“Người có nhiều duyên nợ với báo chí” và phong cách Nhà báo Hồ Chí Minh

(Pháp lý) - Cuốn sách “Bác Hồ – Người có nhiều duyên nợ với báo chí” là tập hợp những bài viết của Nhà báo Phan Quang từ cuối những năm 1950 của thế kỷ trước cho đến hôm nay. Với cảm xúc nhạy bén, năng lực nghề nghiệp sâu sắc, Nhà báo Phan Quang đã ghi lại những cảm xúc chân thực, những câu chuyện có thật góp phần khắc họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà báo, nhà văn hóa lớn của Việt Nam và thế giới. Đặc biệt trong cuốn sách này những lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn về sứ mệnh của báo chí, về cách làm báo, cách sử dụng từ ngữ, giữ gìn văn hóa Việt Nam đã trở thành kim chỉ nam cho hoạt động của các cơ quan báo chí và nhà báo hiện nay.

Bìa cuốn sách “Bác Hồ - Người có nhiều duyên nợ với báo chí”
Bìa cuốn sách “Bác Hồ - Người có nhiều duyên nợ với báo chí”)

Đối với mỗi nhà báo, cuốn sách “Bác Hồ – Người có nhiều duyên nợ với báo chí” có thể xem như một quyển sách “gối đầu giường”. Sách gồm ba phần chính: Phần một là những tác phẩm báo chí của Bác Hồ; Phần hai là các nhà báo, học giả, sách báo nước ngoài nói về Bác Hồ. Phần ba là những bài viết về Bác Hồ của Nhà báo Phan Quang, Phóng viên báo Nhân Dân nhiều năm liền được tháp tùng Bác Hồ trong những chuyến công tác của Người và sau này làm việc tại Hội Nhà báo Việt Nam.

Với cách viết và cảm nhận của Nhà báo Phan Quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện lên thật giản dị trong phong cách sống, gần gũi với dân. Giản dị nhưng không hề đơn giản, bởi bên trong con người ấy là trí tuệ của một thiên tài, là hiện thân tiêu biểu cho một dân tộc có sức mạnh tiềm tàng, bền bỉ và tự lực. Phong cách sống giản dị, gần gũi đó đã làm kinh ngạc bao chính khách, nhà văn hóa, nhà báo quốc tế khi được gặp, tiếp xúc, làm việc với Hồ Chí Minh.

Bác Hồ qua những trang viết của Nhà báo Phan Quang: Lúc bôn ba nước ngoài tìm đường cứu nước, lúc vào sinh ra tử, lúc xông pha hiểm nghèo… bằng ý chí nghị lực phi thường không ngoài một mục đích cao cả. “Một con người suốt đời không có ham muốn nào ngoài “ham muốn tột bậc” là giành lại độc lập cho Tổ quốc, tự do hạnh phúc cho nhân dân. Một con người không bao giờ nghĩ đến quyền uy, bởi Người luôn tin tưởng “mọi quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân” và bản thân cho dù là lãnh đạo cao nhất nước cũng chỉ là một trong những “người đầy tớ của nhân dân”.

Từ duyên - nợ với Báo chí …

Chữ “duyên” và chữ “nợ” với báo chí đã gắn chặt với chặng đường hoạt động cách mạng và do yêu cầu của cách mạng, Bác Hồ đã “kết duyên” với báo chí và sử dụng báo chí như một công cụ đắc lực để phục vụ cách mạng. Tròn nửa thế kỷ cầm bút (từ năm 1919 ngày Bác chính thức bước vào nghề báo đến năm 1969), Bác là cộng tác viên của nhiều tờ báo tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Trung, tác giả của nhiều tác phẩm báo chí nổi tiếng. Với việc cho ra đời Báo Thanh Niên vào ngày 21/6/1925, tờ báo cách mạng của những người yêu nước Việt Nam theo xu hướng cộng sản, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc không chỉ là người sáng lập, còn là người cầm bút xuất sắc, là người thầy vĩ đại của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Từ mốc son ấy, báo chí Việt Nam đã lớn lên cùng cách mạng, phục vụ cách mạng, phụng sự nhân dân, đồng hành cùng dân tộc. Những lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn về sứ mệnh của báo chí, về cách làm báo, cách sử dụng từ ngữ, giữ gìn văn hóa Việt Nam đã trở thành kim chỉ nam cho mọi hoạt động của các cơ quan báo chí và nhà báo Việt Nam.

Nền báo chí cách mạng mà Người khai sáng đã có những bước tiến vượt bậc, đặc biệt là từ sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám đến nay. Những gì Bác dạy về vai trò và chức năng của báo chí, về nghiệp vụ báo chí, về viết gì, viết như thế nào? Viết cho ai? Đến tận ngày nay vẫn còn nguyên giá trị kinh điển.
Nhà báo Phan Quang không quá lời khi nói Bác Hồ “là nhà báo lớn nhất của Việt Nam trong mọi thời đại, một cây bút ngang tầm những tên tuổi nổi bật nhất về văn hóa và báo chí trên thế giới”. Vì thế, có thể nói duyên nợ của Bác Hồ với báo chí cũng là duyên nợ của Người với đất nước và dân tộc, với sự nghiệp cách mạng của đất nước và độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là chiến sĩ giải phóng dân tộc lỗi lạc, người cộng sản quốc tế trong sáng, danh nhân văn hóa thế giới. Người là nhà báo bậc thầy, “nhà báo lớn nhất của Việt Nam trong mọi thời đại, một cây bút ngang tầm những tên tuổi nổi bật về văn hóa và báo chí trên thế giới” (Phan Quang)

Mở đầu cuốn sách, Nhà báo, nhà văn Phan Quang viết: “Đời tôi có cái may và niềm vui là sau ngày hòa bình lập lại năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Hà Nội, tôi là một trong số không nhiều Phóng viên được phân công phục vụ các chuyến đi của Người thăm đồng bào, bộ đội, cán bộ miền Nam tập kết… tại nhiều nơi trên miền Bắc, đến các công trường quan sát bữa cơm ngày thường của công nhân, về các miền quê động viên nông dân phòng hạn chống lụt, ra hải đảo thăm hỏi những người giữ biển, vào gần những vùng giới tuyến nói chuyện với đồng bào chiến sĩ… để thông tin về những sự kiện ấy”.

Cuốn sách của Nhà báo Phan Quang đã dành một số trang đáng kể để kể lại quá trình làm báo cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ông đặc biệt chú trọng trình bày, phân tích “Tư duy và phong cách báo chí Hồ Chí Minh”. Nhà báo Phan Quang khẳng định: Tư duy và phong cách báo chí Hồ Chí Minh cụ thể hoá tư tưởng của Người về văn hoá và báo chí: “Văn hoá là một mặt cơ bản của xã hội”;”văn hoá là một mặt trận”; ”Văn hoá mới kết hợp hài hoà đúng đắn truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế”. Báo chí là bộ phận cấu thành văn hoá đồng thời là một phương tiện có hiệu lực góp phần xây dựng, truyền bá, thực thi văn hoá, đưa văn hoá vào cuộc sống hằng ngày. Những người làm báo là đội quân đi đầu trong công tác chính trị tư tưởng, với chức năng ban đầu là người tuyên truyền, cổ động, tổ chức, hướng dẫn quần chúng đấu tranh giành lại chính quyền, vì tự do dân chủ”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Rất nhiều lần, Người trở lại và nhấn mạnh hơn ý tưởng ấy: “Cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng động viên quần chúng đoàn kết, đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới…”; “Ngòi bút là vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà…”.

Trong cuốn sách của mình, Nhà báo Phan Quang đã dành nhiều trang để thuật lại những điều Bác Hồ dạy người làm báo Việt Nam hôm nay. Sinh thời, dù bận việc, Bác Hồ đều đến dự các Đại hội của người làm báo Việt Nam và chia sẻ kinh nghiệm làm báo. Tại Đại hội III những người làm báo Việt Nam, Bác Hồ bộc bạch: “Kinh nghiệm của tôi là thế này: Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi: “Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông, ngắn gọn, dễ đọc? Viết xong thì nhờ anh em xem và sửa giùm. Chớ tự cho bài mình viết ra thế này là “tuyệt rồi”.

Những lời dạy của Bác Hồ, cho đến nay đối với người làm báo hoặc đang học nghề làm báo, vẫn còn nguyên giá trị. Là người được đi theo Bác Hồ trong những chuyến công tác của Bác, lại nhiều năm nghiên cứu, sưu tầm tài liệu và viết về sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ, không phải ngẫu nhiên mà Nhà báo Phan Quang lại khẳng định: Bác Hồ là người có nhiều duyên nợ với báo chí. Năm 1959, nói chuyện với đông đảo các nhà báo tại Đại hội lần thứ hai Hội nhà báo Việt Nam, Bác mở đầu:” Là một người có nhiều duyên nợ với báo chí, Bác nêu vài ý kiến để các cô, các chú tham khảo”. Trong cuốn sách mới này, Phan Quang dành hẳn 9 trang để tìm hiểu hai từ “duyên nợ” của Bác Hồ. “Nợ” thì đã rõ ràng: nợ nước thù nhà. Gánh nợ mà suốt cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh không một phút giây nào không nghĩ tới. Còn “duyên” đó là cái “duyên” của Bác Hồ đối với báo chí sâu rộng lắm, nghĩa tình lắm, thể hiện trong suốt cuộc đời của Bác dấn thân vì cách mạng… Từ bài viết đầu tiên đến bài phỏng vấn cuối cùng, thời gian dài nửa thế kỷ, mọi việc làm của Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đều hướng về một mục tiêu duy nhất: cứu nước, giành lại độc lập tự do cho dân tộc.

Tác phẩm “Bác Hồ - Người có nhiều duyên nợ với báo chí”, có những câu chuyện hết sức cảm động, những bài học sâu sắc về nghề nghiệp, tư tưởng, tư duy, đạo đức, phong cách báo chí Hồ Chí Minh.

Nhà báo Phan Quang tặng sách cho đại diện các đơn vị.
Nhà báo Phan Quang tặng sách cho đại diện các đơn vị.)

… Đến phong cách Nhà báo Hồ Chí Minh

Tập sách Bác Hồ, người có duyên nợ với báo chí không chỉ khắc họa chân dung một nhà báo cách mạng vĩ đại - nhà báo Hồ Chí Minh, mà còn là thông điệp và di sản về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Theo Nhà báo Phan Quang, Bác Hồ đặc biệt quan tâm đến vấn đề đạo đức báo chí. Xác định báo chí là một mặt trận nên Người mong muốn các nhà báo cách mạng phải là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Để hoàn thành nhiệm vụ của người chiến sĩ, nhà báo phải không ngừng học tập, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng.

Bác Hồ đã từng căn dặn: “Nói đến báo chí, trước hết phải nói đến những người làm báo”. Đạo đức trước tiên của người làm báo là trung thành với Tổ quốc, với Đảng, vì lợi ích của nhân dân. Đến nay, lời dạy ấy của Bác vẫn còn nguyên giá trị. Luật Báo chí và quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo cũng chỉ rõ: “Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân”. Để làm tròn sứ mệnh ấy, nhà báo phải không ngừng học tập, tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức.

Theo Nhà báo Phan Quang, những tiêu chí đạo đức nghề báo: “tâm sáng, bút sắc, lòng trong” mà Hội Nhà báo Việt Nam ban hành cũng xuất phát từ tấm gương đạo đức cách mạng, phong cách lối sống của nhà báo Hồ Chí Minh. “Hồ Chí Minh là cánh rừng bạt ngàn trên đỉnh Hoàng Liên Sơn, tôi đứng ở chân núi chỉ có thể nhìn thấy mấy cây trước mắt”. Báo chí trong bất cứ trường hợp nào cũng là diễn đàn của nhân dân. Tác phẩm báo chí mang dấu ấn cá nhân của người làm ra nó, song tờ báo bất cứ lúc nào cũng phải là công sức, tâm huyết của một tập thể. Tính tập thể trong tư duy Hồ Chí Minh không chỉ thể hiện trước hết và chủ yếu về mặt nội dung mà còn cả “lối làm việc hài hòa giữa các đồng nghiệp và của tất cả những người trong Tòa soạn, bao gồm người viết, người in, người sửa bài, người phát hành … tất cả phải ăn khớp với nhau”.

Thông điệp từ cuốn sách “Bác Hồ – Người có nhiều duyên nợ với báo chí”, Nhà báo Phan Quang muốn chuyển đến bạn đọc về: Tư tưởng, đạo đức, phong cách báo chí Hồ Chí Minh là trùng điệp, to lớn, vĩ đại, chỉ trong hơn 30 bài viết trong tập sách không thể diễn tả hết. Kể lại câu chuyện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (sách đã dẫn, trang 112), Nhà báo Phan Quang minh chứng và phân tích phong cách báo chí Hồ Chí Minh. Mỗi dịp đến thăm báo chí, bất cứ lúc nào Bác Hồ đều chỉ dẫn các nhà báo “dấn thân”, “gần gũi quần chúng”. Bác Hồ khuyên nhà báo khi đặt bút viết tin, viết bài, chụp ảnh - dù với thể loại nào đều phải tự hỏi mình: Viết cho ai?, viết để làm gì?, vì ai mình viết? … Bác dạy, khi tác nghiệp, khi “dấn thân” với nghề báo. Về văn phong báo chí, cần “giản đơn, dễ hiểu, phổ thông, hoạt bát …”.

Tư tưởng, phong cách của Bác được Nhà báo Phan Quang thể hiện rõ nét qua các bài báo : “Nghĩ về bản lĩnh báo chí Việt Nam”, “ Tờ báo ra ngày hạ chí “, “ Bác Hồ với Hội Nhà báo Việt Nam”… Nhiều năm, tháng gắn bó với Bác Hồ, bằng thực tế tai nghe, mắt thấy, nhà báo Phan Quang đã cung cấp cho chúng ta những thông tin bổ ích về Bác Hồ đối với báo chí. Bác Hồ đã từng căn dặn: “ Nói đến báo chí, trước hết phải nói đến những người làm báo. Trong đó, đạo đức trước tiên của người làm báo là trung thành với Tổ quốc, với Đảng, vì lợi ích của nhân dân. Đến nay lời dạy ấy của Bác vẫn còn nguyên giá trị. Luật Báo chí và Quy ước đạo đức nghề báo cũng chỉ rõ: “ Báo chí phản ánh trung thực tình hình trong nước và thế giới, phù hợp với lợi ích của đất nước và nhân dân. Để làm tròn sứ mệnh ấy, nhà báo phải không ngừng học tập, tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức. Theo nhà báo Phan Quang, những tiêu chí đạo đức nghề báo: “tâm sáng, bút sắc, lòng trong” mà Hội Nhà báo Việt Nam ban hành cũng xuất phát từ tấm gương đạo đức cách mạng, phong cách lối sống của nhà báo Hồ Chí Minh.

Nhà báo lão thành Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, nguyên Tổng Biên tập báo Nhân Dân, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng Sản đã cảm nhận khi đọc tác phẩm Bác Hồ, Người có nhiều duyên nợ với báo chí đã nhận xét: “Phan Quang là một cây bút sắc sảo, đa tài, một cây đại thụ trong làng báo chí cách mạng nước ta hiện nay. Phan Quang đã viết, dẫn chứng để khẳng định: Bác Hồ đã tỏa sáng như những ngọn thiên sơn; là người con kiệt xuất của đất nước, vị kế thừa và phát huy xuất sắc cốt cách dân tộc để hòa quyện vào tinh hoa nhân loại”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập báo Nhân Dân, nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Trung ương đã cảm nhận về cuốn sách của Nhà báo Phan Quang: “Đây là một cuốn sách có ý nghĩa lý luận - thực tiễn về báo chí kịp thời, góp phần soi sáng và cổ vũ con đường phát triển đúng đắn của báo chí Việt Nam trong thời đổi mới và hội nhập quốc tế. Gấp cuốn sách lại, tôi nể phục tác giả - Phan Quang - vì trong số hơn 30 bài được tuyển chọn in, có bài viết cách đây đã 65 năm, nhưng vẫn còn nguyên giá trị thời sự…”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về nghề báo, về đạo đức làm nghề: “Nghề nào cũng khó, không có nghề nào dễ. Phải có chí tự cường, tự lập, mình còn kém thì phải cố mà học”. Bác khuyên các nhà báo chớ ham muốn làm ra cái gì đó để “lưu danh thiên cổ, viết bài là để cho oai, chỉ thích đăng bài mình lên các báo lớn và coi thường các tờ báo chưa thuộc loại hàng đầu.”

Bác Hồ khuyên cho tất cả những ai làm báo, lời khuyên ấy như là một danh ngôn vĩnh cửu: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ …”


Nhà báo lão thành Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, nguyên Tổng Biên tập báo Nhân Dân, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng Sản đã cảm nhận khi đọc tác phẩm “Bác Hồ, Người có nhiều duyên nợ với báo chí” đã nhận xét: “Phan Quang là một cây bút sắc sảo, đa tài, một cây đại thụ trong làng báo chí cách mạng nước ta hiện nay. Phan Quang đã viết, dẫn chứng để khẳng định: Bác Hồ đã tỏa sáng như những ngọn thiên sơn; là người con kiệt xuất của đất nước, vị kế thừa và phát huy xuất sắc cốt cách dân tộc để hòa quyện vào tinh hoa nhân loại”.

Thành Nguyễn (tổng hợp từ nguồn Báo Nhân dân và Dân trí)

Link nội dung: https://phaply.net.vn/nguoi-co-nhieu-duyen-no-voi-bao-chi-va-phong-cach-nha-bao-ho-chi-minh-a209510.html