Vụ Thanh tra Bộ Xây dựng bị bắt tại Vĩnh Phúc: Điều tra cán bộ nhận hối lộ và thanh tra tiếp sai phạm tại địa phương là cần thiết và đúng luật

(Pháp lý) - Trao đổi với Phóng viên Pháp lý, Luật sư, TS. Nguyễn An (Hãng luật Cộng đồng) cho rằng Bộ Xây dựng lập Đoàn Thanh tra khác, tiếp tục thực hiện thanh tra tại Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) là cần thiết và đúng luật. Theo quan điểm của Luật sư An, việc thanh tra và điều tra là hai công việc tách bạch về chức năng, nhiệm vụ khác nhau, không thể nói trùng lặp vì 2 cơ quan làm về 2 vấn đề khác nhau.

Sau vụ 3 Thanh tra Bộ Xây dựng bị Công an bắt để điều tra nghi án nhận hối lộ tại Vĩnh Phúc, ngày 18/6, Bộ Xây dựng đã quyết định cử Đoàn Thanh tra mới gồm 11 thành viên tiếp tục thanh tra một số Dự án tại Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Tuy nhiên có một số ý kiến trái chiều về quyết định này của Bộ Xây dựng.

Đại diện UBND huyện Vĩnh Tường tại buổi làm việc với Đoàn Thanh tra
Đại diện UBND huyện Vĩnh Tường tại buổi làm việc với Đoàn Thanh tra)

Tại buổi làm việc ngày đầu tiên với Đoàn Thanh tra (mới) của Bộ Xây dựng, đại diện UBND huyện Vĩnh Tường cho biết: hiện không còn hồ sơ để cung cấp cho đoàn thanh tra vì công an đã niêm phong, thu giữ hầu hết hồ sơ, tài liệu để phục vụ cho công tác điều tra. Ông Phan Thanh Hà, Chánh Thanh tra huyện Vĩnh Tường cho biết, công an đã thu giữ hồ sơ, tài liệu và tiếp tục làm việc với UBND huyện. Vì vậy, nếu Thanh tra Bộ Xây dựng tiếp tục thanh tra thì sẽ có 2 cơ quan cùng làm về một nội dung. Ông Hà đề nghị Thanh tra Bộ xem xét về việc tiếp tục đoàn thanh tra.

Còn theo ý kiến của một số chuyên gia pháp luật thì việc thanh tra và điều tra là hai công việc tách bạch về chức năng, nhiệm vụ khác nhau, không thể nói trùng lặp vì 2 cơ quan làm về 2 vấn đề khác nhau.

Tiếp tục thanh tra là cần thiết, đúng quy định pháp luật.

Trao đổi với Phóng viên Pháp lý, Luật sư, TS. Nguyễn An nhận định: “Sự việc Đoàn thanh tra Bộ Xây dựng tại tỉnh Vĩnh Phúc bị bắt quả tang khi nhận hối lộ vừa qua là hồi chuông cảnh báo đối với một bộ phận cán bộ làm nhiệm vụ chống tham nhũng, nhưng lại tham nhũng”. Việc này cơ quan cảnh sát điều tra sẽ điều tra làm rõ. Còn việc Bộ Xây dựng quyết định thành lập Đoàn thanh tra số 2 (hay Đoàn thanh tra mới) tiếp tục thanh tra các dự án tại Vĩnh Phúc là điều cần thiết và đúng luật”.

Theo kế hoạch được Bộ trưởng Xây dựng phê duyệt từ đầu năm, Thanh tra Bộ Xây dựng lập đoàn thanh tra công tác quy hoạch, quản lý thực hiện quy hoạch tại 29 xã, thị trấn ở huyện Vĩnh Tường. Khi Bộ Xây dựng đã công bố quyết định thì phải hoàn thành nhiệm vụ thanh tra. Đoàn Thanh tra mới phải hoàn thành các nhiệm vụ đoàn thanh tra cũ đang làm dở để hoàn thành toàn bộ nhiệm vụ Bộ Xây dựng đã đề ra.

Về căn cứ pháp lý, Điều 50 Luật Thanh tra 2010 quy định quyền hạn của người ra quyết định thanh tra chuyên ngành: Đình chỉ, thay đổi Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra khi không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ thanh tra hoặc có hành vi vi phạm pháp luật hoặc là người thân thích với đối tượng thanh tra hoặc vì lý do khách quan khác mà không thể thực hiện nhiệm vụ thanh tra.

Do đó việc Bộ Xây dựng căn cứ quy định Luật Thanh tra ra quyết định thay đổi trưởng đoàn cùng những thành viên Đoàn thanh tra để tiếp tục cuộc thanh tra tại Vĩnh phúc là hoàn toàn hợp lý.

Căn cứ pháp lý khác như: Thông tư số 05/2014/TT-TTCP, ngày 16/10/2014 của Thanh tra Chính phủ về thay đổi trưởng đoàn, thay đổi bổi sung thành viên Đoàn thanh tra. Cụ thể: việc thay đổi Đoàn Thanh tra được thực hiện trong trường hợp thành viên đoàn thanh tra vi phạm pháp luật hoặc vì lý do khách quan khác mà không thực hiện nhiệm vụ thanh tra. Việc bổ sung thành viên Đoàn Thanh tra được thực hiện khi cần đảm bảo tiến độ, chất lượng cuộc thanh tra hoặc để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát sinh khác trong quá trình thanh tra.

Để tiếp cận được hồ sơ phục vụ công tác thanh tra, Luật sư cho rằng: Đoàn thanh tra Bộ Xây dựng có thể đề nghị UBND huyện Vĩnh Tường thống kê lại các phiếu yêu cầu của đoàn thanh tra, biên bản giao nhận hồ sơ, tài liệu, lịch làm việc của đoàn thanh tra trước đã làm việc. Đồng thời đề nghị cung cấp các bản sao lưu hồ sơ (nếu bị niêm phong) để tiếp tục tiến hành thanh tra.

Luật sư, TS. Nguyễn An (Hãng luật Cộng đồng) trao đổi với PV Pháp lý
Luật sư, TS. Nguyễn An (Hãng luật Cộng đồng) trao đổi với PV Pháp lý)

Khoản 2, Điều 10 Luật Thanh tra quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Cụ thể: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra phải cung cấp đầy đủ, kịp thời theo yêu cầu của người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, cộng tác viên thanh tra, thành viên khác của Đoàn Thanh tra và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của thông tin, tài liệu đã cung cấp.

Điều tra và Thanh tra: 2 vấn đề không trùng lặp

Với đề nghị Bộ Xây dựng xem xét việc có nên tiếp tục thanh tra hay không, do lo ngại chuyện 2 cơ quan cùng làm về một nội dung của đại diện UBND huyện Vĩnh Tường, Luật sư An nêu quan điểm:

“Việc thanh tra các dự án đầu tư xây dựng thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra xây dựng, còn việc điều tra các sai phạm của cán bộ thanh tra khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật là nhiệm vụ của cơ quan Công an điều tra. Đây là hai công việc tách bạch với chức năng, nhiệm vụ khác nhau, không thể chồng chéo chức năng lên nhau được.

“Theo quy định của Luật Thanh tra 2010, và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn liên quan, không có nội dung quy định về việc tạm dừng hoạt động thanh tra khi xảy ra vấn đề sai phạm cá nhân của thanh tra viên”.

Một số kiến nghị

Theo Luật sư An, để đoàn thanh tra thứ 2 này hoàn thành tốt nhiệm vụ đã được đề ra theo kế hoạch của Bộ Xây dựng, để đảm bảo tính khách quan, tạo lòng tin trong dự luận và hơn hết là tránh xảy ra sự việc đáng tiếc vừa qua, cần áp dụng một số giải pháp, cụ thể:

Thứ nhất, tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động thanh tra; trú trọng việc phổ biến về nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn thanh tra, quyền và trách nhiệm của đối tượng thanh tra, mối quan hệ công tác giữa Đoàn thanh tra và đối tượng thanh tra, các nội dung khác liên quan đến hoạt động của Đoàn thanh tra cho đối tượng thanh tra khi tiến hành cuộc thanh tra.

Thứ hai, thành lập Tổ giám sát thực hiện việc giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra (bao gồm cả nhận sự của Bộ và địa phương). Đây được coi là giải pháp quan trọng góp phần cho công tác thanh tra ngày càng hoàn thiện hơn, đáp ứng ngày càng cao cho yêu cầu, nhiệm vụ của hoạt động thanh tra…

Diễn biến vụ việc

“Ngày 12/6 có 3/5 thành viên của đoàn thanh tra Bộ Xây dựng - trong đó có trưởng đoàn - bị Công an tỉnh Vĩnh Phúc lập biên bản, tạm giữ với cáo buộc "Nhận hối lộ".

Ngày 17/6, Bộ Xây dựng đã cử một Đoàn thanh tra mới về huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) để tiếp tục thanh tra công tác quy hoạch, quản lý thực hiện quy hoạch được duyệt, công tác cấp phép xây dựng,... tại một số dự án tại huyện Vĩnh Tường.

Ngày 18/6, lãnh đạo VKSND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết đơn vị đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam với bà Nguyễn Thị Kim Anh (trưởng đoàn thanh tra) cùng hai thành viên là ông Đặng Hải Anh và Nguyễn Thuỳ Linh về tội “Nhận hối lộ”.

Tại buổi làm việc ngày đầu tiên với Đoàn thanh tra mới, đại diện huyện Vĩnh Tường cho biết không còn hồ sơ để cung cấp cho đoàn thanh tra vì công an đã niêm phong, thu giữ hầu hết hồ sơ, tài liệu để phục vụ cho công tác điều tra. Và đề nghị Thanh tra Bộ xem xét về việc có nên tiếp tục thanh tra, bởi nếu Thanh tra Bộ Xây dựng tiếp tục thanh tra thì sẽ có 2 cơ quan cùng làm về một nội dung”.

PV

Link nội dung: https://phaply.net.vn/vu-thanh-tra-bo-xay-dung-bi-bat-tai-vinh-phuc-dieu-tra-can-bo-thanh-tra-nhan-hoi-lo-va-thanh-tra-tiep-sai-pham-tai-dia-phuong-la-can-thiet-va-dung-luat-a209751.html