Hàng không và du lịch – Cái “bắt tay” nghìn tỷ

Hiện nay, Việt Nam đang là một trong những điểm đến du lịch thu hút hàng đầu trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương, điều này đã tạo động lực thúc đẩy những cái “bắt tay” nghìn tỷ giữa các ông lớn trong ngành du lịch và hàng không, góp phần tạo nên một xu hướng mới.

Tiềm năng du lịch Việt Nam góp phần thúc đẩy hàng không phát triển

Việt Nam có đầy đủ tiềm năng để phát triển du lịch với sự trù phú của thiên nhiên bao gồm hơn 3,200 km đường bờ biển, 124 bãi biển cùng 3.000 đảo lớn nhỏ, 40.000 di tích, 30 vườn quốc gia, 21 khu du lịch sinh thái... Ngoài ra, Việt Nam còn có nền ẩm thực đa dạng và nét đặc trưng văn hoá riêng của mỗi vùng miền tạo nên sức hút lớn với du khách.

Chính vì thế, Việt Nam đang trở thành điểm đến mới cho du khách quốc tế, những người yêu thích vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên, muốn có những trải nghiệm văn hoá đặc trưng và muốn được thưởng thức những món đặc sản mang hương vị địa phương.

Vịnh Hạ Long – Kỳ quan thiên nhiên thế giới
Vịnh Hạ Long – Kỳ quan thiên nhiên thế giới)

Theo thống kê của Tổng cục du lịch, khách nước ngoài đến Việt Nam năm 2018 là 15,6 triệu người. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2019 đạt con số 4,5 triệu người, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo nhận định của ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, hàng không và du lịch có mối quan hệ mật thiết với nhau, khoảng 80% khách nước ngoài tới Việt Nam đi máy bay có mục đích du lịch, tính riêng trong 3 tháng đầu năm 2019 đạt 3,5 triệu lượt khách du lịch nước ngoài tới Việt Nam bằng đường hàng không, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng khách du lịch trong nước cũng tăng lên đáng kể, năm 2018 cán mốc 80 triệu lượt. Khách Việt có thói quen du lịch ngắn ngày nên thường lựa chọn nghỉ dưỡng vào dịp nghỉ lễ hay nghỉ hè, do đó đây là thị trường lớn mà hàng không cần khai thác.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng ngành hàng không vẫn chưa khai thác hết toàn bộ nguồn lực từ du lịch, các tuyến bay thẳng quốc tế và nội địa đến những địa danh du lịch nổi tiếng chưa nhiều. Vì thế, giá vé máy bay vẫn còn cao, dẫn đến giá tour trọn gói cao, chưa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng hiện tại. Đây là thách thức, nhưng cũng là thời cơ cho ngành hàng không, mở ra xu hướng hợp tác mới giữa hàng không và du lịch với những tối ưu về giá và điểm đến cho khách hàng.

Hàng không và du lịch – Xu hướng hợp tác mới

Nhìn nhận những cơ hội mà du lịch đem lại, các ông lớn ngành hàng không và du lịch đã có những cú “bắt tay” hợp tác đầy triển vọng, đánh dấu bước chuyển lớn của ngành du lịch, góp phần hoà nhập du lịch Việt Nam với xu hướng du lịch hiện đại của thế giới.

Với những đơn vị cung cấp dịch vụ đơn lẻ, có thể kể đến sự hợp tác giữa Vietjet và Hiệp hội du lịch Việt Nam, hay Vietnam Airlines và VinGroup vào cuối năm 2018.

Đáng chú ý hơn, Bamboo Airways cũng tung ra những ưu đãi song hành du lịch – hàng không, nhưng tận dụng chính hệ sinh thái của công ty mẹ là Tập đoàn FLC – doanh nghiệp đang sở hữu chuỗi khách sạn và resort tiêu chuẩn quốc tế trên khắp đất nước. Sự chủ động này cho phép FLC và Bamboo Airways thúc đẩy cùng lúc hoạt động của cả hai dịch vụ chủ chốt, cũng như cho phép tính linh động cao hơn trong các gói ưu đãi cho khách hàng.

“Sự ra đời của Bamboo Airways không chỉ là một hãng không thông thường mà là cầu nối gắn kết các địa điểm du lịch trong hệ sinh thái mà FLC tạo dựng dọc Việt Nam, đây sẽ là lựa chọn tuyệt vời cho khách hàng với mức giá hợp lý, cùng hệ thống dịch vụ trọn gói”, đại diện Bamboo Airways từng cho hay.

Hãng hàng không Bamboo Airways
Hãng hàng không Bamboo Airways)

Việc hợp tác mang tính “cộng sinh” giữa hàng không và du lịch không chỉ đem tới lợi ích cho các hãng hàng không, các công ty lữ hành mà mang lại cả lợi ích cho khách hàng. Khách hàng sẽ có được lựa chọn tối ưu về giá và các dịch vụ nghỉ dưỡng kèm theo.

"Khi các hãng hàng không và du lịch xây dựng được sản phẩm chung, chi phí sẽ tiết giảm. Từ đó thúc đẩy phát triển du lịch tại nhiều địa phương, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước", một chuyên gia nhận định.
Để thảo luận sâu hơn về những cơ hội, thách thức của xu hướng hợp tác giữa hàng không và du lịch, Báo Giao thông đã đưa nội dung này vào chủ đề của buổi toạ đàm: “GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY HÀNG KHÔNG VIỆT PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG”, diễn ra vào chiều ngày 11/4 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế FLC Quy Nhơn, Bình Định.

Buổi toạ đàm có sự tham gia của đại diện Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và đầu tư, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, Quảng Ninh, Cục Hàng không VN, Tổng cục Du lịch VN, các chuyên gia kinh tế, đại diện các hãng hàng không, nhà khai thác cảng hàng không, các hãng lữ hành…

Buổi toạ đàm sẽ xoay quanh những vấn đề liên quan đến giải pháp thúc đẩy thị trường hàng không, từ việc tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng, vai trò của đầu tư tư nhân trong hàng không, hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế, chính sách, vấn đề kích cầu, mở rộng thị trường; Mối quan hệ giữa hàng không và du lịch… cũng sẽ được đề xuất, phân tích với những góc nhìn đa chiều.

PV

Link nội dung: https://phaply.net.vn/hang-khong-va-du-lich-cai-bat-tay-nghin-ty-a206820.html