Trên cơ sở cân nhắc những tác động tiêu cực của việc truy cứu trách nhiệm hình sự và áp dụng hình phạt đối với pháp nhân phạm tội, Điều 88 BLHS quy định điều kiện miễn hình phạt đối với pháp nhân thương mại theo hướng mở rộng so với cá nhân.
Đối với pháp nhân thương mại phạm tội
Những chế định liên quan đến pháp nhân thương mại đều là những quy định mới trong BLHS năm 2015. Đây là điểm tiến bộ trong tư duy lập pháp, không chỉ bắt buộc người phạm tội mới phải chịu TNHS mà kể cả pháp nhân thương mại cũng không được loại trừ TNHS khi đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội và gây ra hậu quả đáng kể.
Theo khoản 1 Điều 75 BLHS năm 2015 thì pháp nhân thương mại chỉ bắt buộc phải chịu TNHS nếu có đủ 04 yếu tố sau: Khi tội phạm được thực hiện nhân danh pháp nhân, vì lợi ích của pháp nhân, có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân và tội phạm đó chưa hết thời hiệu truy cứu TNHS theo quy định của pháp luật. Đồng thời, Điều 76 BLHS năm 2015 cũng quy định thêm phạm vi chịu TNHS của pháp nhân thương mại. Theo đó, phạm vi chịu TNHS của pháp nhân thương mại phạm tội được thu hẹp đáng kể khi phải chịu TNHS nếu thỏa mãn các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 75 và phạm một trong 33 tội được quy định tại Điều 76. Qua đó cho thấy tinh thần nhân đạo, chính sách khoan hồng của Nhà nước ta trong đường lối xử lý hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội.
Trên cơ sở cân nhắc những tác động tiêu cực của việc truy cứu trách nhiệm hình sự và áp dụng hình phạt đối với pháp nhân phạm tội, Điều 88 BLHS quy định điều kiện miễn hình phạt đối với pháp nhân thương mại theo hướng mở rộng so với cá nhân.
Theo đó, pháp nhân thương mại phạm tội có thể được miễn hình phạt khi đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. Quy định này nhằm khuyến khích pháp nhân tích cực sửa chữa, khắc phục hậu quả, bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra nhằm giảm tối đa các tác động tiêu cực có thể mang lại từ việc áp dụng hình phạt.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi đối với pháp nhân phạm tội, đã chấp hành xong bản án và các quyết định khác của Tòa án, BLHS quy định điều kiện xóa án tích đối với pháp nhân theo hướng tạo điều kiện thuận lợi để pháp nhân có thể khôi phục sản xuất kinh doanh.
Điều 89 BLHS quy định pháp nhân thương mại bị kết án đương nhiên được xóa án tích nếu trong thời hạn 02 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án mà pháp nhân thương mại không thực hiện hành vi phạm tội mới.
Như vậy, trong 03 hình thức xóa án tích được quy định trong BLHS năm 2015 pháp nhân bị kết án sau khi đã chấp hành xong bản án sẽ được áp dụng hình thức đương nhiên xóa án tích, nghĩa là không buộc pháp nhân phải đi xin Tòa án đã ra bản án cấp giấy chứng nhận xóa án tích như trước kia, mà khi có nhu cầu thì chỉ cần đến cơ quan quản lý dữ liệu lý lịch tư pháp cấp phiếu lý lịch tư pháp. Điều này đòi hỏi phải tiếp tục sửa Luật Lý lịch tư pháp, Luật Thi hành án hình sự để đảm bảo sự đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Đối với người dưới 18 tuổi phạm tội
Nhà nước ta luôn có những chính sách nhân đạo, khoan hồng trong phương hướng xử lý hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, luôn xác định chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội chứ không nhằm mục đích trừng trị. Những quy định luôn mở rộng phạm vi áp dụng theo xu hướng có lợi hơn so với người phạm tội từ đủ 18 tuổi trở lên như mở rộng phạm vi áp dụng biện pháp miễn TNHS. Đồng thời hạn chế áp dụng các biện pháp cưỡng chế có tính răn đe, trừng trị cao như: Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn, không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
Do đó, trong BLHS năm 2015 luôn có những quy định về các biện pháp tha, miễn theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng và hạn chế các điều kiện không áp dụng, chủ yếu dựa trên ý thức cải tạo, chấp hành tốt thì người dưới 18 tuổi phạm tội đều có thể được áp dụng các biện pháp tha, miễn. Những quy định áp dụng các biện pháp tha, miễn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội như giảm mức hình phạt đã tuyên, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xoá án tích về cơ bản đảm bảo một số điều kiện như đối với người từ đủ 18 tuổi phạm tội, tuy nhiên phạm vi áp dụng được mở rộng đồng thời thu hẹp một số điều kiện ràng buộc như: Người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự (khoản 2 Điều 91); người dưới 18 tuổi phạm tội bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù, nếu có tiến bộ và đã chấp hành được một phần tư thời hạn, thì được Tòa án xét giảm (khoản 1 Điều 105); giới hạn thu hẹp các điều kiện áp dụng biện pháp tha tù trước hạn so với trường hợp thông thường (Điều 106); mở rộng phạm vi không bị coi là có án tích đối với người chưa thành niên phạm tội (khoản 1 Điều 107), hạn chế việc truy cứu TNHS (khoản 3 Điều 91)...
Theo congly.vn
Nguồn bài viết: https://congly.vn/hoat-dong-toa-an/nghiep-vu/cac-bien-phap-tha-mien-ap-dung-doi-voi-phap-nhan-thuong-mai-va-nguoi-duoi-18-tuoi-pham-toi-300320.html
Link nội dung: https://phaply.net.vn/cac-bien-phap-tha-mien-ap-dung-doi-voi-phap-nhan-thuong-mai-va-nguoi-duoi-18-tuoi-pham-toi-a208617.html