Hội thảo quốc tế về Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án tiếp tục tham luận và thảo luận những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Chúng tôi xin lược ghi các tham luận được trình bày tại Hội thảo và lần lượt giới thiệu cùng quý độc giả.
Cân nhắc có thể mở rộng hòa giải
PGS.TS. Trần Anh Tuấn – Phó trưởng Khoa Pháp luật Dân sự, Đại học Luật Hà Nội trình bày tham luận đã phân tích kỹ các vấn đề còn có ý kiến khác nhau và đề xuất hướng xử lý rất cụ thể.
Về phạm vi điều chỉnh của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Dự thảo thì “Phạm vi hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật này được thực hiện đối với các tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn (sau đây gọi chung là vụ việc dân sự), khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính và các bên đồng ý hòa giải, đối thoại tại Tòa án trước khi Tòa án thụ lý, giải quyết vụ việc”. Thiết nghĩ, quy định như trên đã thể hiện được chủ kiến của Tổ biên tập Dự thảo Luật trong việc xác định và giới hạn phạm vi những loại việc có thể hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và triết lý về tôn trọng quyền tự định đoạt của đương sự trong việc lựa chọn phương thức hòa giải, đối thoại. Theo nghiên cứu của chúng tôi thì phạm vi hòa giải, đối thoại theo khoản 1 Điều 1 Dự thảo Luật này được xác định khá chặt chẽ bởi 03 giới hạn: (1) Những các tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án; (2) Đương sự đã có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính nhưng Tòa án chưa thụ lý, giải quyết vụ việc; (3) Các bên đồng ý hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Tuy nhiên, nếu “các tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn” được “gọi chung là vụ việc dân sự” như Dự thảo hiện nay có thể dẫn tới sự không thống nhất về thuật ngữ giữa BLTTDS năm 2015 và Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Ngoài ra, nghiên cứu các việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động (không có tranh chấp) thuộc thẩm quyền của Tòa án thì ngoài việc về yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn còn có nhiều việc khác cũng có khả năng hòa giải, đối thoại tại Tòa án nếu các đương sự đồng ý lựa chọn phương thức hòa giải thông qua hòa giải viên tại Tòa án nhằm bảo mật thông tin.
Thiết nghĩ, có thể cân nhắc có thể mở rộng hòa giải đối với các yêu cầu về dân sự khác tại khoản 6, khoản 9 Điều 27 BLTTDS (Yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu, Yêu cầu xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, phân chia tài sản chung để thi hành án); yêu cầu về hôn nhân gia đình tại khoản 6, khoản 8, khoản 10 Điều 29 BLTTDS (Yêu cầu liên quan đến việc mang thai hộ theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình; Yêu cầu tuyên bố vô hiệu thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình; Yêu cầu xác định cha, mẹ cho con hoặc con cho cha, mẹ theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình); yêu cầu về kinh doanh, thương mại tại khoản 1 Điều 31 BLTTDS (Yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, nghị quyết của Hội đồng thành viên theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp); yêu cầu về lao động tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 33 BLTTDS (Yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể vô hiệu; Yêu cầu xét tính hợp pháp của cuộc đình công).
PGS.TS. Trần Anh Tuấn đề xuất có thể hoàn thiện khoản 1 Điều 1 Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án như sau:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và nhiệm vụ của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án
«1. Luật này quy định những nguyên tắc cơ bản, phạm vi, chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; tổ chức, hoạt động của Trung tâm Hòa giải, Đối thoại; quyền, nghĩa vụ của Hòa giải viên, Đối thoại viên; trình tự, thủ tục, xử lý kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Phạm vi hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật này được thực hiện đối với các tranh chấp, yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động có thể hòa giải, đối thoại (sau đây gọi chung là vụ việc dân sự có thể hòa giải, đối thoại), khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính và các bên đồng ý hòa giải, đối thoại tại Tòa án trước khi Tòa án thụ lý, giải quyết vụ việc».
Về nhiệm vụ của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Dự thảo về nhiệm vụ của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án thì “2. Luật này quy định cơ chế pháp lý độc lập về hòa giải, đối thoại để giải quyết hiệu quả các tranh chấp, khiếu kiện trên cơ sở tôn trọng quyền tự định đoạt của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo đảm giá trị và hiệu quả thi hành kết quả hòa giải, đối thoại; góp phần hàn gắn những bất đồng, rạn nứt, ngăn ngừa các tranh chấp, khiếu kiện trong tương lai, tạo sự đồng thuận và xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân”. Chúng tôi cho rằng quy định trên đã bao quát và thể hiện được nhiệm vụ cơ bản của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Tuy nhiên, Khoản 1 Điều 1 Dự thảo đi theo hướng là Luật này áp dụng đối với những tranh chấp, yêu cầu “khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính và các bên đồng ý hòa giải, đối thoại tại Tòa án trước khi Tòa án thụ lý, giải quyết vụ việc”. Như vậy, các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính đã xảy ra và đương sự đã có yêu cầu Tòa án giải quyết. Ngoài ra, nghiên cứu các quy định cụ thể trong Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án thì chủ yếu Luật này đề cập tới việc công nhận giá trị pháp lý của kết quả hòa giải, đối thoại (Điều 35 đến Điều 40 Dự thảo). Từ những phân tích trên, chúng tôi đề xuất cân nhắc việc chỉnh sửa khoản 2 Điều 1 Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án như sau:
“2. Luật này quy định cơ chế pháp lý độc lập về hòa giải, đối thoại để giải quyết hiệu quả các tranh chấp, khiếu kiện trên cơ sở tôn trọng quyền tự định đoạt của cơ quan, tổ chức, cá nhân; góp phần hàn gắn những bất đồng, rạn nứt, tạo sự đồng thuận và xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân, bảo đảm giá trị pháp lý của kết quả hòa giải, đối thoại, hạn chế việc giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện bằng thủ tục tố tụng tại Tòa án”.
Về tiêu chuẩn hòa giải viên, đối thoại viên, Dự thảo có đề xuất 02 phương án: Phương án 1: Luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác; Phương án 2: Luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác có kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác.
Dưới góc độ nghiên cứu, PGS.TS. Trần Anh Tuấn cho rằng việc lựa chọn phương án 1 hay phương án 2 sẽ phụ thuộc vào việc chúng ta đi theo hướng mở rộng hay thu hẹp phạm vi áp dụng hòa giải, đối thoại tại Tòa án để cân nhắc về phương án nguồn nhân lực mà Tòa án có thể tuyển chọn. Tuy nhiên, lý tưởng nhất vẫn là lựa chọn phương án 1: “Luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác”. Theo phương án này, những chủ thể được lựa chọn sẽ là những người có độ tuối trên 30 tuổi, có vốn sống, kinh nghiệm, kỹ năng tích lũy cần thiết có thể đáp ứng yêu cầu công việc đặc thù là hòa giải, đối thoại.
Về thực hiện kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Chương IV Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, để bảo đảm sự thống nhất với các quy định của BLTTDS năm 2015 và tinh thần của Công văn số 55/TANDTC-PC ngày 20/03/2018 về việc tiêu chí xác định vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành thì cần cân nhắc thêm về nội dung quy định tại khoản 2 Điều 35 Dự thảo. Quy định tại khoản 2 Điều 35 Dự thảo (hòa giải thành) chỉ phù hợp với trường hợp đương sự có tranh chấp về ly hôn, chia tài sản, giải quyết vấn đề con cái và đã khởi kiện ra Tòa án mà không phù hợp với việc dân sự về yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn. Bởi vì, theo hướng dẫn tại tiểu mục 2.1.c, d Công văn số 55/TANDTC-PC ngày 20/03/2018 về vụ việc dân sự được tính là vụ việc hòa giải thành nếu: “Vụ án ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn được Thẩm phán tiến hành hòa giải mà sau khi hòa giải, vợ, chồng không đoàn tụ nhưng thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản chung; Tòa án quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự theo quy định tại các Điều 212, 213 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Điều 55 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014”. Trường hợp việc dân sự về yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn mà sau khi hòa giải, vợ, chồng không đoàn tụ thì đây là trường hợp hòa giải không thành.
Do đó, có thể cân nhắc chỉnh sửa quy định tại khoản 2 Điều 35 Dự thảo theo hướng: “Kết quả hòa giải thành có thể được thực hiện theo một trong những hình thức sau đây: 2. Các bên đề nghị Tòa án công nhận thuận tình ly và sự thỏa thuận của các đương sự nếu hòa giải viên hòa giải vụ án ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn mà sau khi hòa giải, vợ, chồng không đoàn tụ nhưng thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản chung”. Thủ tục công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự trong vụ án ly hôn sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 37 (Dự thảo).
Đối với việc dân sự về yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn mà sau khi hòa giải, vợ, chồng không đoàn tụ thì đây là trường hợp hòa giải không thành. Tòa án áp dụng các quy định tại Điều 34 (Dự thảo trên) để giải quyết. Trong trường hợp này, cần quy định theo hướng Thẩm phán thụ lý yêu cầu và ra quyết định công nhận thuận tình ly và sự thỏa thuận của các đương sự theo quy định tại khoản 4 Điều 397 BLTTDS năm 2015.
Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 44 và Khoản 2 Điều 48 Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án có quy định: “2. Thẩm phán ra quyết định không công nhận kết quả hòa giải thành tại Tòa án đối với trường hợp không có đủ các điều kiện quy định tại Điều 39 của Luật này. Nội dung quyết định không công nhận kết quả hòa giải thành được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này.
Việc không công nhận kết quả hòa giải thành không ảnh hưởng đến nội dung và giá trị pháp lý của kết quả hòa giải”.
Nghiên cứu kỹ các quy định tại khoản 2 Điều 44 và Khoản 2 Điều 48 Dự thảo cho thấy dường như các quy định này chưa thực sự tương thích với các quy định tại Điều 39 và Điều 47 của Dự thảo về điều kiện công nhận kết quả hòa giải, đối thoại thành. Việc không công nhận kết quả hòa giải, đối thoại thành do nội dung thỏa thuận không bảo đảm tính tự nguyện, vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội hoặc nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thì kết quả hòa giải, đối thoại không thể coi là có giá trị pháp lý. Do vậy, có thể nghiên cứu và cân nhắc thêm về nội dung này khi thiết kế quy định tại khoản 2 Điều 44 và Khoản 2 Điều 48 Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Cân nhắc về tên gọi của dự án Luật
TS.Phạm Quý Tỵ, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị cân nhắc về tên gọi của dự án Luật.
Theo ông, thứ nhất, về bản chất thì trình tự, thủ tục, thẩm quyền hòa giải, đối thoại của các Trung tâm hòa giải, đối thoại quy định trong dự thảo Luật là hòa giải ngoài tố tụng, nhưng được đặt tại Tòa án và do các Tòa án quản lý. Theo dự thảo Luật quy định việc tiến hành hòa giải, đối thoại không nhất thiết phải tiến hành tại Tòa án mà có thể ở ngoài Tòa án. Do vậy, tên dự án Luật là Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án chưa thật sát với bản chất của loại hình hòa giải, đối thoại này là ngoài tố tụng.
Thứ hai, theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và Luật tố tụng hành chính năm 2015, thì khi giải quyết các vụ án dân sự và vụ án hành chính, Tòa án tiến hành thủ tục hòa giải và đối thoại, việc đặt tên Hòa giải, đối thoại tại Tòa án như trong dự thảo Luật có thể dẫn đến sự nhầm lẫn giữa hai thủ tục này vì cùng ở tại Tòa án.
Thứ ba, dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án ngoài việc quy định nội dung hòa giải, đối thoại do các Hòa giải viên, Đối thoại viên thực hiện còn có quy định về trình tự, thủ tục tố tụng công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành của Tòa án (tại Chương IV. Thực hiện kết quả hòa giải thành, đối thoại thành). Như vậy, tên dự thảo Luật mới chỉ bao quát được nội dung hòa giải và đối thoại (Phần việc của Hòa giải viên và Đối thoại viên) mà chưa bao quát được nội dung công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành của Tòa án.
TS Phạm Quý Tỵ đặt vấn đề: Hoạt động hòa giải, đối thoại quy định trong dự thảo Luật có phải là hoạt động tư pháp không? Ông cho rằng trong dự thảo Luật có quy định Chương II. Trung tâm hòa giải, đối thoại và Hòa giải viên, Đối thoại viên; Chương III. Trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại và Chương IV. Thực hiện kết quả hòa giải thành, đối thoại thành. Đối với Chương II quy định về tổ chức và Chương III quy định trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại đây là những hoạt động của các Hòa giải viên, Đối thoại viên nên không phải là hoạt động tư pháp. Đối với Chương IV quy định trình tự, thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành của Tòa án, do vậy hoạt động này là hoạt động tư pháp.
Tuy nhiên, trong dự thảo Luật có quy định Chánh án là giám đốc trung tâm, Phó Chánh án là Phó Giám đốc trung tâm hòa giải và đối thoại. Theo pháp luật tố tụng và Luật tổ chức Tòa án thì Chánh án, Phó Chánh án vừa có chức danh quản lý vừa có chức danh tố tụng, vì vậy một số hoạt động của Chánh án, Phó Chánh án là hoạt động tư pháp. Đối với thẩm phán là người có chức danh tư pháp nên hoạt động của Thẩm phán là hoạt động tư pháp. Như đã phân tích ở trên, tại Chương III nếu chỉ có Hòa giải viên, Đối thoại viên thực hiện việc hòa giải, đối thoại thì không phải là hoạt động tư pháp, nhưng khi đã có sự tham gia của Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán vào quá trình này thì lại có hoạt động tư pháp.
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì VKSND có chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, vì vậy trong giai đoạn hòa giải, đối thoại có nội dung hoạt động tư pháp thì VKSND có thẩm quyền kiểm sát hoạt động kiểm sát hoạt động tư pháp. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc vấn đề này, trong trường hợp dự thảo Luật quy định Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán tham gia vào quá trình hòa giải, đối thoại thì phải quy định trình tự, thủ tục để VKSND thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp.
Về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, ông bày tỏ quan điểm nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật bao gồm: “các tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn (sau đây gọi chung là vụ việc dân sự), khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính và các bên đồng ý hòa giải, đối thoại tại Tòa án trước khi Tòa án thụ lý, giải quyết vụ việc”.
Về tiêu chuẩn Hòa giải viên, Đối thoại viên, không nhất thiết phải là người có đủ 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác mới được bổ nhiệm Hòa giải viên, Đối thoại viên. Mặt khác, Hòa giải viên, Đối thoại viên được bổ nhiệm không theo nhiệm kỳ, mà sẽ bị miễn nhiệm theo quy định tại Điều 19 của dự thảo Luật. Trường hợp Hòa giải viên, Đối thoại viên không hoàn thành nhiệm vụ hoặc 02 năm liên tiếp có số lượng vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành thấp nhất tại nơi họ làm việc hoặc không còn đáp ứng một trong các tiêu chuẩn quy định tại Điều 16 của Luật thì sẽ bị miễn nhiệm. Vì vậy, về tiêu chuẩn Hòa giải viên, Đối thoại viên quy định theo phương án 2 là phù hợp.
Về thành phần tham gia phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại quy định hai phương án: Phương án 1: Giám đốc hoặc Phó Giám đốc Trung tâm Hòa giải, Đối thoại hoặc một Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công tham gia phiên họp để xác nhận sự kiện các bên tự nguyện hòa giải và chữ ký của các bên trong biên bản ghi nhận kết quả hòa giải. Phương án 2: Không quy định điểm này. TS Phạm Quý Tỵ đồng ý với phương án 2.
Về chức danh thư ký của Trung tâm Hòa giải, Đối thoại, thực tiễn hoạt động của Trung tâm Hòa giải, Đối thoại cho thấy hoạt động của các Trung tâm Hòa giải, Đối thoại ngoài Hòa giải viên, Đối thoại viên còn cần một số thư ký để giúp cho Hòa giải viên, Đối thoại viên thực hiện các công việc về hành chính như tiếp nhận hồ sơ, vào sổ theo dõi vụ viêc, thông báo cho các bên đương sự bổ sung hồ sơ, thời gian, địa điểm, nội dung tiến hành phiên hòa giải, đối thoại… Tuy nhiên, trong dự thảo Luật chưa thấy quy định chức danh này. Trong trường hợp không cần quy định có chức danh thư ký ở các Trung tâm Hòa giải, Đối thoại mà các Tòa án cử Thư ký Tòa án sang giúp cho các Trung tâm Hòa giải, Đối thoại (như hoạt động của các Trung tâm Hòa giải, Đối thoại hiện nay) thì cũng phải quy định cụ thể trong dự thảo Luật để thuận tiện cho việc hoạt động của các Trung tâm Hòa giải, Đối thoại.
Về đảm bảo các điều kiện cho các Trung tâm Hòa giải, Đối thoại hoạt động, tại khoản 2, Điều 9 dự thảo Luật quy định: “Trung tâm Hòa giải, Đối thoại chịu sự quản lý trực tiếp của Tòa án nơi đặt Trung tâm”. Quy định như vậy chưa rõ các Tòa án có trách nhiệm đảm bảo các điều kiện cho các Trung tâm Hòa giải, Đối thoại hoạt động không. Vì vậy, dự thảo Luật cần quy định cụ thể hơn nữa trách nhiệm của các Tòa án đảm bảo cơ sở vật chất, phương tiện làm việc để các Trung tâm Hòa giải, Đối thoại hoạt động. Trường hợp Chánh án, Phó Chánh án không kiêm Giám đốc, Phó giám đốc Trung tâm Hòa giải, Đối thoại, thì quy định về đảm bảo các điều kiện cho các Trung tâm Hòa giải, Đối thoại hoạt động trong Luật lại càng cần thiết phải quy định cụ thể trong luật này.
Theo tapchitoaan.vn
Nguồn bài viết: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/nghien-cuu/hoat-dong-hoa-giai-doi-thoai-tai-toa-an-co-phai-la-hoat-dong-tu-phap
Link nội dung: https://phaply.net.vn/hoat-dong-hoa-giai-doi-thoai-tai-toa-an-co-phai-la-hoat-dong-tu-phap-a206930.html