Sau khi một số vụ việc tiêu cực xảy ra liên quan đến ngành thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ đã có chỉ thị về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với công chức, viên chức trong ngành.
Mới đây, Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Lê Minh Khái đã ký chỉ thị số 769 về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với công chức, viên chức ngành thanh tra.
Theo đó, thời gian gần đây, một số công chức, viên chức thanh tra không chấp hành nghiêm nội quy, quy chế của ngành thanh tra và TTCP, vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành.
Nguyên nhân chủ yếu là do việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của một số công chức, viên chức thanh tra không nghiêm, còn hạn chế, yếu kém; công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị thanh tra chưa được coi trọng, quan tâm đúng mức; việc phát hiện, xử lý vi phạm chưa kịp thời, chưa nghiêm.
Để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trên và tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, phòng ngừa vi phạm, nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ và uy tín của người làm công tác thanh tra và ngành Thanh tra, Tổng TTCP yêu cầu toàn ngành thanh tra tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nêu cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức công vụ.
Thứ nhất, chấp hành nghiêm quy định về những việc công chức, viên chức không được làm theo quy định pháp luật; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 10/2019 của Thủ tướng về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Thứ hai, tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm pháp luật về công vụ, công chức, pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; thực hiện nghiêm quy trình chuyên môn nghiệp vụ; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, nâng cao đạo đức nghề nghiệp của công chức, viên chức thanh tra trong thực thi công vụ, nhiệm vụ.
Thứ ba, thực hiện tốt quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị; Quy tắc ứng xử của cán bộ thanh tra, nhất là trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, của công chức, viên chức thanh tra trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, trong thực hiện nhiệm vụ thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; sử dụng có hiệu quả thời gian làm việc, tài sản công, cụ thể hóa nhiệm vụ, trách nhiệm của từng công chức, viên chức.
Thứ tư, thủ trưởng các vụ, cục, đơn vị thuộc TTCP và Chánh thanh tra bộ, ngành, địa phương chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với công chức, viên chức, đảng viên thuộc quyền quản lý trong việc thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của cơ quan; kịp thời phát hiện vi phạm, xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật; báo cáo người đứng đầu cơ quan quản lý hành chính cấp trên và Tổng Thanh tra Chính phủ kết quả xử lý.
Thứ năm, Tổng TTCP đề nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh/TP trực thuộc trung ương tăng cường phối hợp với TTCP lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thanh tra, công chức, viên chức thanh tra theo thẩm quyền trong việc thực thi nhiệm vụ, chấp hành quy định của Đảng và Nhà nước; kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm.
Theo plo.vn
Nguồn bài viết: https://plo.vn/thoi-su/sau-nhieu-vu-viec-tieu-cuc-thanh-tra-chinh-phu-siet-ky-cuong-839999.html
Link nội dung: https://phaply.net.vn/sau-nhieu-vu-viec-tieu-cuc-thanh-tra-chinh-phu-siet-ky-cuong-a209402.html