(Pháp lý) - Trước “làn sóng” các doanh nghiệp đua nhau phát hành trái phiếu thời gian vừa qua, chuyên gia cho rằng những quy định pháp luật liên quan đến vấn đề này đã khá chặt chẽ, tuy nhiên, các nhà đầu tư muốn tránh rủi ro trong đầu tư, phải sáng suốt lựa chọn những doanh nghiệp có danh tiếng và thực sự tiềm năng.
Chuyên gia bình luận gì về “làn sóng” các doanh nghiệp đua nhau phát hành trái phiếu
Giai đoạn từ nửa cuối năm 2018 đến đầu năm 2019, “cuộc đua” phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp đang gây chú ý không chỉ với lượng phát hành lớn, mà còn ghi nhận mặt bằng lãi suất được đẩy lên. Trong đó, phải kể đến cái bắt tay chiến lược giữa Thaco Group và Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) để cùng phát triển lĩnh vực kinh doanh trái cây vào quý III/2018. Tuy nhiên, chính xác hơn HAGL đã phát hành trái phiếu chuyển đổi cho Thaco để vay hơn 2.200 tỉ đồng. Mục tiêu của HAGL trong việc phát hành trái phiếu nhằm tái cấu trúc nợ, đầu tư mở rộng quy mô vườn trái cây.
Cuối quý I/2019, Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán PDR) phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp với mức lãi suất lên đến 14,5%, cao hơn lãi suất trong những đợt phát hành trước đó (12% và 10,5%).
Tháng 12/2018, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư địa ốc NoVa (Novaland - Mã: NVL) có quyết định phát hành 1.500 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp. Công ty sẽ sử dụng tài sản của doanh nghiệp và bên thứ ba là quyền tài sản của Công ty CP Phát triển Đất Việt phát sinh từ Dự án Chung cư 100 Cô Giang, quận 1, TP HCM để đảm bảo cho các nghĩa vụ của Công ty liên quan đến trái phiếu.
Ở lĩnh vực tài chính - ngân hàng, “làn sóng” phát hành trái phiếu cũng nóng hơn bao giờ hết, khi cuối năm 2018, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thông qua phương án phát hành 400.000 trái phiếu ra công chúng nhằm huy động 4.000 tỉ đồng, trong đó kỳ hạn 7 năm tối đa 3.000 tỉ đồng và kỳ hạn 10 năm tối đa 1.000 tỉ đồng. Một ông lớn khác là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng phát hành thành công trái phiếu đợt 2 năm 2018, huy động 450 tỉ đồng với lãi suất cố định 6%/năm kỳ hạn 2 năm cũng vào giai đoạn cuối năm 2018.
Không đơn giản là bán trái phiếu thành công, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định, các “đại gia” cũng phải chấp nhận đánh đổi nhiều thứ. Cụ thể, trường hợp của HAGL cho thấy, số lượng trái phiếu này sẽ được chuyển đổi thành cổ phiếu và Thaco trở thành cổ đông lớn tại HAGL. Trong khi đó, Công ty của bầu Đức cũng phải nhượng lại dự án bất động sản đầu tư tại Myanmar cho Thaco và chấp nhận cho người Thaco vào Ban điều hành công ty.
Bình luận về việc đánh đổi nêu trên, một chuyên gia cho rằng doanh nghiệp buộc phải nhượng bộ nhiều điều khoản để thu hút người mua, vì trái phiếu được mua để nắm giữ thời gian dài nên khó lường trước được các cú sốc kinh doanh. Chưa kể, việc doanh nghiệp phải đưa lãi suất trái phiếu cao so với lãi suất cho vay ngân hàng sẽ khiến chi phí tài chính sẽ đội lên đáng kể. Do đó, chỉ có một số doanh nghiệp có thương hiệu tốt thì mới nghĩ đến việc huy động vốn qua kênh này.
Đánh giá về những ưu đãi và công bố thông tin phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp hiện nay, Luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng Luật sư Gia đình) cho biết: ngoài việc trả lãi, doanh nghiệp phát hành trái phiếu có quyền kèm theo những ưu đãi, điều kiện, điều khoản khác để thu hút các đối tượng mua trái phiếu.
Việc thỏa thuận này phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh của các bên, chỉ cần thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật. Cụ thể, Nghị định 163/2018/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp quy định, quyền lợi của chủ sở hữu trái phiếu là được doanh nghiệp phát hành trái phiếu thanh toán đầy đủ, đúng hạn gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn và bảo đảm việc thực hiện các quyền kèm theo (nếu có) theo các điều kiện, điều khoản của trái phiếu khi phát hành.
Ngoài ra, Nghị định 163 quy định rõ về việc chào bán trái phiếu của doanh nghiệp với các nội dung cần công bố là trước phát hành, có kết quả, thông tin định kỳ hay bất thường liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.
Đi kèm quy định về chào bán là các chế tài xử phạt rõ ràng nhằm giúp các doanh nghiệp có hiểu biết hơn về việc chào bán trái phiếu. Từ đó, doanh nghiệp sẽ chấp hành tốt hơn. Điều này được ông Trần Minh Hùng chứng minh qua việc các hành vi vi phạm trong chào bán trái phiếu đang giảm trong thời gian gần đây.
Luật đang tháo gỡ cho phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Bên cạnh Nghị định 163/2018, Luật sư Trương Quốc Hoè (Trưởng Văn phòng Luật sư InterLa) nhận định: “Trước nay, quy định pháp luật quy định rõ phải có một tổ chức tín dụng nào đó đứng ra bảo lãnh phát hành. Tuy nhiên, quy định pháp luật mới đang chỉnh sửa, bổ sung thì sẽ không cần tổ chức đứng ra bảo lãnh nữa”.
Nếu theo quy định cũ, doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu ra thị trường cần qua một tổ chức tín dụng nào đó bảo lãnh cho giá trị phát hành thì người mua trái phiếu sẽ không gặp rủi ro.
Tuy nhiên, đơn vị phát hành trái phiếu sẽ phải trả cho ngân hàng một khoản tiền đó là phí bảo lãnh. Thậm chí, doanh nghiệp muốn được ngân hàng bảo lãnh còn phải thế chấp thêm tài sản khác. Đây chính là quy trình bảo lãnh trong quá trình phát hành trái phiếu.
Tuy nhiên, Luật sư Hoè cho rằng: “Quy định này không khác gì người phát hành trái phiếu phải đi vay khoản tiền đó của ngân hàng, vừa không được sử dụng trái phiếu của người khác. Nếu dùng, người mua phải trả lãi suất, trả cho ngân hàng một khoản phí bảo lãnh rồi trả thêm tiền của tài sản phải thế chấp”. Từ đó, vị Luật sư này lập luận, hiện nay, Luật các Tổ chức tín dụng yêu cầu bảo lãnh để phát hành trái phiếu gây chi phí rất cao cho doanh nghiệp.
So với Nghị định 90/2011/NĐ-CP, Luật sư Trần Minh Hùng đánh giá, Nghị định 163/2018/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp khi quy định theo hướng nới lỏng về điều kiện phát hành, để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu.
Theo đó, Nghị định bỏ điều kiện doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải có lãi năm liền kề trước năm phát hành tại Nghị định 90. Đó là một điểm nổi bật trong Nghị định 163, gỡ vướng mắc quy định phải có lãi của Nghị định 90 mà trong một thời gian dài đã gây khó cho doanh nghiệp.
Luật sư Trương Quốc Hoè cũng nhận định, nhìn chung Nghị định 163 quy định khá chặt về quy trình, trình tự, điều kiện phát hành trái phiếu đảm bảo đầu ra của trái phiếu. Muốn tránh rủi ro trong đầu tư trái phiếu, nhà đầu tư cần phải lựa chọn những doanh nghiệp có danh tiếng, tiềm năng, dự án,….
Trước những vướng mắc trong việc Luật các Tổ chức tín dụng yêu cầu bảo lãnh để phát hành trái phiếu gây chi phí rất cao cho doanh nghiệp, Luật sư Hoè cho rằng, Luật đang điều chỉnh và xem xét bỏ bảo lãnh ngân hàng. Theo đó, doanh nghiệp vẫn được quyền phát hành trái phiếu, nhưng hoạt động dưới hình thức uy tín, danh dự thậm chí là chính tài sản đảm bảo của doanh nghiệp đứng ra để trao quyền cho người mua trái phiếu.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải có kiến thức về kinh tế để tránh các rủi ro như: rủi ro lạm phát, rủi ro lãi suất, rủi ro thanh khoản. Điều này sẽ phụ thuộc vào cả doanh nghiệp phát hành trái phiếu và nhà đầu tư.
Nếu vi phạm, các doanh nghiệp sẽ bị xử lý thế nào?
Bàn về các chế tài xử lý vi phạm hoặc xảy ra tranh chấp khi vi phạm về công bố thông tin trong phát hành trái phiếu, cả Luật sư Trần Minh Hùng và Luật sư Trương Quốc Hoè đều cho biết, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt theo Nghị định 108/2013 và Nghị định 145/2016 sửa đổi bổ sung Nghị định 108.
Cụ thể, vi phạm quy định về chào bán cổ phiếu riêng lẻ tại Việt Nam của công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, vi phạm quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ tại Việt Nam sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 - 70.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về thông báo phát hành trái phiếu.
Khi có tranh chấp xảy ra, các chuyên gia pháp lý cho rằng, phương thức giải quyết tốt nhất cho doanh nghiệp là thương lượng. Nếu không thống nhất được phương thức giải quyết thì phải đưa ra Tòa án hoặc Trọng tài nếu các bên có thỏa thuận. Vì về bản chất đây là tranh chấp dân sự.
Giang Nguyễn
Link nội dung: https://phaply.net.vn/doanh-nghiep-va-nhung-van-de-phap-ly-khi-phat-hanh-trai-phieu-a211154.html