(Pháp lý) - Luật Doanh nghiệp năm 2014 là một trong những đạo luật đánh dấu sự quyết tâm cải cách chính sách pháp luật kinh tế, nhằm tạo thuận lợi tối đa cho quá trình gia nhập thị trường kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau gần 5 năm thực hiện, một số quy định của Luật thiếu khả thi, chưa đảm bảo tính thống nhất so với các văn bản pháp luật khác.
Ba quy định “mâu thuẫn” với các quy định pháp luật khác
Trao đổi với Phóng viên Pháp lý, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW thẳng thắn nhìn nhận, Luật Doanh nghiệp 2014 ra đời đã góp phần mang đến nhiều thay đổi tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập, tổ chức, hoạt động của doanh nghiệp cũng như mở rộng quyền tự do đầu tư, kinh doanh của nhà đầu tư. Tuy nhiên, quá trình thực thi bộc lộ không ít vướng mắc; trong đó, sự không tương thích, mâu thuẫn giữa một số quy định của Luật Doanh nghiệp với quy định của các Luật chuyên ngành khác không chỉ gây ra những trở ngại, khó khăn nhất định cho doanh nghiệp, nhà đầu tư mà còn gây ra những sự lúng túng của các thực thể công trong hoạt động áp dụng pháp luật.
Theo Luật sư Hà, mâu thuẫn thứ nhất là về thẩm quyền cấp phép thành lập doanh nghiệp. Theo quy định tại Điều 3 Luật Doanh nghiệp 2014, việc áp dụng quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật chuyên ngành được thực hiện theo nguyên tắc: “Trường hợp Luật chuyên ngành có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp thì áp dụng quy định của Luật đó.” Như vậy, đối với một số ngành nghề đặc thù, việc cấp phép thành lập doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực, ngành nghề này sẽ thuộc thẩm quyền của cơ quan chuyên môn theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Ví dụ, đối với các doanh nghiệp kinh doanh chứng khoán, theo Khoản 2 Điều 59 Luật Chứng khoán, thì “Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ. Giấy phép này đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”.
Tương tự như vậy, hiện nay, hoạt động luật sư, công chứng, giám định, giáo dục và đào tạo,... cũng đã được xác định rõ là các ngành, nghề đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư năm 2014. Tuy nhiên các ngành, nghề này lại không được đăng ký kinh doanh tại Cơ quan đăng ký kinh doanh, mà chỉ được thực hiện việc cấp giấy phép và đăng ký hoạt động riêng theo Luật Luật sư năm 2006; Luật Công chứng năm 2006;.... Hậu quả là nhiều tổ chức hành nghề luật sư, như công ty luật và pháp nhân khác hoạt động như một doanh nghiệp, nhưng lại hoàn toàn không có thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Trong khi ngân hàng thương mại, công ty tài chính đăng ký doanh nghiệp như các doanh nghiệp khác thì Công ty bảo hiểm lại không thực hiện thủ tục này do Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 quy định: “Giấy phép thành lập và hoạt động đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”. Trong khi đó, hộ kinh doanh hay hợp tác xã, tuy không được xác định là doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 hay Luật Hợp tác xã năm 2012, nhưng vẫn thực hiện việc đăng ký kinh doanh như đối với doanh nghiệp.
Thực tế trên dẫn đến tình trạng phân tán đầu mối đăng ký thành lập doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thông tin các doanh nghiệp do Bộ quản lý chuyên môn cấp phép thành lập cũng không được công bố trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Thực trạng này phần nào gây khó khăn, không thống nhất trong việc quản lý doanh nghiệp ở tầm vĩ mô của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước. Về phía doanh nghiệp, sự phân tán thẩm quyền này cũng gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp khi có yêu cầu thay đổi hoạt động kinh doanh, Luật sư Hà phân tích.
Mâu thuẫn thứ hai là quy định về hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Đối với từng loại hình doanh nghiệp, khi đăng ký thành lập sẽ được yêu cầu chi tiết thành phần hồ sơ, theo quy định từ Điều 20 đến Điều 23 Luật Doanh nghiệp năm 2014. Ngày 14/9/2015, Chính phủ ban hành Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, theo đó, tại khoản 2 Điều 9 của Nghị định này, có quy định: “Cơ quan đăng ký kinh doanh không được yêu cầu người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp nộp thêm hồ sơ hoặc giấy tờ khác ngoài các giấy tờ trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp theo quy định”. Tuy nhiên, theo Công văn số 2544/BXD-QLN ngày 19/11/2009 của Bộ Xây dựng, về việc thực hiện các quy định về quản lý nhà chung cư, gửi đến các Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội; thành phố Hồ Chí Minh; thành phố Hải Phòng; thành phố Đà Nẵng; tỉnh Nghệ An và tỉnh Thanh Hóa, khi đăng ký trụ sở công ty tại một căn hộ nằm trong cao ốc phức hợp để ở và thương mại, Sở Kế hoạch Đầu tư buộc nhà đầu tư phải chứng minh quyền được dùng căn hộ để làm trụ sở công ty. Yêu cầu này được hiểu là căn cứ vào Công văn trên của Bộ Xây dựng không cho phép sử dụng nhà chung cư làm văn phòng công ty. Vấn đề đặt ra ở đây là Sở Kế hoạch Đầu tư có quyền yêu cầu nhà đầu tư nộp hồ sơ chứng minh quyền được đặt trụ sở công ty tại căn hộ đã thuê không?
Tương tự, đối với một số ngành nghề kinh doanh, khi đăng ký thành lập doanh nghiệp thì cần có giấy phép cho phép thành lập trước của các Bộ chuyên ngành. Ví dụ lĩnh vực sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp; lĩnh vực thuốc chữa bệnh cho người do Bộ Y tế cấp; … Vậy Sở Kế hoạch Đầu tư có được quyền yêu cầu nhà đầu tư cung cấp các giấy phép này ngoài thành phần hồ sơ đã ấn định trong Luật Doanh nghiệp năm 2014 không?. Rõ ràng, nếu yêu cầu nộp thêm, Sở Kế hoạch Đầu tư đã vi phạm quy định của khoản 2 Điều 9 Nghị định 78/2015/NĐ-CP. Song, nếu không yêu cầu thì Sở Kế hoạch Đầu tư lại vi phạm các quy định của Luật chuyên ngành khác?.
Mâu thuẫn tiếp theo là việc điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (ERC) và Giấy chứng nhận đầu tư (IRC). Theo quy định tại Điều 32 Luật Doanh nghiệp năm 2014, muốn tăng vốn điều lệ thì các nhà đầu tư (thành viên, cổ đông, chủ sở hữu) phải góp xong (đã thực tăng) và trong thời hạn mười ngày phải làm thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Ngược lại, đối với doanh nghiệp FDI thì không đơn giản như thế. Bởi theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư 19/2014/TT-NHNN ngày 11/8/2014 của Ngân hàng nhà nước, hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam: “Nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư Việt Nam trong doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được thực hiện góp vốn đầu tư bằng ngoại tệ hoặc bằng đồng Việt Nam theo mức vốn đầu tư tại Giấy chứng nhận đầu tư”, trong đó ghi rõ thời hạn và số vốn được góp. Như vậy, rõ ràng giữa Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) đã có quy định mâu thuẫn nhau, đó là, theo Luật Doanh nghiệp yêu cầu phải góp vốn trước mới làm thủ tục tăng vốn điều lệ. Ngược lại, Pháp lệnh Ngoại hối lại yêu cầu làm thủ tục tăng vốn điều lệ trước, sau mới cho phép góp vốn.
“Cởi trói” những quy định “mâu thuẫn”?
Để khắc phục sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định của Luật Doanh nghiệp và pháp luật chuyên ngành nhằm đảm bảo quyền tự do thành lập doanh nghiệp, cần thống nhất việc quản lý nhà nước về doanh nghiệp, để cho việc quản lý doanh nghiệp phù hợp với thực tế hiện nay, theo Luật sư Hà, phải trả lại thẩm quyền đăng ký kinh doanh cho chủ thể có thẩm quyền được quy định theo Luật Doanh nghiệp. Cơ quan đăng ký kinh doanh phải là cơ quan duy nhất có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp. Các cơ quan khác chỉ có chức năng kiểm soát điều kiện hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực mình phụ trách. Cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện áp dụng thống nhất về đăng ký kinh doanh đối với tất cả các ngành nghề, không để tình trạng các Luật chuyên ngành lấn sân Luật Doanh nghiệp, tạo sự chồng chéo trong việc quản lý doanh nghiệp.
Ở một góc nhìn khác, Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) nhận định, doanh nghiệp phải được đối xử công bằng về quyền và nghĩa vụ. Do đó, để “cởi trói” những mâu thuẫn, Luật sư Hùng kiến nghị “Chỉ những ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì mới có thể chứa những điều kiện, tiêu chuẩn khác, còn lại các ngành nghề khác, theo tôi về đăng ký kinh doanh nên giao về Sở Kế hoạch Đầu tư địa phương cấp giấy phép và hoạt động theo tôn chỉ Luật Doanh nghiệp. Còn lại những ngành nghề đòi hỏi về điều kiện thì có thể ưu tiên áp dụng Luật chuyên ngành”.
Trong khi đó, Luật sư Lê Minh Trường , Giám đốc điều hành Công ty Luật Minh Khuê đề xuất, nên xây dựng một cơ quan đăng kí kinh doanh chung. Luật sư Trường nói: “Chúng ta cũng đã xây dựng được Cổng thông tin đăng kí kinh doanh Quốc gia, nhưng các bộ máy xử lý hành chính của chúng ta lại đơn lẻ. Ví dụ, muốn mở một công ty luật phải đến Sở Tư pháp, muốn mở công ty dịch vụ chuyển phát nhanh phải đến Sở Thông tin & Truyền thông,… dẫn đến câu chuyện có rất nhiều cơ quan đăng kí kinh doanh tồn tại độc lập và song song với nhau. Do đó, nên có một cơ quan đăng kí kinh doanh chung cho tất cả Sở, Ban, ngành để tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí cho doanh nghiệp. Cơ quan đăng kí kinh doanh chung và thống nhất sẽ giải quyết được tất cả các vấn đề về mặt thủ tục, quy trình thẩm định hồ sơ”.
Ngoài ra, Luật sư Hùng kiến nghị: “Luật Doanh nghiệp phải được ưu tiên và những Luật nào mâu thuẫn phải được sửa đổi cho phù hợp Luật Doanh nghiệp về điều kiện, thủ tục đăng ký kinh doanh”.
Cũng góp ý về vấn đề này, Luật sư Lê Minh Trường lại cho rằng, việc rà soát tất cả các quy định mâu thuẫn nên theo hướng thống nhất thành hướng dẫn chung, hoặc Nghị định chung về điều kiện kinh doanh có giá trị điều chỉnh chung, sẽ là giải pháp xử lý các điểm nghẽn trong việc đăng kí thành lập doanh nghiệp. Nếu Nghị định chung này được hướng dẫn cụ thể, chi tiết, thì không còn các công văn mang tính chất “siêu luật” có giá trị cao hơn cả Luật.
Trước sự chồng chéo, mâu thuẫn nhau về việc điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (ERC) và Giấy chứng nhận đầu tư (IRC), có ý kiến đề xuất nên gộp Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư. Khi hai đạo luật này được thống nhất sẽ quy định thành các chương cụ thể cho từng loại hình doanh nghiệp. Về thẩm quyền cấp giấy phép, các chuyên gia cũng đề xuất nên giao về một mối là Sở Kế hoạch & Đầu tư, để tránh tình trạng mâu thuẫn và khác nhau về đăng ký kinh doanh.
Giang Nguyễn
Link nội dung: https://phaply.net.vn/mot-so-quy-dinh-trong-luat-doanh-nghiep-mau-thuan-voi-cac-quy-dinh-phap-luat-khac-a206322.html