Luật thuế mới có 'siết' được YouTube, Facebook...?

Để có thể “quản” chặt được nguồn thuế này, cần phải có sự vào cuộc của các nhà băng, cầu nối kiểm soát dòng tiền vào - ra qua biên giới.

Không kiểm soát được dòng tiền từ YouTube, Google, Facebook... qua các ngân hàng, khó thu được thuế /// Ảnh: Ngọc Thắng - Shutterstock
Không kiểm soát được dòng tiền từ YouTube, Google, Facebook... qua các ngân hàng, khó thu được thuế /// Ảnh: Ngọc Thắng - Shutterstock)

Theo luật Quản lý thuế sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, dù các “đại gia” công nghệ Google, YouTube, Facebook... không mở văn phòng đại diện ở VN vẫn sẽ phải kê khai, nộp thuế đầy đủ (kể từ 1.7.2020, thời điểm luật có hiệu lực).

Tuy nhiên, để có thể “quản” chặt được nguồn thuế này, cần phải có sự vào cuộc của các nhà băng, cầu nối kiểm soát dòng tiền vào - ra qua biên giới.

Thất thu hàng trăm triệu USD mỗi năm

Theo ông Phạm Đạt, Giám đốc Công ty Fado (kinh doanh trên Amazon): Ngoài khung pháp lý, cơ quan thuế nên thành lập trung tâm dữ liệu hoạt động thương mại qua biên giới. Tất cả sàn giao dịch đều phải điều chuyển thanh toán qua trung tâm dữ liệu quốc gia. Khi đó cơ quan thuế, hải quan, ngân hàng đều có thể truy cập và sử dụng dữ liệu của trung tâm quốc gia này để kiểm tra thông tin phục vụ cho công tác quản lý của mình.

Số liệu của Cục Phát thanh truyền hình - Thông tin điện tử, Bộ Thông tin - Truyền thông công bố, YouTube có khoảng 130.000 kênh video trực tiếp quản lý và 6.000 kênh tiếng Việt dưới các bàn tay của MCN (mạng lưới đa kênh). Đây là những kênh đã được xét duyệt để bật tính năng quảng cáo và chia sẻ doanh thu quảng cáo cho các chủ kênh.

Theo quy định hiện hành, các cá nhân nhận thu nhập từ tổ chức như Facebook, Google, YouTube... được xếp vào dạng cá nhân kinh doanh. Ai có doanh thu 100 triệu đồng một năm trở lên phải nộp thuế. Với nguồn thu nhập từ mạng nước ngoài phải đóng mức thuế 7% trên thu nhập (gồm 5% thuế giá trị gia tăng, 2% thuế thu nhập cá nhân). Quy định như vậy nhưng để thu được thuế các cá nhân này vô cùng khó khăn.

Điển hình trường hợp Khá “bảnh” ở Bắc Ninh. Socialblade - trang chuyên thống kê xếp hạng các tài khoản trên mạng xã hội, xếp kênh của Khá “bảnh” nhóm A với hơn 2 triệu người theo dõi, hơn 400 video được đăng tải cùng gần 400 triệu lượt xem. Số tiền mà Socialblade ước tính YouTube trả cho Khá rất “khủng”, từ 15.300 - 244.700 USD mỗi tháng (tương đương 352 triệu - 5,6 tỉ đồng).

Theo số liệu thống kê của Google và Temasek (Singapore), doanh thu kinh tế số của VN đạt 9 tỉ USD năm 2018 và dự báo đạt 30 tỉ USD vào năm 2025. Còn theo Công ty nghiên cứu thị trường ANTS, năm 2018, tổng chi tiêu cho quảng cáo trực tuyến tại VN đạt khoảng 550 triệu USD, nhưng các doanh nghiệp trong nước có nguồn thu từ quảng cáo như VCCorp, Zing, 24h... mới thu được khoảng 150 triệu USD, phần còn lại rơi vào tay Google, Facebook... Số tiền thuế này đã thất thoát, không chảy vào ngân khố quốc gia.

Kiểm soát dòng tiền xuyên biên giới

Có hai vấn đề để giải quyết bài toán này trước mắt, một là buộc Google, Facebook, YouTube... phải kê khai và nộp thuế và hai là kiểm soát được dòng tiền vào - ra biên giới. Tại khoản 4, điều 42, luật Quản lý thuế sửa đổi có hiệu lực từ 1.7.2020 quy định: Đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại VN thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế tại VN theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Như vậy, Google, YouTube, Facebook... sẽ phải trực tiếp kê khai thuế nhà thầu hoặc nếu không phải ủy quyền lại cho các cá nhân, đối tác trong nước.

Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuộc Tổng cục Thuế, cho biết thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ xây dựng quy trình đăng ký thuế, mở trên website của tổng cục hệ thống ứng dụng để hướng dẫn tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động kinh doanh trên mạng phát sinh thu nhập tại VN được thực hiện đăng ký thuế, được cấp mã số thuế và kê khai, nộp thuế qua mạng.

Vấn đề thứ hai, quan trọng hơn là làm sao để cơ quan thuế kiểm soát được doanh thu, lợi nhuận của YouTube, Google, Facebook tại VN. Điều 98 của luật Quản lý thuế sửa đổi nêu rõ: Ngân hàng (NH) Nhà nước có trách nhiệm thiết lập cơ chế quản lý, giám sát các giao dịch thanh toán hỗ trợ công tác quản lý thuế đối với hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trong thương mại điện tử...

Luật còn “siết” chặt hơn khi yêu cầu các NH khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp theo quy định pháp luật về thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có phát sinh thu nhập từ VN. Bên cạnh đó, các NH phải cung cấp nội dung giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản của người nộp thuế trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của cơ quan quản lý thuế.

Một số ý kiến từ các NH cho rằng, thông tin khách hàng là bí mật, nên không thể cung cấp cho cơ quan thuế. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế VN, cho rằng luật đã có quy định cơ quan thuế có trách nhiệm đảm bảo bí mật thông tin của người nộp thuế. Vậy thông tin khách hàng mà NH cung cấp cho cơ quan thuế cũng sẽ được cơ quan thuế đảm bảo bí mật.

Theo thanhnien.vn

Nguồn bài viết: https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/luat-thue-moi-co-siet-duoc-youtube-facebook-1093567.html

Link nội dung: https://phaply.net.vn/luat-thue-moi-co-siet-duoc-youtube-facebook-a209504.html