(Pháp lý) - Để nhà nước không thất thu thuế, người dân không bị “móc túi” về cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), các chuyên gia đề xuất cần quy định thống nhất một mức thuế suất thuế nhập phù hợp để thuận lợi cho việc quản lý, điều hành.
Doanh nghiệp hưởng lợi từ cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt
Mới đây, trong một hội thảo về quản lý thuế, ông Nguyễn Anh Tuấn, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành VI cho biết: hiện trong công tác quản lý thuế còn có điểm chưa đồng bộ giữa các văn bản điều hành của các Bộ, ngành quản lý với Nghị định của Chính phủ, dẫn đến làm giảm nghĩa vụ với Ngân sách nhà nước về thuế của các doanh nghiệp. Cụ thể, đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, theo Nghị định 100/2016/NĐ-CP, thuế tiêu thụ đặc biệt được tính dựa trên giá do cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu (đầu mối) bán ra. Tuy nhiên, thực tế mức thuế tiêu thụ đặc biệt xăng dầu cơ cấu trong giá cơ sở do Bộ Công Thương tính toán và ban hành từng kỳ cụ thể kể từ ngày 19/8/2016 lại được xác định theo giá bán lẻ.
Vấn đề trên dẫn đến thực trạng người tiêu dùng đóng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng theo giá bán lẻ khi mua xăng của các đại lý, thương nhân phân phối, thương nhân nhượng quyền bán lẻ… nhưng thực tế thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ được DN xăng dầu nộp vào ngân sách nhà nước theo giá bán buôn (giá đầu mối bán cho các đại lý, thương nhân phân phối, thương nhân nhượng quyền bán lẻ). Như vậy, phần thuế tiêu thụ đặc biệt chênh lệch giữa 2 phương pháp tính (tương ứng với chênh lệch giá bán buôn và giá bán lẻ) chưa được nộp vào ngân sách nhà nước.
Còn đối với thuế nhập khẩu, đại diện phía Kiểm toán Nhà nước cho rằng giá xăng dầu được quản lý điều hành thông qua giá cơ sở do liên Bộ (Bộ Tài chính, Bộ Công thương) công bố. Căn cứ trên giá cơ sở, các thương nhân đầu mối sẽ quyết định giá bán lẻ xăng dầu của mình. Thuế suất thuế nhập khẩu là một yếu tố cấu thành trong công thức tính giá cơ sở.
Khi đơn vị được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thì thuế suất thuế nhập khẩu thực tế áp dụng tại các doanh nghiệp đầu mối thấp hơn thuế suất nhập khẩu xăng dầu trong công thức tính giá cơ sở của liên Bộ, đặc biệt đối với dầu DO có C/O form D và xăng có C/O form KV được hưởng ưu đãi thuế suất theo hiệp định thương mại hàng hóa.
Đây là nhân tố tác động chính làm giá cơ sở thực tế tại đơn vị thấp hơn giá cơ sở do liên Bộ điều hành để tạo nên một khoản thặng dư cho các đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu. “Chỉ trong giai đoạn 2015-2016, khoản thặng dư từ chênh lệch thuế nhập khẩu khác nhau này có giá trị là 4.809 tỷ đồng” – ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết.
Bình luận về những thông tin trên, PGS - TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, nếu thông tin đó là chuẩn xác thì cả người dân và ngân sách đang bị thiệt đơn thiệt kép, bởi thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ được tính dựa trên giá do cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu (đầu mối) bán ra, nhưng Bộ Công thương lại tính theo giá bán lẻ.
Với cách tính toán này, ngành xăng dầu đã tính đủ các khoản thuế, phí bao gồm: thuế nhập khẩu, chi phí vận chuyển, bảo quản, lưu kho, lưu bãi, lãi suất ngân hàng doanh nghiệp phải chịu, quỹ bình ổn xăng dầu... cho từng lít xăng khi bán tới tay người tiêu dùng. Điều này đồng nghĩa với việc, một lít xăng đã phải cõng đủ các loại thuế phí và các loại chi phí của doanh nghiệp, khiến giá xăng dầu tăng cao, người tiêu dùng chịu thiệt.
Về phía ngân sách, Nhà nước lại chỉ nhận được phần thuế nộp về từ doanh nghiệp là thuế nhập khẩu. Trong khi đó, số tiền chênh lệch trên lại không được doanh nghiệp xăng dầu nộp về ngân sách, điều này dẫn tới thực trạng, người dân bị móc túi, nhưng ngân sách chịu thiệt đơn, thiệt kép, vừa mất thuế, vừa mất tiền.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, ông Ngô Trí Long lập luận, những mâu thuẫn về thuế tiêu thụ đặc biệt đã diễn trong thời gian dài. Cụ thể, thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào những mặt hàng nhà nước không khuyến khích tiêu dùng, không cần thiết hoặc độc hại đến môi trường như: rượu, bia, thuốc lá,… trong đó có xăng dầu, bởi mặt hàng này gây khí thải ô nhiễm môi trường.
“Thứ nhất, xăng dầu đã phải cõng nhiều loại thuế như: thuế nhập khẩu, thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt. Có một vấn đề đặt ra rằng, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, đã đánh thuế bảo vệ môi trường rồi, có nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt nữa hay không, có trùng không?”, ông Long phân tích. Thứ hai, trong tính thuế tiêu thụ đặc biệt, Nghị định về thuế tiêu thụ đặc biệt quy định đánh ở khâu sản xuất và giá bán buôn, chứ không phải khâu bán lẻ. Khi đánh thuế tiêu thụ vào giá bán lẻ thì giá của mặt hàng xăng dầu bán ra sẽ cao hơn.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng, ngân sách nhà nước chỉ thu về từ khâu bán buôn, không thu ở khâu bán lẻ. Khi “làm giá” xăng dầu lên cao, người được hưởng lợi là các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, gây thất thu cho Nhà nước và thiệt cho người tiêu dùng.
Ở một góc nhìn khác, Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, nếu thông tin từ Kiểm toán Nhà nước là chính xác thì với số lượng tiêu thụ cực lớn xăng dầu như hiện nay, phần chênh lệch này (khoảng 2 đến 3%) chưa được nộp vào ngân sách đã lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Số tiền chênh này phải có giải pháp ra sao? Chả lẽ số tiền này doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu sẽ hưởng lợi??? Như vậy có trái luật không?
Cần thống nhất một mức thuế suất phù hợp
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Pháp lý, các chuyên gia còn cho biết thêm, tại Điều 6 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, quy định “giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa, dịch vụ là giá bán ra”. Tuy nhiên, tại Điều 5 Thông tư 195/2015, Bộ Tài chính lại “chỉnh” thêm: giá tính thuế là giá bán ra của cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ xăng và ô tô dưới 24 chỗ) nhưng không được thấp hơn 7% so với giá bán bình quân trong tháng của sản phẩm cùng loại do các cơ sở thương mại bán ra”… Như vậy, giá tính thuế sẽ căn cứ vào giá bán của các cửa hàng thương mại trên cả nước để tính giá bình quân, quy định này liệu có trái luật?
Các chuyên gia nhận định, rất khó tính được giá bán bình quân trong tháng của các cơ sở thương mại. Thực tế, mỗi nhãn hàng lại có nhiều sản phẩm với mẫu mã, kích thước khác nhau; đồng thời, mỗi cửa hàng có giá bán cũng rất khó kiểm soát. Theo Luật sư Trần Minh Hùng, điều này có nghĩa, giá bình quân rất dễ có tranh cãi giữa cơ quan thuế và doanh nghiệp, dẫn đến doanh nghiệp gặp nhiều rủi ro về thanh tra thuế, bị áp giá tính thuế, truy thu thuế,…
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long lại cho rằng, nhà nước đã quy định rõ ràng về thuế tiêu thụ đặc biệt. Do đó, những mâu thuẫn trong thuế tiêu thụ đặc biệt nằm ở việc người thực thi đang cố tình làm trái quy định.
Để nhà nước không thất thu thuế, người dân không bị móc túi về cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt, các chuyên gia đề xuất cần quy định thống nhất một mức thuế suất thuế nhập phù hợp để thuận lợi cho việc quản lý, điều hành, hạn chế tối đa việc lách luật thu lợi. Đồng thời nghiên cứu bổ sung chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng dầu theo giá bán lẻ, phù hợp với việc xây dựng yếu tố này trong giá cơ sở, đảm bảo thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước đầy đủ, tránh thất thu ngân sách.
Đặc biệt, đối với mặt hàng xăng dầu, Nhà nước cần nghiên cứu quy định về mức dự trữ xăng dầu bắt buộc phù hợp với thị trường, thực tiễn kinh doanh của doanh nghiệp.
Giang Nguyễn