Báo cáo của Cục Phòng vệ thương mại (PVTM), Bộ Công Thương mới đây cho thấy có 2 vấn đề: xu thế bảo hộ đang gia tăng; tần suất các vụ kiện phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vẫn duy trì ở mức độ cao.
Theo đại diện Cục PVTM, ngay cả khi ta phát triển được chuỗi sản xuất tại Việt Nam (ví dụ như đối với thép, nhôm), nếu xuất khẩu của ta tăng nhanh, đột biến thì ngoài biện pháp chống lẩn tránh, không loại trừ khả năng nước nhập khẩu sẽ điều tra chống bán phá giá và trợ cấp với sản phẩm của ta như đã làm trước đó với một số nước khác. Đây là câu chuyện vốn đã “ầm ỹ” trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Do đó, bên cạnh việc chú trọng phát triển theo chiều sâu (tăng giá trị gia tăng trong nước), Việt Nam cũng cần theo dõi kỹ để cảnh báo sớm nếu như xuất khẩu sang một số thị trường gia tăng nhanh đột biến.
Để thực hiện hiệu quả việc cảnh báo này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan. Ngoài ra, cần thận trọng khi xem xét mở rộng đầu tư, đặc biệt để sản xuất phục vụ xuất khẩu các mặt hàng đã bị nước nhập khẩu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với nước thứ 3. Hàng hóa có thể đáp ứng yêu cầu về xuất xứ nhưng vẫn bị kết luận là lẩn tránh và bị áp thuế cao.
Rõ ràng vấn đề điều tra chống lẩn tránh thuế của các nước, cần được tiếp cận. Nhiều cách nhìn trong thương mại quốc tế luôn thay đổi. Ví dụ: 70 năm qua, sản xuất tôn từ thép cán nóng của Việt Nam được Mỹ xem là quá trình đã có sự chuyển đổi căn bản. Tuy nhiên, hiện nay nếu Việt Nam sử dụng thép cán nóng Trung Quốc sản xuất ra tôn để xuất khẩu sang Mỹ lại bị Mỹ xem xét, có thể coi là lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá mà Mỹ áp dụng cho Trung Quốc. Đây là sự thay đổi cách tiếp cận cực kỳ lớn của phía Mỹ.
Sự thay đổi này rất nguy hiểm với hàng hóa Việt Nam. Bởi lẽ, các nước nhập khẩu như Mỹ có thể áp dụng tối đa biện pháp chống lẩn tránh thuế. Nếu một ngày họ áp dụng ngẫu hứng cách tiếp cận này cho cả hàng dệt may, da giày... thì câu chuyện càng nguy hiểm hơn.
Thay đổi cách tiếp cận này có phù hợp với những quy định của WTO hay không; đồng thời xác định mặt hàng nào có nguy cơ cao bị áp dụng triết lý mới này để cảnh báo, nhất là trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung tăng cao. Các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ tiếp tục mở rộng, điều tra chống gian lận xuất xứ, điều tra chống chuyển tải gian lận thương mại.
Đây là nguy cơ lớn cản trở và thách thức cho phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Diễn biến các xung đột và tranh chấp thương mại, từ đó cập nhật kịp thời và dự báo những vấn đề “nóng” liên quan đến phòng vệ thương mại để cảnh báo sớm cho doanh nghiệp, là điều doanh nghiệp trông chờ vào Nhà nước.
Theo baophapluat.vn
Nguồn bài viết: http://baophapluat.vn/goc-nhin-ban-doc/can-canh-bao-som-cho-doanh-nghiep-viet-nam-465953.html
Link nội dung: https://phaply.net.vn/can-canh-bao-som-cho-doanh-nghiep-viet-nam-a211247.html