Hoàn thiện hệ thống pháp lý đấu tranh chống tội phạm rửa tiền

Sáng 31/5, tại Hà Nội, Tòa án nhân dân Tối cao phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Lễ Công bố Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 324 của Bộ luật Hình sự về tội rửa tiền.

Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Theo Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, trên thế giới, tội rửa tiền không còn xa lạ nhưng tại Việt Nam là tội phạm mới. Việc ban hành Nghị quyết 03 sẽ tạo hành lang pháp lý cho công tác đấu tranh, phòng, chống loại tội phạm này, bởi tội rửa tiền liên quan tới hầu hết các loại tội phạm nguồn như ma túy, buôn lậu, tham nhũng…; thể hiện cam kết của Việt Nam trong quá trình thực thi các công ước quốc tế.

Để ra đời Nghị quyết 03 của Hội đồng Thẩm phán về tội rửa tiền, theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, Tòa án nhân dân Tối cao đã tham khảo kinh nghiệm quốc tế, qua thực tế xét xử và tổ chức nhiều hội thảo quốc tế, đã thu được nhiều góp ý từ các chuyên gia trong nước và quốc tế. Sau khi ban hành Nghị quyết, Tòa án nhân dân Tối cao sẽ tiến hành tập huấn trong hệ thống thẩm phán cả nước. Từ đây, các cơ quan điều tra, tố tụng sẽ phát hiện, truy tố nhiều tội phạm liên quan tới tội phạm mới này.

Theo Tòa án nhân dân Tối cao, ở Việt Nam, rửa tiền là loại tội phạm khá mới nhưng trong thời đại toàn cầu hóa, loại tội phạm này đang có diễn biến phức tạp và tác động xấu đến nền kinh tế, đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thực tế phòng, chống tội phạm thời gian qua cho thấy, đã xuất hiện khá nhiều phương thức, thủ đoạn rửa tiền tinh vi, xảo quyệt. Tội phạm này lợi dụng thói quen giao dịch bằng tiền mặt của người dân để mua tài sản có giá trị cao như bất động sản, ô tô, vàng bạc…, sau đó nhờ người khác đứng tên nhằm hợp pháp hóa nguồn tiền “bẩn” thu được từ các hoạt động tội phạm.

Để có cơ sở pháp lý nhằm xử lý ngày càng có hiệu quả loại tội phạm này, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung cụ thể hóa các tình tiết có tính chất định tính về tội rửa tiền nhằm tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn áp dụng. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành hơn một năm qua cho thấy, một số quy định chưa thực sự rõ ràng, cụ thể, cần phải hướng dẫn để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.

Thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015 và Nghị quyết số 41 của Quốc hội trong Tòa án nhân dân, để kịp thời đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống tội phạm rửa tiền, khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn xét xử, góp phần đấu tranh phòng, chống tham nhũng; bảo đảm minh bạch tài sản, thu nhập; đồng thời, thực hiện nghiêm chỉnh cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong công tác chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết 03.

Nghị quyết 03 thể hiện việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội rửa tiền có thể được tiến hành đồng thời với việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm nguồn và không loại trừ việc truy cứu trách nhiệm hình sự tội phạm nguồn. Một số các tình tiết định tội của loại tội phạm này, đó là những hành vi tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào các giao dịch tài chính, ngân hàng và các giao dịch khác như thực hiện, hỗ trợ thực hiện hoặc thông qua người khác để thực hiện, hỗ trợ thực hiện qua các hành vi chơi, kinh doanh, casino; trò chơi có thưởng; mua bán cổ vật. Các hành vi khác như cản trở việc xác minh thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết do người khác phạm tội mà có…

Theo doisongphapluat.com

Nguồn bài viết: https://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/hoan-thien-he-thong-phap-ly-dau-tranh-chong-toi-pham-rua-tien-a277908.html

Link nội dung: https://phaply.net.vn/hoan-thien-he-thong-phap-ly-dau-tranh-chong-toi-pham-rua-tien-a208863.html