quang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội nhận xét: một số quy định (cấp Nghị định), cần làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh cũng như đối tượng áp dụng, đặc biệt là việc sắp xếp lại các cơ sở nhà, đất thuộc doanh nghiệp nhà nước vốn 100% do Nhà nước sở hữu, cũng như trên 50% vốn của nhà nước.
Trong đó, có mô hình các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chuyển sang mô hình công ty mẹ, công ty con cũng cần hướng dẫn cụ thể để thực hiện.
Việc ban hành các tiêu chuẩn, định mức tài sản chuyên dùng do trách nhiệm của một số Bộ, ngành ban hành nhưng quá trình triển khai còn chậm. Việc sắp xếp cơ sở nhà, đất của các cơ quan hành chính sự nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện; đồng thời có biện pháp quản lý và giám sát chặt chẽ để sử dụng tài sản công đúng mục đích, có hiệu quả.
[caption id="attachment_211623" align="aligncenter" width="410"]
Ông La Văn Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính[/caption]
Để khắc phục những điều này, ông Thịnh cho rằng cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền “Việc quản lý tài sản công cần được phân cấp mạnh hơn nữa, tạo điều kiện cho các Bộ, ngành, địa phương có thẩm quyền quyết định phương án xử lý, sắp xếp tài sản công của Bộ, ngành, địa phương mình (ví dụ: thừa ô tô tại TP. HCM hay việc xử lý đất công, tài sản trên đất ở Hà Nội...) kể cả việc quyết định hình thức bán đấu giá tài sản trên đất để nộp vào ngân sách nhà nước (NSNN)”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Một số quy định chưa phù hợp, không sát với thực tế
Đáng lưu ý, nhiều quan điểm cho rằng, một số quy định của Luật này trên thực tế chưa đảm bảo nguyên tắc "ngang giá, cùng thời điểm".
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh cho rằng, các quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản chưa đảm bảo nguyên tắc “ngang giá, cùng thời điểm”.
Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định: “Giá trị tài sản công dùng để thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT được xác định theo giá thị trường tại thời điểm thanh toán”.
Giá trị quyền sử dụng đất được sử dụng để thanh toán dự án BT được xác định theo “giá thị trường tại thời điểm thanh toán theo quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất”.
[caption id="attachment_211622" align="aligncenter" width="410"]
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh[/caption]
"Các quy định nêu trên chưa phù hợp, chưa sát với thực tế vận hành dự án BT và chưa đảm bảo nguyên tắc "ngang giá, cùng thời điểm", ông Chấu nhấn mạnh quan điểm của mình.
Cụ thể, về khái niệm “giá thị trường”, ở thời điểm đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án BT và ký hợp đồng BT thì đã xác định được "giá trúng thầu công trình BT" và giá trúng thầu này chính là giá thị trường. Theo nguyên tắc "ngang giá" thì đúng lý ra "giá trị quỹ đất hoặc trụ sở làm việc" dùng để thanh toán dự án BT cũng phải được xác định tại thời điểm này.
Vì vậy, cụm từ "tại thời điểm thanh toán" tại các quy định của Luật Quản lý sử dụng tài sản công, theo ông Châu là chưa hợp lý, cần sửa đổi thành "tại thời điểm ký hợp đồng BT" để đảm bảo nguyên tắc "ngang giá, cùng thời điểm".
Bên cạnh đó, cụm từ "theo quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất" trong các quy định trên cũng chưa thể hiện đầy đủ, vì chưa bao gồm các phương thức đấu giá đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất. Ông Châu cho rằng cần thay thế cụm từ trên bằng cụm từ "theo quy định của pháp luật" để có sự linh hoạt, thống nhất.
Ngoài ra, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh đề nghị cân nhắc việc xác định giá trị quỹ đất dùng để thanh toán hợp đồng BT khi dự thảo quy định không đúng.
"Dự thảo Nghị định đưa ra phương thức xác định giá trị quỹ đất thanh toán dự án BT cho nhà đầu tư tương tự như phương thức xác định "giá khởi điểm đấu giá" được quy định tại Khoản (2.a) Điều 24 Nghị định 151/2017/NĐ-CP. Nhưng trong thực tiễn đấu giá, "giá khởi điểm đấu giá" quỹ đất lại thường thấp hơn "giá trúng đấu giá".
Ví dụ vụ đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn (Quận 1, TP. HCM), "giá khởi điểm đấu giá" là 550 tỷ đồng nhưng "giá trúng đấu giá" là 1.430 tỷ đồng, gấp 2,6 lần. Nếu nội dung này của dự thảo Nghị định được thông qua thì kết quả xác định giá trị quỹ đất thanh toán sẽ không đảm bảo được "nguyên tắc ngang giá, theo giá thị trường tại cùng thời điểm", ông Châu đưa ra giả thiết.
Đối với trường hợp sử dụng quỹ đất chưa giải tỏa mặt bằng, việc xác định giá trị quỹ đất thanh toán được quy định tại Khoản b, Điều 8 của dự thảo: “Nhà đầu tư thực hiện ứng trước kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng theo phương án bồi thường giải phóng mặt bằng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và số tiền này được tính vào giá trị của hợp đồng BT; không tính chi phí lãi vay huy động vốn vào dự án BT đối với khoản kinh phí này”.
Do đó, ông Châu cho rằng quy định như trên là không đúng, bởi lẽ giá trị công trình cơ sở hạ tầng của hợp đồng BT không bao gồm chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng quỹ đất thanh toán dự án BT. Lẽ ra, phải quy định số tiền này "được khấu trừ vào giá trị quỹ đất thanh toán và thanh toán dự án BT" thì mới đúng.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, qua hơn 1 năm thực hiện Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, thực tế việc thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất cho thấy có một số nội dung cần được quy định rõ hơn; cụ thể như: Phạm vi, đối tượng áp dụng của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP; thẩm quyền quyết định xử lý nhà, đất tại tổ chức chính trị - xã hội; Hạch toán tài sản, giá trị tài sản khi thực hiện các quyết định xử lý nhà, đất theo hình thức điều chuyển, thu hồi, chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý; Xử lý nhà, đất sau khi thu hồi, chuyển giao về địa phương...
Đình Nguyễn (thực hiện và tổng hợp)
Link nội dung: https://phaply.net.vn/trien-khai-thuc-hien-luat-quan-ly-su-dung-tai-san-cong-mot-so-quy-dinh-bat-cap-chua-sat-thuc-te-a211620.html