17 quan chức Chính phủ Hàn Quốc phải chịu trách nhiệm vụ chìm phà Sewol

Ngày 15/4, một ngày trước dịp tưởng niệm 5 năm thảm họa chìm tàu khách Sewol (16/4/2014), Hiệp hội gia đình các nạn nhân và tổ chức dân sự mang tên "Liên minh người dân về lời hứa ngày 16/4" đã công bố danh sách 17 quan chức chính phủ phải chịu trách nhiệm về vụ tai nạn thảm khốc này.

 Tưởng niệm các nạn nhân vụ chìm phà Sewol tại Ansan. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Tưởng niệm các nạn nhân vụ chìm phà Sewol tại Ansan. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN)

Các tổ chức trên chỉ ra rằng quá trình điều tra, xử phạt với những người chịu trách nhiệm trong thảm họa chìm tàu Sewol đã không được tiến hành triệt để, do bị chính phủ cựu Tổng thống Park Geun-hye cản trở, che giấu sự thật.

Trên thực tế, chỉ có duy nhất một quan chức dưới thời Chính phủ Tổng thống Park Geun-hye bị xử phạt hình sự trong thảm họa chìm tàu Sewol. Đó là người chỉ huy tàu mang số hiệu 123 của Cảnh sát biển thành phố Mokpo (tỉnh Nam Jeolla) tên là Kim Kyung-il, bị Tòa án kết tội đã không có biện pháp cứu hộ kịp thời và thích hợp, không làm tròn nghĩa vụ bảo vệ cho an toàn và tính mạng của người dân. Tàu 123 là tàu đầu tiên đã có mặt tại hiện trường tai nạn chìm tàu Sewol.

Trong danh sách cùng ngày có cựu Tổng thống Park Geun-hye, cựu Chánh Văn phòng Phủ Tổng thống Kim Ki-choon, cựu Chánh Văn phòng an ninh quốc gia Kim Jang-soo, cựu Cố vấn các vấn đề dân sinh Woo Byung-woo, cùng 7 quan chức Cảnh sát biển, trong đó có cả Bộ trưởng Hải dương và thủy sản khi đó.

Danh sách còn có Chủ tịch đảng Hàn Quốc tự do Hwang Kyo-ahn, từng giữ vị trí Bộ trưởng Tư pháp dưới thời Chính phủ Tổng thống Park Geun-hye, bị nghi ngờ đã gây sức ép lên đội điều tra của Viện Kiểm sát thành phố Gwangju, và cựu Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Nam Jae-joon. Các tổ chức dân sự trên tuyên bố sẽ vận động toàn dân tham gia tố giác những người này lên cơ quan chức năng.

Mặt khác, đã có hơn 120.000 người dân ký tên ủng hộ kiến nghị đăng tải trên trang chủ Phủ Tổng thống, yêu cầu Chính phủ Hàn Quốc điều tra lại toàn bộ thảm họa chìm tàu Sewol và xử phạt những người có trách nhiệm.

* Trong một diễn biến liên quan khác, dịch vụ tàu thủy nối thành phố Incheon và đảo Jeju sẽ được nối lại sau 5 năm bị gián đoạn vì thảm họa chìm tàu khách Sewol. Theo nguồn tin trong ngành vận tải biển ngày 15/4, một công ty xây dựng địa phương được lựa chọn là nhà vận hành tuyến đường thủy giữa Incheon và đảo Jeju sẽ hoàn tất quá trình chuẩn bị để bắt đầu dịch vụ trong tháng 6.

Công ty Daezer Construction đã nhận được giấy phép điều kiện trong năm ngoái. Nếu nhận được giấy phép chính thức, trong đó có các kế hoạch đảm bảo an toàn, Daezer được kỳ vọng sẽ bắt đầu dịch vụ từ nửa cuối năm nay. Nhà vận hành trước đó của dịch vụ vận tải đường biển Incheon-Jeju là Công ty vận tải biển Cheonghaejin, đơn vị điều hành tàu Sewol, đã bị tước giấy phép tháng 5 năm 2014 sau khi tàu Sewol, một trong hai tàu của hãng này, bị chìm trên đường di chuyển từ Incheon tới đảo Jeju ngày 16/4/2014. Trong tổng số 476 hành khách, phần lớn là học sinh một trường trung học phổ thông đang đi dã ngoại, chỉ có 172 người sống sót. 304 người đã thiệt mạng hoặc mất tích.

Dự kiến, Daezer sẽ đưa vào khai thác chiếc tàu thủy Oriental Pearl số 8 (trọng tải 24.474 tấn), gấp 3,6 lần tàu Sewol, cho tuyến Incheon-Jeju. Tàu Oriental Pearl số 8 được đóng tháng 7 năm 2016, có thể chở tối đa 1.500 hành khách, 120 ô tô và đạt sức chở tối đa 214 container loại 20 feet.

Theo TTXVN

Nguồn bài viết: https://baotintuc.vn/the-gioi/17-quan-chuc-chinh-phu-han-quoc-phai-chiu-trach-nhiem-vu-chim-pha-sewol-20190415173432220.htm

Link nội dung: https://phaply.net.vn/17-quan-chuc-chinh-phu-han-quoc-phai-chiu-trach-nhiem-vu-chim-pha-sewol-a207018.html