Đây là một trong những đề xuất đáng chú ý trong quá trình sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự.
Khoản 1 Điều 74 Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định, trường hợp chưa xác định được phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để thi hành án thì chấp hành viên phải thông báo cho người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất biết để họ tự thỏa thuận phân chia tài sản chung hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Theo quy định này, chấp hành viên không được phân chia tài sản chung mà chỉ yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự. Chấp hành viên xử lý tài sản theo quyết định của Tòa án.
Tuy nhiên, theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định 62 thì chấp hành viên có quyền xác định phần sở hữu của vợ, chồng đối với tài sản của vợ chồng; xác định phần sở hữu, sử dụng theo số lượng thành viên của hộ gia đình tại thời điểm xác lập quyền sở hữu tài sản, thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất.
Như vậy, hướng dẫn tại điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định 62 là không phù hợp với quy định của pháp luật, dẫn đến sự tùy nghi của chấp hành viên trong áp dụng pháp luật. Thực tế cho thấy, do không thống nhất giữa Nghị định 62 với Luật Thi hành án dân sự nên có tình trạng một số cơ quan tố tụng cho rằng, trong mọi trường hợp xử lý tài sản chung cần vận dụng đúng quy định tại Điều 74 Luật Thi hành án dân sự, không thống nhất vận dụng điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định 62 để xử lý.
Đánh giá về quy định trên của Nghị định 62, Bộ Tư pháp cũng cho rằng, việc cho phép chấp hành viên tự phân chia tài sản chung của vợ chồng, hộ gia đình (điểm c khoản 2 Điều 24) là chưa phù hợp với quy định tại Điều 74 Luật Thi hành án dân sự về việc khởi kiện ra Tòa án để phân chia tài sản chung. Vì vậy, qua nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 62, Bộ đã dự kiến 2 phương án liên quan đến quyền của chấp hành viên trong phân chia tài sản chung của vợ chồng, hộ gia đình.
Cụ thể, phương án 1 là bãi bỏ quy định chấp hành viên được quyền phân chia tài sản chung của vợ chồng và của hộ gia đình. Còn phương án 2 là chỉ bãi bỏ quyền của chấp hành viên trong việc phân chia tài sản chung của hộ gia đình, giữ nguyên quyền phân chia tài sản chung của vợ chồng, đồng thời bổ sung quyền của vợ chồng lựa chọn tài sản chung nào để thi hành án; bổ sung quyền của chấp hành viên dự kiến lựa chọn tài sản chung nào để thi hành án và thông báo cho vợ chồng biết; làm rõ hơn cách thức xác định tài sản để cưỡng chế trong trường hợp đương sự không khởi kiện phân chia tài sản chung.
Quá trình đóng góp cho việc sửa đổi, bổ sung trên cũng ghi nhận nhiều ý kiến khác nhau. Một số ý kiến đồng tình, cần thiết bãi bỏ quy định chấp hành viên được tiến hành phân chia tài sản chung của vợ chồng và hộ gia đình.
Lý do là phương án này tuy có thể đẩy nhanh được tiến độ thi hành án do giảm được thủ tục khởi kiện, chờ xét xử theo thủ tục tố tụng thông thường nếu đương sự đồng ý với phương án phân chia của chấp hành viên, đảm bảo kịp thời hơn quyền lợi cho người được thi hành án, nhưng quy định này chưa phù hợp với khoản 1 Điều 74 Luật Thi hành án dân sự.
Hơn nữa, chưa rõ chấp hành viên dựa vào tiêu chí nào để xác định tài sản là của hộ gia đình và việc phân chia tài sản của vợ chồng và hộ gia đình theo nguyên tắc nào; chưa rõ quyền chấp hành viên lựa chọn tài sản nào để xử lý hoặc xử lý trước trong trường hợp đương sự có nhiều tài sản chung; chưa có cơ chế bảo vệ chấp hành viên khi thực hiện nhiệm vụ này dẫn đến chấp hành viên bị khiếu nại, tố cáo gay gắt, thậm chí bị xử lý trách nhiệm.
Một số ý kiến khác thì tán thành chỉ bỏ quy định chấp hành viên được tiến hành phân chia tài sản chung của hộ gia đình và cần giữ nguyên quy định về phân chia tài sản của vợ chồng. Do thực tiễn cho thấy đa số việc thi hành án liên quan đến tài sản chung của vợ chồng nên cần có cơ chế để đẩy nhanh tiến độ thi hành án, đảm bảo quyền lợi của người được thi hành án.
Cơ chế này vẫn đảm bảo quyền của các đồng sở hữu vì nếu không đồng ý với việc phân chia của chấp hành viên thì họ thực hiện quyền yêu cầu Tòa án giải quyết như quy định hiện hành.
Theo baophapluat.vn
Nguồn bài viết: http://baophapluat.vn/tu-phap/se-bo-quy-dinh-chap-hanh-vien-duoc-phan-chia-tai-san-chung-vo-chong-ho-gia-dinh-459404.html
Link nội dung: https://phaply.net.vn/se-bo-quy-dinh-chap-hanh-vien-duoc-phan-chia-tai-san-chung-vo-chong-ho-gia-dinh-a209961.html