Cổ phần, cổ phiếu là một loại tài sản và được thừa kế theo quy định về pháp luật thừa kế.
Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, ngày 20-6, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo đơn tố cáo của ông Nguyễn Chấn (SN 1923, trú quận 3, TP.HCM), chồng đại gia Tư Hường (bà Trần Thị Hường). Ông Chấn tố cáo con trai ông là ông Nguyễn Quốc Toàn (hiện là chủ tịch HĐQT Ngân hàng Nam Á) câu kết cùng một số cá nhân chiếm đoạt tài sản của ông là cổ phần, cổ phiếu, vốn góp tại Ngân hàng Nam Á và các doanh nghiệp (DN) thuộc Tập đoàn Hoàn Cầu. Bà Tư Hường mất năm 2017, là người sáng lập ra ngân hàng và tập đoàn trên.
Cổ phần, cổ phiếu là tài sản
Vụ việc đang được CQĐT làm rõ nhưng có nhiều người thắc mắc cổ phần, cổ phiếu có được xem là tài sản và luật dân sự quy định thế nào về việc thừa kế cổ phần, cổ phiếu.
Luật sư Lê Xuân Thụ, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng khoản 1 Điều 105 BLDS quy định tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Trong khi theo Điều 110 Luật DN năm 2014, công ty cổ phần là DN, trong đó vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần. Khoản 1 Điều 120 Luật DN quy định cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó. Vì vậy cổ phần, cổ phiếu được coi là một loại tài sản.
Sau khi bà Tư Hường chết mà để lại tài sản gồm cổ phần, cổ phiếu, vốn góp, bất động sản thì sẽ phát sinh quyền thừa kế của những người được hưởng. Nếu giữa các đồng thừa kế phát sinh tranh chấp về thừa kế thì các bên có quyền khởi kiện yêu cầu tòa giải quyết. Về quan hệ hình sự, công an đã khởi tố vụ án thì họ phải làm rõ và chứng minh được hành vi vi phạm pháp luật cụ thể theo BLHS.
Chia thừa kế ra sao?
ThS Lưu Minh Sang, ĐH Kinh tế-Luật TP.HCM, cho rằng luật ghi nhận hai dạng thừa kế là theo di chúc và theo pháp luật. Nếu người chết để lại di chúc hợp pháp thì việc phân chia phần vốn góp, cổ phần sẽ theo di chúc. Nếu không có di chúc hoặc di chúc không có hiệu lực thì sẽ phân chia di sản theo pháp luật.
Phần vốn góp, cổ phần là một loại tài sản gắn liền với DN nên với việc chia thừa kế là phần vốn góp trong công ty TNHH, công ty hợp danh hoặc cổ phần trong công ty cổ phần chưa đại chúng thì áp dụng quy định về phân chia di sản thừa kế của BLDS năm 2015 và các thủ tục có liên quan theo Luật DN. Với di sản là cổ phần của công ty đại chúng, ngoài việc thực hiện các thủ tục phân chia di sản thừa kế của BLDS năm 2015, các đương sự còn phải tiến hành các thủ tục chuyển quyền sở hữu cổ phần thừa kế tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán, cùng các thủ tục công bố thông tin và các thủ tục liên quan (tùy trường hợp) theo Luật Chứng khoán.
Theo PGS-TS Nguyễn Thị Hồng Nhung (Phó trưởng khoa Luật, ĐH Kinh tế-Luật TP.HCM), phần góp vốn được thừa kế theo nguyên tắc chung của luật dân sự. Còn việc có được trở thành thành viên công ty khi được thừa kế phần vốn góp đó hay không thì phải tùy loại hình DN.
Nếu di sản là phần vốn góp của công ty TNHH hai thành viên trở lên thì người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của thành viên đó là thành viên của công ty. Nếu chủ sở hữu công ty là cá nhân chết thì người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật là chủ sở hữu hoặc thành viên của công ty, công ty phải tổ chức hoạt động theo loại hình DN tương ứng và đăng ký thay đổi nội dung đăng ký DN (Điều 77 Luật DN).
Trường hợp cổ đông là cá nhân chết thì người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của cổ đông đó là cổ đông của công ty (Điều 126 Luật DN). Còn nếu thành viên hợp danh chết thì người thừa kế của thành viên được hưởng phần giá trị tài sản tại công ty sau khi đã trừ đi phần nợ thuộc trách nhiệm của thành viên đó. Người thừa kế có thể trở thành thành viên hợp danh nếu được hội đồng thành viên chấp thuận (Điều 176 Luật DN).
Cha con tố nhau
Theo đơn tố cáo, ông Chấn cho rằng bà Tư Hường bị bệnh nên giao cho con là ông Toàn quản lý Ngân hàng Nam Á và Tập đoàn Hoàn Cầu nhưng quyền sở hữu vẫn thuộc về vợ chồng ông. Tuy nhiên, ông Toàn cùng một số người chiếm giữ hết tài sản của vợ chồng ông. Trưa 25-7-2018, nhiều người đã đột nhập nhà, mở két sắt, lấy đi nhiều hồ sơ, giấy tờ chứng minh tài sản của vợ chồng ông… Ngoài ra, các phần góp vốn, cổ phần trong Tập đoàn Hoàn Cầu và các khoản đầu tư vào các DN do ông nhờ người thân đứng tên đều đã bị sang tên cho người khác và phần lớn là do người làm công cũ đã tiếp tay với con trai thứ của ông chiếm giữ.
Trong khi phía ông Toàn và những người bị tố cáo đề nghị đình chỉ hoạt động điều tra vì những người anh em còn lại trong gia đình lợi dụng tình trạng kém minh mẫn của ông Chấn ở độ tuổi 95 xúi giục ông tố cáo. Những người con khác đã được bà Tư Hường trao cho nhiều cơ hội nhưng đều không thành công. Do vậy, từ năm 2012 bà đã mong muốn ông Toàn tiếp tục quản lý tài sản, điều hành công việc kinh doanh của gia đình. Việc chuyển giao công khai giữa các con được sự đồng thuận của các thành viên trong gia đình khi bà còn đang minh mẫn.
Theo plo.vn
Nguồn bài viết: https://plo.vn/phap-luat/phap-ly-trong-vu-gia-dinh-dai-gia-tu-huong-842299.html
Link nội dung: https://phaply.net.vn/phap-ly-trong-vu-gia-dinh-dai-gia-tu-huong-a209802.html