(Pháp lý) - Theo Bộ Công an, tính đến tháng 5/2019, Việt Nam hiện có hơn 1.200 người phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài, trong đó có 235 người đã bị Interpol ra lệnh truy nã đỏ, nhiều nghi can phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Do đó, ngăn chặn tội phạm trốn ra nước ngoài là vấn đề lớn hiện nay đặt ra cho công tác phòng chống tội phạm nói chung, tội phạm tham nhũng nói riêng.
1.200 người phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài
Theo Bộ Công an, tính đến tháng 5/2019, Việt Nam hiện có hơn 1.200 người phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài, trong đó có 235 người đã bị Interpol ra lệnh truy nã đỏ, nhiều nghi can phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
[caption id="attachment_211497" align="aligncenter" width="410"] Dẫn độ tội phạm qua đường hàng không[/caption]
Bộ Công an đã lập và chuyển 35 hồ sơ yêu cầu dẫn độ đến cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài. Trong đó có 21 yêu cầu dẫn độ theo các hiệp định song phương giữa Việt Nam và Liên bang Nga, Úc, Czech...; 14 yêu cầu dẫn độ theo nguyên tắc có đi có lại với Anh, Hong Kong, Nhật Bản, Thụy Điển;... đã dẫn độ được 7 đối tượng về Việt Nam; bắt giữ 1 đối tượng khi bỏ trốn về Việt Nam…
Các trường hợp Vũ Đình Duy, Trịnh Xuân Thanh, hay vụ Vũ “nhôm” trốn hụt và thậm chí là cả giám đốc Nhật Cường Mobile cũng đã biến mất, khiến dư luận không thể không lo ngại về tình trạng người phạm tội bỏ trốn.
[caption id="attachment_211498" align="aligncenter" width="410"] Vũ “nhôm” trốn ra nước ngoài được đưa về nước[/caption]
Cơ quan chức năng cho rằng, đối tượng phạm tội tại Việt Nam bỏ trốn ra nước ngoài có xu hướng tăng cả về số lượng lẫn mức độ nghiêm trọng. Khi trốn đi nước ngoài qua các cửa khẩu hàng không, đường bộ, bọn tội phạm thường sử dụng hộ chiếu giả, điều này gây rất nhiều khó khăn cho Cảnh sát Việt Nam khi yêu cầu cảnh sát nước ngoài phối hợp tìm kiếm đối tượng tại nước ngoài.
Đặc biệt các đối tượng liên quan đến tội phạm kinh tế khi cảm thấy có nhiều khả năng bị các cơ quan thi hành pháp luật phát hiện hành vi phạm tội thì chuẩn bị hộ chiếu cho cả gia đình, di chuyển địa điểm và trốn đi nước ngoài hoặc tạo cớ đi công tác nước ngoài du lịch rồi bỏ trốn.
Bên cạnh đó, hầu hết các đối tượng phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài là các đối tượng có nhiều tiền (do tham ô, tham nhũng, hối lộ, lừa đảo) sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền lớn để chạy trốn ra nước ngoài cả gia đình bằng đường hàng không.
Địa bàn lẩn trốn của các đối tượng rất phức tạp nhưng thường tập trung ở những nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc... đây là những nước mà việc đi lại, tạm trú tương đối dễ dàng. Rất nhiều đối tượng đã chọn Thái Lan, Mỹ, Canada làm địa bàn lẩn trốn vì Thái Lan là địa điểm mà từ đó có thể đi đến nhiều nước khác trên thế giới; Mỹ và Canada là những nước có chính sách tị nạn và có đông người Việt làm ăn, sinh sống nên việc lẩn trốn cũng dễ dàng hơn. Ngoài ra, các đối tượng cũng thường lẩn trốn tại các nước khác mà cộng đồng người Việt đang làm ăn, sinh sống ở đó rất phức tạp như các nước Đông Âu, Nga, Đức, Anh, Australia...
Trong những năm gần đây, thông qua kênh hợp tác Interpol và Aseanapol, Cảnh sát Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan chức năng nước ngoài bắt giữ được 53 đối tượng ở nước ngoài và đưa về Việt Nam để xử lý (chủ yếu là các đối tượng truy nã của Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia...).
Đại biểu QH Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) từng đề nghị Chính phủ cần quan tâm tới các hiệp định thỏa thuận tương trợ tư pháp với những nước như châu Âu, Mỹ. Bởi theo ông, có tình trạng khi chúng ta "đốt lò nóng lên" thì các đối tượng phạm tội lại "nhảy" qua các nước đó. Thậm chí những đối tượng này đã chuẩn bị tiền bạc, nhà cửa, hồ sơ pháp lý, đưa vợ con đi từ 5-10 năm trước. "Chính vì vậy, cần có hiệp định tương trợ tư pháp để ngăn chặn, nếu không, tội phạm khi thoát ra nước ngoài cứ nhởn nhơ, gây sự bất công rất lớn" - đại biểu Nghĩa kiến nghị.
Lỗ hổng của luật
Các số liệu trên đây là những thông tin làm cơ sở dữ liệu để xây dựng một đạo luật về dẫn độ, nhưng cũng cho thấy tình trạng người phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài rất nghiêm trọng hiện nay. Người phạm tội bỏ trốn trước hết là gây khó khăn trong việc giải quyết vụ án, người phạm tội không bị trừng phạt và những tài sản bị thất thoát do tham nhũng, do phạm tội mà có, không thể thu hồi được.
Lý giải về việc nhiều đối tượng phạm tội kinh tế bỏ trốn, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm từng phát biểu, Điều 79, BLTTHS năm 2003 quy định: Chỉ áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với các bị can, bị cáo. Do đó, các đối tượng (chưa được coi là bị can, bị cáo) như: Dương Chí Dũng, Giang Kim Đạt, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy... bỏ trốn trước khi Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố vụ án nên việc chưa áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với các đối tượng nêu trên là thực hiện theo quy định của pháp luật.
Để khắc phục tình trạng trên, BLTTHS năm 2015, đã bổ sung Điều 124 về tạm hoãn xuất cảnh đối với “Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó bỏ trốn hoặc tiêu huỷ chứng cứ...”; Kiến nghị bổ sung các quy định về việc giám sát đặc biệt đối với các đối tượng có dấu hiệu phạm tội liên quan đến kinh tế, tham nhũng, cho phép được áp dụng biện pháp tố tụng đặc biệt. Như vậy, có cơ sở để tin tưởng rằng BLTTHS 2015, sẽ ngăn chặn có hiệu quả các đối tượng trốn ra nước ngoài.
Tuy nhiên, Điều 124 BLTTHS năm 2015 cho đến nay cũng đã xuất hiện những lỗ hổng, gây khó khăn cho công tác ngăn chặn tạm hoãn xuất cảnh. Đó là về đối tượng áp dụng các biện pháp ngăn chặn (trong đó có biện pháp ngăn chặn tạm hoãn xuất cảnh): Khoản 1 Điều 109 BLTTHS năm 2015 quy định chỉ có người bị buộc tội mới có thể bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, trong khi đó tại điểm đ khoản 1 Điều 4 giải thích: “Người bị buộc tội gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo” mà không có “người bị tố giác”, “kiến nghị khởi tố”, do vậy các quy định về đối tượng áp dụng biện pháp ngăn chặn là chưa thống nhất.
Về áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh trong giai đoạn giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố: Tại khoản 3 Điều 124 BLTTHS năm 2015 quy định: “Thời hạn tạm hoãn xuất cảnh không được quá thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của Bộ luật này…”. Theo quy định tại Điều 147 BLTTHS năm 2015 thì thời hạn tối đa để giải quyết nguồn tin về tội phạm (kể cả được gia hạn) là không quá 04 tháng 20 ngày kể từ ngày tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Hết thời hạn nêu trên, cơ quan có thẩm quyền phải ra một trong các quyết định sau: Quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định không khởi tố vụ án hình sự hoặc quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Trường hợp tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm hoãn xuất cảnh đối với người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố thì BLTTHS năm 2015 lại chưa quy định, trong khi đó tại khoản 3 Điều 148 BLTTHS năm 2015 quy định: “Trường hợp tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thì việc giám định, định giá tài sản hoặc tương trợ tư pháp vẫn tiếp tục được thực hiện”. Do vậy, trong trường hợp này nếu hết thời hạn giải quyết tin báo, tố giác tội phạm thì thời hạn tạm hoãn xuất cảnh cũng hết (vì thời hạn tạm hoãn xuất cảnh không quá thời hạn xác minh nguồn tin tội phạm theo quy định khoản 3 Điều 124 BLTTHS năm 2015) thì mặc nhiên người đó được xuất cảnh sang nước ngoài, trong khi cơ quan giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp điều tra để chứng minh tội phạm và khi đã đủ chứng cứ chứng minh tội phạm thì người phạm tội đã bỏ trốn sang nước ngoài, do đó gây khó khăn, tốn kém cho công tác điều tra, truy tố, xét xử… nhất là hiện nay việc thực hiện tương trợ tư pháp hình sự về dẫn độ, ủy thác tư pháp… còn nhiều bất cập. Do vậy, việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm hoãn xuất cảnh trong trường hợp này không hiệu quả.
Giải pháp pháp luật
Khi đối tượng phạm tội đã trốn ra nước ngoài thì cơ quan tiến hành tố tụng phải truy tìm và dẫn độ đối tượng về nước.
Trong luật quốc tế, dẫn độ được hiểu là việc một quốc gia chuyển, trao người phạm tội hoặc người bị kết án (quốc gia nơi những người đó có mặt) cho một quốc gia khác (thường là quốc gia nơi tội phạm gây ra hoặc là quốc gia đã kết án người đó) để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành bản án đã có hiệu lực. Tuy nhiên, nếu hai quốc gia chưa có hiệp định tương trợ tư pháp, dẫn độ tội phạm giữa 2 nước sẽ khó thực hiện, trừ trường hợp luật pháp quốc tế có quy định khác.
Để dẫn độ tội phạm từ một quốc gia không tham gia ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam thì quá trình đàm phán về dẫn độ cũng phức tạp. Tuy nhiên, trong thực tiễn, khi chưa có hiệp định về dẫn độ ở dạng song phương hay đa phương, có thể thực hiện việc dẫn độ theo nguyên tắc “có đi, có lại” giữa hai quốc gia.
Hiện nay Việt Nam chưa có văn bản quy phạm điều chỉnh riêng vấn đề dẫn độ tội phạm. Tuy nhiên, Điều 2 khoản 7 Luật Quốc tịch Việt Nam, quy định: “Dẫn độ là việc một nước chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực pháp luật đang có mặt trên lãnh thổ của nước mình để nước được chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành hình phạt đối với người đó”. Hay khoản 1 Điều 32 Luật Tương trợ tư pháp Việt Nam năm 2007 thì “Dẫn độ là việc một nước chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình”.
Để công tác truy bắt tội phạm trốn ra nước ngoài hiệu quả hơn, Bộ Công an đã soạn thảo một đạo luật về dẫn độ để trình Quốc hội xem xét. Nếu đạo luật này được ban hành thì công tác phòng chống tội phạm có thêm phương tiện pháp lý quan trọng. Tuy nhiên, thực tế chứng minh rằng, để dẫn độ được một đối tượng từ nước ngoài về rất khó khăn, tốn kém thời gian, kinh phí và công sức nên phòng hơn chống. Làm gì để ngăn chặn được những đối tượng có dấu phạm tội không thể xuất cảnh mới là điều quan trọng nhất. Điều này liên quan chặt chẽ không chỉ BLTTHS mà cả Luật Xuất nhập cảnh.
Thái Đăng
Link nội dung: https://phaply.net.vn/ngan-chan-toi-pham-bo-tron-ra-nuoc-ngoai-van-de-lon-hien-nay-a211496.html