Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh liên quan đến sai phạm tại Cảng Quy Nhơn

UBKT Trung ương vừa kết luận sai phạm của ông Vũ Văn Ninh, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ trong việc quyết định chủ trương thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT, gây thất thoát lớn tiền và tài sản của Nhà nước... đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật. Trước hết, đây là sai phạm liên quan đến chuyển nhượng cổ phần Cảng Quy Nhơn.

5

Tháng 3/2019, Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT và Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines) thu hồi 75,01% cổ phần (CP) cảng Quy Nhơn đã bán cho nhà đầu tư sai quy định. Trong thông báo kết luận thanh tra ngày 17/9/2018 của Thanh tra Chính phủ, Bộ GTVT và Văn phòng Chính phủ được xác định đã mắc nhiều sai phạm trong quá trình cổ phần hoá Cảng Quy Nhơn.

Chuyển nhượng cổ phần không đúng quy định

Cảng Quy Nhơn chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần vào 11/2013 với số vốn điều lệ 404,099 tỷ đồng, trong đó Vinalines nắm giữ 30.312.262 cổ phần, trị giá 303,122 tỷ đồng, chiếm 75,01% vốn điều lệ; nhà đầu tư chiến lược – Công ty Hợp Thành nắm giữ 5.033.924 cổ phần, trị giá 50,339 tỷ đồng, chiếm 12,46% vốn điều lệ; phần còn lại được nắm giữ bởi cán bộ, công nhân viên, tổ chức công đoàn và 1 số nhà đầu tư khác.

Từ năm 2013 – 2015, sau 3 lần bán đấu giá cổ phần, cảng Quy Nhơn từ một đơn vị do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đã trở thành đơn vị do Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành (ở TP.Hà Nội) nắm giữ 86,23% vốn điều lệ.

Tổng vốn nhà nước thu hồi trong việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn chỉ là 404 tỉ đồng, được cho là quá thấp so với giá trị thực tế của cảng này, gây bất bình trong cán bộ và nhân dân địa phương, cũng như dư luận cả nước.

Ngoài ra, việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại cảng Quy Nhơn có thể trái với Đề án tái cơ cấu Vinalines giai đoạn 2012 – 2015 do chính Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh ký ban hành ngày 4/2/2013, trong đó quy định doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa nắm giữ 75% vốn điều lệ.

Theo Quyết định 276/QĐ-TTg ngày 4/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu Vinalines giai đoạn 2012-2015, Nhà nước nắm 75% vốn điều lệ Cảng Quy Nhơn sau cổ phần hoá.

Theo Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước, cảng Quy Nhơn nằm trong diện Nhà nước (Vinalines đại diện phần vốn) phải nắm giữ 75% vốn điều lệ.

Tuy nhiên Bộ GTVT ngày 4/4/2013 đã có văn bản số 2900/BGTVT-QLDN đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Nhà nước chỉ nắm giữ 49% vốn điều lệ Cảng Nhơn. Tới ngày 7/3/2014 Bộ này có tiếp văn bản số 9210/BGTVT-QLDN đề nghị Thủ tướng cho phép Vinalines chuyển nhượng hết 49% vốn trong cảng biển này.
Trên cơ sở đề nghị của Bộ GTVT, Văn phòng Chính phủ đã tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ ban hành Văn bản số 747/TTg-ĐMDN ngày 27/5/2013 về cổ phần hoá Cảng Quy Nhơn, trong đó tỷ lệ vốn Nhà nước là 49%. Tiếp đó, dù đề nghị của Bộ GTVT về việc cho bán hết 49% vốn Nhà nước tại Cảng Quy Nhơn là thiếu cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, nhưng Văn phòng Chính phủ vẫn trình Phó Thủ tướng ban hành Văn bản số 1652/TTg-ĐMDN ngày 8/9/2014 cho bán hết 49% vốn Nhà nước.

Hai văn bản số 747/TTg-ĐMDN ngày 27/5/2013 và số 1652/TTg-ĐMDN ngày 8/9/2014 đều do Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh ký.

Tại buổi làm việc ngày 24/7/2014 với lãnh đạo tỉnh Bình Định, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã chỉ đạo: “Đồng ý cho bán 100% vốn nhà nước của Vinalines tại Cảng Quy Nhơn cho các nhà đầu tư trong nước để tạo nguồn vốn đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng Quy Nhơn theo Quy hoạch được phê duyệt, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh trên toàn tuyến ven biển. Giao Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Vinalines thực hiện theo quy định”.

Xử lý sai phạm

Với những sai phạm trong quá trình cổ phần hoá, Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi 75,01% phần vốn Cảng Quy Nhơn đã chuyển nhượng trái phép, đồng thời kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Văn phòng Chính phủ và Bộ GTVT tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định pháp luật đối với các cá nhân có liên quan.
Đáng chú ý là việc Bộ GTVT đã ban hành 2 Văn bản số 16937/BGTVT-QLDN ngày 27/12/2014 về chuyển nhượng 26,01% cổ phần và Văn bản số 6327/BGTVT-QLDN ngày 20/5/2015 về chuyển nhượng 49% cổ phần tại Công ty CP Cảng Quy Nhơn cho Công ty Hợp Thành theo phương thức thỏa thuận trực tiếp khi không báo cáo, chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép là trái thẩm quyền. Vì vậy, 2 văn bản này phải được xem xét, hủy bỏ; 75,01% cổ phần Vinalines đã chuyển nhượng cho Công ty Hợp Thành phải được xử lý thu hồi về sở hữu nhà nước.

Từ những khuyết điểm, vi phạm nêu trên, Tổng TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có liên quan thuộc Bộ GTVT, Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh Bình Định, các công ty tư vấn.

Thực hiện Kết luận của Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ ngày 8/3/2019 có Văn bản số 88/TB-VPCP thông báo ý kết kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình. Theo đó, Phó Thủ tướng Chỉ đạo Bộ GTVT và các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện dứt điểm các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, báo cáo kết quả lên Thủ tướng trước ngày 1/5/2019.

Vinalines đã có báo cáo gửi Bộ GTVT về những khó khăn trong quá trình thu hồi 75,01% vốn Nhà nước ở Cảng Quy Nhơn. Đáng chú ý nhất là nhà đầu tư Khoáng sản Hợp Thành đã đề xuất mức giá 751,4 tỷ đồng cho lô 30,3 triệu cổ phần Cảng Quy Nhơn, cao hơn khoảng 335 tỷ đồng so với giá mua cách đây 4 năm.

Hợp Thành đưa ra bốn lí do để chứng minh cho đề xuất này là hợp lý. Thứ nhất, giá trị gốc doanh nghiệp này đã thanh toán cho Vinalines khi mua 75,01% cổ phần cảng Quy Nhơn (415 tỷ đồng); thứ hai, giá trị của cảng Quy Nhơn tăng lên từ khi Hợp Thành tham gia quản lý, điều hành (336 tỷ đồng); thứ ba, chi phí cơ hội đầu tư vào doanh nghiệp cùng ngành cảng biển (78,4 tỷ đồng) và cuối cùng là giá trị đầu tư công sức, chất xám, trí tuệ trong giai đoạn quản lý, điều hành để nâng cao năng suất, doanh thu, lợi nhuận cho Cảng Quy Nhơn cùng mức tổn thất của nhà đầu tư trong lợi nhuận kế hoạch tương lai đã xác định trong phương án kinh doanh mất đi khi thực hiện thoái 75,01% cổ phần Cảng Quy Nhơn (26,5 tỷ đồng). Mức giá chuyển nhượng là vướng mắc lớn nhất trong việc đàm phán giữa hai bên.

Trong vụ việc này, Nhà nước sẽ không mua lại CP cảng Quy Nhơn mà sẽ thu hồi 75,01% CP cảng Quy Nhơn vì quá trình thoái vốn không đúng. Trong trường hợp thu hồi 75,01% cổ phần được Thanh tra Chính phủ khẳng định là chuyển nhượng sai quy định, Công ty Hợp Thành chỉ còn nắm khoảng 7,422 % vốn điều lệ, Công ty Hợp Thành sẽ không có nhiều tiếng nói tại Cảng Quy Nhơn giai đoạn hậu thu hồi cổ phần.

Theo tapchitoaan.vn

Nguồn bài viết: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/kinh-te/nguyen-pho-thu-tuong-vu-van-ninh-lien-quan-den-sai-pham-tai-cang-quy-nhon

Link nội dung: https://phaply.net.vn/nguyen-pho-thu-tuong-vu-van-ninh-lien-quan-den-sai-pham-tai-cang-quy-nhon-a207789.html