Chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường (Bài 8): Nhiều quy định tiến bộ

(Pháp lý) - LTS: Trong các lĩnh vực của ngành tài nguyên và môi trường thì môi trường là một trong những lĩnh vực được quan tâm nhiều nhất hiện nay. Và thách thức lớn nhất đối với ngành này chính là phải bảo vệ môi trường hiệu quả. Để bảo vệ môi trường hiệu quả thì chính sách pháp luật phải sát thực tế và sắc bén.

Để bảo vệ môi trường hiệu quả thì chính sách pháp luật phải sát thực tế và sắc bén (ảnh minh họa)
Để bảo vệ môi trường hiệu quả thì chính sách pháp luật phải sát thực tế và sắc bén (ảnh minh họa))

Các quy định của Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) 2014 và các quy định của Bộ luật Hình sự 2015 được thiết kế khá đầy đủ và toàn diện nhằm bảo vệ môi trường tốt nhất.

Thêm những quy định có tầm nhìn tốt

image002Luật BVMT 2014 ghi nhận 8 nguyên tắc về BVMT. So với Luật BVMT 2005 đã bổ sung 3 nguyên tắc như: BVMT phải gắn kết với bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó biến đổi khí hậu, sử dụng hợp lý tài nguyên, giảm thiểu chất thải; BVMT phải gắn kết với bảo đảm quyền của trẻ em, thúc đẩy giới và bảo đảm mọi người có quyển được sống trong môi trường trong lành. Các chương, điều của Luật BVMT 2014 đã được xây dựng dựa trên các nguyên tắc này.

Luật BVMT 2014 có quy định về chính sách về nguồn vốn đầu tư, trong đó yêu cầu bố trí khoản chi riêng cho BVMT trong ngân sách với tỷ lệ tăng dần theo tăng trưởng chung; các nguồn kinh phí BVMT được quản lý thống nhất và ưu tiên cho các lĩnh vực trọng điểm trong BVMT; gắn kết các hoạt động BVMT, bảo vệ tài nguyên với ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH), bảo đảm an ninh môi trường; Nhà nước ghi nhận, tôn vinh cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có những đóng góp tích cực trong BVMT.

Xuất phát từ yêu cầu cần có một tầm nhìn dài hạn và tổng thể về BVMT, gắn kết thực sự giữa BVMT với phát triển kinh tế - xã hội, Luật BVMT đã xây dựng mục Quy hoạch BVMT gồm 5 điều với những nội dung cơ bản, có tính nguyên tắc như cấp độ, kỳ quy hoạch, nội dung quy hoạch, trách nhiệm lập quy hoạch, tham vấn, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, rà soát và điều chỉnh quy hoạch. Quy hoạch BVMT phải được xây dựng phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và vì vậy phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quy hoạch sử dụng đất. Với những nguyên tắc này, việc xây dựng quy hoạch BVMT không làm đảo lộn các quy hoạch cơ bản hiện có bởi vì nếu làm đảo lộn các quy hoạch cơ bản hiện có, quy hoạch BVMT sẽ không có tính thực thi. Quy hoạch BVMT phải dựa trên hiện trạng tự nhiên, kinh tế, xã hội để phân vùng môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý môi trường, quản lý chất thải, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật BVMT. Trong quy hoạch BVMT cấp quốc gia phải có nội dung quy hoạch BVMT cấp vùng và cấp xây dựng, tổ chức thực hiện là Bộ TN&MT. Vì vậy, quy hoạch BVMT chỉ còn 2 cấp độ, quốc gia và cấp tỉnh.

Các quy định gắn với sự thay đổi không ngừng của môi trường trái đất

Biến đổi khí hậu là vấn đề lớn của môi trường toàn cầu. Luật BVMT 2014 đã có những quy định liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu. Với chương IV về ứng phó với BĐKH, lần đầu tiên chúng ta luật hóa những quy định về ứng phó với BĐKH trong mối liên quan chặt chẽ với BVMT. Chương ứng phó với BĐKH bao gồm 9 Điều quy định chung về ứng phó với BĐKH; lồng ghép nội dung ứng phó với BĐKH vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quản lý phát thải khí nhà kính; quản lý các chất làm suy giảm tầng ô-zôn; phát triển năng lượng tái tạo; sản xuất và tiêu thụ thân thiện với môi trường; thu hồi năng lượng từ chất thải; quyền và trách nhiệm của cộng đồng trong ứng phó với BĐKH; phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ ứng phó với BĐKH và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.

Các quy định tại chương này chỉ mới có tính cơ bản và tính nguyên tắc, làm cơ sở pháp lý để xây dựng các chương trình, kế hoạch, dự án cụ thể trong lĩnh vực ứng phó với BĐKH trong mối liên quan với BVMT. Việc giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải đã được nhấn mạnh bên cạnh việc khuyến khích thu hồi năng lượng từ chất thải. Những quy định này phải được cụ thể hóa trong công tác BVMT để tiến tới mục tiêu hầu hết chất thải được sử dụng lại như là một nguồn tài nguyên chính và lâu dài.
Hướng đến bảo vệ toàn diện nhiều yếu tố tạo thành môi trường

Môi trường biển, môi trường các lưu vực sông, môi trường đất, môi trường nước, môi trường không khí … là cấu thành quan trọng của môi trường nói chung. Luật BVMT đã có những quy định hướng đến bảo vệ toàn diện những yếu tố tạo thành môi trường. Cụ thể, để bảo đảm tính hệ thống và toàn diện của lĩnh vực BVMT, Luật BVMT 2014 đã có chương riêng về BVMT biển và hải đảo, bao gồm quy định chung về BVMT biển và hải đảo, kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường biển và hải đảo, phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường biển và hải đảo. Luật Bảo vệ TN&MT biển sẽ cụ thể hóa các quy định này và thống nhất với Luật BVMT 2014.

Luật BVMT còn quy định cụ thể về BVMT nước sông. Theo đó, Luật BVMT 2014 bổ sung quy định các nguồn thải vào lưu vực sông phải được quản lý phù hợp với sức chịu tải của sông, chất lượng nước sông và trầm tích phải được theo dõi và đánh giá, BVMT nước lưu vực sông phải gắn liền với bảo tồn đa sạng sinh học, khai thác và sử dụng nguồn nước sông. Nội dung kiểm soát ô nhiễm và xử lý ô nhiễm môi trường lưu vực sông bao gồm việc thống kê, đánh giá, giảm thiểu và xử lý chất thải đổ vào lưu vực sông; định kỳ quan trắc và đánh giá chất lượng nước sông và trầm tích; điều tra, đánh giá sức chịu tải của sông; công bố các đoạn sông, dòng sông không còn khả năng tiếp nhận chất thải; xác định hạn ngạch xả nước thải vào sông; xử lý và cải thiện môi trường nước sông; quan trắc và đánh giá chất lượng nước sông và trầm tích sông xuyên biên giới...

Luật BVMT 2014 có mục về BVMT đất, bao gồm 3 Điều, trong đó có quy định chung về BVMT đất, quản lý môi trường đất và kiểm soát ô nhiễm môi trường đất. Theo các quy định này, mọi hoạt động có sử dụng đất phải xem xét đến môi trường đất và giải pháp BVMT đất; các tổ chức, cá nhân được giao sử dụng đất phải có trách nhiệm BVMT đất; gây ô nhiễm môi trường đất phải có trách nhiệm xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất. Luật giao Chính phủ quy định chi tiết việc kiểm soát ô nhiễm đất để bảo đảm các yếu tố có nguy cơ gây ô nhiễm đất phải được xác định, kiểm soát; cơ quan quản lý Nhà nước về BVMT có trách nhiệm tổ chức kiểm soát ô nhiễm môi trường đất; cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm kiểm soát ô nhiễm đất tại cơ sở. Và lần đầu tiên, ô nhiễm dioxin có nguồn gốc từ chất diệt cỏ dùng trong chiến tranh ở Việt Nam (chất da cam/dioxin) đã được quy định trong pháp luật là phải được điều tra, đánh giá, khoanh vùng và xử lý bảo đảm yêu cầu về BVMT như các chất độc hại khác.

Luật BVMT 2014 đã có mục riêng về BVMT không khí; quản lý chất lượng môi trường không khí xung quanh; kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí. Theo các quy định này, các nguồn phát thải khí vào môi trường phải được đánh giá và kiểm soát; tổ chức và cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát thải khí tác động xấu đến môi trường phải có trách nhiệm giảm thiểu và xử lý bảo đảm chất lượng môi trường không khí. Luật giao Chính phủ quy định chi tiết về nội dung kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, chủ yếu là quan trắc, thống kê, đánh giá, xả thải bảo đảm khả năng chịu tải của môi trường không khí.

Quy định chặt chẽ đối với phế liệu, chất thải

Vấn đề sử dụng phế liệu để tái sản xuất, nhập khẩu phế liệu đã từng bị lạm dụng, tác động tiêu cực đến môi trường. Với những quy định của Luật BVMT 2014 thì vấn đề trên đã được kiểm soát. Luật BVMT 2014 định nghĩa phế liệu là "vật liệu được thu hồi, phân loại, lựa chọn từ những vật liệu, sản phẩm đã bị loại từ quá trình sản xuất hoặc tiêu dùng để sử dụng làm nguyên liệu cho một quá trình sản xuất khác"; loại bỏ các quy định "phải được làm sạch, không lẫn vật liệu, hàng hóa cấm nhập khẩu, chất thải, tạp chất nguy hại" vì tính thiếu thực thi, thay bằng phế liệu nhập khẩu phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Theo quy định này, chỉ có những loại phế liệu đã có quy chuẩn kỹ thuật môi trường mới thuộc danh mục phế liệu do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Nhập khẩu phế liệu cần được siết lại bởi những quy định nghiêm ngặt hơn.
Nhập khẩu phế liệu cần được siết lại bởi những quy định nghiêm ngặt hơn.)

Mặt khác, Luật BVMT 2014 quy định các yêu cầu đối với tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu phải có các điều kiện cụ thể, trong đó có công nghệ, thiết bị tái chế, tái sử dụng, xử lý tạp chất đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; chỉ nhập phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, phải ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu theo quy định của Chính phủ. Bộ TNMT đã có Thông tư số 08/2018/TT-BTNMT; số 09/2018/TT-BTNMT về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với 06 nhóm phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.

Đối với vấn đề chất thải nguy hại, Luật BVMT 2014 đã quy định rõ hơn về điều kiện của cơ sở xử lý chất thải nguy hại. Điểm mới của quy định về quản lý chất thải nguy hại là Bộ TN&MT quy định danh mục chất thải nguy hại và cấp phép xử lý chất thải nguy hại; Xác định rõ nội dung quản lý chất thải nguy hại trong quy hoạch BVMT do Bộ TN&MT chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Với các quy định này, quản lý chất thải có tính thống nhất với trách nhiệm đầu mối là Bộ TN&MT; cấp tỉnh không còn được cấp phép xử lý chất thải nguy hại.

Luật BVMT 2014 có Chương X về xử lý ô nhiễm, phục hồi và cải thiện môi trường thay thế Chương IX về phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường. Luật quy định xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và quy định rõ hơn về phòng ngừa sự cố môi trường, ứng phó sự cố môi trường, xây dựng lực lượng ứng phó sự cố môi trường, xác định thiệt hại do sự cố môi trường và trách nhiệm ứng phó sự cố môi trường của tổ chức, cá nhân và các cơ quan quản lý có liên quan.

Nhiều giải pháp mạnh với vi phạm trong bảo vệ môi trường

Việc xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được quy định tại Mục 1 Chương X Luật BVMT 2014 và các Nghị định liên quan. Theo đó, nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bị xử lý hành chính (hình phạt chính và phạt bổ sung) khá nghiêm khắc. Theo đó, Điều 4 Nghị định 155/2016/NĐ-CP, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bị áp dụng một trong hai hình thức xử phạt chính: Cảnh cáo và phạt tiền lên đến 2 tỷ đồng. Cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng sau khi bị xử phạt vi phạm hành chính phải được đưa vào danh mục kèm theo biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường và thời hạn thực hiện, trừ các trường hợp bị tạm đình chỉ hoạt động hoặc cấm hoạt động. Việc công khai danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được thực hiện cho đến khi cơ sở được chứng nhận đã hoàn thành biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường theo quy định tại Điều 36 Nghị định 19/2015/NĐ-CP.

Luật BVMT 2005 liệt kê 15 hành vi bị nghiêm cấm của chủ thể chịu sự quản lý Nhà nước trong lĩnh vực BVMT. Luật BVMT 2014 sửa đổi, mở rộng đối tượng có hành vi bị nghiêm cấm đối với chủ thể là đại diện Nhà nước trong quản lý môi trường: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vượt quá quyền hạn hoặc thiếu trách nhiệm của người có thẩm quyền để làm trái quy định ...”.

Điều 356 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Theo đó, người vi phạm tùy theo mức độ gây thiệt hại mà có thể bị phạt tù 10-15 năm và bị áp dụng hình phạt bổ sung: Cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1-5 năm và phạt tiền đến 100 triệu đồng. Lợi dụng chức vụ trong quản lý môi trường… bị phạt tới 15 năm tù. Đáng chú ý, Bộ luật Hình sự còn quy định xử phạt đối với pháp nhân phạm tội trong lĩnh vực môi trường.

Phan Phan

Link nội dung: https://phaply.net.vn/chinh-sach-phap-luat-ve-bao-ve-moi-truong-bai-8-nhieu-quy-dinh-tien-bo-a208166.html