Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (đoàn Đà Nẵng) nói, trên địa bàn đang vướng mắc hàng loạt dự án sai phạm liên quan tới "đất vàng", xử lý kéo dài chưa biết tới bao giờ kết thúc, như các vụ liên quan đến khu đô thị Đa Phước, bán đảo Sơn Trà...
Khuất tất trong xử lý sai phạm ở Đà Nẵng?
Sáng 30.5, các đại biểu Quốc hội bắt đầu dành 1,5 ngày để thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN những tháng đầu năm 2019 và thảo luận về quyết toán NSNN năm 2017.
Trong buổi, gần 30 đại biểu góp ý về vấn đề này. Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn nêu ra một số vướng mắc trong các dự án đầu tư tại Đà Nẵng. Theo đó, chỉ còn 200 ngày nữa bãi rác Khánh Sơn sẽ dừng hoạt động. Cách đây 3 năm, chính quyền thành phố đã chủ động chuẩn bị đầu tư nhà máy xử lý rác thải theo công nghệ đốt rác. Tuy nhiên, việc thuê công nghệ, tìm nhà đầu tư, quyết định hình thức đầu tư… sau 3 năm vẫn bằng 0.
Theo ông Sơn, nguyên nhân là chính quyền và doanh nghiệp vẫn “lấn cấn trong ma trận” trong việc thực hiện dự án như thế nào. "Đốt rác chuyển thành điện thì phải làm dự án phát điện hay dự án xử lý rác. Doanh nghiệp vẫn phải kéo dài sự đau khổ”, ông Sơn nói.
Một trường hợp khác được ông Sơn chỉ ra là dự án nâng cấp Bênh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Đây là dự án cấp bách khi bệnh viện đang quá tải 200%. Cũng có nhiều nhà đầu tư sẵn sàng tham gia nhưng nghị định 93 của Chính phủ vẫn chưa quy định trình tự thủ tục, cách liên doanh liên kết, chọn nhà đầu tư, ký hợp đồng như thế nào…
Theo đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng), từ năm 2017, khi những vụ việc sai phạm trên địa bàn Đà Nẵng bắt đầu diễn ra thanh tra, điều tra. Tuy nhiên có nhiều vụ việc vẫn chưa kết thúc, điển hình như vụ Đa Phước, Sơn Trà, sai phạm về tài sản công…
Vấn đề này, ông Sơn cho biết cử tri Đà Nẵng và cả nước rất quan tâm, nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Từ đó dẫn đến dư luận bức xúc, cử tri nhiều lần kiến nghị, cán bộ lo lắng. Một số cán bộ thiếu kiên quyết, giảm sút tính năng động dẫn đến hiệu lực, hiệu quả trong thực thi công vụ không cao.
Gây thất thoát nghìn tỉ, tử hình cũng không đủ răn đe
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) dành một phần thời gian đề cập tới vấn đề thu hồi tài sản liên quan đến các vụ án kinh tế, tham nhũng.
Ông cho rằng khi điều kiện kinh tế - xã hội của ta còn khó khăn, nhiều công trình hạng mục cấp thiết ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, thậm chí là tính mạng của nhân dân, không đủ vốn đầu tư thì các vụ án kinh tế, tham nhũng được phanh phui làm thất thoát hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn tỉ đồng.
“Các cá nhân gây ra sự bức xúc này là tội đồ, đáng bị lên án và đáng bị pháp luật xử lý nghiêm minh”, ông Hận nói.
Cũng theo vị đại biểu này, với hành vi gây thất thoát ấy, dù có dành bản án cao nhất là tử hình cũng chưa đảm bảo tính răn đe, chưa bảo đảm công bằng cho xã hội.
"Với số tiền ấy nếu không bị thất thoát, tham nhũng, chúng ta sẽ có thêm vốn đầu tư cho các kè sạt lở bờ sông, xây dựng các công trình phòng chống lũ quét, lũ ống, góp phần làm giảm đáng kể số người thiệt mạng vì thiên tai trong thời gian qua", ông Hận nói thêm.
Theo laodong.vn
Nguồn bài viết: https://laodong.vn/kinh-te/nhieu-du-an-sai-pham-lien-quan-den-dat-vang-xu-ly-chua-co-hoi-ket-736388.ldo
Link nội dung: https://phaply.net.vn/nhieu-du-an-sai-pham-lien-quan-den-dat-vang-xu-ly-chua-co-hoi-ket-a208788.html