Sửa đổi Luật Giám định tư pháp phục vụ giải quyết án tham nhũng, kinh tế

Ngày 9/5, Bộ trưởng Lê Thành Long – Trưởng Ban soạn thảo đã chủ trì phiên họp lần thứ hai Ban soạn thảo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp (GĐTP). Cùng dự có Thứ trưởng Phan Chí Hiếu – Phó Trưởng Ban và đông đảo thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập.

10.1
Bảo đảm chất lượng giám định trong giải quyết án tham nhũng

Tổ trưởng Tổ biên tập – Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Đỗ Hoàng Yến nêu sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật; phạm vi sửa đổi và một số nội dung chính. Theo đó, với tinh thần tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về công tác GĐTP, nhất là chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lần sửa đổi Luật này sẽ tháo gỡ những khó khăn trong công tác GĐTP phục vụ giải quyết án tham nhũng, kinh tế.

Cụ thể, sẽ bổ sung các quy định liên quan đến căn cứ, cách thức trưng cầu giám định, đánh giá, sử dụng kết luận giám định; thời hạn giám định, tương thích với quy định của pháp luật tố tụng về thời hạn điều tra, truy tố, xét xử; quyền và trách nhiệm của bên trưng cầu và bên được trưng cầu… Ngoài ra, Cục trưởng Yến cũng trình bày tiếp thu, giải trình các ý kiến thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập tại phiên họp lần thứ nhất và báo cáo một số vấn đề cần xin ý kiến.

10.2

Theo đó, trong quá trình soạn thảo, một số ý kiến đề nghị cần mở rộng phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật với 2 vấn đề nổi lên là xã hội hóa hoạt động GĐTP và công tác giám định pháp y. Tuy nhiên, đây là những vấn đề cần phải có nhiều thời gian nghiên cứu nên bà Yến đề xuất lần này chỉ tập trung xử lý những tồn tại, hạn chế về GĐTP nhằm bảo đảm đáp ứng kịp thời, có chất lượng yêu cầu giám định trong giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế.

Liên quan đến vấn đề giám định phục vụ công tác thanh tra, Luật GĐTP có phạm vi điều chỉnh là hoạt động giám định phục vụ cho hoạt động tố tụng. Vì vậy, việc bổ sung hoạt động giám định phục vụ cho công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo là không phù hợp với khái niệm, đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Luật GĐTP hiện hành. Nhưng để khắc phục bất cập hiện nay do không có quy định hướng dẫn thực hiện giám định phục vụ công tác thanh tra, bà Yến đề xuất theo hướng bổ sung vào điều khoản thi hành một khoản quy định áp dụng tương tư quy định về thực hiện giám định của các tổ chức giám định, giám định viên khi cơ quan Thanh tra trưng cầu giám định theo Luật Thanh tra.

Quy định có mức độ để giám định phục vụ công tác thanh tra

Tại phiên họp 2, nhiều thành viên Ban soạn thảo tiếp tục nêu ý kiến đề xuất mở rộng phạm vi sửa đổi, bổ sung dự án Luật. Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) Vũ Huy Khánh quan niệm, những vấn đề mở rộng thêm phải đáp ứng yêu cầu thực tiễn và tháo gỡ những bức xúc nổi cộm nhất hiện nay. Ông Khánh gợi ý là căn cứ, cách thức trưng cầu, thời hạn giám định, phân cấp giám định cần đồng bộ với các luật tố tụng; bảo vệ người giám định; nghĩa vụ của tổ chức được trưng cầu giám định…

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Trần Thị Trang kiến nghị, bên cạnh những quy định tập trung phục vụ giải quyết án tham nhũng thì cần mở rộng một số nội dung như xử lý bất cập trong giám định tử thi giữa Trung tâm Pháp y cấp tỉnh và Phòng Kỹ thuật hình sự. Theo đó, để bảo đảm tính linh hoạt, tránh lãng phí nguồn lực, cần cho phép 2 bên phối hợp xây dựng kế hoạch phân công lịch trực, nhân lực giám định theo hình thức luân phiên, phối hợp; gửi kế hoạch đến các cơ quan liên quan…

Ghi nhận các ý kiến của thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập và biểu dương Tổ biên tập trong việc chuẩn bị hồ sơ, tài liệu dự án Luật, Bộ trưởng nhắc lại yêu cầu sửa đổi Luật GĐTP của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, qua thảo luận vẫn có 2 loại ý kiến khác nhau, 1 loại theo đúng định hướng ban đầu nhưng cũng có loại ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi sửa đổi như chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan giám định có liên quan; chế độ, chính sách…

Bởi thế, về phạm vi sửa đổi, bổ sung thì đây là vấn đề xin ý kiến Chính phủ nhưng quan điểm của Bộ Tư pháp là theo phương án 1. Có điều, sẽ phân tích rõ không sửa các quy định có liên quan của các luật tố tụng mà sửa các quy định trong Luật GĐTP cho phù hợp với các luật tố tụng. Nhiều vấn đề thuộc về chính sách hay phối hợp, tổ chức thi hành pháp luật… cũng được Bộ trưởng ghi nhận, đề nghị Tổ biên tập nghiên cứu song khẳng định chỉ sửa những vấn đề hết sức cấp thiết để đảm bảo tính phù hợp, khả thi.

Liên quan đến ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ về giám định phục vụ công tác thanh tra, Bộ trưởng nhất trí phải chọn vấn đề này để xin ý kiến Chính phủ trên cơ sở xử lý được thực tiễn đang đặt ra. Theo đó, phải lý giải được vấn đề giám định trong Luật Thanh tra, bản chất của GĐTP trong Luật GĐTP; có điều, thực tế có nhiều trường hợp cơ quan Thanh tra trước khi ban hành kết luận muốn có ý kiến về mặt chuyên môn mà pháp luật thanh tra, pháp luật GĐTP chưa rõ… thì cần xử lý, miễn là không “phạm” quá nhiều vào bản chất tư pháp, tố tụng tư pháp của hoạt động GĐTP.

Tán thành đề xuất hướng quy định của bà Yến, Bộ trưởng chỉ đạo Tổ biên tập cân nhắc xem quy định này ở đâu nằm ở phạm vi áp dụng hay điều khoản thi hành. Riêng về quy trình, cách thức, kỹ thuật thì thanh tra chỉ “mượn” thẩm quyền của GĐTP và sau này Chính phủ sẽ hướng dẫn, chứ không quy định quá đậm trong Luật nhằm tạo cơ sở pháp lý ở cả hai Luật thì sẽ đạt được mục tiêu giám định phục vụ thanh tra.

Theo baophapluat.vn

Nguồn bài viết: http://baophapluat.vn/tu-phap/sua-doi-luat-giam-dinh-tu-phap-phuc-vu-giai-quyet-an-tham-nhung-kinh-te-451543.html

Link nội dung: https://phaply.net.vn/207963-2-a207963.html