(Pháp lý) - Cán bộ công chức, thậm chí quan chức mua bằng giả để thăng tiến; công chức, quan chức mua điểm cho con trong kỳ thi tuyển sinh Đại học… là phần nổi của tảng băng chìm liên quan đến giáo dục, đào tạo, tuyển dụng ở ta hiện nay. Tình trạng này diễn ra rất phức tạp, kéo dài và không có chiều hướng giảm. Một trong những nguyên nhân là có những khoảng trống trong chế tài xử lý và trong nhận thức của các cơ quan tiến hành tố tụng cần khắc phục.
Thị trường bằng cấp giả
Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) vừa triệt phá đường dây làm bằng giả do Lê Văn Hoàng, quê tỉnh Bình Thuận, cầm đầu. Khám xét tại nơi ở của Hoàng, cơ quan công an phát hiện, thu giữ hơn 1 tấn phôi bằng, 1.200 con dấu của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp cùng nhiều máy móc, thiết bị.
Tại cơ quan công an, bước đầu Lê Văn Hoàng khai nhận, qua mạng xã hội, thấy nhu cầu cần mua văn bằng, chứng chỉ giả rất lớn, nên Hoàng đã mua các loại phôi bằng, con dấu cùng các công cụ, máy móc phục vụ việc làm bằng giả trên mạng với giá khoảng hơn 100 triệu đồng. Sau đó, Hoàng thuê lập website có tên lambangdaihoc.com.vn để quảng cáo tìm khách và giao dịch mua bán. Với mỗi bằng giả đối tượng thu về từ 3 - 5 triệu đồng.
Đây không phải là trường hợp làm bằng giả hiếm hoi bị phát hiện mà dịch vụ sản xuất, cung cấp bằng giả diễn ra khá rầm rộ trong những năm qua. Bằng chứng là rất nhiều đối tượng ngang nhiên quảng cáo dịch vụ cung cấp bằng giả qua mạng internet. Rất nhiều trang web, tài khoản mạng xã hội tiếp thị mặt hàng này với số điện thoại liên hệ đàng hoàng. Khách hàng gọi theo những số điện thoại đó sẽ được giải đáp thắc mắc và có thể thỏa thuận… Những lời quảng cáo như: “Bán các loại bằng với giá rẻ, từ bằng trung học cơ sở đến cử nhân đại học, tiến sĩ, bảo đảm y nguyên bằng thật” hoặc “Nhận làm bằng đại học, cao đẳng, trung cấp, cấp ba và các chứng chỉ khác. Đảm bảo anh chị hài lòng. Giao hàng mới nhận tiền". Một tài khoản có tên "Làm bằng đại học ....” trên Facebook cũng quảng cáo rằng nhận làm các loại bằng đại học, cao đẳng, chứng minh thư nhân dân, hộ khẩu, hộ chiếu, bằng lái xe ôtô các hạng... Họ cam kết phôi gốc, tem thật (bảy màu và sáu cánh), dấu mộc giáp lai nổi.
Những dịch vụ này đơn giản, dễ dàng thực hiện đến mức khách không phải đặt cọc, khi nào nhận hàng sẽ thanh toán trực tiếp cho người vận chuyển. Khách hàng có nhu cầu chỉ cần cung cấp tên, ngày tháng năm sinh, nơi sinh, giới tính, tên trường muốn làm, ngành đào tạo, năm tốt nghiệp, loại bằng... là xong.
Thông thường bằng đại học có giá 4 triệu đồng, bao gồm bằng, bảng điểm và 5 bộ photo công chứng. Bằng tốt nghiệp THPT có giá 3 triệu đồng và 2,5 triệu đồng, gồm cả bộ học bạ kèm theo. Tất cả đều có sẵn bản photo công chứng. Trong ba ngày kể từ khi đặt hàng, người mua sẽ nhận được bằng cấp như ý.
Những bằng cấp giả này giống thật đến mức rất khó phát hiện, nên đại đa số các trường hợp sử dụng bằng giả bị phát hiện đều phải giám định hoặc căn cứ vào kết quả đối chiếu tại cơ sở đào tạo, để khẳng định không có tên người dùng bằng giả trong danh sách trúng tuyển đã ghi trên bằng.
Công an đã triệt phá vụ Lê Tấn Cường cùng Lữ Minh Trí lập thành đường dây chuyên cung cấp bằng giả. Đường dây của Cường quảng cáo cung cấp bằng của các trường đại học từ Bắc vào Nam với giá 800.000 đồng đến 1,5 triệu đồng mỗi chiếc. Bằng đại học, cao đẳng, trung cấp, THPT các loại giá 5-7 triệu đồng. Chứng chỉ Toeic IIG quốc tế giá 5-7 triệu đồng một chiếc. Chứng chỉ anh văn châu Âu A2, B1, B2, C1, C2 giá 5-7 triệu đồng một bản. Đặc biệt anh ta còn bán buôn và mời chào “ai làm số lượng nhiều sẽ có giá ưu đãi”… Bị bắt sau hai năm hoạt động, Cường nói có khi đơn hàng nhiều, đường dây phải nhập một lúc tới cả hàng nghìn phôi bằng từ Trung Quốc. Mỗi ngày làm 20-30 sản phẩm.
Hay một vụ khác do Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP HCM triệt phá là đường dây làm bằng cấp giả các loại do Lương Ngọc Định, quê Thanh Hóa cầm đầu. Đường dây này cung cấp bằng giả cho hơn 30 đại lý trên cả nước với giá 300.000-500.000 đồng một bằng. Các đại lý chủ yếu quảng cáo qua mạng xã hội sau đó bán lại với giá 2,5-4,5 triệu đồng trên một chứng chỉ, bằng đại học giả. Khám xét xưởng của Định, cảnh sát thu khoảng 1.600 con dấu, 56 bằng cấp, chứng chỉ thành phẩm, khoảng 10.000 phôi các loại và các công cụ khác như máy in, ép, photocopy...
Như vậy có thể thấy, các đường dây sản xuất, mua bán bằng cấp, giấy tờ giả mạo diễn ra rất phức tạp, gần như không cần che giấu, hoạt động khắp cả nước. Nguồn “cung” dồi dào này phản ánh “nhu cầu” rất lớn của thị trường bằng cấp giả mạo.
Hệ quả đương nhiên là vô số người đã sử dụng những bằng cấp giả đó để có việc làm, thậm chí giữ những cương vị lãnh đạo… Những người không có kiến thức, chỉ thăng tiến bằng tấm bằng giả gây ra những hậu quả gì là rất khó đo đếm, nhưng chắc chắn là rất nghiêm trọng.
Xử lý người dùng bằng giả
Những vụ sử dụng bằng giả bị phát hiện những năm qua cho thấy họ thuộc khá đủ thành phần, đó là những cán bộ xã như cán bộ xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam gồm các ông: Trương Công Bảy, Trần Văn Tám - Phó Chủ tịch UBND xã, Huỳnh Ngọc Bảy - Phó Chủ tịch HĐND xã, Trần Công Tân - Trưởng Công an xã, Trần Khánh Thư - Bí thư Đoàn thanh niên xã Bình Minh. Các cá nhân này đã sử dụng bằng tốt nghiệp THPT giả để kê khai làm hồ sơ cán bộ công chức, hồ sơ Đảng viên; lập hồ sơ thi tuyển, nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ; làm hồ sơ để được quy hoạch và bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ xã; hay ông Nguyễn Thanh Đông, Phó Chủ tịch HĐND thị trấn Nhơn Hòa, Gia Lai cũng có hành vi tương tự.
Báo chí đã phản ánh những trường hợp dùng bằng giả bị xử lý ở cấp cao hơn như nữ thẩm phán Nguyễn Thị Nga công tác tại TAND TP Thái Nguyên; Phó chánh Thanh tra tỉnh Hải Dương Nguyễn Trọng Điều; ông Đoàn Văn Nhuần, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Trảng Bom, Đồng Nai…
Đáng chú ý trong thời gian qua còn có những vụ dùng bằng Tiến sĩ do các trường nước ngoài cấp qua các khóa học cấp tốc, không được công nhận. Điển hình như vụ bằng tiến sĩ của cựu Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh.
Theo kết luận tại Kỳ họp 17 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Nguyễn Xuân Anh có vi phạm, khuyết điểm: Kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực, vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên và quy định những điều đảng viên không được làm.
Ông Nguyễn Xuân Anh nhận bằng Tiến sĩ của Trường Southern California University for Professional Studies (SCUPS) - một trường chỉ chuyên đào tạo và cấp bằng cho các chương trình đào tạo online - vào thời điểm tháng 12/2006. Bằng tiến sĩ chuyên ngành quản trị kinh doanh của ông Nguyễn Xuân Anh là một trong ba chuyên ngành trường này đào tạo ở bậc tiến sĩ. Ở thời điểm đó, trường này chưa nhận được bất cứ một chứng nhận kiểm định chất lượng nào, dù đã được cấp giấy phép từ năm 1978. Trong khi đó, các chứng nhận kiểm định chất lượng do các tổ chức kiểm định độc lập đánh giá và công nhận chính là tiêu chí quan trọng đầu tiên, để xác định chất lượng bằng cấp, chương trình đào tạo của một trường đại học tại Hoa Kỳ. Vì vậy, theo đánh giá của hai chuyên gia về giáo dục đại học, ở Mỹ tấm bằng tiến sĩ nói trên hầu như không có giá trị sử dụng, sẽ không có doanh nghiệp, tổ chức nào chấp nhận tấm bằng này trong tuyển dụng. Đơn giản, vì bằng cấp của một cơ sở giáo dục đại học không có chứng chỉ kiểm định thường bị coi là vô giá trị.
Những cán bộ, công chức, viên chức các cấp sử dụng bằng cấp giả mạo như vậy không còn là chuyện hiếm, như ở Đắk Nông cho biết, cơ quan chức năng của tỉnh đã phát hiện và xử lý hơn 30 trường hợp cán bộ sử dụng văn bằng giả. Đó cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Khoảng trống chế tài xử lý và kiến nghị
Tội phạm làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức hoành hành như vậy, có lẽ một trong những nguyên nhân là chế tài xử lý còn quá nhẹ. Nhiều trường hợp chỉ xử phạt vi phạm hành chính. Những vụ xử lý hình sự thì mức hình phạt cũng không cao. Ví dụ Lê Tấn Cường cùng Lữ Minh Trí với đường dây chuyên cung cấp bằng giả các trường đại học từ Bắc vào Nam, có ngày sản xuất đến 20-30 bằng giả nhưng cũng chỉ bị Tòa án phạt 3 năm 6 tháng tù, các đồng phạm lĩnh từ một năm sáu tháng tù (cho hưởng án treo) tới ba năm tù về cùng tội danh.
Theo Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội Làm giả hoặc sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức: Người nào làm giả hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức sẽ bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Nếu hoạt động có tổ chức, hai lần trở lên, làm 2-5 con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức, thu lời bất chính 10-50 triệu đồng..., người vi phạm có thể bị phạt tù 2-5 năm. Hình phạt cao nhất của tội này là 7 năm tù nếu người phạm tội thu lời bất chính 50 triệu đồng trở lên, làm 6 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên...
Tuy nhiên, trong thực tế hầu như người sử dụng văn bằng giả mạo thì chỉ bị xử lý hành chính. Theo Điều 16 Nghị định 138/2013/NĐ-CP, người mua, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả bị phạt tiền 10-20 triệu đồng.
Với cán bộ, công chức, viên chức sử dụng bằng giả bị xử lý kỷ luật theo Nghị định số 34/2011/NĐ-CP và Nghị định số 27/2012/NĐ-CP: Đối với cán bộ bị Tòa án phạt tù (vì hành vi sử dụng bằng giả) mà không được hưởng án treo thì đương nhiên bị thôi việc; Đối với công chức, viên chức có hành vi sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc đơn vị sự nghiệp công lập thì bị xử lý kỷ luật với hình thức buộc thôi việc. Riêng đối với trường hợp sử dụng bằng giả để học ở bậc học cao hơn thì bị xử lý với hình thức là đuổi học (nếu chưa học xong) hoặc hủy bỏ kết quả học tập, bằng (nếu đã học xong).
Trong khi đó, Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “Người nào làm giả … hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm”. Như vậy, người sử dụng những văn bằng, chứng chỉ giả mạo cũng phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự mới đúng tinh thần của điều luật và bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.
Trước thực trạng phức tạp, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng của loại tội phạm làm giả, sử dụng con dấu, tài liệu giả hiện nay, chúng tôi cho rằng các cơ quan pháp luật cần quán triệt tinh thần Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 và có hướng dẫn thống nhất để điều luật được thực thi nghiêm minh, tránh tình trạng “nhờn luật” hiện nay.
Trong công tác quản lý cán bộ, các cơ quan tuyển dụng, bổ nhiệm phải chủ động trong việc thẩm tra, phát hiện cán bộ sử dụng bằng giả để ngăn ngừa hậu quả tiêu cực ngay từ đầu. Hiện nay việc phát hiện cán bộ dùng bằng giả hầu hết là do tố giác của quần chúng, cho thấy các cơ quan quản lý cán bộ còn thiếu chủ động trong công tác này.
Chạy điểm cho con, tội gì?
Liên quan đến sự giả mạo khác, không phải văn bằng giả là vụ án nâng điểm trong tuyển sinh Đại học năm 2018 hiện nay ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình. Kết quả 114 thí sinh Hà Giang với hơn 330 bài thi được nâng điểm. Hòa Bình có 63 thí sinh với 140 bài thi được sửa điểm. Sơn La có 44 thí sinh với 95 bài thi trắc nghiệm và hai bài Ngữ văn có sự can thiệp. Mức điểm nâng tối đa là 9,25 cho một bài thi… Đa số các thí sinh gian lận đã bị các trường Đại học trả về địa phương.
Một số cán bộ trong đường dây nâng điểm đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra. Tuy nhiên, cho đến nay vấn đề trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm hình sự của các phụ huynh trong việc nâng điểm cho con chưa được xem xét. Do đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Công an chỉ đạo khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin những dấu hiệu hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ trong vụ án này.
Thái Vũ
Link nội dung: https://phaply.net.vn/bang-gia-diem-gia-khoang-trong-che-tai-xu-ly-a208500.html