(Pháp lý) - Một ngôi nhà đồ sộ năm gian hai chái, dài tới 18 mét được dựng lên thay thế ngôi nhà tranh cũ kỹ chỉ trong một đêm. Đó là một câu chuyện cổ tích, nhưng là cổ tích có thật, là biểu tượng của lòng biết ơn, của tình nghĩa và sự thanh liêm. Ngôi nhà đó trải qua dâu bể hơn 300 năm qua vẫn vẹn nguyên ở làng Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, ngoại thành Hà Nội ngày nay.
“Nhất dạ tri ân”
Sơn Đồng ngày nay nổi danh toàn quốc về nghề tạc tượng và đồ thờ cúng sơn thếp. Phía sau việc buôn bán tấp nập, lách cách tiếng đục chạm là một bề dày hàng ngàn năm lịch sử của làng. Sơn Đồng xưa có sáu vị đỗ đại khoa, rất nhiều cử nhân, tú tài, trong đó nhân vật kiệt xuất nhất là Mai Quận công Nguyễn Viết Thứ (1644-1692). Năm 21 tuổi, ông đỗ Đình nguyên, Hoàng giáp khoa Giáp Thìn, Cảnh Trị 2 (1664) đời Lê Huyền Tôn. Đến năm 1676, ông lại đỗ khoa Đông các, thăng Đông Các học sĩ. Ông làm quan đến Tham tụng, Hình bộ Thượng thư. Sau khi qua đời, ông được phong tặng Lại bộ Thượng thư, tước Mai Quận công.
Ông là trưởng nam của Tiến sĩ Nguyễn Văn Quảng (1613 – 1674 ), Tế tửu Quốc tử giám, từng giữ chức Thừa chính sứ ty Hải Dương.
“Ngôi nhà một đêm” là một di tích đặc biệt ghi dấu mối ân tình giữa hai vị quan lớn, một văn một võ của phủ Hoài Đức trong triều đình Lê – Trịnh. Ông Nguyễn Viết Vàng (sinh năm 1936) hậu duệ của Mai Quận công cho biết, lai lịch ngôi nhà được ghi trong tộc phả và con cháu truyền tụng rằng quan Trấn thủ Nguyễn Công Triều người làng Đông Lao, cách Sơn Đồng chừng 10 cây số, xây tặng gia đình cụ Nguyễn Viết Thứ.
Võ tướng Nguyễn Công Triều (1614 – 1690) xuất thân từ người lính dạy voi rồi bằng tài năng đặc biệt của mình ông làm quan đến chức Trấn thủ xứ Sơn Tây, chính sử còn ghi nhiều trận xuất quân dẹp yên phản loạn và dư đảng họ Mạc của ông. Ông rất quan tâm đến làng xã quê hương, nên dành nhiều tài sản, tâm huyết giúp dân làm thủy lợi, đắp đê, làm đường sá, xây dựng miếu vũ, đền chùa. Một lần ông mượn voi của triều đình về kéo nguyên vật liệu, phục vụ các công trình ở Đông Lao, không may voi kiệt sức mà chết. Ông Nguyễn Viết Vàng nói, các cụ tương truyền lại rằng: “Theo luật lệ bấy giờ, người làm chết voi sẽ phải đền số bạc bằng trọng lượng con voi. Người ta đan con voi nan to bằng con voi thật rồi đổ bạc vào đấy mà đền. Gia sản ông Trấn thủ và dân ba làng góp lại cũng chỉ đổ đầy bốn chân voi. Như vậy, chắc là quan Trấn thủ Nguyễn Công Triều sẽ bị xử tội”.
Ông Nguyễn Công Triều cùng thế hệ Tế tửu Nguyễn Văn Quảng, là vị võ quan thao lược, có nhiều công lao và có nhiều ân đức với địa phương, không may xảy ra chuyện này khiến ông Nguyễn Viết Thứ rất thông cảm và ái ngại, ngày đêm nghĩ tìm cách tháo gỡ…
Thường ngày khi rảnh rỗi sau việc triều chính, ông hay đánh cờ với Định Nam vương Trịnh Căn. Lâu nay đánh cờ có khi thắng, khi thua nhưng hôm đó ông thua liền ba ván. Chúa thấy lạ hỏi: Hôm nay quan Tả có chuyện gì mà đánh cờ kém mọi ngày? Ông bèn thưa: Thần có vụ án khó nghĩ quá, cứ phân vân mãi nên đánh cờ kém sáng suốt. Chúa hỏi vụ án thế nào, ông kể: Nhà thần có tên gia nhân thân cận, có mấy sào ruộng mà không có trâu. Hắn mượn con trâu nhà thần về cày, không may trâu chết. Thần băn khoăn mãi chuyện quở phạt thế nào… Chúa nghe xong bèn phán: Trời nắng, không may con trâu chết thì thôi, tên gia nhân đó không cày mà người khác cày chắc trâu cũng chết. Tha cho tá điền thì hay hơn, bắt đền, bắt tội người ta há chẳng hẹp hòi lắm sao?!
Được lời Chúa, ông vội chắp tay thưa về chuyện Đô đốc Nguyễn Công Triều mượn voi để voi chết. “Là Tả Lại, thần đã về tra xét thì đúng là quan Trấn thủ dùng tài sản giúp dân làng nhiều năm qua, không còn bạc để đền voi. Lòng thần nhỏ mọn, không biết xét xử ra sao, dám xin bề trên minh xét”. Chúa trầm ngâm rồi phán: “Theo khanh thì nên xử thế nào?”. Ông tâu: “Theo thiển ý của thần, quan Trấn thủ có nhiều công lao hãn mã, nay vì nghĩa cử chẳng may voi chết,nếu bắt tội quan Trấn thủ thì thần e đã mất một voi chiến nay lại mất thêm một vị công thần cả đời trung quân, ái quốc. Kính xin Vương thượng mở lượng bao dung…”
Nghe lời trần tình có lý có tình của ông, nhà Chúa tha tội cho quan trấn thủ Nguyễn Công Triều.
Theo niên biểu cuộc đời Mai Quận công thì đó là năm 1685, ông được phong Tả Thị lang Bộ Lại.
Quả thật, cả đời đánh Đông dẹp Bắc, cho đến khi ngoài 70 tuổi, Trấn thủ Nguyễn Công Triều vẫn cầm quân đi dẹp giặc. Đại Việt sử ký tục biên còn ghi: Năm 1683, Trấn thủ Nguyễn Công Triều dẹp yên vụ nổi loạn ở Lập Thạch. Năm 1685, “Tướng làm phản ở Tuyên Quang là Vũ Công Tuấn quấy nhiễu biên giới… Triều đình sai Nguyễn Công Triều đốc suất quan quân đi đánh”. Và năm sau 1686, cũng vậy. Năm 1689, tên tuổi ông lại được ghi trong chính sử do dẹp được Vũ Công Tuấn và đồ đảng. Như vậy, Trấn thủ Sơn Tây Nguyễn Công Triều không nghỉ hưu, ông trực tiếp cầm quân ra trận đến tận năm 76 tuổi. Do đó, năm 1690, ông qua đời ở tuổi 77, được ghi trong Đại Việt sử ký tục biên, nêu rõ ông được tặng Thái bảo và phong làm phúc thần. Làng Đông Lao thờ ông làm thành hoàng, các triều vua sau đó có sắc phong Thái bảo Nguyễn Công Triều lên Đại vương, Thượng đẳng thần.
Trở lại vụ án voi chết, ông Nguyễn Công Triều thoát nạn đã tìm cách trả ơn ân nhân của mình, nhưng cách gì thì ông Nguyễn Viết Thứ cũng từ chối vì ông cho rằng giúp quan Trấn thủ cũng là vì công bằng, thấy vị quan vì dân không may mà gặp họa, lẽ nào không cứu giúp. Ông Trấn thủ thấy gia đình quan Tả Thị lang vẫn ở nhà tranh vách đất mới đề nghị xin biếu một ngôi nhà để song thân quan Tả Thị lang sử dụng và sau này làm từ đường, ông Tả Thị lang nhất định chối từ. Ông Trấn thủ nói mãi, một lần ông Tả Thị lang nói thách đố: Nếu quan lớn dựng ngôi nhà chỉ trong một đêm thì xin nhận, nếu quá một đêm thì xin từ và xin đại nhân không nhắc lại chuyện này nữa.
Tưởng đó là cách từ chối khéo nhưng ông Nguyễn Công Triều quyết làm bằng được. Khi đó ông cũng đang cho thợ làm ngôi nhà gỗ năm gian hai chái ở Đông Lao. Khi hoàn thiện ngôi nhà, ông cho tháo ra chuyển sang Sơn Đồng. Hôm đó, từ chập tối hàng trăm người tập trung, đèn đuốc sáng trưng trong thửa đất của gia đình quan Tả Thị lang để dựng nhà. Đến sáng, ngôi nhà hoàn thành, mái lợp ngói mũi hài, xung quanh bưng kín bằng vách gỗ. Quan Trấn thủ cho người ra Thăng Long báo với quan Tả Thị lang và thân phụ ông là quan Tế tửu. Vậy là món quà tặng tình nghĩa, xưa gọi là ngôi nhà “nhất dạ tri ân”. Năm sau, 1686, Trấn thủ Nguyễn Công Triều dựng ở Đông Lao ngôi nhà mới tương tự ngôi nhà ở Sơn Đồng và hai ngôi nhà đặc biệt song song trường tồn cho đến ngày nay.
Làm chết voi, tội gì?
Kể về vụ án làm chết voi, con cháu Mai Quận công và dân làng Sơn Đồng, dân làng Đông Lao xưa nay mỗi người kể một cách theo suy đoán của mình về hình phạt quan Trấn thủ có thể phải chịu, nếu không được quan Bồi tụng khéo léo nói đỡ. Để xác định nội dung này, chúng tôi tra Quốc triều hình luật (Bộ luật Hồng Đức) là Bộ luật có hiệu lực thi hành thời đó, thì thấy ít nhất có hai điều luật liên quan đến voi.
Điều 31 chương Tạp luật quy định: “Quân lính giữ voi trận mà thả voi xông đến nhà hay phá hại cây cối và tre trong vườn người ta, thì xử tội trượng (đánh đòn) và biếm (giáng chức); tướng lĩnh đội ấy cũng phải xử phạt… Nhà nào thấy voi đến phá phách phải gọi xóm làng đến xem xét, làm chứng, mà trình báo lên quan, chứ không được tự tiện đánh hay đâm voi; nếu trái luật này, để voi bị thương thì bị biếm hay đồ (làm lao dịch) và bồi thường 50 quan tiền; để voi chết thì bị tội lưu (đi đày) và phải bồi thường tiền 300 quan”.
Cũng trong chương này, Điều 70 quy định: “Những viên quản đội không rèn tập voi ngựa, thì bị phạt 50 roi, biếm một tư; chăn nuôi không khéo để voi ngựa chết thì xử tội đồ và phải đền tiền, voi đực thì đền 100 quan, voi cái 50 quan, ngựa 20 quan. Nếu voi ngựa ốm mà đã báo cáo, lại dụng tâm cầu khấn, chạy chữa thì được miễn tội. Nếu cố ý để cho voi chết, thì phải tội chém (nghĩa là khi cưỡi voi đi đường thấy có hầm hố, cầu cống hư hỏng, qua sông ngòi thấy nước chảy xiết, những chỗ không thể đi qua được mà cố ý cưỡi đi qua, hay buộc voi không cho ăn cỏ hay để cho người khác đâm chết)… Nếu không phải là cố ý thì được đền theo luật thường”.
Hai điều luật trên đây chỉ điều chỉnh đối tượng là quân lính giữ voi, nhà bị voi đến phá mà đánh hay đâm voi dẫn đến voi bị thương hoặc chết và những viên quản đội có trách nhiệm nuôi dạy voi, ngựa… tức là không điều chỉnh người mượn voi để voi chết như trường hợp quan Trấn thủ Sơn Tây. Tuy nhiên, hai điều luật cũng cho thấy voi là tài sản rất lớn, bồi thường cao nhất đến 300 quan, thậm chí người cố ý để voi chết phải tội chém. Tuy nhiên, luật cũng quy định những trường hợp không cố ý thì không có tội. Điều 47 của Bộ luật cũng nêu nguyên tắc: “ Những người phạm tội tuy tên gọi giống nhau, nhưng phải phân biệt sự phạm tội về lầm lỡ hay cố ý, phải xét tội nặng nhẹ mà thêm bớt, không nên câu nệ để hợp với ý nghĩa việc xét xử hình sự: “Tha người lầm lỡ không kể tội nặng, bắt tội người cố ý không kể tội nhẹ”.
Trong câu chuyện này, quan Trấn thủ mượn voi nhưng ông không phải là người trực tiếp sử dụng, trông nom, chăm sóc voi và dân làng Đông Lao khi đó có thể không có kinh nghiệm chăm sóc voi nhưng không ai cố ý để voi chết. Do đó, cân nhắc toàn diện thì cũng chỉ có thể bồi thường 50 quan hay 100 quan, nặng nhất là 300 quan và hình phạt đối với quan Trấn thủ chắc cũng không quá nặng nề.
Hơn nữa, Trấn thủ Nguyễn Công Triều khi đó đã ngoài 70 tuổi, là lão thần của triều đình, có công dẹp yên nhà Mạc, góp phần chấm dứt việc cát cứ của họ Mạc ở Cao Bằng, đưa Đàng Ngoài nước Đại Việt bước vào thời thịnh trị, nên chắc hẳn ông thuộc diện bát nghị, nghĩa là tám trường hợp nếu phạm tội được xét giảm với tiêu chuẩn “nghị công” là những người có công huân lớn với triều đình.
Di sản vô giá
Đến thăm ngôi nhà “nhất dạ tri ân”, được chạm tay vào những cây cột vững chãi, đầy những vết nứt nẻ theo thời gian, chúng tôi hiểu mình đang được chạm tay vào một báu vật. Ngôi nhà tiêu biểu cho phong cách nhà kẻ truyền của đồng bằng Bắc Bộ, mang dấu ấn thời Lê Trung Hưng, rõ nét nhất là không có đục chạm cầu kỳ, không có chữ trên thượng lương và câu đầu như những ngôi nhà thời nhà Nguyễn.
Gian giữa có bức hoành phi nền đen có ba chữ “Đức dã viễn” thếp vàng rất đẹp, lấy từ câu “Minh đức dã viễn” nghĩa là Đức sáng của tổ tiên có từ xa xưa. Hai bên có đôi câu đối “Cựu chỉ vĩnh lưu phương, tố tòng bát đại Thượng thư quan hất kim tương thừa dịch nghiệp/ Tiểu tôn hoa kỳ kế, miến tự ngô chi Tú Lâm công nhi hậu biệt thành nhất gia”, tạm hiểu là: Nền nếp cũ của tổ tiên mãi mãi lưu tiếng thơm, kể từ cụ Thượng thư đời thứ 8 (Nguyễn Viết Thứ) đến nay đã tiếp nối được nếp nhà/ Chi nhà ta kế tục được truyền thống, từ cụ Tú Lâm công (Nguyễn Viết Thứ làm ở Tú Lâm cục, là một trong Tam quán thuộc ban Văn của triều đình, chuyên trông nom và dạy bảo con các quan viên) đến nay thành một dòng khác biệt (tức là nhánh Nguyễn Viết trong họ Nguyễn nói chung). Câu đối do các học trò trong họ cung tiến, không ghi thời gian.
Trò chuyện với bà NguyễnThị Vinh, vợ ông Nguyễn Viết Vi – chủ nhà và ông trưởng tộc Nguyễn Viết Thắng, chúng tôi biết rằng, ngôi nhà chỉ thay đổi từ vách gỗ thành tường gạch, hạ bớt ngưỡng cửa cho dễ ra vào và một lần tôn nền do khi xưa các cụ dựng trong một đêm, không có thời gian làm nền cao như những ngôi nhà khác.
Điều đáng vui là gia chủ còn giữ nguyên vẹn đồ thờ tự và sống trong ngôi nhà với niềm tự hào. Đó là yếu tố căn bản để có niềm tin rằng ngôi nhà sẽ trường tồn.
Đây là ngôi nhà có lịch sử độc nhất vô nhị ở Việt Nam, như một câu chuyện cổ tích có thật, ngoài giá trị vật thể, ngôi nhà còn hàm chứa giá trị tinh thần vô giá.
Trước hết, nó thể hiện tài trí và tấm lòng nhân hậu của Mai Quận Công, nhờ đó mà quan Trấn thủ Sơn Tây thoát nạn.
Ngôi nhà cũng cho thấy sự thanh liêm của họ Nguyễn, mặc dù Tiến sĩ Nguyễn Văn Quảng đương chức Tế tửu Quốc tử giám và con trai là Hoàng giáp, nhưng gia đình vẫn chỉ có ngôi nhà tranh vách đất. Dù đang ở nhà tranh, nhưng ông kiên quyết từ chối món quà lớn là ngôi nhà. Khi ông nói nhà làm trong một đêm mới nhận là câu từ chối, vì không ai có thể làm một ngôi nhà lớn trong một đêm…
Ngôi nhà cũng là biểu tượng của tình nghĩa, ca ngợi lòng biết ơn của quan Trấn thủ với ân nhân của mình. Ngôi nhà để lại bài học cho hậu thế về lối ứng xử đẹp đẽ của người xưa, về đạo lý “thi ân bất cầu báo – làm ơn không mong báo đáp” và “thọ ân mạc khả vong – nhận ơn thì không thể quên”. Lòng biết ơn là một giá trị mang tính nhân loại, Marcus Tullius Cicero là một triết gia và nhà hùng biện, chính khách, nhà lý luận chính trị La Mã nói rằng: “Lòng biết ơn không chỉ là đức tính vĩ đại nhất mà còn là khởi nguồn của mọi đức tính tốt đẹp khác”. Ngôi nhà này là biểu tượng của lòng biết ơn.
Điều đáng lưu tâm là cho đến nay, ngôi nhà có một không hai này vẫn chưa được xếp hạng di tích như Từ đường Nguyễn Viết tộc hay nhà Từ vũ thờ Thượng thư Nguyễn Viết Thứ và con trai… Với những tiêu chí về xếp hạng di tích quốc gia, “ngôi nhà một đêm” thỏa mãn đầy đủ, có lẽ chỉ còn thiếu một chút quan tâm của các cấp chính quyền địa phương và Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch nữa chăng?!
Nguyễn Phan Khiêm
Link nội dung: https://phaply.net.vn/ngoi-nha-co-tich-o-son-dong-va-vu-an-chet-voi-2-a209788.html