(Pháp lý) - Muốn thể trạng, trí lực của người Việt Nam được nâng cao thì chúng ta phải thực hiện tốt quyền được chăm sóc sức khỏe của trẻ em. “Trẻ em hôm nay thế giới ngày mai” là câu nói có ý nhắc nhở người trưởng thành luôn quan tâm tới các em trong mọi hoàn cảnh. Các em là tương lai của mỗi đất nước, mỗi dân tộc. Người lớn cần tạo mọi điều kiện tốt nhất để trẻ em được phát triển về trí tuệ và sức khỏe.
Nghiên cứu về việc thực hiện quyền chăm sóc sức khỏe của trẻ em sẽ giúp cho chúng ta nhìn nhận lại thực trạng chăm lo sức khỏe cho trẻ em hiện nay từ đó đề ra được các giải pháp góp phần cải thiện sức khỏe người dân cũng là góp phần đảm bảo quyền con người tại Việt Nam.
Ghi nhận của pháp luật
Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và là nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em vào ngày 20/2/1990. Công ước quan trọng này được Đại Hội đồng liên hợp quốc thông qua ngày 20/11/1989. Gần 30 năm qua, Công ước về quyền trẻ em vẫn là một trong những văn bản quốc tế có giá trị và tiến bộ nhất về quyền con người.
Việc gia nhập các Công ước quốc tế về quyền con người của Việt Nam đặc biệt là các Công ước về quyền trẻ em là một minh chứng rõ nét về nỗ lực của Nhà nước Việt Nam trong việc bảo vệ, thúc đẩy và tôn trọng các quyền con người và đặc biệt là quyền trẻ em theo các chuẩn mực quốc tế.
Trong Công ước về quyền trẻ em có các nhóm quyền: Quyền được sống còn, quyền được phát triển, quyền được bảo vệ và quyền được tham gia. Trong đó quyền được sống còn là quyền đầu tiên, quan trọng nhất bao gồm: quyền của trẻ em được sống cuộc sống bình thường và được đáp ứng những nhu cầu cơ bản nhất để tồn tại và phát triển thể chất. Đó là mức sống đủ, có nơi ở, ăn uống đủ chất, được chăm sóc sức khỏe.
Điều 24 Công ước Quyền trẻ em có ghi: “Các quốc gia thành viên thừa nhận quyền của trẻ em được hưởng mức độ cao nhất có thể đạt được về sức khỏe và các phương tiện chữa bệnh và phục hồi sức khoẻ. Các quốc gia thành viên cố gắng đảm bảo rằng không có trẻ em nào bị tước đoạt quyền được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ như vậy”
Chúng ta luôn xác định, xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và đảm bảo quyền con người. Quyền trẻ em được thể chế hóa trong Hiến pháp 2013. Điều 37 Hiến pháp 2013 quy định: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”. Khoản 2 Điều 58 Hiến pháp 2013 quy định: “Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trẻ em”
Không chỉ tham gia các Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Việt Nam luôn nghiêm túc trong thực thi trách nhiệm nghĩa vụ của một quốc gia thành viên Công ước, đặc biệt là nghĩa vụ nội luật hóa các quy định của Công ước. Điều 14 Luật trẻ em 2016 quy định về Quyền được chăm sóc sức khỏe: “Trẻ em có quyền được chăm sóc tốt nhất về sức khỏe, được ưu tiên tiếp cận, sử dụng dịch vụ phòng, khám, chữa bệnh”.
Bất cập, hạn chế
Như vậy, để trẻ em được phát triển toàn diện thì mọi tổ chức, cá nhân cần quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe của trẻ em. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai chính sách, pháp luật về quyền trẻ em vẫn còn bất cập, tồn tại. Trên thực tế, quyền tham gia của trẻ em chưa được nhận thức rõ và đủ, dẫn đến hạn chế trong triển khai thực hiện. Nhân lực làm công tác trẻ em còn quá ít, phần lớn là kiêm nhiệm, thường xuyên biến động, lại hạn chế về kiến thức, kỹ năng. Chưa có nguồn ngân sách tăng cường để giải quyết những vấn đề nóng. Các cơ quan, tổ chức, dịch vụ, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ trẻ em thiếu sự hỗ trợ, phối hợp với nhau.
Vi phạm pháp luật về quyền chăm sóc sức khỏe trẻ em diễn ra trên mọi lĩnh vực, khía cạnh của đời sống xã hội. Trong đó có chế độ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trẻ em chưa được chú trọng; dinh dưỡng của trẻ em ở bậc mầm non, tiểu học còn nhiều bất cập; thực phẩm không an toàn xâm nhập bữa ăn trường học có chiều hướng gia tăng gây ảnh hướng đến sức khỏe, tính mạng của trẻ em; hệ thống y tế trường học chưa được quan tâm đúng mức, từ đó dẫn đến hệ lụy các bệnh về học đường gia tăng, ảnh hưởng đến sức khỏe và kết quả học tập của học sinh, làm giảm chất lượng đào tạo thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước; trẻ em bị lạm dụng sức lao động, sử dụng trẻ em làm những công việc nặng nhọc độc hại, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với hóa chất độc hại, làm những công việc trái với quy định của Bộ Luật Lao động; dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc, khống chế trẻ em đi lang thang để trục lợi; bán, cho trẻ em sử dụng rượu bia, thuốc lá và chất kích thích khác có hại cho sức khỏe; tình trạng xâm hại, bạo lực trẻ em vẫn diễn ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố, đặc biệt trong các cơ sở giáo dục, nhiều vụ việc gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, năm 2018 phát hiện 1.356 vụ với 1.479 đối tượng xâm hại 1.358 trẻ em trong đó 1.087 vụ xâm hại tình dục chiếm 80% tổng số vụ xâm hại … đã và đang gây bức xúc lớn trong xã hội.
Một số kiến nghị
Chăm sóc sức khỏe trẻ em là một quyền con người cơ bản, không thể thiếu để thực hiện các quyền khác. Khắc phục những bất cập nêu trên, hiện thực hóa quyền được chăm sóc sức khỏe trẻ em có thể thực hiện được thông qua nhiều cách tiếp cận, bổ trợ nhau.
Thứ nhất, Việt Nam cần phải đảm bảo việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu thật tốt, bao gồm đảm bảo thực hiện các chương trình tiêm chủng chống các bệnh truyền nhiễm cơ bản cho mọi trẻ em trên mọi vùng miền. Để tránh lỗ hổng trong việc quản lý tiêm chủng của trẻ em nên có quy định trẻ được vào trường tiểu học chỉ khi đã hoàn thành đầy đủ phiếu tiêm chủng theo chương trình quốc gia của trẻ em.
Đảm bảo sự tiếp cận bình đẳng những yếu tố quyết định cơ bản đến sức khoẻ cho tất cả trẻ em, chẳng hạn như lương thực an toàn đủ dinh dưỡng và nước uống sạch, điều kiện vệ sinh cơ bản, điều kiện sống và nhà ở đầy đủ. Chính quyền địa phương và phòng giáo dục địa phương thường xuyên phối hợp kiểm tra nguồn thức ăn tại các cơ sở giáo dục để vấn đề dinh dưỡng của trẻ em được đảm bảo. Cơ sở hạ tầng y tế công đảm bảo cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tình dục và sức khoẻ sinh sản, bao gồm cả kỹ năng làm mẹ an toàn, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Thứ hai, đội ngũ bác sỹ và cán bộ y tế khác cũng như số bệnh viện, trạm y tế và các cơ sở khác liên quan đến chăm sóc sức khoẻ, các viện nghiên cứu và dịch vụ y tế cần được phân bố đều trên toàn quốc. Ngoài ra, song song xây dựng hệ thống bảo hiểm y tế nhà nước là xây dựng hệ thống bảo hiểm y tế tư nhân để có thể đáp ứng được mọi nhu cầu trẻ em, thúc đẩy nghiên cứu và giáo dục y tế cũng như là tuyên truyền thông tin cho trẻ em, đặc biệt là về HIV/AIDS, sức khoẻ sinh sản và giới tính, kỹ năng phòng vệ để không bị xâm hại tình dục, bạo lực gia đình, lạm dụng rượu và thuốc lá, thuốc gây nghiện và các chất có hại khác…
Thứ ba, các cơ quan có chức năng nên tăng cường kiểm tra, giám sát, tập trung vào một số chuyên đề chăm sóc sức khỏe phụ nữ trước sinh và sau sinh, cho cả nữ giới và nam giới. Tập huấn hay xây dựng các khóa học làm mẹ, làm bố miễn phí cho các gia đình đang chuẩn bị sinh con để họ có đủ kiến thức chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trẻ em.
Thứ tư, nhất thiết phải tăng cường tuyên truyền về trách nhiệm, bổn phận, kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, xử lý các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em. Cán bộ tuyên truyền tuyến cơ sở về phụ nữ và trẻ em phải được tập huấn, cập nhật thường xuyên để giám sát các hoạt động liên quan đến trẻ em. Xây dựng các chương trình kế hoạch tuyên truyền và chia sẻ các kỹ năng về bảo vệ sức khỏe trẻ em. Ngoài tổng đài 111, sự tích cực của cán bộ cấp xã sẽ góp phần phát hiện kịp thời các biểu hiện xâm phạm sức khỏe trẻ em.
Đặc biệt có quy trình điều tra, xét xử thân thiện để trẻ em, tòa án trẻ em để gia đình, người thân mạnh dạn trình bày, dám tố cáo khi xảy ra các vụ việc liên quan đến trẻ em, như bạo lực, xâm hại trẻ em, trong đó cần đặc biệt lưu ý ở các cơ sở giáo dục mầm non ở khu công nghiệp, khu chế xuất địa bàn đông công nhân, người lao động. Chúng ta cần tạo ra hiệu ứng xã hội mạnh thông qua các chiến dịch truyền thông trực tiếp đến trẻ em.
Thứ năm, tại trường học các chất gây nghiện núp dưới hàng ăn quà vặt đang thực sự là mối lo ngại cho sức khỏe của trẻ em. Ngành công an vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa trong việc điều tra tội phạm bán, cho các chất gây nghiện cho trẻ em. Các kế hoạch rà soát, kiểm tra các gian hàng bán đồ ăn vặt cho trẻ em cần đặt ra như là công việc thường xuyên để đảm bảo cho trẻ em không bị dụ dỗ sử dụng các chất kích thích, chất gây nghiện.
Thứ sáu, theo kết quả điều tra quốc gia về lao động trẻ em, Việt Nam hiện có 1,75 triệu trẻ em tham gia lao động trẻ em, trong đó hơn 32,4% làm việc trên 42 giờ/tuần. Lao động trẻ em là thực tế đang tồn tại ở nhiều ngành nghề, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Tình trạng phần lớn trẻ lao động làm nông nghiệp nên là mối quan tâm đặc biệt, vì lĩnh vực này được xem là một trong ba lĩnh vực nguy hiểm nhất đến sức khỏe và tính mạng mà dù ở lứa tuổi nào trẻ em cũng phải đối mặt với các hiểm họa như: Điều khiển máy móc nguy hiểm, tiếp xúc với thuốc trừ sâu và mang vác nặng… Bộ luật Lao động (sửa đổi) cần xem xét bổ sung quy định yêu cầu đào tạo bắt buộc về an toàn lao động cho người chưa thành niên. Đồng thời, bảo vệ trẻ em không có hợp đồng lao động chính thức, đảm bảo mức lương tối thiểu. Việc sửa đổi Bộ luật Lao động liên quan đến những lao động là vị thành niên cần phải đặt lợi ích của các em lên trên hết, đặc biệt là cần song hành với quy định của Luật Trẻ em và Công ước quốc tế về quyền trẻ em.
Kết mở
Với thực trạng và các giải pháp nêu trên, tác giả luôn mong muốn Công ước về quyền trẻ em và các văn bản luật ban hành tại Việt Nam được thực thi đầy đủ, trọn vẹn. Thực hiện tốt quyền được chăm sóc sức khỏe của trẻ em không chỉ thể hiện sự nỗ lực của Nhà nước về việc thực thi Công ước quyền trẻ em mà chúng ta là quốc gia thành viên, mà còn là vấn đề trường tồn của dân tộc. Các giải pháp cần làm không chỉ dừng lại ở việc bổ sung, sửa đổi luật pháp mà còn cần được coi là chương trình mục tiêu quốc gia. Cần phát huy cơ chế uỷ ban, các bộ ngành để tăng cường kiểm tra, giám sát, xây dựng các chương trình giáo dục, truyền thông, đi kèm các biện pháp xử lý nghiêm minh đối với những hành vi xâm phạm quyền trẻ em.
ThS NGÔ THỊ THÚY GIANG
(Giảng viên Khoa Lý luận Chính trị - Trường Cao đẳng Xây dựng số 1)
Link nội dung: https://phaply.net.vn/dam-bao-quyen-duoc-cham-soc-suc-khoe-cua-tre-em-bat-cap-va-kien-nghi-a210338.html