(Pháp lý) - Hàng loạt những vụ án hình sự nghiêm trọng xảy ra trong thời gian gần đây làm dậy sóng dư luận. Đáng lưu ý là những kẻ gây án đều có dính líu đến ma túy. Có thể nói ma túy không chỉ là hiểm họa của nhân loại, hủy hoại sức khỏe con người mà còn là nguồn gốc làm phát sinh nhiều tội phạm. Tuy nhiên, theo ý kiến của một số Luật sư, chế tài xử lý hành vi sử dụng ma túy hiện nay lại đang bất cập.
Cội nguồn của nhiều tội phạm
Tác hại của ma túy gây ra là quá khủng khiếp. Kết quả điều tra xã hội học cho thấy, 80% số người nghiện ma tuý trả lời sẵn sàng phạm tội giết người, cướp của để có ma túy thoả mãn cơn nghiện. Theo các nhà tội phạm học, ma tuý gắn liền với hành vi phạm tội, là nguồn bổ sung tội phạm. Tệ nạn ma túy là nguyên nhân làm nảy sinh, gia tăng tình hình tội phạm trong nước gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, như tội phạm giết người, cướp tài sản, buôn bán ma túy, buôn bán người, khủng bố...
Có thể kể ra rất nhiều các vụ trọng án mà kẻ gây án đều dính đến ma túy: Vụ trọng án nữ sinh Cao Mỹ D. bị sát hại (xảy ra ở Điện Biên mới đây) do 05 con nghiện bắt giữ thay nhau hiếp dâm, cướp tài sản, giết người bịt đầu mối khiến cho dư luận bàng hoàng bức xúc; Vì “phê” ma túy đá mà ca sĩ Châu Việt Cường (Thanh Hóa) nghĩ bạn gái bị ma nhập nên đã ghì nhét 33 nhánh tỏi vào miệng, khiến nạn nhân tử vong. Trong cơn ảo giác, tối 28/7/2017, Nguyễn Văn Hùng ở Nga Sơn (Thanh Hóa) cầm dao chém chết vợ và 2 con nhỏ rồi chặt tay tự sát; Ngày 11/9/2015 tại số nhà 3, phố Nguyễn Bính, thành phố Nam Định, đối tượng Đỗ Đức Mạnh Hùng đã lên cơn ngáo đá rồi dùng dao đâm chết bố đẻ và mẹ đẻ; Vụ án 4 bà cháu bị sát hại (Quảng Ninh) gây chấn động dư luận xảy ra vào đêm 23/9/2016, đối tượng ra tay Doãn Trung Dũng vì thiếu tiền để giải cơn nghiện; Gần đây nhất là 2 vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra tại Bến Lức (Long An) và tại Hải Dương làm 12 người thiệt mạng và 26 người bị thương, nguyên nhân được xác định là tài xế bị “phê” ma túy đá…
Như vậy, tội Sử dụng ma túy trái phép là cội nguồn và là nguyên nhân làm phát sinh hàng loạt các loại tội phạm khác, như: Tội gây rối trật tự công cộng (Điều 318 BLHS 2015); Tội cướp tài sản (Điều 168); Tội đua xe trái phép (Điều 266), Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (Điều 260); Tội cướp giật tài sản (Điều 171); Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (Điều 157); Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt (Điều 319); Tội đánh bạc (Điều 321); Tội chứa mại dâm (Điều 327); và đặc biệt là Tội giết người (quy định tại Điều 123); Tội hiếp dâm (Điều 141)…
Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho hay, trong 10 năm trở lại đây, ở Việt Nam đã có khoảng 10 vạn người nghiện ma tuý, trong đó có tới 70% số người nghiện dưới 30 tuổi, đặc biệt có tới 50% tổng số người nghiện là trẻ em (dưới 16 tuổi). Tỷ lệ vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên nghiện ma túy chiếm khoảng 50% và gấp hơn 100 lần so với nhóm thanh niên không nghiện.
Theo số liệu mới nhất của Bộ Công an, tội phạm ma túy chiếm tới 34% tội phạm cả nước. Trong số những người bị bắt hàng năm vì phạm tội, khoảng 75% các tội phạm hình sự có nguyên nhân bắt nguồn từ những người nghiện ma tuý. Ma tuý không chỉ dừng lại ở vùng đô thị mà đã len lỏi vào các vùng nông thôn, gây ra những “cái chết trắng” cho nhiều thanh niên trẻ..
Có cầu ắt có cung, trong những năm gần đây những vụ mua bán, vận chuyển trái phép ma túy tăng cả về số vụ và khối lượng ma túy. Từ năm 2007 đến 31/5/2018, Cơ quan điều tra đã khởi tố mới 159.924 vụ và 201.775 bị can (chiếm 20% trên tổng số các vụ án mới khởi tố trong toàn quốc ở giai đoạn này). Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2018, cơ quan điều tra đã khởi tố 8.969 vụ, tăng 765 vụ (9,3%) so với cùng kỳ năm 2017. Tội phạm ma túy tiếp tục tăng, phương thức, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi; tính chất tội phạm ngày càng nguy hiểm, manh động, liều lĩnh; trang bị các loại vũ khí “nóng”, phương tiện hiện đại, chống trả quyết liệt lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ. Các đối tượng phạm tội trong và ngoài nước luôn tìm cách cấu kết với nhau, hình thành đường dây tội phạm xuyên quốc gia.
Thực trạng trên cũng đồng nghĩa với tình hình tội phạm ma túy sẽ ngày càng trở nên phức tạp và một điều tất yếu, gia tăng tội phạm ma túy sẽ kéo theo nhiều tệ nạn cũng như các loại hình tội phạm khác, đe dọa đến tình hình an ninh, trật tự quốc gia, đến cuộc sống của người dân và sự suy thoái đạo đức của xã hội.
Cần xem lại chế tài xử lý hành vi sử dụng ma túy
Như vậy để ngăn chặn các loại tội phạm nói trên phải có giải pháp ngăn chặn từ gốc, nhất là ngăn chặn hành vi sử dụng ma túy trái phép. Thế nhưng liên quan đến loại tội phạm này, pháp luật đang bộc lộ sự bất cập. Cụ thể là kể từ khi BLHS 2015 chính thức bãi bỏ Điều 199 – Tội sử dụng trái phép chất ma túy, được quy định trong Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999. Theo đó nếu như từ năm 2010 trở về trước, người nào sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất cứ hình thức nào, đã được giáo dục nhiều lần và đã bị xử lý hành chính bằng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc mà còn tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm, nếu tái phạm tội này thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm; thì đến sau năm 2010 (tức kể từ thời điểm BLHS 2009 có hiệu lực), người sử dụng trái phép ma túy không còn phải chịu chế tài hình sự. Bởi theo quan điểm của các nhà làm luật, nên coi người nghiện là người mắc bệnh, một loại bệnh đặc biệt, phức tạp về mặt tâm lý, không phải là tội phạm... Cùng với đó, một số loại tội phạm có liên quan đến ma túy cũng được BLHS 2009 điều chỉnh theo hướng giảm nhẹ khung hình phạt. Cụ thể: đối với tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy gây tổn hại cho sức khỏe của nhiều người mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên; gây chết nhiều người hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác (quy định tại khoản 4 Điều 197 BLHS 2009) cũng bãi bỏ hình phạt tử hình.
Đến BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), có hiệu lực 01/01/2018, đối với tội Tàng trữ trái phép chất ma tuý mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép (Điều 249); tội Chiếm đoạt chất ma túy (Điều 252); và tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 255) được điều chỉnh bỏ hình phạt tử hình.
Bên cạnh đó, Thông tư Liên tịch 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-BTP của Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp quy định: “Người nghiện ma túy có chất ma túy cho người nghiện ma túy khác chất ma túy để cùng sử dụng trái phép thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”; hay “Người nghiện ma túy cho người khác cùng sử dụng trái phép chất ma túy tại địa bàn thuộc quyền sở hữu, chiếm hữu hoặc quản lý của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy”... Với quy định như vậy thì rất khó có thể xử lý hình sự các đối tượng tổ chức, chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy vì hầu hết trong số này là người nghiện. Có ý kiến cho rằng có thể đây cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng người nghiện ma túy tổng hợp và xuất hiện ngày càng nhiều các trường hợp “ngáo đá”.
Trở lại thời điểm BLHS 2009 có hiệu lực, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy còn bị chế tài bằng biện pháp xử lý hành chính. Hay nói cách khác, người nghiện ma túy không bị coi là tội phạm, theo đó không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng vẫn bị xử lý vi phạm hành chính và bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính. Cụ thể, Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ (khoản 1 Điều 21) quy định, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng; Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) năm 2012 (khoản 4 Điều 90) quy định, người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định là đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Thời hạn áp dụng từ 3 đến 6 tháng; Và khoản 1 Điều 96 Luật XLVPHC quy định, người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định thì sẽ bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Thời hạn áp dụng từ 12 đến 24 tháng…
Xử lý hành chính được coi là biện pháp chính để hạn chế và ngăn chặn đối tượng sử dụng ma túy. Thế nhưng giữa Luật XLVPHC năm 2012 và Luật Phòng, chống ma túy (PCMT) năm 2000, Luật Phòng, chống HIV/AIDS và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành dưới luật lại không đồng bộ về nội dung chế tài dẫn tới hạn chế tính khả thi. Đơn cử: Tại khoản 1 Điều 29 Luật PCMT quy định người nghiện ma tuý từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định thì được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc dành riêng cho họ. Trong khi đó theo quy định tại khoản 1 Điều 96 và khoản 4 Điều 90 Luật XLVPHC đối tượng được áp dụng biện pháp đưa vào cở sở cai nghiện bắt buộc là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên nhưng không có nơi cư trú nhất định; trường hợp nếu có nơi cư trú ổn định thì bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Do đó nếu áp dụng theo Luật XLVPHC thì việc tổ chức cai nghiện bắt buộc đối tượng chưa thành niên, không có nơi cư trú sẽ mâu thuẫn với chế tài được quy định tại Luật PCMT. Trong khi đó đối tượng chưa thành niên lại có số lượng sử dụng ma túy chiếm tỷ lệ cao nhất, đang là đối tượng cần được áp dụng các chế tài nghiêm khắc của pháp luật.
Kiến nghị xử lý hình sự hành vi sử dụng ma túy
Từ sự phân tích trên, để ngăn chặn có hiệu quả tội phạm hình sự mà kẻ gây án dính đến ma túy, theo chúng tôi không những chỉ “vá” những lỗ hổng, bất cập chế tài hành chính, huy động sự nhập cuộc của toàn xã hội, mà cần phải khẩn trương bổ sung, hoàn thiện chế tài hình sự đối với hành vi Sử dụng trái phép ma túy. Các biện pháp xử lý hành chính mà trong đó chủ lực là biện pháp cai nghiện, nếu vận dụng có hiệu quả sẽ giúp con nghiện sớm trở về hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội.
Thế nhưng trước khi vào các cơ sở cai nghiện, có không ít con nghiện đã gây ra và để lại cho xã hội bao nhiêu thảm kịch đau lòng. Đặc điểm chung, phần lớn các con nghiện trước khi gây án đều là những người có lý lịch rất tốt, sống rất hiếu thảo với cha mẹ, được mọi người mến trọng, chỉ đến khi “dính” vào chất trắng, họ mới trở thành tội phạm. Vì vậy vấn đề đặt ra là cần phải có giải pháp hữu hiệu để cho mọi lứa tuổi đều không muốn và không dám sử dụng ma túy trái phép, không cho họ có cơ hội phạm tội trong trạng thái ảo giác vì phê ma túy. Hay nói cách khác là phải có giải pháp ngăn chặn cái ác từ gốc.
LS. Bùi Phú Tuyên - Trưởng Chi nhánh Văn phòng Luật sư Phạm Anh tại Quảng Ngãi (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) phân tích, từ khi Điều 199 (BLHS 1999) Tội sử dụng trái phép chất ma túy bị bãi bỏ, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy chỉ bị xử lý hành chính. Trên thực tế, số lượng tội phạm có liên quan đến sử dụng ma túy trái phép không những không giảm mà ngược lại. Điều đó chứng tỏ biện pháp thiên về xử lý hành chính chưa phải là thời điểm thích hợp để thay thế biện pháp hình sự. Do đó phải xem hành vi sử dụng chất ma túy trái phép dưới bất cứ hình thức nào cũng phải chịu trách nhiệm hình sự. Cùng quan điểm, Luật sư Huỳnh Thị Thúy Hoa (Đoàn Luật sư Bình Định) cũng cho rằng, việc áp dụng biện pháp giáo dục và xử lý hành chính bằng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc chỉ nên áp dụng đối với đối tượng dưới 18 tuổi.
Nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng trước tình hình tội phạm ma túy phức tạp hiện nay, cần quy định theo hướng “người nào sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất cứ hình thức nào thì bị phạt…”. Tức là trong mọi trường hợp sử dụng trái phép chất ma túy đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Về hình phạt, có thể quy định nhiều hình phạt khác nhau (bao gồm cả phạt tiền). Về khung hình phạt đối với tội danh này, kiến nghị quy định theo hướng rút ngắn khoảng cách khung hình phạt, chia nhỏ thành nhiều khung hình phạt tương ứng với tình tiết định tội tăng nặng hoặc giảm nhẹ.
Đặc biệt, cần khai thác triệt để các biện pháp tiền tố tụng hình sự (được quy định tại Điều 109 – Điều 123 BLTTHS 2015), đó là biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, để ngăn chặn từ xa. “Khi phát hiện đối tượng có dấu hiệu chuẩn bị sử dụng ma túy trái phép hoặc đang sử dụng ma túy thì lập tức báo cho cơ quan có chức năng thực hiện biện pháp bắt tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm... Biện pháp bắt giữ người này có thể được dỡ bỏ theo quy định tại Điều 125 BLTTHS 2015 mà không bị cho là làm trái pháp luật hay bị “quy kết” hình sự hóa, nếu như sau biện pháp tạm giam, tạm giữ, cơ quan tố tụng không đủ căn cứ để kết tội hành vi sử dụng ma túy trái phép” – LS. Lê Hoài Sơn (Đoàn luật sư tỉnh Bình Định) nêu ý kiến.
Tại phiên giải trình về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông (ATGT) đường bộ, đường sắt trong các năm 2017, 2018, đầu năm 2019 và giải pháp trong thời gian tới do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức, diễn ra vào sáng 6/3/2019, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể kiến nghị những vụ TNGT nghiêm trọng liên quan đến người sử dụng ma túy phải xử lý trách nhiệm hình sự. “Chúng tôi mong khi điều chỉnh luật hay nghị định thì mức xử lý phải nặng hơn” - Bộ trưởng Thể đề nghị.
Những giải pháp, kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk nhằm hạn chế tình hình vi phạm, tội phạm và tệ nạn ma túy: “Đề nghị sửa đổi Bộ luật hình sự theo hướng tiếp tục xử lý đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy trong trường hợp đã bị xử lý hành chính về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy mà còn vi phạm để răn đe vì người nghiện ma túy không chỉ là tệ nạn xã hội mà phải nhận thức và xác định hậu quả của người nghiện gây ra cho xã hội là rất lớn vì vậy họ phải chịu trách nhiệm hình sự là thỏa đáng”.
(Nguồn: http://vksndtc.gov.vn)
Ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia: “Riêng với tài xế sử dụng ma túy, tôi đề nghị nên xử lý hình sự, kể cả khi chưa gây hậu quả”
VŨ LÊ MINH
Link nội dung: https://phaply.net.vn/tim-giai-phap-ngan-chan-cac-vu-gay-an-nghiem-trong-can-xem-lai-che-tai-xu-ly-hanh-vi-su-dung-ma-tuy-a206100.html