Điều đặc biệt ở những nữ Nhà báo, Nhà sản xuất phim có ảnh hưởng nhất Việt Nam

(Pháp lý) - Nhà báo Tạ Bích Loan nói “nếu không làm truyền hình thì tôi sẽ về trồng rau”…; Nhà sản xuất phim Trần Thị Bích Ngọc nghĩ đơn giản về cuộc sống “phụ nữ chúng tôi vui vẻ như những con chim sẻ”. Chuyên gia truyền thông - Phạm Thị Hương Giang lại nói “Tôi rung cảm đặc biệt trước những cái đẹp nhỏ nhoi nhất của thiên nhiên”.

Họ là 4 trong số những phụ nữ được Forbes vinh danh là những người phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017 và 2019. Họ có điểm chung là chọn báo chí, truyền thông, điện ảnh để truyền đi thông điệp, thể hiện ước mơ, hiện thực mong mỏi của mình và cống hiến cho xã hội. Họ là những người phụ nữ mỏng mảnh, tinh tế nhưng khát vọng lớn. Điều họ làm được thật đáng ngưỡng mộ…

Nhà sản xuất phim Trần Thị Bích Ngọc: Lan tỏa tinh thần đam mê với nghề và cống hiến

Nhà sản xuất phim Trần Thị Bích Ngọc
Nhà sản xuất phim Trần Thị Bích Ngọc)

Vào những năm 2000, nhà sản xuất Bích Ngọc gắn cơ duyên với nghề điện ảnh bằng việc đảm nhiệm vị trí trợ lý đạo diễn hay trợ lý sản xuất trong các bộ phim như “Người Mỹ trầm lặng”, “Miền đất hứa”, “Mùa Hè chiều thẳng đứng”… Chị là đồng sáng lập Chương trình “Gặp gỡ mùa Thu” – sự kiện điện ảnh phi lợi nhuận thường niên với các lớp học dành cho đạo diễn, diễn viên trẻ tài năng, đồng thời trao cơ hội đầu tư cho nhiều dự án điện ảnh thương mại và nghệ thuật triển vọng. Năm 2014, chị chính thức trở thành nhà sản xuất phim độc lập với công ty An Nam Productions. Bộ phim “Cha và con và…” (đạo diễn Phan Đăng Di) là bộ phim Việt Nam đầu tiên được tham dự vòng tranh giải chính thức của LHP quốc tế Berlin 2015.

Là con gái rượu của nhà quay phim kỳ cựu – NSƯT Trần Trung Nhàn, người mà tên tuổi của ông đã gắn liền với những bộ phim nổi tiếng của điện ảnh cách mạng Việt Nam thời kỳ đầu như Tội lỗi cuối cùng, Đứa con nuôi, Đêm hội Long Trì, Tướng về hưu, Hồi ức tình yêu, Sông Hồng reo… – cô bé Bích Ngọc đã sớm được thừa hưởng tình yêu lẫn đam mê làm phim từ bố. Chị kể: “Khi còn nhỏ tôi thường xuyên theo chân bố đến các đoàn làm phim, nhìn cách làm việc, vận hành của các tổ hoạt động ra sao. Tuy lúc đó chỉ là người quan sát thôi mà tôi đã cảm thấy mình thích công việc này rồi đấy!”. Đến khi đi học, chị chọn thi vào khoa khó nhất của trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội – Khoa đạo diễn, học cùng năm với đạo diễn Phan Đăng Di, và tốt nghiệp khóa đạo diễn vào năm 2000. “Tôi học đạo diễn nhưng tự thấy mình sẽ trở thành một đạo diễn rất dở. Ngược lại, tôi lại thấy rất thú vị khi đứng ở vị trí của một nhà sản xuất, thế là…” – Bích Ngọc cười

Nhiều người nói, Trần Thị Bích Ngọc sinh ra để làm một nhà sản xuất phim. Chị làm việc thoăn thoắt, giải quyết mọi sự cố của một Liên hoan phim độc lập với rất nhiều khó khăn một cách điềm tĩnh, nhẹ nhàng. Nói về con đường nghề nghiệp của mình chị chia sẻ: Thực ra từ những năm 1994 tôi đã bắt đầu công việc trợ lý hay phụ việc vặt trong các đoàn phim. Nhưng “bước ngoặt” lớn nhất khiến tôi quyết định sẽ trở thành một nhà sản xuất phim có lẽ là năm 1999. Khi đó, đoàn làm phim Mùa Hè chiều thẳng đứng của đạo diễn Trần Anh Hùng về Hà Nội để thực hiện các cảnh quay. Cơ duyên tham gia đoàn phim của tôi chỉ là sự tình cờ đi làm phiên dịch trong bộ phận thiết kế phục trang một ngày ở đoàn, thay cho chị gái bận việc đột xuất. Chị gái tôi học chuyên Pháp và giai đoạn đó hay tham gia làm phiên dịch cho các đoàn phim nước ngoài.

Tôi còn nhớ rất rõ, ngày đầu tiên đến làm, tôi đã nghe rỉ tai là cô thiết kế phục trang phim này nổi tiếng kỹ tính và đã không hài lòng với hơn 10 người phiên dịch khác. Không ngờ khi tôi đến làm việc thì qua buổi trưa, cô yêu cầu bộ phận sản xuất giữ tôi lại, và thế là tôi bắt đầu từ công việc phiên dịch này cho đến nhiều bước thay đổi tiếp theo trong công việc của mình. Chính việc sớm được tiếp xúc với những đoàn phim chuyên nghiệp đã giúp tôi rất nhiều trong tư duy và cách làm việc sau này. Tôi thấy may mắn và biết ơn vì điều đó.

Là người không ngừng sáng tạo và có những thành tựu trong nghệ thuật, tuy nhiên khi nói về những thành công của mình, chị khiêm tốn: Tôi thường không hay suy nghĩ về những gì mình đã làm được, nên trả lời thế này quả thật là khó khăn! Hiện tôi đang làm việc với các dự án tiếp theo của Ash Mayfair, của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, Phan Đăng Di. Vào một dịp thuận lợi, tôi rất mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm với các nhà làm phim trẻ về những gì mình đã trải qua cho một bộ phim, từ trang giấy đến khi lên màn ảnh và trình chiếu tại nhiều nơi trên thế giới. Tôi vui khi nhìn thấy bộ phim của mình đến được với khán giả Việt Nam và khán giả khắp nơi trên thế giới. Là niềm vui khi nghe tiếng Việt cất lên ở các rạp phim xa xôi mà mình không hình dung nổi có ngày phim Việt được khán giả xếp hàng để đến xem…

Tài năng, mong mỏi cống hiến và nhiệt tâm hỗ trợ người khác khiến nhiều người trong giới nghệ thuật nể phục chị. Năm 2019, chị được Forbes vinh danh là 1 trong 50 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam

Nhà báo Tạ Bích Loan: Người phụ nữ thông minh, mềm mỏng và mơ mộng…

Năm 2017, nhà báo Tạ Bích Loan được vinh danh là 1 trong 50 người phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam. Nhà báo Tạ Bích Loan sinh năm 1968 tại Yên Mô, Ninh Bình, tốt nghiệp đại học và cao học tại Trường Đại học Tổng hợp Lomonosov ( Liên bang Nga). Tạ Bích Loan đạt kỷ lục về các show truyền hình chất lượng, công phu, cảm động, tạo được độ rung động mạnh mẽ như “ Đường lên đỉnh Olypia”; “ Bảy sắc cầu vồng”; “ Người đương thời”; “Chuyện đương thời” …Hiện nay nhà báo Tạ Bích Loan là Trưởng ban biên tập VTV3, đài truyền hình Việt Nam.

 Nhà báo Tạ Bích Loan
Nhà báo Tạ Bích Loan)

Khác với nhiều nữ BTV, Tạ Bích Loan cuốn hút công chúng không phải bằng ngoại hình xinh đẹp, giọng nói ngọt ngào mà từ nét mặt đến lời nói của chị luôn toát lên vẻ thông minh, gần gũi và cương quyết. Từ khi mới là người dẫn chương trình, chị luôn tiên phong trong việc tìm tòi những ý tưởng sáng tạo, nhạy bén với thực tế nghề nghiệp. Thỉnh thoảng, khi dẫn chương trình hay làm giám khảo, khách mời... cái tên Tạ Bích Loan lại nhanh chóng trở thành tâm điểm với vẻ đẹp bản lĩnh, trí tuệ toát lên từ thần thái, lời nói và nụ cười giản dị.

Ai đã từng gặp và tiếp xúc với BTV Tạ Bích Loan sẽ thấy ở con người chị có sự pha trộn đặc biệt giữa tính cách quyết liệt của người làm báo và cách nắm bắt tâm lý tinh tế, mềm mỏng của người phụ nữ Á đông. Mạnh mẽ, thành công là vậy nhưng nói về bản thân, BTV Tạ Bích Loan tự nhận mình là người... mơ mộng.

Ai đã từng nghe chị kể chuyện ký ức tuổi học trò với màu da trời xanh ngắt, mùi hoa sữa nồng nàn... hẳn sẽ "say như điếu đổ". Chị từng chia sẻ: "Có một thời, tôi ngộ nhận mình có năng khiếu làm thơ. Tôi cảm thấy thơ của mình rất hay, gửi đi nhiều cuộc thi thơ toàn quốc. Rồi một ngày đẹp trời nào đó, tôi thức tỉnh giấc mộng sau nhiều lần không đoạt giải. Tôi học chuyên văn nên cũng tập tành viết truyện ngắn. Nhưng các truyện đó thường không kết thúc được bởi tôi không đoán trước được diễn biến tâm lý sau đó của nhân vật, thường chỉ mô tả những gì thuộc về hiện tại”, chị tâm sự.

Hỏi BTV Tạ Bích Loan: "Nếu không theo truyền hình chị sẽ làm nghề gì?". Chị không chút suy tư mà nói ngay: "Tôi sẽ chọn ngay công việc... trồng rau". Câu nói ấy thật mà ai cũng ngỡ như đùa. Nữ nhà báo tâm sự, chị thích nhìn thấy những mầm cây mọc từ dưới đất lên sau cơn mưa. Những ngày còn nhỏ, nhà chị có mảnh vườn và cô bé Bích Loan thuở ấy có thể cặm cụi suốt ngày trồng rau, bắt sâu, xới đất... Thỉnh thoảng, vườn nhà có nhiều rau, chị lại giúp bố mẹ đi bán ở cạnh Đại học Bách khoa Hà Nội.

Nhà báo Tạ Bích Loan đăng kí hiến tạng vào năm 2018 với hy vọng nếu không may mình chết não hoặc qua đời, những bộ phận trên cơ thể mình sẽ cứu được những người khác còn mình sẽ tiếp tục được sống thêm một lần nữa để cống hiến cho đời.

Chị Phạm Thị Huệ: Truyền thông lan tỏa điều tích cực từ chính cuộc sống của mình

Chị Phạm Thị Huệ hiện là Trưởng phòng truyền thông của Trung tâm Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cộng đồng và phòng chống HIV/AIDS tại TP Hải Phòng. Sinh năm 1980, chị được biết đến là người phụ nữ đầu tiên của Việt Nam công khai "tôi là người có H". Chị cũng được Tạp chí Time trao danh hiệu "Anh hùng châu Á" với nhiều hoạt động có ích trong cộng đồng người nhiễm HIV. Năm 2017, chị cũng được Forbes vinh danh là một trong những người phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam.

Năm 2001 là năm định mệnh của Huệ. Chị chuẩn bị sinh con đầu lòng thì cầm trong tay xét nghiệm nhiễm HIV từ chồng. Từ đây, quãng thời gian đen tối của chị bắt đầu. Một trong những tủi nhục đầu tiên chị phải trải qua chính là sự kỳ thị, xa lánh và cô lập đến mức độc ác của mọi người khi sinh con trong viện. Bác sĩ cách ly chị và con trai trong một góc riêng biệt. Người mẹ trẻ phải tự vệ sinh, lau vết mổ trong suốt một tuần nằm viện. Ngay cả khi trở về với gia đình, vợ chồng chị tiếp tục bị gia đình chối bỏ và phải dọn ra ngoài thuê trọ. Nhưng chỉ ở được một thời gian, khi nhà chủ biết vợ chồng có H, hai người lại vội vàng chuyển nhà. Chị không nhớ nổi mình đã chuyển nhà bao nhiêu lần.

Trưởng phòng truyền thông Phạm Thị Huệ.
Trưởng phòng truyền thông Phạm Thị Huệ.)

Chị kể: "Khi bị hết người này tới người kia xua đuổi, tủi nhục khôn xiết, cảm giác bị xã hội ruồng bỏ, tôi và chồng có ý định tự tử cùng con. Chúng tôi mua thuốc chuột để chuẩn bị cho sự giải thoát. Nhưng ngay khi định uống, đứa con lúc ấy mới 3 tháng tuổi bỗng khóc thét lên - tiếng khóc làm tôi bừng tỉnh và quyết định phải sống tiếp. May mắn, cháu âm tính với HIV". Trăn trở về bản thân và những người chung cảnh ngộ, chị tự nhủ phải đứng lên làm điều gì đó ý nghĩa để có thể "được sống - theo đúng nghĩa là mình đang sống". Chị còn công khai số điện thoại cá nhân và sẵn sàng tư vấn, tâm sự với những người có H. Công việc này được chị làm với tất cả sự chân thành và trải nghiệm đầy nước mắt từ chính bản thân.

Năm 2009, Phạm Thị Huệ tham gia đóng bộ phim Siêu thoát của đạo diễn Vĩnh Khương để xây dựng "Quỹ chăm sóc trẻ nhiễm HIV". Mỗi công việc chị làm đều muốn mang lại điều gì đó tốt đẹp nhất cho bản thân và cộng đồng. Từ trải nghiệm của bản thân, Phạm Thị Huệ cho rằng: "HIV không có nghĩa cuộc sống chấm hết”. Trên lý thuyết, người bị nhiễm HIV sau 2-10 năm sẽ chuyển sang giai đoạn AIDS và kéo dài sự sống thêm khoảng 2 năm. Tuy nhiên thực tế, tuổi thọ của người mắc bệnh này có thể kéo dài hay không tùy vào nhiều yếu tố. Không ít trường hợp nhiễm HIV sau hơn 20 năm vẫn sống khỏe mạnh, chưa chuyển sang giai đoạn AIDS". Chị là hạt nhân tuyên truyền để xã hội không xa lánh, kỳ thị người bệnh và chính người bệnh có thêm niềm tin yêu với cuộc sống.

Nói chuyện với chị, cảm nhận niềm tự hào lớn nhất của chị rõ ràng không phải là danh hiệu mà xã hội tặng chị.... “Thời điểm đó mọi người bị sốc, mình giúp họ vượt qua cái sốc đó bằng chính bản thân một người bệnh như mình - Huệ nói - Tôi tự hào vì sự thay đổi rất rõ về nhận thức của cộng đồng, ít nhất tại TP này, về căn bệnh HIV/AIDS, và sự tự tin của người bệnh. Bây giờ đã có rất nhiều người nhiễm HIV công khai để tham gia công tác phòng chống HIV/AIDS. Đây là bằng chứng của việc giảm kỳ thị, phân biệt đối xử trong cộng đồng và giúp người có HIV bớt đi mặc cảm, sống hòa nhập với gia đình và cộng đồng”.

Thời gian gần đây khi gặp lại, nhiều người bị ấn tượng mạnh bởi sau nhiều năm có H chị vẫn giữ được vẻ ngoài khỏe khoắn, xinh đẹp và năng lượng tràn đầy của một phụ nữ yêu đời… Chị Huệ đã dùng chính mình để minh chứng và để truyền đi thông điệp truyền thông, mang lại những điều cao đẹp cho xã hội.

Chuyên gia truyền thông Phạm Thị Hương Giang: Sáng tạo vì cộng đồng

Phạm Thị Hương Giang - biệt danh Jang Kều; Sinh năm 1979. Chị từng theo học Quản lý Dự án Phát triển Cộng đồng của Học viện Công nghệ Châu Á (AIT), Thái Lan. Thạc sĩ chuyên ngành Kinh doanh và Tài chính Quốc tế, trường Đại học Kyung Hee, Hàn Quốc. Quản lý dự án của UNDP – Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam. Chủ tịch tập đoàn GroupG Asia Pacific (Singapore). Hiện chị công tác trong lĩnh vực truyền thông, là chuyên gia tư vấn chiến lược thương hiệu, chiến lược CSR cho doanh nghiệp.

Ở một vai trò khác, người ta biết đến chị nhiều hơn trong vai trò người sáng lập quỹ Hỗ trợ & Phát triển Cộng đồng Sống bền vững trong đó có các dự án Nhà chống lũ, dự án Làng hạnh phúc, dự án Hạnh phúc xanh, dự án Forest Symphony. Năm 2019, chị vào top 50 người phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam theo Tạp chí Forbes.

Nhà Chống Lũ là một dự án phát triển xã hội, quyên góp từ cộng đồng qua các hoạt động online và đấu giá trực tiếp các tác phẩm nghệ thuật, nhằm hỗ trợ người dân cùng xây nhà an toàn trong các vùng chịu thiên tai, bão lũ. Dự án ra đời năm 2013, khi Giang đang là chủ tịch hội đồng quản trị và tổng giám đốc điều hành năm công ty trong tổ hợp các công ty tư vấn, sáng tạo và truyền thông GroupG Asia Pacific Pte Ltd, trụ sở chính tại Singapore. Và khi ấy, chị đang là mẹ của một đứa con nhỏ mắc chứng tự kỷ luôn cần đến mình. Dự án ban đầu chỉ có năm người, đều đi làm, không ai có toàn thời gian cho dự án, vậy mà Giang vẫn chọn một con đường khó khăn… Để thực hiện dự án, người nghèo trong diện xây nhà phải góp ít nhất 50% kinh phí cùng công sức, giám sát.

Chuyên gia truyền thông Phạm Thị Hương Giang
Chuyên gia truyền thông Phạm Thị Hương Giang)

Chia sẻ cảm xúc bắt đầu khi thực hiện dự án cộng đồng có sức lan tỏa lớn ấy, chị Giang nói: Tôi bắt đầu từ niềm tin. Tôi tin rằng chỉ khi người dân thực sự tin tưởng, mong muốn thay đổi cuộc đời, chúng ta mới có thể giúp đỡ được họ. Nhiều người dân nghèo ở nông thôn không dám mơ ước cho ngày mai. Thực tế, cách hỗ trợ người nghèo có nhiều bất cập vì thiếu khoa học, không tính đến nhu cầu, khả năng tài chính của người dân, yếu tố văn hóa, cộng với chủ nghĩa bình quân... dẫn tới tình trạng người thụ hưởng không có niềm tin, không cần suy nghĩ và nỗ lực nữa. Có những gia đình nhận cứu trợ đến 470 triệu đồng nhưng chỉ để mua ruộng, trâu bò, uống rượu... dù ngôi nhà họ đang ở rất nguy hiểm cho tính mạng và tài sản của mình. Bởi nếu xây nhà, năm sau họ không được nhận tiền hỗ trợ… Nhưng đầu tiên chúng tôi phải hiểu hoàn cảnh từng hộ và làm họ tin mình. Có niềm tin rồi, một cộng đồng rất nhỏ cũng có thể lan tỏa niềm tin đến cộng đồng mấy ngàn người. Như khi làm nhà phao ở Tân Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình, chúng tôi chỉ hỗ trợ làm chưa tới 100 ngôi nhà, người dân đã tự giúp nhau làm thêm 300 nhà nữa.

Sự phát triển của dự án mạnh mẽ hơn cả mong đợi. Kiến trúc sư dự án là người thiết kế đảm bảo cho ngôi nhà an toàn, tiết kiệm và có thể mở rộng không gian.

Tới nay, tỷ lệ đóng góp không còn 50 - 50 nữa, mà đã có những hộ góp lên đến 80%. Họ có niềm tin rồi thì hàng xóm, bà con cho vay tiền thêm. Thế là họ cố gắng. Sau bốn năm, hơn 550 ngôi nhà được xây tại các tỉnh miền Trung, miền Bắc, Nam Trung bộ và miền Tây, không ngôi nhà nào giống nhà nào. Hơn 20 tỷ đồng xây nhà nhưng giá trị lên tới 70 - 80 tỷ đồng, gồm cả đóng góp công sức tình nguyện của rất nhiều người làm chuyên môn, thanh niên tình nguyện...

Jang Kều có cuộc sống đầy trắc trở, nhưng chị lại nghĩ lạc quan rằng trắc trở vun trồng cho thành công. Chị chia sẻ: Tôi không học sư phạm ngoại ngữ như ý mẹ mà chọn học ngoại thương; du học về lập công ty và bị phá sản, mắc nợ ngay 1 tỉ đồng. Hai mươi lăm tuổi, công ty tôi mới mở hợp tác với một công ty nước ngoài tại Việt Nam, đang phát triển thì bị chiếm đoạt. Tôi lại phải thành lập doanh nghiệp riêng, với vỏn vẹn 120 triệu còn lại. Cuối năm 2013, khi GroupG đã phát triển với chuỗi năm công ty, tôi quyết định chỉ giữ lại hai công ty, số còn lại tặng bạn bè, để dành thời gian làm Nhà Chống Lũ; trong khi tôi còn đang có một đứa con nhỏ mắc chứng tự kỷ luôn cần mẹ…

Thế nhưng, thay đổi cuộc sống cho người khác cũng là thay đổi cuộc sống cho chính mình. Tôi không còn ngày nào cũng chiến đấu, căng thẳng với con. Tôi đối xử với con như một người bình thường, cùng chơi, cùng làm việc với con. Đó chính là cách tiếp cận trẻ tự kỷ. Tôi ra nhặt nắng với con, cùng con cắt giấy thành hàng ngàn mảnh nhỏ. Hai năm để con cào cấu, sợ hãi, để con bơi được.... Thỉnh thoảng tôi cũng đưa con đi cùng những chuyến đi Nhà Chống Lũ. Vừa an tâm chăm sóc con, vừa giúp con có môi trường tiếp xúc rộng mở hơn… Đôi khi tôi nghĩ, thượng đế gửi con xuống để dạy mình điều còn thiếu, và cho mình sự kiên nhẫn… Và từ nền tảng là những thử thách và trắc trở ấy, chị đã vươn lên và giúp đỡ mọi người.

Cuộc sống với nhiều thử thách nhưng chị vẫn nói, sáng tạo là tôn giáo của mình. Chị Giang cũng làm dự án từ thiện của mình theo cách sáng tạo. “Nhà Chống Lũ chưa bao giờ dùng hình ảnh thương tâm để kêu gọi chung tay. Tất cả đều là nụ cười, niềm tin, là màu sắc tươi vui. Tôi không bao giờ tin những thứ tiêu cực sẽ làm được gì cho cuộc sống”, chị Giang nói

Nhà Chống Lũ được tạo lập dựa trên ba giá trị: sáng tạo, nhân văn, bền vững. Tôi tin cái dẫn dắt một xã hội là sự sáng tạo; tôi không tin một cộng đồng, một đất nước có thể phát triển nếu không có sự sáng tạo. Nhưng một xã hội thiếu nhân văn thì không bao giờ tồn tại được, bởi nhân văn chính là nền tảng của xã hội. Sáng tạo đem lại lợi ích cho cộng đồng, không phải cho cái tôi cá nhân, thì tự nó sẽ tạo ra giá trị nhân văn. Ngược lại, nhân văn là động lực của sáng tạo. Sự tương tác của chúng tạo nên sự bền vững của xã hội. Sáng tạo, nhân văn càng lớn, sự bền vững của xã hội càng cao, càng rộng.

"Điểm chung của những người phụ nữ có tầm ảnh hưởng lớn tại Việt Nam trong danh sách năm 2019 là tinh thần dấn thân, dám nghĩ dám làm, bền bỉ, giúp họ vươn lên thành công trong lĩnh vực của mình, đồng thời xác lập và khẳng định những giá trị mới với người phụ nữ thời hiện đại" - ông Võ Quốc Khánh, Thư ký Tòa soạn của Forbes Việt Nam nhận xét.

Minh Hải (tổng hợp)

 

Link nội dung: https://phaply.net.vn/dieu-dac-biet-o-nhung-nu-nha-bao-nha-san-xuat-phim-co-anh-huong-nhat-viet-nam-a209573.html