“Bóng dáng” tham nhũng qua những con số Thanh tra

Tham nhũng vẫn đang diễn biết hết sức phức tạp, gây thiệt hại nặng nề về nhiều mặt, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của đất nước, làm giảm niềm tin của nhân dân vào các cơ quan công quyền. Tuy nhiên, qua các con số Thanh tra Chính phủ công bố mới đây, có thể thấy số vụ việc sai phạm chuyển cơ quan điều tra để xử lý bằng pháp luật hình sự còn ít.

Phát hiện vi phạm 50.339 tỷ đồng, 1.004 ha đất

Thanh tra Chính phủ vừa tổ chức sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2019. Báo cáo tóm tắt công tác 6 tháng đầu năm 2019 của ngành Thanh tra cho thấy, toàn ngành đã triển khai 3.553 cuộc thanh tra hành chính và 84.604 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.

Qua thanh tra đã phát hiện vi phạm 50.339 tỷ đồng, 1.004 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 34.500 tỷ đồng và 142 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 692 tập thể và nhiều cá nhân; ban hành 54.144 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 1.587 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 44 vụ, 73 đối tượng; chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực.

Về công tác tiếp công dân, cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp 182.303 lượt công dân với 124.178 3 vụ, có 1.935 đoàn đông người. Cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã xử lý 82.260 đơn đủ điều kiện trên tổng số 137.447 đơn tiếp nhận. Có 26.975 đơn khiếu nại, 8.913 đơn tố cáo, với 12.280 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước. Thông qua giải quyết đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại quyền lợi cho công dân 73 tỷ đồng, 02 ha đất; trả lại quyền lợi cho 800 người, xử lý hành chính 183 người, chuyển cơ quan điều tra 11 vụ.

6.1

Báo cáo nhận định: Công tác phòng, chống tham nhũng đã có bước tiến với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đạt được kết quả tích cực, toàn diện trên tất cả các mặt, góp phần ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng. Ngành Thanh tra tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng được thực hiện có hiệu quả tích cực như cải cách hành chính; công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; xây dựng, thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn và quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp...

Chuyển điều tra 11 vụ

Theo báo cáo phản ánh, số tài sản vi phạm được phát hiện lên đến 50.339 tỷ đồng, 1.004 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 34.500 tỷ đồng và 142 ha đất… nhưng lại chỉ chuyển cơ quan điều tra có 11 vụ, cho thấy dường như xử lý sai phạm, tham nhũng chưa nghiêm minh, chưa tương xứng với mức độ nghiêm trọng của tham nhũng hiện nay.

Kết quả này do vướng mắc về những quy định của pháp luật chưa chặt chẽ, còn nhiều lỗ hổng? Hay do quan điểm còn khác nhau trong cơ quan Thanh tra? Hay còn những lý do nào khác?

Số tiền 50,339 tỷ đồng vi phạm là khối tài sản khổng lồ, được quản lý chặt chẽ bằng hệ thống pháp luật về tài chính, ngân sách.

Diện tích đất vi phạm lên đến 1.004 ha, trong khi đất đai là tài sản được quản lý, phân cấp quản lý chặt chẽ, có Luật Đất đai các thời kỳ điều chỉnh, nếu không phải người có chức vụ quyền hạn thì không thể có thẩm quyền “vi phạm” nghiêm trọng đến như vậy.

Những vụ án lớn vừa qua liên quan đến Vũ “nhôm”, Út “trọc”, đến quan chức TP. Hồ Chí Minh, quan chức TP. Đà Nẵng… đều cho thấy đất đai là đối tượng bị tham nhũng nhắm tới, gây hậu quả rất nghiêm trọng về nhiều mặt.

Trong khi đó chúng ta biết rằng, Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước 2008, quy định chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, bao gồm trụ sở làm việc và tài sản khác gắn liền với đất; quyền sử dụng đất đối với đất dùng để xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của cơ quan, tổ chức, đơn vị; máy móc, phương tiện vận tải, trang thiết bị làm việc và các tài sản khác do pháp luật quy định.

6.2

Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 thay thế Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước 2008, tiếp tục tạo cơ sở pháp lý để quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm tài sản công; ngăn chặn, đẩy lùi thất thoát, lãng phí, tham nhũng và các hành vi khác xâm phạm tài sản công; khai thác, sử dụng tài sản công hợp lý, hiệu quả; chuẩn hóa công tác quản lý tài sản công.

Pháp luật còn có các quy định chặt chẽ về chế độ kế toán, kiểm toán, thuế. Ví dụ Luật Kế toán năm 2015 quy định về nội dung công tác kế toán, tổ chức bộ máy kế toán, người làm kế toán, hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán, quản lý nhà nước về kế toán và tổ chức nghề nghiệp về kế toán.

Đối tượng áp dụng của Luật gồm: Cơ quan có nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước các cấp; Cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước; Tổ chức, đơn vị sự nghiệp không sử dụng ngân sách nhà nước; Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam; chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Hộ kinh doanh, tổ hợp tác; Người làm công tác kế toán; Kế toán viên hành nghề; doanh nghiệp và hộ kinh doanh dịch vụ kế toán; Tổ chức nghề nghiệp về kế toán; Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến kế toán và hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán tại Việt Nam.

Bộ luật Hình sự đã quy định các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế với hầu hết các hành vi vi phạm như: Điều 219. Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Điều 220. Tội vi phạm quy định172 về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng; Điều 221. Tội vi phạm quy định174 về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Điều 222. Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Điều 223. Tội thông đồng, bao che cho người nộp thuế gây hậu quả nghiêm trọng; Điều 224. Tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; Điều 227. Tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên; Điều 228. Tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai; Điều 229. Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai; Điều 230. Tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Điều 232. Tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản…v.v.

Và còn nhiều luật chuyên ngành khác bảo đảm hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đúng pháp luật, không gây thất thoát, lãng phí, không bị chiếm đoạt dưới bất kỳ hình thức nào. Như vậy, Luật không thiếu. Do đó, người dân nhìn thấy bóng dáng của tham nhũng sau những con số đó, tuy nhiên, chứng minh tội phạm là trách nhiệm của cơ quan chức năng. Trước hết là cơ quan Thanh tra có nhìn ra dấu hiệu đó để chuyển cơ quan điều tra hay không?

Một số kiến nghị

Các con số rất lớn về khiếu nại, tố cáo của công dân như 182.303 lượt công dân với 124.178 3 vụ; có 1.935 đoàn đông người; 26.975 đơn khiếu nại, 8.913 đơn tố cáo, với 12.280 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước, trong đó chiếm đến 70 % là khiếu nại, tố cáo về đất đai.

Báo cáo của Chính phủ tại Quốc hội cuối năm 2018 đã cho biết: Tố cáo của công dân từ cuối năm 2017 đến cuối năm 2018 nhìn chung còn diễn biến phức tạp và gay gắt. Tố cáo của công dân tăng về số lượng đơn thư cũng như số vụ việc. Tình trạng công dân tụ tập đông người lên Trung ương khiếu kiện gia tăng. Theo đó, tổng số đơn thư khiếu nại, tố cáo tăng 11,8%, số vụ tăng 4,7%.

Các vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai, chiếm 61,8% tổng số đơn. Tương tự, trong số 43.324 đơn thư khiếu nại, tố cáo gửi tới các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH, các Đoàn ĐBQH và ĐBQH thì khiếu nại, tố cáo về lĩnh vực đất đai “vẫn cao như các năm trước”, chiếm 70%.

Thực trạng đó phải chăng cũng phản ánh nguyên nhân xử lý chưa nghiêm minh các sai phạm về đất đai, số vụ được xử lý bằng hình sự còn quá ít so với mức độ nghiêm trọng của sai phạm, dẫn đến vụ việc không được xử lý triệt để, không đủ sức răn đe.

Nhìn từ góc độ phòng, chống tham nhũng có thể thấy, cũng còn có những lỗ hổng cần được sửa đổi, bổ sung để phòng, chống tham nhũng hiệu quả hơn.

Bộ luật Hình sự và Luật Phòng, chống tham nhũng đã trải qua nhiều lần sửa đổi bổ sung điều khoản liên quan đến hành vi tham nhũng và tội phạm tham nhũng, nhưng đến Bộ luật Hình sự 2015 vẫn giữ nguyên quy định tội phạm tham nhũng đối với 7 hành vi tham nhũng, trong khi đó Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 quy định về 12 hành vi tham nhũng. Điều này gây nên những rắc rối, phức tạp, thiếu thống nhất trong quá trình áp dụng pháp luật của cơ quan có thẩm quyền. Có hành vi được xác định là hành vi tham nhũng theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng nhưng không có chế tài hình sự và cũng không có chế tài hành chính cụ thể, riêng biệt nào để xử lý.

Nhà nước cần ban hành văn bản hướng dẫn một số quy định về tội phạm về chức vụ nói chung và tội phạm tham nhũng nói riêng để thuận tiện trong áp dụng pháp luật một cách thống nhất, bảo đảm yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm về tham nhũng. Ví dụ như hướng dẫn cụ thể về lợi ích phi vật chất trong cấu thành định tội, hướng dẫn một số từ ngữ mang tính chất định tính, khó xác định trên thực tế như “lập công lớn”…

BLHS năm 2015 chỉ quy định trách nhiệm hình sự đối với 2 nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và tội phạm về môi trường. Tuy nhiên, đối với nhóm tội phạm được thực hiện bởi các pháp nhân thì chưa đặt ra. Điều này cũng thể hiện sự thiếu tương thích của BLHS với yêu cầu UNCAC. Chính vì vậy, trong giai đoạn tiếp theo, cần nghiên cứu mở rộng phạm vi tội phạm mà pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự cho nhóm tội phạm về tham nhũng.

Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu hệ thống các văn bản liên quan, sửa đổi, bổ sung để tạo điều kiện cho việc tiến tới tội phạm hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp của công chức do lợi dụng chức vụ.

Và một yếu tố quan trọng đầu tiên, không thể không đặc biệt quan tâm, đó là ý thức chấp hành pháp luật, thái độ nghiêm minh, kiên quyết chống tham nhũng, không vụ lợi của chính đội ngũ cán bộ Thanh tra. Nếu yếu tố này không được củng cố, giám sát thì các quy định của pháp luật có chặt chẽ đến đâu cũng bị bóp méo.

Thái Đăng

Link nội dung: https://phaply.net.vn/bong-dang-tham-nhung-qua-nhung-con-so-thanh-tra-a211240.html