Hầu hết các dự án đầu tư theo hình thức BT, hay còn gọi là “đổi đất lấy hạ tầng” đều lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định và đây là kẽ hở dẫn tới thất thoát tài sản công....
Đây là nội dung được nhiều ĐBQH chỉ rõ khi thảo luận về việc quản lý quy hoạch, sử dụng đất đai tại đô thị trong nghị trường sáng nay…
Kẽ hở dự án đổi đất lấy hạ tầng
Trình bày báo cáo giám sát về quản lý quy hoạch, sử dụng đất đai tại đô thị từ năm 2013 – 2018, Chủ nhiệm UBKT Vũ Hồng Thanh cho biết hiện có nhiều bất cập trong việc sử dụng quỹ đất để thanh toán cho các dự án đầu tư theo hình thức BT.
Các bất cập hay gặp là chưa rõ ràng về phương pháp, thời điểm xác định dẫn đến chênh lệch giá trị quỹ đất được sử dụng để thanh toán tại thời điểm tạm tính làm cơ sở đấu thầu dự án đầu tư và khi có quyết định giao đất, cho thuê đất.
“Hầu hết các dự án BT đều lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu. Việc thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất đã giải phóng mặt bằng mà không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất là chưa phù hợp với quy định của Luật Đất đai năm 2013 và là kẽ hở dẫn đến thất thoát ngân sách nhà nước” – ông Thanh nói.
Trước thực trạng trên, báo cáo giám sát đề nghị Chính phủ cần sớm ban hành nghị định về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức BT, trong đó nghiên cứu phương án đấu giá đất, quyền sử dụng đất thay vì trực tiếp sử dụng quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư.
Đồng tình với nhận định của báo cáo giám sát, ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) nhấn mạnh việc chỉ định thầu, hoặc thanh toán cho nhà đầu tư (các dự án BT) theo hình thức giao đất… là những kẽ hở gây thất thoát lãng phí.
Theo ông Hàm, chủ trương thu hút nguồn lực xã hội để đầu tư hạ tầng là cần thiết nhưng pháp về loại hình đầu tư này cần phải sớm hoàn thiện, để không gây khó khăn cho công tác quản lý, cũng như ảnh hưởng đến kêu gọi đầu tư.
“Tôi thống nhất với kiến nghị của đoàn giám, đề nghị CP chỉ đạo Thanh tra thực hiện thanh tra về quy hoạch, đất đai tại đô thị. Các sai phạm phát hiện qua thanh tra đều phải xử lý nghiêm cả công chức nhà nước lẫn vi phạm của nhà đầu tư, doanh nghiệp” – ông nói.
Hoài nghi lợi ích nhóm trong quy hoạch
Tại hội trường các ĐBQH cũng chỉ rõ công tác quản lý quy hoạch tại đô thị đang bị “lợi ích nhóm”, doanh nghiệp chi phối với hàng nghìn quy hoạch được điều chỉnh liên tục.
ĐB Đinh Duy Vượt (Đồng Nai) cho hay cả nước có 1390 dự án điều chỉnh quy hoạch từ 1-6 lần, và mỗi lần quy hoạch điều chỉnh thì luôn có xu hướng tăng tối đa lợi ích nhà đầu tư, giảm tối đa các tiện ích công cộng. Chính điều này đã gây bức xúc cho xã hội, thậm chí không thể khắc phục được như tình trạng ngày càng kẹt xe, ô nhiễm môi trường, mưa là ngập ở các thành phố lớn.
“Suy cho cùng điều chỉnh quy hoạch tùy tiện thực chất làm nát quy hoạch, dẫn tới đội vốn, chậm tiến độ, lãng phí thất thu ngân sách, giảm hiệu quả đầu tư công và gây ra nhiều hệ lụy khác trong cuộc sống. Cử tri kỳ vọng trụ sở cũ các cơ quan khi di dời được làm công viên vườn hoa, công trình công cộng chứ không phải trở thành những tòa nhà chọc trời của đại gia A, đại gia B trơ trơ thách thức dư luận” - Ông nói.
Ông cho rằng tình trạng này khiến cử tri hoài nghi “có hay không lợi ích nhóm, sân trước sân sau” trong điều chỉnh quy hoạch, ôm đất vàng, chỉ định thầu ở dự án BT tại các đô thị.
ĐB Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) không phủ nhận chuyện quy hoạch phải điều chỉnh với thực tế cuộc sống, tuy nhiên ông lên án chuyện điều chỉnh quy hoạch có dấu hiệu tư lợi.
“Thực tế nhiều quy hoạch điều chỉnh có dấu hiệu tư lợi, theo tư duy chủ quan hoặc đề xuất của chủ đầu tư. Việc điều chỉnh cục bộ nhiều trường hợp chưa tương xứng, gây thất thoát nguồn thu của nhà nước, tạo áp lực lên hạ tầng xã hội” – ông nói và đề nghị quá trình lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch cần phải công khai từ khâu đề xuất, lấy ý kiến chuyên gia, người dân và doanh nghiệp.
Theo plo.vn
Nguồn bài viết: https://plo.vn/thoi-su/quy-hoach-dieu-chinh-quy-hoach-bi-doanh-nghiep-chi-phoi-836272.html
Link nội dung: https://phaply.net.vn/quy-hoach-dieu-chinh-quy-hoach-bi-doanh-nghiep-chi-phoi-a208628.html