Khoảng trống pháp lý trong quản lý tiền công đức ở các đền, chùa…

(Pháp lý) - Vấn đề quản lý, sử dụng tài chính của các tổ chức tôn giáo, trong đó có các cơ sở Phật giáo được quy định tại Luật Tín ngưỡng tôn giáo, Hiến chương giáo hội Phật giáo Việt Nam, Nội quy ban tăng sự Trung ương, các văn bản quản lý tại địa phương… Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Phóng viên, nhiều quy định là tùy nghi, thiếu chế tài xử lý nếu xảy ra vi phạm.

Nguồn tài chính lớn

Nguồn thu tiền mặt tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng đang là nơi xuất phát của nhiều tranh luận, thậm chí cả sai phạm. Theo báo Vnexpress: Đền Cửa Ông, Cẩm Phả, Quảng Ninh, tọa trên đỉnh núi bên bờ vịnh Bái Tử Long. Vùng non nước này gắn liền với cuộc đời và chiến công đánh tan quân Nguyên Mông của Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng. Năm 1313, vị dũng tướng qua đời. Vua Trần Anh Tông phong ông làm Thượng đẳng thần, truyền lập miếu thờ, ban 800 quan tiền để mỗi năm hai mùa cúng tế. Đầu thế kỷ 14, nơi đây là một thảo am bé nhỏ, khuất nẻo trong bạt ngàn cỏ cây của khu Vườn Nhãn. Đầu thế kỷ 20, ngôi đền được người dân chuyển lên đồi này. Ba khu đền Thượng - đền Trung - đền Hạ nằm khiêm tốn trên mỏm đồi, không lâu sau thì bị bom đạn chiến tranh phá hủy. Đến thế kỷ 21, thảo am của trấn Vân Đồn xưa, giờ trở thành công trình tâm linh thuộc hàng bề thế bậc nhất cả nước.

Tháng 1/2006, tượng Hưng Nhượng Vương được khánh thành. Công trình bằng đồng cao 10 mét, nặng 40 tấn - được chủ trì bởi một doanh nghiệp ngành than, niềm tự hào của đất Quảng Ninh thời đó. Bức tượng này, sau được chuyển lên đồi cao với chi phí di dời khoảng 100 tỷ đồng. Năm 2014, UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt quy hoạch xây dựng đền Cửa Ông trên diện tích 180 nghìn mét vuông, kinh phí 600 tỷ đồng. Năm 2017, theo thống kê, đền Cửa Ông thu 109 tỷ đồng tiền công đức. 47 tỷ đồng trong số này là tiền ủng hộ của một ngân hàng thương mại. Ngân hàng này được một Tạp chí quốc tế vinh danh là "Có trách nhiệm xã hội nhất Việt Nam". Thế kỷ 21, những địa điểm tâm linh như Cửa Ông, không còn sống nhờ 800 quan tiền mỗi năm vua ban. Những địa danh này nhang khói quanh năm, trở thành nơi lưu chuyển của một dòng tiền mặt rất lớn.

Không chỉ ở đền Cửa Ông, những di tích có hàng triệu người quy tụ về mỗi mùa lễ hội, như ở Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam, tỉnh An Giang, tổng lượng tiền ủng hộ sẽ là hơn 100 tỷ đồng; Núi Bà Đen, Tây Ninh tiền ủng hộ là 36 tỉ (2013); quần thể di tích chùa Yên Tử là 13 tỉ; ở đền Hoàng Mười, Nghệ An tiền ủng hộ là 11 tỉ (năm 2016). Đó chỉ là những con số được người trong cuộc công bố.

[caption id="attachment_207125" align="aligncenter" width="410"] Tại nhiều địa danh tâm linh thu hút những nguồn thu lớn nhưng lại có sai phạm nghiêm trọng trong quản lý chi (trong ảnh là Chùa Ba Vàng).
Tại nhiều địa danh tâm linh thu hút những nguồn thu lớn nhưng lại có sai phạm nghiêm trọng trong quản lý chi (trong ảnh là Chùa Ba Vàng).[/caption]

Quản lý còn giản đơn

Theo tìm hiểu thì hiện đã có một số quy định pháp luật quy định về quản lý, sử dụng nguồn tiền tại các cơ sở đền, chùa. Theo đó, Điều 23 Hiến chương của tổ chức tôn giáo của Luật Tín ngưỡng tôn giáo quy định: “Hiến chương của tổ chức tôn giáo có những nội dung cơ bản sau đây: Tên của tổ chức; Tôn chỉ, mục đích, nguyên tắc hoạt động; Địa bàn hoạt động, trụ sở chính; Tài chính, tài sản”.

Chương VI Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam quy định về tài chính, tài sản. Theo đó Điều 62 quy định về tài chính của Giáo hội Phật giáo Việt Nam gồm có: Niên liễm do các thành viên đóng góp; Tài chính do các Tăng Ni, cư sĩ Phật tử, tư nhân trong và ngoài nước cúng dàng; Tài chính do Giáo hội tự tạo. Điều 63 quy định về Tài sản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam gồm có động sản, bất động sản hợp pháp: Do Giáo hội xây dựng, tạo mãi hoặc tư nhân trong và ngoài nước hiến cúng hợp pháp; Do các thành viên Tăng Ni, cư sĩ Phật tử thuộc các tổ chức Giáo hội, Hội, Hệ phái Phật giáo qua các thời kỳ xây dựng, tạo mãi hợp pháp, được Giáo hội bảo hộ và quản lý chung theo luật pháp Nhà nước.

Nội quy Ban Tăng sự T.Ư khóa VIII (nhiệm kỳ 2017-2022) được HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự thay mặt Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo VN ấn ký Quyết định số 185/QĐ-HĐTS ban hành vào ngày 18/9/2018, gồm 15 chương, 85 điều. Điều 27. Quản lý tài sản Tự viện: Tự viện là giáo sản, là sở hữu chung của cộng đồng do GHPGVN đại diện làm chủ sở hữu duy nhất; Trụ trì, hoặc Ban Hộ tự (Tự viện chưa có Trụ trì) là người được GHPGVN giao quyền sử dụng, quản lý Tự viện theo Hiến chương GHPGVN và pháp luật Nhà nước; Quyền định đoạt tài sản Tự viện do Giáo hội nắm giữ.

Điều 28 về sử dụng tài sản Tự viện: Trụ trì, hoặc Ban Hộ tự (Tự viện chưa có Trụ trì) được quyền sử dụng tài sản gắn liền với Tự viện vào các hoạt động Phật sự, sinh hoạt, tu học của Tăng Ni; phục vụ lợi ích chung của Giáo hội và cộng đồng xã hội. Về việc sử dụng tài sản đặc biệt nhấn mạnh: Không được sử dụng tài sản Tự viện vào việc lợi ích cá nhân.

Điều 29 về định đoạt tài sản Tự viện quy định: Chỉ có Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự tỉnh mới có quyền định đoạt tài sản của Tự viện; Trụ trì, hoặc Ban Hộ tự (Tự viện chưa có Trụ trì) không có quyền định đoạt tài sản Tự viện; Các tài sản Tự viện do cá nhân Trụ trì đứng tên theo giấy khai sinh sau khi được Giáo hội bổ nhiệm trụ trì, những tài sản đó thuộc tài sản của Tự viện; Các tài sản khác do cá nhân Trụ trì sản xuất, kinh doanh hợp pháp, người khác tặng, cho hợp pháp theo pháp luật Nhà nước trước khi được Giáo hội bổ nhiệm trụ trì, không bị chi phối bởi điều 27, 28 Nội quy này.

[caption id="attachment_207124" align="alignleft" width="336"] Luật sư Nguyễn Văn Kiệm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)
Luật sư Nguyễn Văn Kiệm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)[/caption]

Điều 31 về Quyền định đoạt tài sản Tự viện của Giáo hội: Giáo hội định đoạt tài sản Tự viện nhưng không được làm thay đổi quyền hưởng dụng của Trụ trì đã được xác lập; Không được cản trở, thực hiện hành vi khác gây khó khăn hoặc xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp quyền hưởng dụng của Trụ trì; Sau khi trao đổi thống nhất với Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, Ban Trị sự tỉnh ra quyết định hủy bỏ quyền hưởng dụng đối với Trụ trì, hoặc Ban Hộ tự vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của mình; Thực hiện việc chỉ đạo trùng tu, tôn tạo, sửa chữa tài sản Tự viện theo quy định của pháp luật Nhà nước về xây dựng, trùng tu, tôn tạo cơ sở thờ tự.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Kiệm thì rà soát lại những văn bản pháp luật về quản lý tài chính trong lĩnh vực lễ hội, tín ngưỡng tâm linh thì hiện tại có các quy định như sau: Điều 10 Thông tư Số: 15/2015/TT-BVHTTDL ngày 22/12/2015 của Bộ VH TT và DL quy định về tổ chức lễ hội, trong đó có quy định về Quản lý, thu, chi tiền công đức, tài trợ như sau: Người phụ trách (trụ trì), Ban Tổ chức lễ hội, Ban Quản lý di tích, phải có phương thức thu, nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tiền được huy động từ nguồn xã hội hóa, tài trợ để tổ chức lễ hội đảm bảo công khai, minh bạch, có sổ sách rõ ràng, chi tiêu đúng mục đích…

Tại Điều 7 Thông tư liên tịch số 04/2014/TTLT-BVHTTDL-BNV ngày 30 tháng 5 năm 2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Nội vụ Thực hiện nếp sống văn minh trong việc quản lý, sử dụng nguồn công đức quy định: Người phụ trách (trụ trì), Ban quản lý cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo (nếu có) phải có phương thức thu nhận, quản lý và sử dụng nguồn công đức hiệu quả, đúng mục đích, đảm bảo thống nhất, đoàn kết giữa những người trong cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo; Việc quản lý, sử dụng nguồn công đức phải công khai, có sổ sách rõ ràng, chi tiêu minh bạch. Việc quản lý, sử dụng nguồn công đức phải tuân thủ các quy định của Thông tư liên tịch này và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Luật sư Kiệm nhấn mạnh: điều đáng nói là hầu hết các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tiền của các tổ chức tôn giáo đều chỉ mang tính liệt kê, không đi kèm chứng từ, chế tài, bởi vậy không thể ngăn ngừa vi phạm.

Kiến nghị

Trao đổi với chúng tôi về những hệ lụy xấu trong việc quản lý nguồn tiền này, Luật sư Nguyễn Văn Kiệm (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) thẳng thắn: Mọi rắc rối, phức tạp, nguyên nhân đầu tiên đều bắt nguồn từ tiền. Trong khi các hoạt động kinh doanh, cung cấp dịch vụ khác phải sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ để kiếm tiền rất vất vả, chịu nhiều sự kiểm soát của các cơ quan có thẩm quyền thì việc thu tiền núp dưới hoạt động văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng lại rất dễ dàng, không phải chịu bất cứ sự ràng buộc nào, quản lý thì lỏng lẻo, mang tính hình thức… Hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng: không hoạt động kinh doanh, kiếm tiền nào dễ như xây chùa, xây đền… Ở nhiều nơi, xuất hiện các dự án chùa chiền dưới danh nghĩa dự án tâm linh chiếm cả ngàn ha đất.

Thời gian vừa qua liên quan đến hoạt động tâm linh, tín ngưỡng đã xảy ra nhiều diễn biến phức tạp, gây ra sự khủng hoảng nghiêm trọng trong đời sống tín ngưỡng tâm linh. Hoạt động tín ngưỡng, tâm linh do không có cơ chế quản lý phù hợp dẫn đến hoạt động tín ngưỡng tâm linh thành nơi kiếm tiền béo bở cho những hành vi sai trái nhằm mục đích trục lợi, cơ hội thu lợi đến cả trăm tỷ/năm như đã xảy ra ở Chùa Ba Vàng và một số nơi khác trên cả nước mà các cơ quan thông tin đại chúng đã đăng tải.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Kiệm: Từ những thông tin phân tích trên, để chấn chỉnh hoạt động văn hóa tâm linh tín ngưỡng, hơn lúc nào hết, Chính phủ cần xây dựng các văn bản pháp luật chi tiết để quản lý về việc xây dựng chùa chiền, không để xảy ra tình trạng chùa chiền xây dựng tràn lan, quy mô lớn như hiện nay, quy định chi tiết về việc thu tiền công đức, tiền đóng góp của khách thăm viếng, quản lý chi tiêu của các cơ sở tôn giáo tín ngưỡng trong đó quy định về mức thu, sử dụng khoản thu, được sử dụng bao nhiêu % trong số đó để tu bổ sửa chữa, duy trì cảnh quan, số còn lại phải được quản lý vào các công việc cụ thể công ích cho xã hội như sử dụng vào việc xây mới, nâng cấp cải tạo trường học, bệnh viện, các hoạt động trợ giúp người nghèo, người tàn tật và các nhu cầu cần thiết khác của xã hội.

Chỉ khi nào chính quyền quyết liệt, nghiêm túc trong quản lý xây dựng các cơ sở tín ngưỡng tâm linh, có cơ chế pháp luật hiệu quả, có biện pháp quản lý nguồn thu, ngăn chặn và xử lý đúng pháp luật các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo, lợi dụng sự yếu kém quản lý của chính quyền để trục lợi, thì khi đó mới ngăn chặn được các vấn đề phát sinh tiêu cực trong lĩnh vực văn hóa, tín ngưỡng và tâm linh như thời gian qua.

Phan Phan

Link nội dung: https://phaply.net.vn/khoang-trong-phap-ly-trong-quan-ly-tien-cong-duc-o-cac-den-chua-a207123.html