Pháp lý: Nền tảng để bảo hộ công dân các quốc gia

(Pháp lý) - Theo thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện có khoảng 6 triệu công dân Việt Nam ở khắp các châu lục trên thế giới. Với số lượng người Việt Nam xuất cảnh ra nước ngoài với nhiều mục đích khác nhau ngày càng tăng, đã và đang đặt ra yêu cầu và nhiệm vụ mới cho công tác bảo hộ người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là các vấn đề pháp lý - nền tảng để bảo hộ công dân.

Không để công dân Việt Nam bị oan ức hay… “bắt nạt”

Ngày 4/7, tại một ngôi nhà riêng của một gia đình chồng Hàn vợ Việt ở Yeongam, tỉnh Nam Jeolla, Hàn Quốc, người chồng Hàn Quốc 36 tuổi đã đánh đập dã man người vợ Việt Nam của mình suốt 3 tiếng đồng hồ trước mặt cậu con trai 2 tuổi. Người vợ phải nhập viện điều trị trong 4 tuần vì gãy xương sườn và nhiều chấn thương khác. Vụ việc cực kỳ nghiêm trọng đã gây rúng động dư luận Hàn Quốc. Sau khi xem video, rất nhiều người Hàn Quốc đã tỏ ra xấu hổ và căm phẫn với hành vi của người đàn ông này.

 Cảnh người chồng Hàn Quốc 36 tuổi đánh đập dã man người vợ Việt Nam
Cảnh người chồng Hàn Quốc 36 tuổi đánh đập dã man người vợ Việt Nam)

Sau khi sự việc vỡ lở, cảnh sát địa phương đã tạm thời cách ly nạn nhân và đứa con ra khỏi người chồng. Cô hiện được Tổ chức Quyền lợi Phụ nữ Nhập cư Hàn Quốc chăm sóc. Ngày 7/7, nghi phạm đã bị cảnh sát bắt giữ.

Ngay sau vụ việc xảy ra, công tác bảo hộ công dân theo các quy định pháp lý và ngoại giao của Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đã được thực thi. Đại sứ quán Việt Nam tại Seoul đã liên hệ với các cơ quan chức năng địa phương xác minh thông tin vụ việc, yêu cầu chính quyền sở tại điều tra, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật sở tại, nhằm ngăn ngừa các hành vi tương tự trong tương lai. Bộ Ngoại giao cũng cho biết đã trao đổi với Đại sứ quán Hàn Quốc tại Hà Nội. Phía Hàn Quốc tỏ ý lấy làm tiếc, khẳng định quan tâm đặc biệt để giải quyết tốt vụ việc.

Trước các hành động quyết liệt nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam, ngoài việc xử lý nghi phạm theo pháp luật sở tại, ông Min Gap Ryong, Giám đốc Cơ quan Cảnh sát Quốc gia của Hàn Quốc nói: "Tôi muốn gửi lời xin lỗi về vụ bạo hành gia đình liên quan đến người Việt. Tôi rất lấy làm tiếc về việc này. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để hỗ trợ nạn nhân". Lời xin lỗi được đưa ra hôm 8/7, bên lề cuộc gặp giữa ông Min với Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

Ở cấp cao hơn, Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon cũng đã lên tiếng xin lỗi về vụ việc, đồng thời cam kết tăng cường những nỗ lực bảo vệ quyền con người và an toàn cho người dân Việt Nam đang sống tại Hàn Quốc.

Đây không phải là vụ việc “cộm cán” trong thời gian gần đây khi công tác bảo hộ công dân Việt Nam tại nước ngoài liên quan đến các vấn đề pháp lý được thực hiện một cách quyết liệt.

Gần đây nhất, Đoàn Thị Hương, công dân Việt Nam, và Siti Aisyah, công dân Indonesia, bị bắt giữ ngày 15/2/2017 liên quan đến nghi án ám sát công dân Triều Tiên tên Kim Chol, tại Malaysia cũng là một minh chứng khác về công tác bảo hộ công dân Việt Nam tại nước ngoài.

Trước khi được phóng thích (trả tự do, cấm nhập cảnh Malaysia), Bộ Ngoại giao thường xuyên giữ liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia, nhằm bảo hộ công dân của mình. Hơn 20 phiên tòa xét xử công dân Đoàn Thị Hương đều có mặt đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia và đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Malaysia.

Về góc độ pháp lý và ngoại giao, ngoài việc thuê các Luật sư cho Đoàn Thị Hương, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp cũng đã nhiều lần nêu vụ việc trong trao đổi các cấp, kể cả cấp cao với Malaysia, đề nghị Malaysia xét xử công bằng, đảm bảo lợi ích hợp pháp của công dân Đoàn Thị Hương.

 Việc Đoàn Thị Hương được trả tự do là là kết quả của các nỗ lực bảo hộ công dân của Chính phủ, Bộ Ngoại giao Việt Nam
Việc Đoàn Thị Hương được trả tự do là là kết quả của các nỗ lực bảo hộ công dân của Chính phủ, Bộ Ngoại giao Việt Nam)

Việc Đoàn Thị Hương được trả tự do sau phiên tòa xét xử cuối cùng ngày 1/4/2019, nhận định của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thu Hằng là “kết quả của các nỗ lực bảo hộ công dân của Chính phủ, Bộ Ngoại giao, các cơ quan liên quan và Liên đoàn Luật sư của Việt Nam cùng các luật sư người Malaysia".

Pháp lý: Nền tảng để bảo hộ công dân các quốc gia

Trong luật quốc tế, bảo hộ công dân đặt ra khi cá nhân, tổ chức hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền của quốc gia sở tại có hành vi trái pháp luật quốc tế, qua đó gây phương hại đến các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân mình ở nước ngoài. Quốc gia mà người đó là công dân có trách nhiệm tiến hành các biện pháp cần thiết, phù hợp với pháp luật quốc gia sở tại và pháp luật quốc tế để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân mình.

Trên thực tế, các chuyên gia luật quốc tế đều đưa ra một nhận định chung về công tác bảo hộ công dân: “Nền tảng pháp lý của mỗi quốc gia phù hợp với các thỏa thuận ngoại giao hoặc tương trợ tư pháp. Đồng thời, việc bảo hộ công dân được hầu hết các quốc gia thực hiện và dựa trên nguyên tắc này”.

Tuy nhiên, đối với các khối liên minh nhiều quốc gia hoặc vùng lãnh thổ như EU, việc bảo hộ công dân được quy định rất rõ ràng trong các luật và bộ luật. Như tại EU, quyền được bảo hộ ngoại giao và lãnh sự của công dân EU tại một nước thứ ba, nơi quốc gia thành viên họ mang quốc tịch không có đại diện là một trong những quyền đặc thù trong quy chế công dân EU, được ghi nhận trong các văn kiện quan trọng của EU như Hiệp ước Chức năng của EU; Hiến chương về các Quyền cơ bản của EU…
Đặc biệt, việc bảo vệ công dân của EU được tuân thủ theo nguyên tắc không phân biệt đối xử dựa trên quốc tịch của công dân EU. Theo đó công dân của EU sẽ có quyền được yêu cầu sự bảo hộ từ bất kỳ nước thành viên nào mà không bị phân biệt về mặt quốc tịch.

Trong khi đó, Đức một quốc gia thành viên của EU, lại có những nguyên tắc pháp lý riêng trong việc bảo hộ công dân. Hoạt động này được thực hiện trên cơ sở các điều ước quốc tế mà Đức là thành viên. Hiến pháp Đức không quy định về quyền được bảo hộ ngoại giao hay lãnh sự của công dân Đức khi ở nước ngoài, mà việc bảo hộ này được ghi nhận một cách gián tiếp thông qua chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan ngoại giao, lãnh sự của Đức.

“Dù không quy định trong Hiến pháp nhưng Luật Lãnh sự của Đức lại ghi nhận một sự tích cực rất cao về pháp lý bảo hộ công dân: Các cá nhân không phải là công dân Đức nhưng là con, cháu và thành viên gia đình của công dân Đức đang chung sống hoặc đã chung sống trong thời gian dài với công dân Đức, cũng như công dân của các nước thành viên EU cũng có thể được cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Đức ở nước tiếp nhận trợ giúp và bảo hộ trong trường hợp cần thiết”, một nghiên cứu của Tạp chí Luật của Đại học Harvard chỉ rõ.

Khác với Đức, ở Ba Lan, quyền được bảo hộ về mặt ngoại giao là quyền hiến định của công dân Ba Lan. Quy định này một mặt trao quyền cho công dân Ba Lan, mặt khác, ấn định nghĩa vụ đối với cơ quan nhà nước của Ba Lan trong việc trợ giúp và bảo hộ công dân nước mình. Trong trường hợp cơ quan đại diện của Ba Lan ở nước ngoài không tiến hành các hoạt động trợ giúp cần thiết khi công dân Ba Lan đang gặp khó khăn, khủng hoảng… cá nhân đó có thể khởi kiện cơ quan đại diện của Ba Lan ở nước ngoài trước toà án Ba Lan và có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Tại Việt Nam, bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam ở nước ngoài nói chung và của người lao động Việt Nam ở nước ngoài nói riêng, là một trong những mục tiêu hàng đầu của công tác quản lý di cư. Hiến pháp Việt Nam năm 2013 cũng quy định rõ : “Công dân Việt Nam ở nước ngoài được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ”.

Trên cơ sở pháp lý này, khi công dân Việt Nam gặp các vấn đề “sự cố”, thông qua các cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan Lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài sẽ thi hành mọi biện pháp để công dân Việt Nam được hưởng đầy đủ các quyền và lợi ích theo pháp luật nước tiếp nhận, điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước đó ký kết hoặc tham gia hoặc theo tập quán quốc tế. Tuy vậy, theo Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam, vẫn còn không ít khó khăn và thách thức, trong đó có vấn đề về nhân lực và kinh phí cho công tác bảo hộ công dân. Trên thế giới có hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, nhưng chỉ có 94 Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện công tác lãnh sự và bảo hộ công dân.

Theo Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, chỉ trong năm 2018 đã tiến hành tiếp nhận và bảo hộ công dân Việt Nam tại nhiều quốc gia. Điển hình là hỗ trợ pháp lý cho công dân Đoàn Thị Hương bị bắt và xét xử tại Malaysia; bảo hộ các lao động Việt Nam gặp nạn trên chuyến bay của Hãng hàng không Papua New Guinea ngày 28/9/2018; Xử lý vụ 152 người Việt Nam được cho là bỏ trốn khi nhập cảnh Đài Loan tháng 12/2018; Khuyến cáo công dân Việt Nam tham dự các sự kiện thể thao quốc tế lớn ở nước ngoài (ASIAD tại Indonesia, World Cup 2018 tại Nga, AFF Suzuki Cup 2018); bảo hộ công dân đối với 15 người Việt Nam gặp nạn tại Ai Cập ...Đáng lưu ý, tổng đài bảo hộ công dân (+84.981848484) đã tiếp nhận, giải đáp và xử lý hơn 4.000 cuộc gọi và 650.000 tin nhắn hỗ trợ công dân.

Hải Dương

 

Link nội dung: https://phaply.net.vn/phap-ly-nen-tang-de-bao-ho-cong-dan-cac-quoc-gia-a210600.html