Khởi tố hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội: “Nút thắt” được khơi thông, Công đoàn sẽ bảo vệ tốt hơn quyền lợi cho người lao động

Ngày 16/8/2019, tại Hà Nội, Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) tổ chức buổi Lễ công bố Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15/8/2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 214 về tội gian lận bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), Điều 215 về tội gian lận bảo hiểm y tế (BHYT) và Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động được quy định trong Bộ luật Hình sự 2015. Đây là Nghị quyết quan trọng có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9/2019, sẽ là công cụ pháp lý để tổ chức Công đoàn thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động …

Thực hiện pháp luật về bảo hiểm, trong 5 năm qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo hiểm xã hội các địa phương đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong phòng chống tội phạm, xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, các hành vi nợ, trốn đóng và gian lận về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp. Bộ Luật Hình sự năm 2015 bổ sung 03 tội danh là tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; tội gian lận bảo hiểm y tế; tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Việc bổ sung này đã tạo ra cơ sở pháp lý cho việc xử lý trách nhiệm hình sự các hành vi vi phạm, phần nào đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn và công tác đấu tranh phòng, chống các tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm. Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự năm 2015 vẫn còn có nhiều quy định định tính, chung chung và có cách hiểu khác nhau, cần có sự hướng dẫn để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật.

Nâng cao vị thế, trách nhiệm của tổ chức công đoàn

Tại lễ công bố, TS. Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh TANDTC cho biết, thực hiện pháp luật về bảo hiểm, trong 5 năm qua, BHXH Việt Nam, BHXH các địa phương đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong phòng, chống tội phạm, xử lý vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN. Tuy nhiên, các hành vi chây ỳ, nợ đọng, trốn đóng và gian lận về BHXH, BHYT, BHTN ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp trong khi vẫn còn những vướng mắc cần tháo gỡ để pháp luật bảo vệ thiết thực quyền lợi của người lao động và nhân dân khi tham gia BHXH.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Ngọc Ánh cho rằng, các nội dung hướng dẫn của Nghị quyết 05 đã cơ bản, giải quyết được những vướng mắc hiện nay. Theo ông Ánh, các hành vi nợ, trốn đóng và gian lận về BHXH, BHYT, BHTN ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp. “Hiện nay, các tình tiết, hành vi vi phạm trong quy định có nhiều điểm cần phải hướng dẫn, trong đó, tư cách của cơ quan BHXH tham gia tố tụng cũng chưa được hướng dẫn cụ thể. Đối với các hành vi phạm trước năm 2018 xử lý như thế nào cũng là khó khăn, vướng mắc. Trước thực tế đó, việc ban hành nghị quyết hướng dẫn áp dụng các điều luật về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN là hết sức cần thiết góp phần bảo vệ quyền lợi thiết thực cho người lao động khi tham gia BHXH.

“Nút thắt” trong khởi tố hình sự các tội danh vi phạm về BHXH theo quy định của Bộ Luật hình sự 2015 được thông, giờ đây không chỉ cơ quan BHXH và tổ chức công đoàn, mà bất kỳ ai phát hiện hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cũng có quyền gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng để xem xét khởi tố. Bởi việc trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN không còn là hành vi khởi kiện dân sự. Từ nay, Công đoàn nếu thấy có dấu hiệu vi phạm có quyền gửi văn bản đến cơ quan điều tra xem xét khởi tố để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, đánh giá cao nội dung của nghị quyết và cho biết, mặc dù các hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN đã được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015, tuy nhiên những quy định này vẫn còn mang tính chất định tính, chung chung, có cách hiểu khác nhau, cần có sự hướng dẫn để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật. “Với việc Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP được thông qua sẽ đảm bảo việc áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử đối với các tội danh tại các Điều 214, 215 và 216 của Bộ luật Hình sự. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT và BHTN, đó là những chính sách trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội của đất nước”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi phát biểu tại hội nghị
Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi phát biểu tại hội nghị)

Nghị quyết được ban hành, đi vào cuộc sống các qui định của Bộ luật hình sự về 3 tội danh trong nội dung Nghị quyết sẽ được triển khai, áp dụng đồng bộ, thống nhất trên thực tiễn, qua đó sẽ tăng cường tính răn đe, cảnh báo và bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động và của cơ quan BHXH trong lĩnh vực BHXH, BHYT và BHTN. Về phía TNDTC tiếp tục có những chỉ đạo để thông tin sâu rộng Nghị quyết đến các thẩm phán, cán bộ, công chức ngành Tòa án nói riêng và các cơ quan tư pháp nói chung trong việc đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Nghị quyết này trong thực tiễn.

Để Nghị quyết đi vào cuộc sống, bảo vệ tốt hơn quyền lợi cho người lao động ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng: “Đối với BHXH Việt Nam, cơ quan chủ trì triển khai thực hiện, cần tích cực chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với TANDTC, Bộ Tư pháp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mai và Công nghiệp Việt Nam để thông tin, tuyên truyền rộng rãi cho người lao động, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức và người sử dụng lao động về Nghị quyết 05 cũng như quy định về các tội danh gian lận BHXH, BHYT và BHTN cho người lao động của Bộ luật Hình sự, với mong muốn pháp luật của chúng ta được thực thi trong cuộc sống”.

Chi tiết từng hành vi, tính pháp lý quan trọng bảo vệ người lao động

Thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015 và Nghị quyết số 41 của Quốc hội trong TAND, để kịp thời đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm, khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn xét xử, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15/8 hướng dẫn áp dụng Điều 214 về tội gian lận BHXH, BHTN, Điều 215 về tội gian lận BHYT và Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động của Bộ luật Hình sự. “Nghị quyết này đã được Hội đồng Thẩm phán TANDTC thông qua ngày 25/6/2019 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9/2019. “Nghị quyết gồm 8 điều tập trung vào các nội dung: Phạm vi điều chỉnh, giải thích thuật ngữ, giải thích một số tình tiết định khung hình phạt, một số trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý hành vì trốn đóng trước ngày 1/1/2018, xác định tư cách tố tụng của cơ quan BHXH, tổ chức thực hiện, hiệu lực thi hành. Đồng thời, Nghị quyết đã xác định trách nhiệm của tổ chức công đoàn, cơ quan BHXH trong quá trình khởi tố các tội danh về gian lận, chây ỳ và trốn đóng BHXH cho người lao động.

Một trong những điểm đáng chú ý, đó là Nghị quyết đã quy định rõ một số tình tiết định khung hình phạt gồm: Có tính chất chuyên nghiệp; dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; phạm tội 2 lần trở lên; không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động. Cụ thể, đối với tình tiết có tính chất chuyên nghiệp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 214 và Điều 215 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi gian lận BHXH, BHTN, BHYT từ 5 lần trở lên (không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích) và người phạm tội lấy khoản lợi bất chính thu được từ việc phạm tội làm nguồn thu nhập.

Đối với hành vi dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt quy định tại điểm đ khoản 2 các Điều 214 và Điều 215 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội sử dụng công nghệ cao, móc nối với người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan nhà nước hoặc thủ đoạn gian dối, mánh khóe khác để tiêu hủy chứng cứu, che giấu hành vi phạm tội, gây khó khăn cho việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm.

Đặc biệt đối với tình tiết phạm tội 2 lần trở lên quy định tại điểm a khoản 2 Điều 216 của Bộ luật Hình sự là trường hợp đã thực hiện hành vi phạm tội trôn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động từ 2 lần trở lên nhưng đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, với tình tiết không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm d khoản 2 và điểm c khoản 3 Điều 216 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người sử dụng lao động đã thu hoặc đã khấu trừ tiền đóng bảo hiểm từ tiền lương tháng đóng bảo hiểm của người lao động nhưng không đóng cho cơ quan bảo hiểm.
Bên cạnh các nội dung trên, Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP cũng hướng dẫn chi tiết các nội dung như: Truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể; Xử lý hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động thực hiện trước 0 giờ 00 phút ngày 1/1/2018; Xác định tư cách tố tụng của cơ quan BHXH…

Thành Chung

Link nội dung: https://phaply.net.vn/khoi-to-hanh-vi-tron-dong-bao-hiem-xa-hoi-nut-that-duoc-khoi-thong-cong-doan-se-bao-ve-tot-hon-quyen-loi-cho-nguoi-lao-dong-a211414.html