Ban hành một đạo luật về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù

Hiện nay có trên 1.400 phạm nhân là người nước ngoài thuộc 30 quốc tịch khác nhau đang chấp hành án hình sự tại các cơ sở giam giữ trên lãnh thổ Việt Nam; có hơn 4000 người Việt Nam đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, chung thân hoặc các hình phạt tước tự do khác ở nước ngoài. Do đó, pháp luật về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù cần được hoàn thiện hơn.

Bộ Công an đã công bố dự thảo báo cáo Tổng kết thi hành pháp luật về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, đề nghị xây dựng dự án Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.

1. Trên 1.400 phạm nhân là người nước ngoài

Tính đến đầu tháng 5/2019, theo thống kê của Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng – Bộ Công an, đã có trên 1.400 phạm nhân là người nước ngoài thuộc 30 quốc tịch khác nhau (bao gồm cả người không có quốc tịch) đang chấp hành án hình sự tại các cơ sở giam giữ trên lãnh thổ Việt Nam; số phạm nhân đang chấp hành án phạt tù là trên 500 người. Trong đó, xem xét đặc điểm nhân thân của các phạm nhân này có thể thấy, số lượng các phạm nhân nam là chủ yếu. Về tội danh, đa số các phạm nhân bị kết án liên quan đến các tội phạm về ma túy và kinh tế. Về quốc tịch, số phạm nhân mang quốc tịch Lào và Trung Quốc (bao gồm cả Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao) là nhiều nhất, tiếp đến là phạm nhân quốc tịch Ni-giê-ri-a, Cam-pu-chia, Ô-xtrây-li-a.

Ảnh minh hoạ (Nguồn Internet)
Ảnh minh hoạ (Nguồn Internet))

Theo số liệu thống kê đến tháng 7/2019, với tư cách là Cơ quan trung ương về chuyển giao người bị kết án phạt tù, Bộ Công an đã tiếp nhận và xử lý 61 hồ sơ yêu cầu chuyển giao phạm nhân từ Việt Nam ra nước ngoài (chủ yếu là các nước: Ô-xtrây-lia, Hàn Quốc, Lào). Trong số các yêu cầu chuyển giao nêu trên, Bộ Công an đã thực hiện chuyển 16 phạm nhân cho phía nước ngoài, gồm: Bun Kiss Sina (2004, Pháp), Sapa Lavelua (2010, Pháp), Andro Stesphane Michel Augste (2005, Pháp), Chăm Khảo Pha Na Xạ Máy (2007, Lào), 03 phạm nhân người Thái Lan, Trần Thị Hiền (2011, Vương quốc Anh, đã chết sau 01 tuần kể từ ngày được chuyển giao về Vương quốc Anh do bị bệnh nặng); Kim Ji Jong (2012, Hàn Quốc); Tan Òn Luông Bộ Lỵ Bun (2012, Lào); Phon Sa Vẳn Vông Khăm Khun (2013, Lào); Martin Phạm (2017, Ô-xtrây-li-a); Nguyễn Thị Kim Hiếu (2017, Ô-xtrây-li-a), Trịnh Hữu (2017, Ô-xtrây-li-a), Phan Thị Kim Phượng (2018, Ô-xtrây-li-a); Trần Văn Việt (2018, Ô-xtrây-li-a); các Tòa án có thẩm quyền đã ra 07 Quyết định thi hành quyết định chuyển giao phạm nhân cho nước ngoài nhưng chưa tiến hành bàn giao phạm nhân do phía đối tác nước ngoài chưa có trả lời chính thức về thời gian, địa điểm bàn giao (tuy nhiên đã có 04 trường hợp trong 07 trường hợp nêu trên rút đơn xin được chuyển giao, do vậy phía nước ngoài thông báo không tiếp tục xử lý vụ việc và đóng hồ sơ, đến nay 04 phạm nhân tiếp tục chấp hành án tại Việt Nam gồm: Nguyễn Kant, Lê Mỹ Linh, Lương Jasmine, Chu Hoàng Mai); đang trao đổi về thời gian và địa điểm để bàn giao 03 phạm nhân về Ô-xtrây-li-a (Trang Bích Phượng, Phillip Nguyễn, Lâm Mộng Chinh); chuẩn bị tiến hành chuyển giao 02 phạm nhân cho Bun-ga-ry (dự kiến vào ngày 08/8/2019). Các phạm nhân đã được chuyển giao chủ yếu phạm các tội về ma túy.

2.Hơn 4000 người Việt Nam đang chấp hành bản án hình sự ở nước ngoài

Theo số liệu thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, tính đến tháng 5/2019 có hơn 5 triệu người Việt đang làm ăn, sinh sống, lao động, học tập tại 103 nước và vùng lãnh thổ.

Theo số liệu của Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao có hơn 4000 người Việt Nam đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, chung thân hoặc các hình phạt tước tự do khác ở nước ngoài, tập trung phần lớn tại tại Trung Quốc (bao gồm cả Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao), Cộng hòa Séc, Vương quốc Cam-pu-chia, Cộng hòa Liên bang Đức.

Tính đến tháng 5/2019, Bộ Công an đã nhận được trên 16 đề nghị của phía nước ngoài về việc chuyển giao công dân Việt Nam đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài về Việt Nam để tiếp tục chấp hành hình phạt, trong đó có đối tượng liên quan đến tổ chức khủng bố quốc tế, có đối tượng là đối tượng truy nã của Việt Nam. Việt Nam đã tiến hành tiếp nhận 04 phạm nhân đầu tiên từ Vương quốc Anh về Việt Nam để tiếp tục cho chấp hành án, gồm: Khoa Kim Học, Vũ Lâm Giang, Vũ Văn Phòng và Nguyễn Việt Cường. Các phạm nhân này đều bị Tòa án có thẩm quyền của Vương quốc Anh tuyên hình phạt tù chung thân về tội giết người. Quá trình chuyển giao không áp dụng các biện pháp chuyển đổi hình phạt; đến nay, chưa phạm nhân nào được áp dụng các hình thức giảm án, tha tù trước thời hạn.

3.Khó khăn vướng mắc trong thực tiễn

Qua triển khai thực thi các quy định về chuyển giao người bị kết án phạt tù của Luật Tương trợ tư pháp, cho thấy một số thuận lợi như: Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta là tăng cường, chủ động hợp tác quốc tế sâu, rộng trong mọi lĩnh vực với các đối tác nước ngoài, trong đó có lĩnh vực chuyển giao người bị kết án phạt tù; Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chuyển giao người bị kết án phạt tù đã cơ bản tương thích với pháp luật quốc tế. Số lượng các ĐƯQT về chuyển giao người bị kết án phạt tù mà Việt Nam đã, đang và sẽ đàm phán, ký kết với các nước ngày càng tăng; Đội ngũ cán bộ phục vụ công tác chuyển giao người bị kết phạt tù từng bước được kiện toàn cả về số lượng và chất lượng.

Bên cạnh các mặt đã đạt được, qua triển khai thi hành quy định về chuyển giao người bị kết án phạt tù còn cho thấy một số khó khăn, vướng mắc cơ bản như: Nhiều nội dung của Luật tương trợ tư pháp năm 2007 chưa phù hợp với pháp luật quốc tế, thông lệ quốc tế và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Quá trình thực hiện hoạt động chuyển giao người bị kết án phạt tù ở Việt Nam đã phát sinh một số trường hợp chưa từng có và pháp luật chưa được dự liệu hết cần được nghiên cứu để đề xuất đàm phán, ký kết, sửa đổi, bổ sung điều ước quốc tế hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung pháp luật.

Vụ Nguyễn Văn Thông (2017, Nga), cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã can thiệp, đề nghị, chuyển bằng chứng chứng minh Nguyễn Văn Thông là người bị hại và không có tội đến Tòa án có thẩm quyền của Liên bang Nga trước khi Nguyễn Văn Thông bị đưa ra xét xử tại Nga nhưng đã không được chấp thuận; vụ Nguyễn Kant, Chu Hoàng Mai (2017, Ô-xtrây-lia) rút đơn xin chuyển giao sau khi quyết định thi hành quyết định chuyển giao của Tòa án nhân dân có thẩm quyền (TAND Tp Hồ Chí Minh) đã có hiệu lực pháp luật; vụ Lê Mạnh Lương khai man quốc tịch Anh để xin được chuyển giao về Anh, sau khi có quyết định chuyển giao của TAND Tp Hà Nội có hiệu lực, phía Anh mới xác minh được vụ việc này và chính thức rút lại quyết định đồng ý chuyển giao phạm nhân mang tên Lê Mạnh Lương; vụ Nguyễn Việt Cường (Hải Phòng) áp dụng đồng thời cả thủ tục chuyển giao và tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam về hành vi giết người và gây rối trật tự công cộng trước khi rời Việt Nam.

4.Kiến nghị thiết thực

Hoạt động chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù là hoạt động hợp tác quốc tế trong thi hành án hình sự nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người nước ngoài phạm tội, bị kết án phạt tù có thời hạn và tù chung thân có cơ hội được tiếp tục chấp hành án ở nước nơi người đó mang quốc tịch hoặc nơi cư trú chính của phạm nhân trên lãnh thổ Bên nhận ngay trước khi người đó bị tuyên hình phạt tù trên lãnh thổ của Bên chuyển giao vì mục đích nhân đạo, vì mục tiêu người phạm tội sẽ tái hòa nhập cộng đồng thành công sau khi chấp hành xong hình phạt, vì vậy, hoạt động này có ý nghĩa chính trị, nhân đạo sâu sắc. Để đảm bảo hiệu quả hoạt động chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, trong thời gian tới, Bộ Công an đưa ra một số kiến nghị:

Một là, cần sớm ban hành một đạo luật riêng biệt về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù trên cơ sở tách từ Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 để phân biệt rõ giữa các hoạt động mang bản chất nhân đạo với các hoạt động mang tính cưỡng chế cao như dẫn độ, tương trợ tư pháp về hình sự của Luật Tương trợ tư pháp hiện hành. Các nội dung quy định trong dự thảo Luật chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù sẽ tạo cơ sở pháp lý mới đầy đủ, toàn diện hơn trong việc thực hiện chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù ở Việt Nam, góp phần bảo đảm chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước, bảo đảm hiệu quả công tác thi hành án hình sự và tái hoà nhập xã hội thành công.

Hai là, cần tăng cường đàm phán, ký kết ĐƯQT về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù với các quốc gia và vùng lãnh thổ nơi có nhiều công dân Việt Nam đang làm việc, sinh sống, lao động, học tập hoặc các quốc gia có nhiều công dân hiện đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam; các quốc gia láng giềng có chung đường biên giới trên đất liền, trong cùng ASEAN…

Ba là, tiến hành khảo sát, thống kê, đánh giá thực trạng, tình hình người Việt Nam đang chấp hành án tại nước ngoài và nhu cầu được chuyển giao về Việt Nam để tiếp tục chấp hành án. Đồng thời, khảo sát khả năng đáp ứng yêu cầu tiếp nhận của các trại giam tại Việt Nam trong trường hợp tất cả các công dân Việt Nam đang chấp hành án tại nước ngoài mong muốn được trở về Việt Nam để chấp hành án.

Theo tapchitoaan.vn

Nguồn bài viết: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/xay-dung-phat-luat/ban-hanh-mot-dao-luat-ve-chuyen-giao-nguoi-dang-chap-hanh-an-phat-tu

Link nội dung: https://phaply.net.vn/ban-hanh-mot-dao-luat-ve-chuyen-giao-nguoi-dang-chap-hanh-an-phat-tu-a211126.html