Thẩm tra đề nghị sửa đổi bổ sung nghị quyết số 81/2014/QH14 về việc thi hành Luật tổ chức toà án nhân dân

Chiều 6/6, theo chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội nghe trình bày Báo cáo thẩm tra tờ trình của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.

Trình bày Báo cáo thẩm tra về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 24/11/2014 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81 nhằm kịp thời bổ sung nguồn Thẩm phán cao cấp để đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC), bảo đảm hoạt động bình thường của Hội đồng Thẩm phán TANDTC và bảo đảm điều kiện để kiện toàn lãnh đạo TANDTC; đồng thời, thống nhất với tên gọi, phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết như đã nêu trong nội dung Tờ trình của Chánh án TANDTC.

Quốc hội nghe Báo cáo thẩm tra tờ trình của Chánh án TANDTC đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân
Quốc hội nghe Báo cáo thẩm tra tờ trình của Chánh án TANDTC đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân)

Về nội dung của dự thảo Nghị quyết, Chánh án TANDTC đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81: “Từ nay đến ngày 01/02/2022, cho phép Chánh án Tòa án nhân tối cao trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao trong đó có từ nguồn Thẩm phán cao cấp có đủ tiêu chuẩn điều kiện theo luật định nhưng chưa đủ 5 năm làm Thẩm phán cao cấp”. Điều này xuất phát từ thực tế nguồn bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC giai đoạn hiện nay gặp nhiều khó khăn

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, qua thẩm tra Ủy ban Tư pháp nhận thấy có một số nguyên nhân dẫn đến thiếu nguồn bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC.

Một là khi xây dựng Luật Tổ chức TAND năm 2014, Quốc hội đã tính đến nguồn để bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC theo Luật mới trong số Thẩm phán TANDTC theo Luật cũ chuyển sang và số người không công tác tại các tòa án theo khoản 2 Điều 69 Luật Tổ chức TAND năm 2014. Quốc hội cũng đã cho phép khoản 4 Điều 68, khoản 1 Điều 69 và một số điều luật khác có hiệu lực trước 04 tháng so với thời điểm có hiệu lực chung của Luật để phục vụ cho việc kiện toàn tổ chức của các Tòa án, cho công tác bổ nhiệm các ngạch Thẩm phán ngay sau khi Luật có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, số Thẩm phán cao cấp được bổ nhiệm trong các năm 2015, 2016 chỉ có 29 người cho thấy công tác triển khai thi hành Luật tổ chức TAND 2014 có phần chậm. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến thiếu nguồn bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC từ năm 2020 (sau 05 năm kể từ ngày Luật có hiệu lực thi hành).

Hai là công tác quy hoạch, bồi dưỡng tạo nguồn để bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC đối với số Thẩm phán này còn nhiều bất cập. Ba là công tác bồi dưỡng, tạo nguồn quy hoạch lãnh đạo TANDTC chưa đáp ứng yêu cầu. Bốn là nguồn cán bộ là những người không công tác tại các Tòa án nhưng giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức trung ương, am hiểu sâu sắc về chính trị, pháp luật, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, ngoại giao hoặc là những chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về pháp luật… theo quy định tại khoản 2 Điều 69 Luật Tổ chức TAND năm 2014 cũng chưa được TANDTC tính đến.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo trước Quốc hội
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo trước Quốc hội)

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh, những khó khăn trong thiếu nguồn bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC đồng thời là lãnh đạo TANDTC đang phát sinh trong thực tiễn cần phải có giải pháp khắc phục để bảo đảm hoạt động bình thường của Hội đồng Thẩm phán TANDTC và kiện toàn lãnh đạo TANDTC. Do đó, Ủy ban Tư pháp tán thành với nội dung đề nghị của Chánh án TANDTC về sửa đổi Nghị quyết số 81, quy định điểm a khoản 1 Điều 69 Luật Tổ chức TAND năm 2014 được áp dụng theo hướng: từ nay đến ngày 01/02/2022, cho phép Chánh án TANDTC trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC trong đó có từ nguồn Thẩm phán cao cấp có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo luật định nhưng chưa đủ 05 năm làm Thẩm phán cao cấp.

Ngoài ra, Uỷ ban Tư pháp cũng đề nghị TANDTC chú ý phát hiện nguồn bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC từ các cán bộ không công tác trong ngành tòa án theo khoản 2 Điều 69 Luật Tổ chức TAND năm 2014 và lưu ý TANDTC tăng cường công tác bồi dưỡng tạo nguồn từ những Thẩm phán cao cấp là Thẩm phán TANDTC theo Luật năm 2002 chuyển xuống làm Thẩm phán cao cấp theo Luật mới, đang còn tuổi bổ nhiệm; tăng cường công tác đào tạo, quy hoạch cán bộ để chủ động nguồn bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC, lãnh đạo TANDTC cho các giai đoạn tiếp theo.

Theo quochoi.vn

Nguồn bài viết: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=40647

Link nội dung: https://phaply.net.vn/tham-tra-de-nghi-sua-doi-bo-sung-nghi-quyet-so-812014qh14-ve-viec-thi-hanh-luat-to-chuc-toa-an-nhan-dan-a209062.html