(Pháp lý) - Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được coi là một truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam. Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, trẻ em luôn là đối tượng nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, gia đình và toàn xã hội. Điều này được khẳng định bằng việc Việt Nam là một trong những nước đầu tiên trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em. Nhìn nhận được vấn đề này, hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay đều ghi nhận và bảo đảm quyền trẻ em một cách tối đa. Qua bài viết “Quyền trẻ em trong pháp luật Việt Nam hiện nay”, tác giả hy vọng sẽ mang lại cho bạn đọc cái nhìn khái quát về quyền trẻ em đã được ghi nhận trong pháp luật Việt Nam.
Tính đến thời điểm hiện nay, CRC là văn kiện quốc tế có giá trị pháp lý cao nhất về quyền con người của trẻ em. Công ước được Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 20/11/1989 và Việt Nam đã phê chuẩn Công ước ngày 20/2/1990, là nước đầu tiên ở Châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước. Ngay sau khi phê chuẩn CRC, Việt Nam đã tiến hành đưa tinh thần và nội dung của Công ước trong chiến lược phát triển luật pháp quốc gia, đặc biệt là phát triển hệ thống pháp luật về quyền trẻ em.
Hiến pháp 2013 là tiền đề, là nền tảng pháp lý để có những cải tiến mạnh mẽ, đột phá trong lĩnh vực chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
Trên tinh thần và các quy định về quyền trẻ em của Hiến pháp 2013 và CRC, Luật Trẻ em 2016 gồm 7 Chương và 106 Điều, trong đó quy định 25 quyền dành cho trẻ em.
Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, bên cạnh Hiến pháp 2013 và Luật Trẻ em 2016, còn có nhiều văn bản pháp luật khác cũng chứa đựng những quy định trực tiếp hoặc gián tiếp về quyền trẻ em ở nhiều lĩnh vực (hình sự, giáo dục, y tế, lao động, bảo hiểm, hôn nhân và gia đình…). Tựu trung lại, quyền trẻ em được pháp luật Việt Nam ghi nhận trên các khía cạnh cơ bản sau:
Quyền sống: Theo CRC thì quyền sống là quyền đầu tiên trẻ em được hưởng và phải bảo vệ. Với ý nghĩa đó, Việt Nam đã kế thừa và quy định chặt chẽ việc bảo vệ quyền sống của con người nói chung và quyền sống của trẻ em nói riêng. Nội dung này được quy định trong Điều 19 Hiến pháp 2013 “ Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật” và Điều 12 Luật Trẻ em 2016 “Trẻ em có quyền được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển”. Ngoài ra, nội dung của quyền này còn được ghi nhận tại Khoản 1 Điều 33 Bộ luật Dân sự 2015 “Cá nhân có quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, thân thể, quyền được pháp luật bảo hộ về sức khỏe. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật”.
Quyền được khai sinh: Đây là một trong những quyền dân sự cơ bản, quan trọng của con người có từ khi sinh ra, để được công nhận là một thành viên của xã hội và là công dân của một Nhà nước. Nội dung của quyền này được quy định tại Khoản 1 Điều 7 CRC, Điều 13 Luật trẻ em 2016 và Khoản 1 Điều 26 Bộ luật dân sự 2015. Theo đó, mọi trẻ em khi sinh ra đều có quyền được khai sinh. Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của mỗi cá nhân và là căn cứ khẳng định trẻ em sinh ra là một công dân của quốc gia đó. Về mặt pháp lý, đây là cơ sở, tiền đề bắt buộc để từ đó, cá nhân được hưởng và đòi hỏi được hưởng các quyền con người, quyền công dân của mình.
Quyền có quốc tịch: Luật Quốc tịch năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mỗi cá nhân đều có quyền có quốc tịch”, điều này có nghĩa là mọi trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam đều có quyền có quốc tịch. Theo quy định, quốc tịch của trẻ em chủ yếu phụ thuộc vào quốc tịch của cha mẹ. Cụ thể, Điều 15, Điều 16, Điều 17 Luật Quốc tịch năm 2008 nêu rõ những trường hợp trẻ em được xác định là có quốc tịch Việt Nam
Quyền được chăm sóc sức khoẻ: Điều 14 Luật Trẻ em 2016 quy định “Trẻ em có quyền được chăm sóc tốt nhất về sức khỏe, được ưu tiên tiếp cận, sử dụng dịch vụ phòng bệnh và khám bệnh, chữa bệnh” và Điều 84 Luật Trẻ em 2016 cũng quy định rất rõ vai trò, trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc bảo đảm trẻ em được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng và công bằng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Điều 43 Luật Trẻ em 2016 quy định về trách nhiệm của Nhà nước trong việc ban hành, thực hiện các chính sách về bảo đảm chăm sóc sức khỏe trẻ em, bao gồm việc tư vấn, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ mang thai, các chính sách giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em, chính sách về tiêm chủng, bảo đảm an toàn thực phẩm, chính sách bảo hiểm y tế…
Trẻ em là một đối tượng đặc biệt trong vấn đề bảo đảm chăm sóc sức khỏe. Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 xác định trẻ em dưới 6 tuổi được ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh là một nguyên tắc trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (Điều 3); và chính sách của nhà nước cần quan tâm dành ngân sách cho việc chăm sóc sức khỏe đối với trẻ em (Điều 4). Điều này thể hiện sự quan tâm của Nhà nước ta đối với vấn để bảo đảm chăm sóc sức khỏe của trẻ em.
Quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng: Điều 15 Luật Trẻ em 2016 khẳng định “Trẻ em có quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng để phát triển toàn diện”. Bên cạnh đó, Điều 42 Luật Trẻ em 2016 còn xác định Nhà nước phải có những chính sách, biện pháp nhằm đảm bảo thực hiện việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Bên cạnh gia đình, cơ sở giáo dục cũng có vai trò quan trọng trong việc thực hiện chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em. Trách nhiệm này được khẳng định tại Điều 21 Luật Giáo dục năm 2005: “Cơ sở giáo dục mầm non thực hiện việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em từ ba tháng tuổi đến sáu tuổi”. Thực tế cho thấy, nhà trường có vai trò rất lớn đối với sự phát triển của trẻ em cũng như chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em. Bởi vì, phần lớn thời gian của trẻ trong độ tuổi này được chăm sóc ở các cơ sở giáo dục.
Quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu: Điều 16 Luật Trẻ em 2016 quy định: “Trẻ em có quyền và bình đẳng về cơ hội được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân”, quy định này thể hiện việc Nhà nước trao quyền học tập cho trẻ em và bảo đảm mọi trẻ em được bình đẳng trước các cơ hội hưởng quyền học tập dù hoàn cảnh và điều kiện sống khác nhau.
Điều 11 Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định Nhà nước đảm bảo các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở trong cả nước và gia đình có trách nhiệm tạo điều kiện cho các thành viên học tập để đạt trình độ giáo dục phổ cập. Như vậy, mọi trẻ em trong độ tuổi quy định đều có quyền và có nghĩa vụ học tập để đạt trình độ giáo dục phổ cập. Đồng thời, Nhà nước, gia đình phải có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện để mọi trẻ em trong độ tuổi được giáo dục phổ cập.
Quyền vui chơi, giải trí: Nội dung này được quy định tại Điều 17 Luật Trẻ em 2016 “Trẻ em có quyền vui chơi, giải trí; được bình đẳng về cơ hội tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch phù hợp với độ tuổi”.
Quyền có tài sản: Điều 20 Luật Trẻ em 2016 khẳng định: “Trẻ em có quyền sở hữu, thừa kế và các quyền khác đối với tài sản theo quy định của pháp luật”. Nhằm cụ thể nội dung Điều 20, khoản 2 Điều 101 Luật này nêu rõ: Cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em và các thành viên trong gia đình có trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em; đại diện cho trẻ em trong các giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm trong trường hợp để trẻ em thực hiện giao dịch dân sự trái pháp luật. Cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em phải giữ gìn, quản lý tài sản của trẻ em và giao lại cho trẻ em theo quy định của pháp luật.. Trường hợp trẻ em gây thiệt hại cho người khác thì cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em phải bồi thường thiệt hại do hành vi của trẻ em đó gây ra theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Điều 76 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 còn quy định “Tài sản riêng của con dưới 15 tuổi, con mất năng lực hành vi dân sự do cha mẹ quản lý. Cha mẹ có thể ủy quyền cho người khác quản lý tài sản riêng của con”. Trẻ em chưa có đủ năng lực quản lý, định đoạt tài sản riêng nên pháp luật quy định trách nhiệm thuộc về cha,mẹ, người giám hộ trong việc quản lý và định đoạt tài sản riêng của trẻ em.
Quyền được sống chung với cha mẹ: Trẻ em là người chưa đạt tới sự trưởng thành về mặt sinh học, tâm lý xã hội để được coi là người lớn và do đó chưa trưởng thành để có thể sống hoàn toàn tự lập. Điều 22 Luật Trẻ em quy định: “Trẻ em có quyền được sống chung với cha, mẹ; được cả cha và mẹ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, trừ trường hợp cách ly cha, mẹ theo quy định của pháp luật hoặc vì lợi ích tốt nhất của trẻ em. Khi phải cách ly cha, mẹ, trẻ em được trợ giúp để duy trì mối liên hệ và tiếp xúc với cha, mẹ, gia đình, trừ trường hợp không vì lợi ích tốt nhất của trẻ em”.
Trong một số trường hợp trẻ em phải sống cách ly cha mẹ như: Khi cha và mẹ đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang phải chấp hành hình phạt tù (trừ những trẻ em dưới 36 tháng tuổi vẫn có thể ở chung với cha, mẹ trong tù); Khi cha mẹ bị Toà án quyết định không cho chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con; khi cha mẹ đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội; Khi cha mẹ đang chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiên bắt buộc… Điều này cũng quy định trách nhiệm cụ thể của các chủ thể có liên quan trong việc chăm sóc thay thế trẻ em trong những tình huống kể trên, theo đó, ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức việc chăm sóc thay thế cho trẻ em phải sống cách ly cha mẹ.
Quyền được bảo vệ: Trẻ em là những người còn rất non nớt về thể xác và tinh thần. Các em cần sự giúp đỡ của người lớn để được an toàn. Các em dễ bị rủ rê vào những việc làm trái pháp luật, dễ bị lợi dụng sức lao động và lạm dụng tình dục, dễ bị bỏ rơi... Có những trẻ em đôi khi bất ngờ bị rơi vào những tình trạng cực kỳ khó khăn mà các em không thể nào chịu đựng nổi. Đây là những nguy cơ đe dọa trực tiếp tới sự sống còn của trẻ em. Do vậy các em cần đến sự giúp đỡ của người thân và cộng đồng để giảm bớt các hậu quả gây tổn thương và giúp trẻ em phục hồi tâm, sinh lý, tái hoà nhập vào cộng động và phát triển bình thường.
Luật Trẻ em 2016 quy định về nhóm quyền được bảo vệ của trẻ em. Theo đó, trẻ em được bảo vệ khỏi sự phân biệt đối xử, thoát khỏi sự bóc lột về kinh tế, sự lạm dụng, xâm hại về thể xác và tinh thần, bị lơ là và bỏ rơi, bị đối xử tàn tệ, các em phải được bảo vệ trong tình trạng khẩn cấp, khủng hoảng. Nghiêm cấm lạm dụng, bóc lột sức lao động của trẻ em, bất kỳ một hành vi, hoặc yếu tố tình huống có chủ ý của cá nhân, tổ chức hay của cộng đồng như xâm phạm đến thể chất, tình cảm, nhân cách, lạm dụng tình dục, ngược đãi, xao nhãng, bỏ rơi, sử dụng quá mức sức lao động, hoặc khai thác thương mại, tước đoạt quyền và sự tự do của trẻ, gây nguy hại đến sự phát triển thể chất, tinh thần, xã hội của trẻ. Khi trẻ bị lâm vào tình trạng khủng hoảng khẩn cấp như trình trạng rối loạn, thiếu hụt, mất thăng bằng nghiêm trọng do những yếu tố bên ngoài tác động có ảnh hưởng xấu đến sự phát triển thể chất, tinh thần, xã hội của trẻ em.
Xác định đây là vấn đề cấp bách và quan trọng, Luật Trẻ em đã dành hẳn chương IV quy định về bảo vệ trẻ em. Trong đó, có quy định về 03 cấp độ bảo vệ trẻ em và trách nhiệm thực hiện; quy định về cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; quy định về chăm sóc thay thế; các biện pháp bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng.
Quyền được tham gia: Quyền này không được quy định riêng biệt trong CRC nhưng là tiền đề để trẻ em thực hiện các quyền khác của mình. Luật trẻ em năm 2016 dành riêng 1 chương quy định về quyền tham gia của trẻ em. Theo đó, trẻ em được tham gia vào tất cả những vấn đề liên quan đến trẻ em thông qua các hình thức như: Diễn đàn, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, sự kiện; thông qua tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em; hoạt động của Đội TNTP Hồ Chí Minh, Đoàn TCNS Hồ Chí Minh; tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp hoạt động vì trẻ em; hoạt động của các câu lạc bộ, đội, nhóm của trẻ em được thành lập theo quy định của pháp luật: tham vấn, thăm dò, lấy ý kiến trẻ em; bày tỏ ý kiến, nguyện vọng trực tiếp hoặc qua kênh truyền thông đại chúng, truyền thông xã hội và các hình thức khác. Để bảo đảm sự tham gia của trẻ em, những người xung quanh trẻ em, đặc biệt là cha mẹ hoặc người giám hộ, người chăm sóc, thầy cô giáo nên thúc đẩy trẻ em thực hiện quyền này nhằm hướng tới những lợi ích tốt đẹp cho sự phát triển của trẻ em.
Trong thế giới ngày nay, với sự phát triển ngày càng cao của xã hội, thì việc bảo vệ quyền trẻ em ngày càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Quyền trẻ em được ghi nhận trong hệ thống pháp luật Việt Nam như là sự đảm bảo về mặt pháp lý của Nhà nước đối với việc bảo vệ quyền trẻ em. Việc ngày càng hoàn thiện các quy định về quyền trẻ em cũng như xây dựng hệ thống các thiết chế bảo vệ quyền trẻ em ở Việt Nam hiện nay góp phần quan trọng đưa quyền trẻ em vào thực tiễn. Đây là sự cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về bảo vệ quyền trẻ em. Trẻ em là chủ nhân tương lai của đất nước, đầu tư cho trẻ em là con đường chắc chắn đưa đất nước phát triển. Quyền trẻ em được ghi nhận một cách tối đa và được thực hiện đầy đủ ở Việt Nam chính là cách thức để nước ta chung tay với thế giới xây dựng một thế giới tốt đẹp dành cho trẻ em.
ThS. Nguyễn Thị Yến
(Viện Nhà nước & Pháp luật – Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)
Link nội dung: https://phaply.net.vn/quyen-tre-em-trong-phap-luat-viet-nam-hien-nay-a210359.html