Cựu Thủ tướng Najib và vụ án bòn rút công quỹ

(Pháp lý) - Cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã bị đưa ra xét xử do những cáo buộc tham nhũng hàng tỷ USD. Có thể nói, phanh phui vụ án mà nhân vật cầm đầu đường dây tham nhũng là cựu Thủ tướng rất gian nan, vì mức độ đặc biệt nghiêm trọng, thủ đoạn cực kỳ tinh vi.

Quỹ đầu tư nhà nước

Mohd Najib bin Abdul Razak hay gọi đơn giản là Najib Razak (sinh năm 1953 tại Kuala Lipis, Pahang) là Thủ tướng thứ sáu của Malaysia, từ tháng 4/ 2009 tới tháng 5 /2018. Ông là con trai của Abdul Razak, vị Thủ tướng đời thứ hai của Malaysia.

Hơn một năm trước, Najib gần như nắm chắc cơ hội giành được thêm một nhiệm kỳ Thủ tướng nữa. Nhưng kết quả bất ngờ, ngày 9/ 5/ 2018, ông đã thất bại trước cựu Thủ tướng, Tiến sĩ Mahathir Mohamad, khi đó đã 92 tuổi, trong cuộc tổng tuyển cử toàn quốc tại Malaysia, chấm dứt 60 năm cầm quyền của Liên minh Mặt trận Dân tộc.
Mahathir Mohamad từng là cấp trên của Najib Razak, người dẫn đầu làn sóng phẫn nộ đối với vụ bê bối tham nhũng từ Quỹ đầu tư phát triển 1Malaysia Development Berhad (1MDB). Sau khi đắc cử, Thủ tướng Mahathir cam kết sẽ bắt ông Najib phải chịu mọi trách nhiệm trước công lý và mang trả lại khoản tiền khổng lồ đã lấy cắp từ 1MDB.

Cựu Thủ tướng Najib Razak đối mặt với nhiều tội danh tham nhũng
Cựu Thủ tướng Najib Razak đối mặt với nhiều tội danh tham nhũng)

Kể từ ngày 12/ 5/ 2018, Razak bị cấm không được ra khỏi nước vì các cáo buộc tội tham nhũng.

Ngày 3 /7 /2018, Najib Razak đã bị Ủy ban chống tham nhũng Malaysia (MACC) bắt giữ, điều tra về việc 42 triệu đô la (10,6 triệu đô la Mỹ) được chuyển từ SRC International vào tài khoản ngân hàng của Najib. Cảnh sát đã thu giữ 1.400 dây chuyền, 567 túi xách, 423 đồng hồ, 2.200 nhẫn, 1.600 trâm cài và 14 vương miện trị giá 273 triệu USD. Người đứng đầu cơ quan tội phạm thương mại của Malaysia gọi đây là "vụ tịch thu tài sản lớn nhất trong lịch sử Malaysia".

Ông Najib bị cáo buộc về hành vi rút hàng tỷ USD khỏi 1MDB – một quỹ đầu tư nhà nước để mua đủ thứ, từ những khu bất động sản giá cao ngất ngưởng, các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng cho tới du thuyền hạng sang…

Ông Najib thành lập 1MDB từ năm 2009 với mục đích thúc đẩy phát triển kinh tế nhưng quỹ này sau đó nhanh chóng trở thành một trung tâm bê bối thất thoát 3,7 tỷ USD, được cho là tiền tham nhũng và chuyển ra nước ngoài để rửa tiền, dẫn đến một loạt cuộc điều tra ở Malaysia và 10 quốc gia có liên quan như Mỹ, Thụy Sĩ, Singapore, Trung Quốc...

Tinh vi và lắt léo

Bộ trưởng Thomas nhấn mạnh đại án tham nhũng 1MDB vô cùng phức tạp, bao gồm nhiều âm mưu và khó có thể gọi “điều tra 1MDB” một cách đơn lẻ. Điển hình là những cáo buộc rửa tiền và vi phạm tài chính nhắm vào cựu Thủ tướng Najib chỉ trị giá 42 triệu RM (hơn 10 triệu USD) và chỉ chiếm 0,01% tổng số nợ phát sinh của quỹ 1MDB.

Theo hồ sơ Bộ Tư pháp Mỹ, quá trình biển thủ và "rửa" 3,5 tỷ USD từ Quỹ 1MDB, trong đó có 1 tỷ USD đi qua hệ thống ngân hàng Mỹ, được thực hiện từ năm 2009 đến 2015 bằng một "âm mưu quốc tế" lắt léo qua "nhiều tầng lớp và thủ đoạn nhằm che giấu bản chất các giao dịch và nguồn gốc dòng tiền".

Một phần trang sức thu giữ tại nhà cựu Thủ tướng Najib Razak. (Ảnh: AFP)
Một phần trang sức thu giữ tại nhà cựu Thủ tướng Najib Razak. (Ảnh: AFP))

Khái quát hóa, có thể chia làm 3 giai đoạn: Đầu tiên, từ 2009 - 2011, dưới danh nghĩa đầu tư vào liên doanh 1MDB - PetroSaudi International (công ty khai thác dầu khí tư nhân của A-rập Xê-út), 1 tỷ USD từ 1MDB đã được chuyển vào tài khoản của Công ty Good Star Ltd ở ngân hàng Thụy Sĩ. Good Star được lập ra ở đảo Xay sen, một "thiên đường rửa tiền" tại Ấn Độ Dương vào tháng 5-2009 và Jho Low là người đứng tên sở hữu.

Tiếp đó, tháng 3/2012, Công ty Aabaar Investment PJS Ltd (được gọi tắt là Aabaar-BVI), một "công ty ma" ra đời ở quần đảo Virgin thuộc Anh trong vùng biển Caribê – thiên đường của tiền bẩn và trốn thuế. Aabaar-BVI nhận 1,3 tỷ USD từ tiền bán 2 loạt trái phiếu do 1MDB và IPIC bảo lãnh và từ đó chuyển 238 triệu USD cho Red Granite của Riza Aziz ở Mỹ, một phần cho Eric Tan Kim Loong ở Singapore và nhiều nơi khác. Sau đó 1 năm, 1MDB tiếp tục bán trái phiếu đợt 3 được 3 tỷ USD và chuyển 1,26 tỷ USD tài khoản ở Singapore của Eric Tan.

Sau công bố chấn động từ Mỹ, Văn phòng Tổng Công tố, Cơ quan Quản lý Tiền tệ và Cảnh sát Singapore cũng ra thông cáo về việc điều tra hàng loạt giao dịch đáng ngờ của những cá nhân liên quan 1MDB từ tháng 3/2015. Theo đó, nhà chức trách Singapore tịch thu các tài khoản ngân hàng và bất động sản trị giá 180 triệu USD, trong đó gần một nửa là của Jho Low và người thân của ông ta. Các dòng tiền quỹ bị điều tra bao gồm những nguồn liên quan đến Good Star Ltd, Aabaar-BVI và Tanore Finance Corp.

Trước đó, từ năm 2015, chính quyền Thụy Sĩ đã mở một cuộc điều tra 1MDB sau khi quỹ này tồn đọng khoản nợ hơn 11 tỷ USD không trả được. Đánh giá về vụ việc này, ngày 29-1-2016, Công tố viên trưởng Thụy Sĩ Michael Lauber cho biết "đã có dấu hiệu nghiêm trọng là tiền phân bổ cho các công ty nhà nước bị biển thủ". Trong số các tài sản liên quan đến 1MDB bị Thụy Sĩ thu giữ, có cả một số bức tranh của các doanh họa như Van Gogh và Monet.

Gian nan thu hồi tài sản

Tòa sơ thẩm Kuala Lumpur đã quyết định cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak sẽ bị xét xử chung với cựu Giám đốc điều hành (CEO) của Quỹ đầu tư Nhà nước 1Malaysia (1MDB) Arul Kanda Kandasamy. Hai nhân vật này bị cáo buộc các tội danh liên quan việc chỉnh sửa báo cáo kiểm toán của 1MDB.

Tại tòa, bị cáo đã bác bỏ 3 cáo buộc lợi dụng lòng tin, 3 cáo buộc rửa tiền và 1 cáo buộc lạm dụng quyền lực. Ông Najib liên tục khẳng định mình vô tội, nói rằng các cáo buộc nhằm vào ông đều có mục đích chính trị.

Trong khi đó, Cảnh sát Malaysia cũng tiến hành 12 vụ khám xét các địa điểm liên quan hoặc được cho là có liên quan tới ông Najib. Theo tiết lộ của cảnh sát, 29 triệu USD tiền mặt cùng hàng trăm túi xách hàng hiệu đã được thu giữ tại nhà ông Najib và con gái. Tuy nhiên, đó chỉ mới là "bề nổi của tảng băng".

Bộ trưởng Thomas nhận xét: “Những kẻ chủ mưu đã lên kế hoạch rất kỹ lưỡng. Họ tính toán cho từng thỏa thuận, từng khoản giao dịch. Một khoản tiền có thể được làm giả giấy tờ trong năm 2011, 2012, rồi giao dịch vào năm 2013 và thỏa thuận vào năm 2014”.

Thủ tướng Mahathir Mohamad khẳng định Chính phủ của ông không chỉ cương quyết chống tham nhũng mà còn là một Chính phủ trong sạch
Thủ tướng Mahathir Mohamad khẳng định Chính phủ của ông không chỉ cương quyết chống tham nhũng mà còn là một Chính phủ trong sạch)

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Lim Guan Eng cho biết, ông phát hiện ra quỹ 1MDB được giải nguy từ tháng 4/2017 do được xóa các món nợ buộc phải trả. Tuy nhiên, tình hình tài chính thực của quỹ này đến nay vẫn chưa được sáng tỏ vì các nhà chức trách không thể tiếp cận một số “tài liệu đỏ”. Theo Bộ trưởng Lim Guan Eng, số tiền giải nguy cho quỹ 1MDB lên tới 6,98 tỷ ringgit (tương đương 1,8 tỷ USD). Nhưng nguồn quỹ phải gánh thêm những khoản thanh toán trị giá 954 triệu ringgit sẽ đáo hạn vào tháng 11/2018. Đến năm 2022, Malaysia sẽ còn phải trả các khoản thanh toán hàng tỷ ringgit nữa.

Ngày 24/5/2018, ông Lim Guan Eng thông báo, 1MDB bị vỡ nợ khi các giám đốc của 1MDB đều xác nhận quỹ không còn khả năng thanh toán nợ. Một trong các giám đốc đã thông báo với ông Lim Guan Eng rằng, khoản đầu tư ra nước ngoài trị giá 9,8 tỷ ringgit (tương đương 2,4 tỷ USD), vốn đủ để trả các món nợ của quỹ trong vài năm, chỉ là giả.

Mục tiêu thu hồi tài sản đã thất thoát rất nan giải. Cho đến nay, Quỹ 1MDB được cho đã bị bòn rút từ 4,5 đến 10 tỷ USD, chuyển một cách tinh vi để số tiền này nằm rải rác ở ít nhất 10 nước, khiến việc thu hồi vô cùng khó khăn.

Chính phủ của Thủ tướng Mahathir Mohamad đã nhận lại từ Mỹ chiếc du thuyền Equanimity trị giá gần 1 tỷ RM (gần 250 triệu USD) từng được sở hữu bởi tỷ phú Low Taek Jho. Theo các nhà báo của Wall Street Journal cáo buộc, Low là người giúp ông Najib bòn rút và tẩu tán hơn 5 tỷ USD từ quỹ 1MDB.

Ngoài du thuyền trị giá hàng trăm triệu USD, chính phủ Mỹ còn đang giữ nhiều trang sức, tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng và nhiều tài sản khác được mua bằng công quỹ Malaysia. Bộ Tư pháp hai nước đang phối hợp để tìm cách chuyển số tài sản này trở về Malaysia. Cơ quan công tố Hoa Kỳ cho rằng số tiền 700 triệu USD đã được chuyển từ 1MDB vào tài khoản cá nhân của ông Najib.

Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Saifuddin Abdullah cho biết nước này vẫn nỗ lực đàm phán để thu hồi lại một chuyên cơ do Low sở hữu nhưng đang nằm tại Singapore. Chuyên cơ này trị giá hơn 35 triệu USD.

Trong diễn biến khác, Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs của Mỹ cáo buộc chính quyền của cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak và Quỹ đầu tư nhà nước Malaysia 1MDB, do ông Najib thành lập, lừa đảo ngân hàng này. Các cáo buộc liên quan việc biển thủ 2,7 tỷ USD từ các đợt phát hành trái phiếu do các chi nhánh của 1MDB phát hành được Goldman Sachs dàn xếp và bao mua. Trong một tuyên bố, Goldman Sachs khẳng định một số quan chức dưới chính quyền cựu Thủ tướng Najib và quỹ 1MDB đã "lừa dối" Goldman Sachs về việc sử dụng số tiền thu được từ các đợt phát hành trái phiếu nói trên.

Ngược lại phía Malaysia cũng đưa ra cáo buộc hình sự đối với Goldman Sachs và 2 cựu nhân viên ngân hàng này liên quan đến cuộc điều tra tham nhũng và rửa tiền tại 1MDB. Tổng Chưởng lý Malaysia Tommy Thomas cho biết các cáo buộc hình sự theo luật chứng khoán của nước này được đưa ra đối với Goldman Sachs, các cựu giám đốc của ngân hàng này là Tim Leissner và Roger Ng, cũng như cựu nhân viên 1MDB Jasmine Loo và chuyên gia tài chính Low Taek Jho. Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cáo buộc ngân hàng Goldman Sachs "lừa đảo" Malaysia trong giao dịch với Quỹ 1MDB.

Bài học từ vụ chống tham nhũng 1MDB

Để đưa được vụ Quỹ 1MDB ra ánh sáng, trước hết là do công của Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia (MACC). Ông Abu Kassim Mohamed, Chủ tịch MACC, đã kiên trì điều tra bê bối tham nhũng 1MDB liên quan trực tiếp đến cựu Thủ tướng Najib Razak.

Lãnh đạo MACC đã được Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) ngợi ca vì "lòng dũng cảm lớn lao" khi mà các nhà chức trách Mỹ tuyên bố họ đang tìm kiếm để tịch thu lại các tài sản có dính líu đến vụ bê bối biển thủ và sử dụng sai mục đích quỹ 1MDB.

Theo cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Malaysia Zeti Akhtar Aziz, MACC đã "chiếu một ngọn đèn" vào các hoạt động của quỹ 1MDB, vạch trần những sai trái của quỹ liên quan đến các tài sản ở quần đảo Cayman.

Trong nhiều năm qua, MACC đã tạo được uy tín đáng kể trong xã hội Malaysia bằng các nỗ lực chống tham nhũng ở nước này, vụ bê bối 1MDB dường như quá lớn, quá phức tạp đối với cơ quan này. Để giải quyết vụ việc, cần quyết tâm và sự hợp lực của toàn xã hội, chính quyền và các đảng phái Malaysia. Nhất là khi vụ việc vượt ra ngoài biên giới đất nước.

Qua vụ án này cho thấy, mặc dù Malaysia xây dựng được hệ thống pháp luật và cơ chế phòng, chống tham nhũng khá hoàn thiện, từng hoạt động hiệu quả trước đây, song rõ ràng trong vụ bê bối Quỹ 1MDB, hệ thống bộc lộ nhiều lỗ hổng, nếu không muốn nói là bị vô hiệu hóa. Do đó, qua vụ án này, đồng thời với việc hoàn thiện hệ thống chính sách, hoạt động của các cơ quan chuyên trách chống tham nhũng như MACC cũng sẽ được cải tổ theo hướng độc lập và hiệu quả hơn.

Thủ tướng Mahathir Mohamad khẳng định, chính phủ do Liên minh Hy vọng đứng đầu sẽ bảo vệ những người tố giác tham nhũng. Ngày 20/7/2018, khi dự Đại hội thường niên của Phòng Thương mại và Công nghiệp Hiệp hội người Malaysia gốc Hoa (ACCCIM), ông Mahathir nêu rõ, Chính phủ của ông cam kết không chỉ cương quyết chống tham nhũng mà còn là một Chính phủ trong sạch. Theo đó, Chính phủ sẽ nỗ lực hết sức bảo vệ những người đứng ra tố cáo tham nhũng khỏi bất kỳ mối đe dọa hoặc âm mưu trả thù nào. Hành động tập thể, cùng với sự nỗ lực của các cấp chính quyền từ trên xuống dưới và người dân, các tổ chức chính trị - xã hội - dân sự, truyền thông, khu vực tư nhân… để thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh và phòng, chống tham nhũng, sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Malaysia.

 Thái Đăng

.

Link nội dung: https://phaply.net.vn/cuu-thu-tuong-najib-va-vu-an-bon-rut-cong-quy-a207296.html