Ngoài dự án Junin 2 tại Venezuela khiến PVN “mất trắng” nghìn tỷ, 10 dự án đầu tư ở nước ngoài đều không mang lại hiệu quả trong tổng số 13 dự án của PVN. Trách nhiệm này thuộc về ai?
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hiện tại, PVN đang tham gia 13 dự án đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí. Các dự án này được PVN ủy quyền cho Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) thực hiện. Tuy nhiên, chỉ có 2 dự án có dòng tiền chuyển về nước hoặc có hiệu quả kinh tế.
11 dự án còn lại của PVN ở nước ngoài kém hiệu quả, thậm chí có dự án phải tạm dừng triển khai, nguy cơ mất lượng tiền lớn đã đầu tư.
Điển hình trong số các dự án thua lỗ nêu trên là dự án Junin 2 tại Venezuela do Tổng công ty thăm dò và khai thác dầu khí (PVEP) là chủ đầu tư (40% vốn) cùng với Tổng công ty dầu khí Venezuela.
Dự án có tổng mức đầu tư 1,82 tỷ USD cho giai đoạn 1 từ 2010 - 2015. Theo tỷ lệ vốn góp, PVN phải đóng góp tương ứng 40% trong hợp đồng là 1,241 tỉ USD. Nếu tính cả “phí tham gia hợp đồng” (bonus) 584 triệu USD thì tổng nhu cầu vốn của phía Việt Nam là 1,825 tỉ USD. Đây là dự án được thực hiện trong thời gian ông Nguyễn Vũ Trường Sơn đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc Tổng công ty thăm dò khai thác đầu khí (PVEP), còn ông Đinh La Thăng là Chủ tịch HĐTV PVN.
Năm 2013, ban lãnh đạo mới của PVN đã phải quyết định đơn phương không thực hiện bản cam kết này vì nếu có góp thêm 142 triệu USD cũng chưa chắc thu được thùng dầu nào, chấp nhận mất 442 triệu USD tiền "phí tham gia", 90 triệu USD tiền góp vốn và các chi phí lớn khác mà đến nay vẫn chưa khắc phục xong hậu quả.
Dự án đã tạm dừng triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo ngày 02/12/2013 của Văn phòng Chính phủ.
Ngoài ra, 2 dự án khác ở Peru cũng đang chờ chuyển nhượng cho đối tác khác là Lô 67 và Lô 39.
Với Lô 67, PVN tham gia dự án từ năm 2012 với 50% quyền lợi tham gia thông qua việc mua và sở hữu 52,631% cổ phần của Công ty Perenco Petroleum Limited tại Bahamsa là Công ty sở hữu 95% quyền lợi tham gia tại dự án.
Hiện dự án được đánh giá có nhiều khả năng rủi ro, không thu hồi được vốn; trong khi chi phí còn lại chưa phân bổ là 514 triệu USD, tương đương hơn 10.760 tỉ đồng.
Một dự án khác tại Cộng hòa Peru nằm ở Lô 39. Dự án này được PVN quyết định phê duyệt báo cáo đầu tư cuối năm 2011 trên cơ sở tờ trình của PVEP, tổng vốn 323,6 triệu USD. Tổng công ty góp vốn tính đến thời điểm 2017 số tiền 75,5 triệu USD (trong đó 61,5 triệu USD phí tham gia 35% hợp đồng và 14 triệu USD chi phí đầu tư). Dự án hiện đang tạm dừng triển khai thực hiện.
Hiện nay, Bộ Công Thương đã có công văn báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương chuyển nhượng dự án Lô 67 và Lô 39.
Trong khu vực Đông Nam Á, PVEP cũng triển khai nhiều dự án quan trọng. Đơn cử như dự án Lô SK305-Malaysia. Năm 2007, PVN phê duyệt báo cáo đầu tư dài hạn giai đoạn thăm dò lô SK305-Malaysia và Quyết định điều chỉnh dự án với tổng mức đầu tư 292,2 triệu USD.
Dự án cũng được phía các cơ quan chức năng đánh giá có nhiều tồn tại, dừng khai thác từ năm 2015, nhưng chưa làm thủ tục kết thúc do PVEP chưa chuyển tiền thu dọn mỏ, số tiền còn nợ 53,5 triệu USD. Dự án không hiệu quả, Hội đồng thành viên PVEP phê duyệt báo cáo kế hoạch phát triển làm phát sinh lỗ 31,49 triệu USD.
Tại Myanmar, PVEP thực hiện dự án dầu khí Lô M2, bắt đầu từ cuối năm 2008. Tuy nhiên nhiều hạng mục, cấu phần khi tham gia đã không thực hiện đúng chủ trương đầu tư, chưa thực hiện đúng cam kết góp vốn, chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với nước chủ nhà; nợ thuế nhà thầu Myanmar; kết thúc dự án chậm, không đảm bảo thời gian quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư.
Cũng theo Bộ Công Thương, các dự án thăm dò thẩm lượng cũng đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, tại dự án lô Nagumanov (Nga), PVN tham gia với tỷ lệ vốn góp 49% trong Công ty TNHH Gazpromviet – GPV để nghiên cứu và triển khai các dự án đầu tư trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí tại Nga và các nước thứ ba.
Tháng 4/2017, Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng nêu rõ việc chưa đồng ý cho PVN rút khỏi Công ty này. Tháng 10/2017, Thủ tướng Chính phủ có công văn chấp thuận về phương thức tiếp tục tham gia của PVN trong Công ty TNHH Gazpromviet.
Bộ Công Thương đã có công văn góp ý Văn phòng Chính phủ với kiến nghị Thủ tướng tạm thời tiếp tục duy trì dự án mỏ Bắc Purov và chưa rút khỏi Gazpromviet trong thời điểm hiện nay; đồng thời yêu cầu PVN cần tiếp tục rà soát, đàm phán, thống nhất với phía Nga để không phát sinh chi phí đối với PVN ngoài khoản tiền 1,29 triệu USD.
Ngoài ra, việc thăm dò lô Marine XI (Conggo) đang gặp khó khăn phải chuyển nhượng vốn góp. Dự án này PVEP chỉ tham gia 8,5% và gánh vốn cho công ty nước chủ nhà 1,5% trong giai đoạn thăm dò, với mục tiêu thực hiện hoạt động tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí trong diện tích của lô.
Tháng 7/2017, Bộ Dầu Conggo đã phê duyệt chuyển nhượng. Hai bên đang gấp rút hoàn thiện thủ tục chuyển nhượng và PVEP đóng pháp nhân tại Conggo, tuy nhiên đang gặp khó khăn về minh giải điều khoản Quyền ưu tiên mua trước trong JOA.
Đối với việc nghiên cứu thăm dò lô Danan (Iran), PVEP góp vốn 82,07 triệu USD và đang xin tạm dừng/giãn tiến độ; Lô M2 (Myanmar) dừng vì rủi ro; Lô XV (Campuchia) góp vốn 72,46 triệu USD đang chuyển nhượng vốn góp; Lô MD2, Lô MD4 (Myanmar) chưa rõ hiệu quả...
Năm 2007, PVN quyết định thành lập PVEP. Năm 2009, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn được ông Đinh La Thăng khi đó là Chủ tịch PVN (từ 2008 - 2011) đưa về làm Tổng giám đốc PVEP. Ngày 04/3/2016, ông Sơn được bổ nhiệm là Tổng Giám đốc PVN. Đến ngày 13/3/2019, ông Sơn đã xin từ chức Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Theo lsvn.vn
Nguồn bài viết: http://lsvn.vn/van-de-su-kien/tin-noi-bat/ai-chiu-trach-nhiem-ve-11-13-du-an-dau-tu-o-nuoc-ngoai-cua-pvn-bi-thua-lo-30604.html
Link nội dung: https://phaply.net.vn/ai-chiu-trach-nhiem-ve-1113-du-an-dau-tu-o-nuoc-ngoai-cua-pvn-bi-thua-lo-a205926.html