Tình trạng chủ đầu tư 'kém chất lượng' dẫn đến nhiều sai phạm trong triển khai hoạt động đầu tư công cũng như trong công tác đấu thầu.
Báo cáo công tác đấu thầu, thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng chống tham nhũng năm 2018 của nhiều địa phương đã thẳng thắn thừa nhận như trên, tuy nhiên, theo ý kiến của một số chuyên gia đấu thầu, trong câu chuyện này, phải kể đến trách nhiệm của cấp có thẩm quyền tại địa phương, sự buông lỏng của các cơ quan thanh tra, giám sát.
Sai phạm tràn lan
Thông qua 5 cuộc thanh tra lĩnh vực xây dựng cơ bản năm 2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Long An đã phát hiện nhiều sai phạm của các chủ đầu tư như: không kịp thời báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư trình cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt theo quy định; kiểm tra không chặt chẽ khi thẩm định dự toán của đơn vị tư vấn, không phát hiện sai sót giữa khối lượng dự toán và khối lượng thiết kế, tính thiếu khối lượng làm sai lệch đến giá gói thầu; cho triển khai thi công không theo kế hoạch vốn được phân bổ…
Bên cạnh đó, khi thực hiện điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng, một số chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh Long An không thực hiện đầy đủ quy trình thẩm định lại dự án theo quy định; không thực hiện báo cáo giám sát, đánh giá dự án đầu tư khi điều chỉnh dự án. Khi thanh quyết toán công trình, chủ đầu tư tính tỷ lệ giảm giá các công việc phát sinh ngoài hợp đồng không phù hợp…
Còn báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu của Sở KH&ĐT Bắc Giang cho biết, nhiều chủ đầu tư trên địa bàn Tỉnh triển khai công tác lựa chọn nhà thầu chậm hơn so với thời gian trong kế hoạch được duyệt; lập và phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu có nội dung không phù hợp với quy mô, tính chất của gói thầu và quy định của pháp luật…
UBND TP. Hải Phòng cũng cho biết, chất lượng hồ sơ mời thầu của một số chủ đầu tư trên địa bàn Thành phố còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra cho công tác lựa chọn nhà thầu. Một số chủ đầu tư không cập nhật các văn bản, quy định mới về đấu thầu, dẫn đến tình trạng các bước thực hiện đấu thầu, chỉ định thầu không hợp lý, không đảm bảo tiết kiệm…
Địa phương nói gì?
Theo UBND tỉnh Hà Giang, việc phân cấp mạnh giúp các chủ đầu tư chủ động hơn trong thực hiện và quyết định các nội dung của quá trình đấu thầu. Tuy nhiên, khi thực hiện phân cấp mạnh thì cũng đồng nghĩa với việc có những chủ đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu về năng lực chuyên môn. Vấn đề này là thực tế đối với các đơn vị cấp xã, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa.
Sở KH&ĐT tỉnh Hà Tĩnh cũng thẳng thắn thừa nhận, một số chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh này chưa làm hết trách nhiệm của mình mà thường giao phó cho tư vấn đấu thầu. Trong khi đó, đội ngũ chuyên gia về đấu thầu của các đơn vị tư vấn chưa đáp ứng được yêu cầu cả về năng lực chuyên môn lẫn kinh nghiệm nên chất lượng một số cuộc thầu không đảm bảo.
Sở KH&ĐT tỉnh Điện Biên cho rằng, công tác lựa chọn nhà thầu được phân cấp triệt để giúp các chủ đầu tư chủ động hơn trong việc thực hiện và quyết định các nội dung của quá trình đấu thầu. Song để đảm bảo tính công khai, minh bạch, công bằng và hiệu quả của công tác này, thì cơ chế giải trình gắn liền với việc phân cấp trách nhiệm quản lý cần được quy định chặt chẽ, cùng với chế tài mạnh mẽ, thắt chặt để nâng cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan. Đồng thời, cần tăng cường công tác giám sát, hậu kiểm nhằm kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc, chấn chỉnh những sai phạm, yếu kém.
Còn Sở KH&ĐT tỉnh Trà Vinh cho rằng, do thực hiện việc phân cấp thẩm quyền trong đấu thầu cho chủ đầu tư từ bước lập hồ sơ thẩm định, tổ chức đấu thầu, xét thầu và phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu nên quy trình thực hiện dự án/gói thầu được một số chủ đầu tư thực hiện gần như khép kín, chưa được cơ quan quản lý đấu thầu ở địa phương theo dõi và tổng hợp, đánh giá đầy đủ, kịp thời. Sở KH&ĐT Trà Vinh mới theo dõi được các dự án, gói thầu do cấp tỉnh phê duyệt và đối với công tác đấu thầu qua mạng thì không kiểm soát được tình hình thực hiện.
Về vấn đề này, TS. Nguyễn Việt Hùng, chuyên gia về đấu thầu, cho rằng, các sai phạm của chủ đầu tư trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu không thể đổ lỗi cho “cơ chế”. Điều 73 Luật Đấu thầu quy định rất rõ trách nhiệm kiểm tra, giám sát và xử lý sai phạm của người có thẩm quyền. Vấn đề là trên thực tế, người có thẩm quyền ở các địa phương vẫn buông lỏng quản lý, né tránh, làm ngơ trong việc xử lý các sai phạm của chủ đầu tư, thậm chí còn có dấu hiệu bao che, tiêu cực trong quá trình xử lý. Do đó, có rất ít chủ đầu tư bị xử lý dù sai nghiêm trọng, hoặc có xử lý thì “giơ cao đánh khẽ” nên không tạo được sức răn đe.
Theo báo Đấu thầu
Nguồn bài viết: http://antt.vn/nhieu-sai-pham-trong-dau-thau-vi-chu-dau-tu-kem-chat-luong-271271.htm
Link nội dung: https://phaply.net.vn/nhieu-sai-pham-trong-dau-thau-vi-chu-dau-tu-kem-chat-luong-a207012.html