Vì sao mục tiêu thu hồi tài sản tham nhũng không làm được?

“Ngoài chế tài nặng thì nội dung thu hồi tài sản thất thoát cũng rất quan trọng và có tính răn đe cao, tránh tình trạng “hy sinh đời bố, củng cố đời con”, bố chấp nhận ngồi tù vài chục năm nhưng vợ con được sống an nhàn, sung túc cả đời”.

6
Phát biểu này của đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) tại Quốc hội ngày 30-5 dù chưa có bằng chứng rõ ràng nhưng không hẳn là không có lý. Thực tế, khi những “đại án” được phanh phui, người ta mới biết những con số chục tỉ, trăm tỉ, ngàn tỉ, chục ngàn tỉ bị thất thoát.

Không có bằng chứng vật chất cụ thể nào cho thấy những quan chức tham nhũng theo nguyên tắc “hy sinh đời bố, củng cố đời con” nhưng chắc chắn số tiền thu hồi cho ngân sách từ các vụ án tham ô, tham nhũng không đáng kể. Việc thương vụ MobiFone mua AVG thu hồi được 8.990 tỉ đồng là một trường hợp hy hữu. Còn cho đến nay, một nhận định chung từ rất nhiều hội thảo, dự thảo, báo cáo đều thừa nhận rằng: “Tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng thấp”.

Vậy câu hỏi đặt ra là số tiền người ta tham nhũng được sẽ đi đâu? Cuối năm ngoái, Chính phủ lý giải: “Tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng thấp là do đối tượng phạm tội tham nhũng là người có chức vụ, quyền hạn, có ảnh hưởng và quan hệ rộng, thủ đoạn che giấu tinh vi và luôn tìm cách che đậy, gây khó khăn cho việc thu hồi tài sản; các vụ án thường xảy ra khá lâu mới bị phát hiện, đối tượng đã cất giấu, tẩu tán tài sản tinh vi hoặc tiêu hủy tài liệu, chứng cứ dẫn đến điều tra, thu thập gặp nhiều khó khăn”.

Có lẽ cũng chính điều này làm cho mục tiêu cuối cùng trong đấu tranh chống tham nhũng là thu hồi tài sản khó thực hiện được. Nhưng rõ ràng còn có một điều khác khiến công tác này gặp khó khăn.

Cựu phó chánh án TAND Tối cao Trần Văn Độ từng cho rằng: Đấu tranh chống tội phạm nói chung, tội phạm tham nhũng nói riêng cần phải nghiêm minh, tức đã phạm tội thì phải xử phạt; chứ người phạm tội nhiều nhưng chỉ phát hiện, xử lý một số ít thì dù hình phạt nghiêm khắc như thế nào, kể cả tử hình cũng sẽ có tác dụng phòng ngừa không cao. 100 người tham nhũng thì phải xử lý, phạt tù cả 100, đồng thời có biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng thì sẽ hiệu quả hơn, nhân đạo hơn là chỉ phát hiện một ít người rồi phạt tử hình, còn tài sản tham nhũng thì không thu hồi được. Thế nhưng thực tế trước đây có những trường hợp tham nhũng lớn nhưng chỉ phải chịu… cảnh cáo.

Hiện nay cuộc chiến chống tham nhũng đang vào “cao trào”. Vùng cấm đã không còn khi ngay cả ủy viên Bộ Chính trị cũng bị mất chức, bị điều tra, truy tố, xét xử và bị tuyên phải trả lại tiền tham nhũng. Chắc chắn chỉ có nghiêm minh như thế mới giải tỏa được nghi ngờ “tham nhũng để củng cố đời con”.

Theo plo.vn

Nguồn bài viết: https://plo.vn/thoi-su/theo-dong/vi-sao-muc-tieu-thu-hoi-tai-san-tham-nhung-khong-lam-duoc-837053.html

Link nội dung: https://phaply.net.vn/vi-sao-muc-tieu-thu-hoi-tai-san-tham-nhung-khong-lam-duoc-a208860.html