Kiên quyết không để hình thành các điểm nóng về tội phạm và an ninh, trật tự

Sáng 25-7, tại trụ sở Văn phòng Chính phủ, Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138/CP) và Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng năm 2019 và triển khai nhiệm vụ thời gian tới.

Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP và Trưởng ban Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì hội nghị. Cùng dự có Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo 138/CP.

 Phó thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.)

Thông tin về công tác phòng, chống tội phạm trong 6 tháng đầu năm, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng ban Chỉ đạo 138/CP cho biết, trong 6 tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra 25.617 vụ phạm pháp hình sự (giảm 0,99% so với cùng kỳ năm 2018) nhưng tội phạm hình sự có chiều hướng hoạt động manh động, nguy hiểm hơn, một số vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; xảy ra nhiều vụ giết người. Hoạt động tội phạm núp bóng doanh nghiệp, bảo kê bến bãi, “tín dụng đen”, cầm đồ, siết nợ thuê, gắn với hành vi bắt giữ người trái luật, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản mặc dù đã được kiềm chế nhưng vẫn diễn biến phức tạp.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, các lực lượng chức năng đã điều tra, khám phá 21.071 vụ phạm pháp hình sự, bắt hơn 45.000 đối tượng, đạt tỷ lệ 82,25%; án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 95,16%. Cùng với đó, phát hiện đấu tranh gần 10.000 vụ phạm tội về kinh tế; 168 vụ phạm tội về tham nhũng. Phát hiện gần 14.000 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về môi trường…

 Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.)

Báo cáo của Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến, địa bàn cả nước tiếp tục diễn biến phức tạp. Các đội tượng hoạt động ngày càng tinh vi, có tổ chức và manh động. Đặc biệt, nổi lên tình trạng buôn bán vận chuyển ma túy; hàng hóa sản xuất từ nước ngoài, hàng giả, hàng nhái, giả mạo xuất xứ, nhãn mác “made in Viet Nam” để gian lận thương mại, gây thất thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp Việt Nam và thiệt hại cho người tiêu dùng. 6 tháng đầu năm 2019, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 85.892 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách Nhà nước đạt hơn 6.165 tỷ đồng, khởi tố 1.311 vụ (tăng hơn 47% so với cùng kỳ năm 2018), với 1.546 đối tượng (tăng hơn 56% so với cùng kỳ năm 2018).

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình ghi nhận, biểu dương những kết quả công tác mà Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia các cấp đã đạt được trong 6 tháng năm 2019. “Những kết quả trên đã góp phần làm giảm tội phạm, tạo môi trường xã hội lành mạnh, cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, Phó thủ tướng khẳng định.

Bên cạnh kết quả đạt được, Phó thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế, tồn tại cần khắc phục. Đó là, tình hình tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, gắn với sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thậm chí là tiêu cực, tham nhũng, bao che, tiếp tay của một bộ phận cán bộ công chức thoái hoá, biến chất.

Để công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới có được chuyển biến căn bản, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức quán triệt, triển khai, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các Chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.

Đặc biệt, Phó thủ tướng nhấn mạnh tới việc đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Nếu trên địa bàn, lĩnh vực nào để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài về tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả hoặc có cán bộ, công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng thì phải tổ chức kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm người đứng đầu; kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, loại ra khỏi bộ máy những cán bộ tha hóa, biến chất, tiếp tay cho tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, làm tốt công tác nắm, dự báo tình hình, không để xảy ra bị động, bất ngờ trong phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự. Bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội quan trọng của đất nước, hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế đến Việt Nam. Đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tiếp nhận và giải quyết kịp thời, đúng pháp luật khiếu nại, tố cáo của người dân ngay từ cơ sở, không để hình thành các điểm nóng về an ninh, trật tự.

Theo qdnd.vn

Nguồn bài viết: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/kien-quyet-khong-de-hinh-thanh-cac-diem-nong-ve-toi-pham-va-an-ninh-trat-tu-583296

Link nội dung: https://phaply.net.vn/kien-quyet-khong-de-hinh-thanh-cac-diem-nong-ve-toi-pham-va-an-ninh-trat-tu-a210697.html