Theo đại biểu Quốc hội (ĐB) Nguyễn Quốc Hận, trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, ngoài các chế tài nặng thì thu hồi tài sản thất thoát là nội dung hết sức cần thiết và có tính răn đe cao, giúp chống được tư tưởng “hy sinh đời bố”, chỉ ở tù vài chục năm nhưng gia đình, vợ con được sống an nhàn sung túc cả đời.
Sáng nay (30/5), QH bắt đầu nội dung thảo luận đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019. Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017.
Tránh để “vài bộ phận nhỏ làm vấy bẩn bức tranh toàn cảnh”
Phát biểu đầu tiên tại phiên thảo luận, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang) bày tỏ vui mừng trước những kết quả về kinh tế - xã hội đã đạt được thời gian qua, với nhiều chính sách vĩ mô tốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, ĐB cho biết, nhiều cử tri vẫn hoài nghi với những kết quả đã đạt được bởi niềm tin của họ bị lung lay nên những cái tốt, tích cực không được tiếp nhận như thông thường.
“Niềm tin người dân bị ảnh hưởng vì thực tế hàng ngày diễn ra xung quanh họ. Chúng ta có thể có nhiều chính sách vĩ mô tốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng bức xúc hàng ngày của người dân chưa được giải quyết hợp lý, nhanh chóng như vấn đề BOT giao thông; điều hành giá điện, giá xăng dầu; gian lận thi cử, đánh giá kết quả giáo dục... Những cố gắng của cả hệ thống vì một vài bộ phận nhỏ làm “vấy bẩn” bức tranh toàn cảnh kinh tế - xã hội Việt Nam”, ĐB nói
Phản ánh về giá điện, giá xăng dầu, ĐB nêu việc Bộ Công Thương có Tờ trình điều hành giá các mặt hàng này với gần 20 trang và 200 phụ lục.
Theo ĐB, rất nhiều con số lập luận khẳng định Bộ làm đúng nhưng từ kinh nghiệm bản thân là một bác sĩ, ĐB cho biết, khi phác đồ đúng mà bệnh nhân không tốt lên thì ông vẫn phải xem xét lại vì nhiều khi trên lý thuyết là đúng nhưng khi triển khai lại sai ở mắt xích nào đấy.
“Lúc này, phải dừng lại xem xét, không bảo thủ, duy ý chí, che giấu sai lầm. Vậy nên, khi rất nhiều người dân phản ứng, bức xúc thì Bộ Công Thương cần nghiêm túc rà soát, rút kinh nghiệm về phương thức tiến hành, cách quản lý giám sát và tuyên tuyền của mình thời gian qua”, ĐB Hiếu nói và đặt câu hỏi: “Phải chăng nguồn gốc sâu xa là do sự độc quyền, không có cạnh tranh của ngành điện trong việc mua bán, truyền tải điện?”
Trong lĩnh vực giáo dục, ĐB Nguyễn Lân Hiếu truyền đạt những bức xúc của cử tri An Giang, mong mỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo xử lý nghiêm, chỉ ra những thiếu sót trong công tác tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua và người chịu trách nhiệm cụ thể.
Đánh giá kinh tế, ngân sách 2018 là một bức tranh đẹp, toàn diện khi 12 chỉ tiêu kinh tế xã hội đạt và vượt kế hoạch; tổng thu ngân sách vượt dự toán, Trung ương vượt thu sau 3 năm liên tiếp hụt thu; bội chi được kiểm soát, nợ công trong giới hạn cho phép nhưng ĐB Hoàng Quang Hàm (Đoàn Phú Thọ) cũng chỉ ra rằng Báo cáo của Chính phủ đã thẳng thắn nhận định, mô hình tăng trưởng chưa thực sự đổi mới, còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố đầu vào thay vì đổi mới công nghệ; khu vực nông nghiệp, tăng trưởng còn tiềm ẩn yếu tố thiếu bền vững... “Tôi cho là Chính phủ đã thẳng thắn khi đưa ra các nhận định này”, ĐB nói.
ĐB Hàm cũng chỉ ra việc mô hình tăng trưởng chưa thực sự đổi mới, tiềm ẩn một số yếu tố thiếu bền vững nên quí 1/2019 tốc độ tăng trưởng đang có dấu hiệu chậm lại so với cùng kỳ và thấp hơn mục tiêu Chính phủ đặt ra.
Trong bối cảnh như vậy, theo ĐB, giải pháp của Chính phủ là khá đầy đủ, toàn diện. “Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là ưu tiên, dồn nguồn lực vào giải pháp nào và quan trọng là tổ chức thực hiện như thế nào. Chính phủ cần quan tâm để đạt được mục tiêu tăng trưởng 2019 và các năm tiếp theo”, ĐB nói.
Chống tư tưởng “hy sinh đời bố” để vợ con sung túc
Đánh giá cao tình hình phát triển KT – XH, ĐB Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) cho rằng đất nước đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện. Với phương châm kỷ cương, liêm chính, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương xây dựng kịch bản tăng trưởng bám sát tình hình, chú trọng thực hiện tốt các chính sách về bảo vệ môi trường, tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc của người dân, thường xuyên tổ chức đối thoại, lắng nghe, giải quyết kiến nghị của nhân dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ĐB bày tỏ băn khoăn về việc giá điện tăng 8,36% từ ngày 20/3. Theo ĐB, dù Chính phủ đã có báo cáo giải trình, khẳng định việc tăng giá này đúng quy trình nhưng ở đây, cử tri băn khoăn không phải là đúng quy định hay không vì Chính phủ đã điều hành thì không thể nào không đúng quy định.
“Cử tri muốn Chính phủ đánh giá cụ thể hơn về việc trong thời gian tới việc tăng giá điện sẽ có ảnh hưởng thế nào đến đời sống – xã hội của nhân dân bởi việc tăng giá điện, giá xăng dầu sẽ ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của các đơn vị sản xuất, kinh doanh và đương nhiên chi phí này sẽ làm tăng giá sản phẩm, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, giảm sức mua của người dân.
Ở một khía cạnh khác, trong khi tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động không tăng thì một loạt các mặt hàng xăng dầu, dịch vụ y tế… đều tăng thì có ảnh hưởng đến mức sống của người dân và ảnh hưởng thế nào đến chỉ số kiềm chế lạm phát theo mục tiêu của Chính phủ?”, ĐB đặt câu hỏi.
Vị ĐB Đoàn Cà Mau kiến nghị, để công khai, minh bạch trong điều hành giá điện, Quốc hội cần đưa vào kiểm toán Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh ngành điện.
Một vấn đề khác khiến ĐB Nguyễn Quốc Hận băn khoăn là công tác thu hồi tài sản liên quan đến các vụ án kinh tế, tham nhũng.
Theo ĐB, đây là một nhiệm vụ cần thiết bởi trong điều kiện kinh tế - xã hội nước ta còn khó khăn, nhiều công trình, hạng mục cấp thiết ảnh hưởng tới đời sống và tính mạng của nhân dân không đủ vốn để đầu tư thì các vụ án tham nhũng, kinh tế được phanh phui đã làm thất thoát cho nhà nước hàng ngàn, chục ngàn tỷ đồng”.
“Cá nhân gây ra là tội đồ đáng bị lên án, đáng bị xử lý nghiêm minh nhất. Hành vi cố ý gây thất thoát hoặc cố ý tham nhũng hàng ngàn tỷ đồng cho dù có dành bản án cao nhất là tử hình thì cũng chưa bảo đảm tính răn đe, công bằng cho xã hội”, ĐB nhận định.
Bởi lẽ, theo ĐB, “với số tiền ấy, nếu không bị thất thoát do tham nhũng, chúng ta có thêm vốn đầu tư cho các khu vực sạt lở bờ sông, bờ suối, xây dựng các công trình phòng chống lở đất, phòng chỗng lũ quét, lũ ống, góp phần giảm đáng kể số người thiệt mạng do các hiện tượng thiên tai gây ra trong thời gian qua”.
Theo ĐB, ngoài các chế tài nặng thì vấn đề thu hồi tài sản thất thoát là nội dung hết sức cần thiết và có tính răn đe cao trong công tác phòng chống tham nhũng, chống được tư tưởng “hy sinh đời bố”, chỉ ở tù vài chục năm nhưng gia đình, vợ con được sống an nhàn sung túc cả đời.
“Nếu chúng ta thu hồi đầy đủ tài sản thất thoát tham nhũng gây ra, cùng với sự tù tội của bản thân, sự ô nhục của dòng họ cộng thêm gia đình phải gánh chịu khắc phục hậu quả kinh tế do mình gây ra thì tin chắc nhiều người cân nhắc không dám phạm tội”, ĐB nói.
Tham luận về vấn đề nâng cao chất lượng xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ĐB Lê Công Nhường (Đoàn Bình Định) dẫn những bất cập trong việc ban hành thông tư về tiêu chuẩn nước mắm, thức ăn chăn nuôi... bị dư luận phản ứng thời gian qua và cho rằng cần minh bạch quá trình xây dựng văn bản pháp luật.
Theo ĐB, nhiều dự án luật còn chồng chéo, không khả thi, thời gian “sống” của luật chỉ 3-5 năm sau đó phải sửa đổi. Nguyên nhân xuất phát từ tư duy chính sách, năng lực của một số cán bộ chưa tốt.
Để khắc phục tình trạng trên, ĐB cho rằng, khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cần mời luật sư và đối tượng chịu tác động của văn bản góp ý, phản biện. Đặc biệt, cần nâng cao chất lượng đội ngũ xây dựng pháp luật, tránh tình trạng lợi ích nhóm, “cài cắm lợi ích”, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong xây dựng, thực thi pháp luật...
Theo baophapluat.vn
Nguồn bài viết: http://baophapluat.vn/trong-nuoc/gay-that-thoat-hang-ngan-ty-co-tu-hinh-cung-chua-bao-dam-tinh-ran-de-454823.html
Link nội dung: https://phaply.net.vn/gay-that-thoat-hang-ngan-ty-co-tu-hinh-cung-chua-bao-dam-tinh-ran-de-a208792.html