Chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường (Bài 9): Qui định tiến bộ, nhưng thiếu cơ chế để thực thi

(Pháp lý) - Nhiều quy định trong Luật Bảo vệ môi trường còn là quy định khung, chưa được hướng dẫn cụ thể, thiếu cơ chế để thực thi nên Luật chậm và khó đi vào cuộc sống…

Ô nhiễm môi trường biển gây thiệt hại lớn
Ô nhiễm môi trường biển gây thiệt hại lớn)

Thiếu quy định pháp luật cụ thể về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển

Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển. Có thể kể đến là Luật Bảo vệ môi trường năm 2014; Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo năm 2015; Bộ luật Hàng hải năm 2015; Luật Dầu khí năm 1993, sửa đổi, bổ sung năm 2008; Luật Du lịch năm 2005; Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn… Đồng thời để thực hiện kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, pháp luật hiện hành quy định có 2 nhóm quy chuẩn kỹ thuật. Đó là Nhóm quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với nước biển và Nhóm quy chuẩn với chất thải, nước thải ra biển. Chẳng hạn như quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 10:2008/BTNMT về chất lượng nước biển ven bờ; quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 11:2008/BTNMT về nước thải công nghiệp chế biến thủy sản; quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 38:2011/BTNMT về chất lượng nước mặt bảo vệ đời sống thủy sinh; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 10-MT:2015/BTNMT về chất lượng nước biển, để đánh giá và kiểm soát chất lượng nước biển của các vùng biển, phục vụ mục đích thể thao, giải trí dưới nước, nuôi trồng thủy sản, bảo vệ môi trường biển và các mục đích khác; các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quản lý chất thải nhằm kiểm soát hiệu quả ô nhiễm môi trường biển.

Tuy vậy theo Tiến sĩ Bùi Đức Hiển – Viện Nhà nước và Pháp luật thì các quy định pháp luật chủ yếu mới hướng đến sự phòng ngừa là chính. Và các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về chất thải, nước thải ra biển đã được ban hành cách đây hơn 10 năm, nhiều thông số đã bị lạc hậu so với quy chuẩn của khu vực và quốc tế, không đáp ứng được yêu cầu kiểm soát ô nhiễm môi trường biển trên thực tế.

Cũng theo Tiến sĩ Hiển, hiện ta chưa xây dựng được Danh mục thu hút đầu tư các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thân thiện môi trường theo quan điểm đề ra trong Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 432/QĐ-TTg; thiếu các quy định cụ thể về phát hiện ô nhiễm môi trường biển; thiếu các công cụ đánh giá thiệt hại do ô nhiễm môi trường biển gây ra…

Cụ thể là trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã có quy định chung về phát hiện ô nhiễm môi trường, như quan trắc môi trường, thông tin về tình hình môi trường, thanh tra, kiểm tra ô nhiễm môi trường, nhưng chưa quy định cụ thể về phát hiện ô nhiễm môi trường biển. Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo năm 2015 có quy định về vấn đề này cụ thể hơn, nhưng vẫn còn thiếu các yếu tố bảo đảm cho quá trình này. Chẳng hạn nguồn lực con người, tài chính, cơ sở vật chất, khoa học công nghệ, đặc biệt là chưa có quy định về ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Về thông tin tình hình môi trường biển, các quy định pháp luật mới chủ yếu nhấn mạnh hợp tác chia sẻ thông tin ô nhiễm môi trường biển mà chưa nhấn mạnh đến hợp tác chia sẻ kinh nghiệm, nguồn tài chính, khoa học công nghệ để tạo cơ sở tổng hợp cho kiểm soát ô nhiễm môi trường biển được hiệu quả.

Quy định “gây khó” cho yêu cầu bồi thường thiệt hại môi trường

Tiến sĩ Bùi Đức Hiển cho rằng, chính sách pháp luật về bảo vệ tài nguyên và môi trường biển đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế biển của Việt Nam, nhưng nhiều quy định pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, dẫn tới môi trường biển ngày càng bị ô nhiễm, suy thoái nghiêm trọng. Để tăng cường công tác bảo vệ môi trường biển, cần nghiên cứu và hoàn thiện các quy định pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển. Đồng thời nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về kiểm soát, tăng cường công tác phối hợp với các bên liên quan và các cá nhân trên biển, cũng như ứng dụng công nghệ mới trong việc kiểm soát ô nhiễm môi trường biển.

Đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài nguyên và môi trường đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 03/2015/NĐ-CP của Chính phủ; Nghị định đã xác định trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại này thuộc về cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Còn với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức đã được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Nhưng đến nay chưa có vụ yêu cầu bồi thường thiệt hại môi trường nào được giải quyết tại tòa án. Quy định pháp luật hiện hành cũng gây khó khăn cho cá nhân, tổ chức trong quá trình yêu cầu bồi thường thiệt hại, do khó để chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi làm ô nhiễm môi trường và thiệt hại xảy ra.

Quy định về kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí: Bất cập và thiếu

Ô nhiễm môi trường không khí đang ngày càng trở nên đáng báo động, nhất là ở các đô thị lớn của nước ta. Tại Hà Nội, những ngày cuối tháng 3 và đầu tháng 4 vừa qua, chỉ số AQI - báo cáo chất lượng không khí hàng ngày đối với 5 chất ô nhiễm cơ bản gồm bụi PM10, SO2, NO2, CO và O3 - ở Hà Nội tiếp tục ghi nhận ở mức kém. Điều này cho thấy ở ngay thủ đô, ta thiếu kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí.

 Ô nhiễm môi trường không khí chưa được quan tâm và kiểm soát đầy đủ.
Ô nhiễm môi trường không khí chưa được quan tâm và kiểm soát đầy đủ.)

Về mặt chính sách, qua nghiên cứu các quy định pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 cho thấy vẫn còn những bất cập, thiếu sót và hạn chế gây ảnh hưởng đến hiệu quả kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí ở Việt Nam. Hiện nay, chất lượng môi trường không khí được quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh QCVN 05: 2009/BTNMT; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về một số chất độc hại trong không khí xung quanh QCVN 06: 2009/BTNMT; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp đối với bụi và các chất vô cơ QCVN 19: 2009/BTNMT; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp đối với một số chất hữu cơ QCVN 20: 2009/BTNMT; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp sản xuất phân bón hóa học QCVN 21: 2009/BTNMT; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp nhiệt điện QCVN 22: 2009/BTNMT; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp sản xuất xi măng QCVN 23: 2009/BTNMT; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải lò đốt chất thải công nghiệp QCVN 30: 2010/BTNMT. Hầu hết các tiêu chuẩn này đã lạc hậu vì có từ 10 năm trở lại đây.

Theo các chuyên gia về môi trường, Việt Nam hiện vẫn thiếu các quy chuẩn kỹ thuật môi trường không khí đối với mùi và quy chuẩn môi trường không khí trong nhà; thứ hai, các chính sách về ưu đãi liên quan đến sự tham gia của tổ chức, cá nhân vào kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí còn quy định chung chung, chưa rõ ràng; ba là, các chính sách, quy định về phát triển bền vững ưu tiên lĩnh vực thân thiện môi trường được quy định khá rõ ràng, nhưng thực tiễn áp dụng pháp luật lại chưa hiệu quả. Cùng với đó, mặc dù Nhà nước ta đã ban hành các quy định nhằm thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu, nhưng các quy định pháp luật hiện hành lại chưa thể hiện được logic này dẫn tới khó khăn trong quá trình thực hiện pháp luật.

Một bất cập đáng kể vẫn còn tồn tại nữa là quy định về thanh tra môi trường không khí còn tản mạn, phân tán, chưa có sự hợp lý so với Luật Thanh tra năm 2010, chưa có quy định riêng mang tính hệ thống về thanh tra môi trường không khí. Trong khi đó, trên thực tế hoạt động thanh tra môi trường vẫn còn chồng chéo, thiếu phối hợp giữa thanh tra Bộ, thanh tra Tổng cục và thanh tra Sở và hoạt động thanh tra có chính quyền địa phương, vẫn có những tiêu cực trong quá trình thanh tra ảnh hưởng đến xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.

Tổ chức chính trị xã hội, chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức quốc tế phi chính phủ, cộng đồng dân cư có vai trò đặc biệt quan trọng trong kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí. Mặc dù Luật Bảo vệ Môi trường đã phần nào ghi nhận trách nhiệm của các tổ chức này, nhưng chưa có những quy định cụ thể nhằm phát huy mạnh mẽ hơn các chủ thể này vào hoạt động giám sát, kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí; đồng thời, chúng ta chưa có chính sách khuyến khích thúc đẩy thực hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp; các công cụ kinh tế đã được sử dụng để kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, nhưng vẫn chưa đạt được hiệu quả mong muốn.

Một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến những bất cập của hệ thống quy định pháp luật như đã nêu ở trên là do thiếu văn bản quy định pháp luật đặc thù cho quản lý môi trường không khí. Trong khi các quy định về BVMT trong nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại… đều được chú trọng thì quy định về quản lý chất lượng không khí (trừ TCVN, QCVN) hầu như chưa có (nghị định, quyết định, thông tư,...). Đặc biệt, đang rất thiếu sự kết hợp quản lý chất lượng không khí giữa trung ương và địa phương.

Hệ thống quy chuẩn kĩ thuật về môi trường đã cũ

Có thể dễ dàng tìm thấy hệ thống quy chuẩn Việt Nam về môi trường về: An toàn chất lượng cuộc sống; Quy chuẩn môi trường đất; Quy chuẩn môi trường không khí; Nước; Độ rung; Chất thải nguy hại… Các Quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia QCVN quy định về mức, chỉ tiêu, yêu cầu về chất lượng môi trường xung quanh và về chất thải được xây dựng và ban hành tuân thủ theo các quy định chung của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.

Các quy chuẩn được xây dựng dựa trên giá trị giới hạn tối đa cho phép của các thông số đảm bảo không ảnh hưởng đến sức khỏe của con người và hệ sinh thái, do đó có thể dựa trên kinh nghiệm của các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài. Mỗi quy chuẩn có đặc trưng riêng, cần soát xét lại thường xuyên. Bởi lẽ, môi trường thay đổi liên tục, cần xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn dựa vào sức chịu tải môi trường tiếp nhận.

Hầu hết các quy chuẩn xây dựng trên 10 năm nhưng môi trường lại thay đổi liên tục. Có ý kiến cho rằng các quy chuẩn, tiêu chuẩn cần đặt ra yêu cầu cao hơn, cụ thể hơn cho từng khu vực nhằm bảo vệ môi trường tốt hơn. Ví dụ: So với hệ thống tiêu chuẩn nước thải của một số nước, quy định trong các QCVN về nước thải của Việt Nam hiện nay tỏ ra lỏng lẻo hơn nhiều. Trong khi hầu hết các nước tiên tiến đều có bộ tiêu chuẩn nước thải đồ sộ, quy định chi tiết giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm trong nước thải cho từng lưu vực sông cụ thể, thậm chí đến từng đoạn lưu vực, từng hồ và sông nhánh, thì ở Việt Nam chỉ QCVN mới chỉ quy định theo lưu lượng hoặc dung tích nguồn tiếp nhận…

Đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài nguyên và môi trường đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 03/2015/NĐ-CP của Chính phủ; Nghị định đã xác định trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại này thuộc về cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Còn với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức đã được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Nhưng đến nay chưa có vụ yêu cầu bồi thường thiệt hại môi trường nào được giải quyết tại tòa án. Quy định pháp luật hiện hành cũng gây khó khăn cho cá nhân, tổ chức trong quá trình yêu cầu bồi thường thiệt hại, do khó để chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi làm ô nhiễm môi trường và thiệt hại xảy ra.

Minh Hải (tổng hợp)

 

Link nội dung: https://phaply.net.vn/bai-9nhung-thieu-co-che-de-thuc-thi-a208230.html