Sau khi gửi văn bản góp ý dự thảo, hôm nay (18/3) VAFI có tâm thư gửi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến Luật đầu tư, Luật Doanh nghiệp.
Ngày 18/3, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) có tâm thư gửi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên quan đến việc sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp.
Theo VAFI, trong giai đoạn hiện nay nền kinh tế Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp đi vào giai đoạn phát triển theo chiều sâu đòi hỏi nhiều giải pháp mạnh và thông minh cho nên nếu Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư chỉ sửa đổi ít thì đang và sẽ tiếp tục là trở ngại lớn cho sự phát triển của thị trường chứng khoán, của cộng đồng doanh nghiệp.
Theo đó, VAFI kiến nghị, Nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam thành lập doanh nghiệp hay tham gia góp cổ phần đa số theo pháp luật VN thì coi là nhà đầu tư trong nước. Không có sự phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước .
Thứ hai, phải xóa bỏ tư duy cứ ngành nghề kinh doanh có điều kiện là hạn chế tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài. Cần phải hiểu rằng việc ban hành điều kiện kinh doanh hay điều kiện đầu tư là để phục vụ cho công tác quản lý nhà nước chứ không phải là rào cản thu hút vốn và công nghệ từ nhà đầu tư nước ngoài .
Thứ ba, Thủ tướng Chính phủ nên ban hành 1 Danh mục hạn chế nhà đầu tư nước ngoài trong 1 văn bản theo nguyên tắc rất hạn chế ở 1 vài ngành nghề đặc biệt có ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng.
Thứ tư, cần giải pháp hữu hiệu để xóa bỏ tận gốc tình trạng quản lý yếu kém, tình trạng tham nhũng quan liêu của khối DNNN. VAFI đặt câu hỏi “Tại sao chúng ta không hoạch định và thực hiện cương quyết các chính sách tốt để cách thức quản lý khối DNNN hướng dần tới cách thức quản lý doanh nghiệp tư nhân?” và đề xuất đổi mới khái niệm DNNN.
Theo VAFI, DNNN phải là doanh nghiệp có cổ phần chi phối của nhà nước, phải niêm yết chứng khoán, và thuộc Danh mục ngành nghề mà nhà nước cần nắm giữ chi phối. Chỉ còn ít loại hình DNNN cần nhà nước nắm giữ 100% vốn, tất cả DNNN khác và Doanh nghiệp có cổ phần nhà nước không thuộc đối tượng trên thì phải thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn và niêm yết chứng khoán.
Các thành viên HĐQT, Ban kiểm soát, Ban Điều hành đại diện cho nhà nước để quản lỳ vốn và tài sản của nhân dân thì phải tuân thủ các yêu cầu của DNNN. Nếu không tuân thủ thì tự động mất tư cách đại diện mà không cần có Quyết định của cấp có thẩm quyền .
Theo VAFI, thông lệ quản trị doanh nghiệp tiên tiến nhất theo nguyên tắc “Doanh nghiệp sinh ra ở đâu thì có quốc tịch ở đấy”, coi nhà đầu tư nước ngoài là nhà đầu tư trong nước và không có sự phân biệt đối xử thì sẽ kích thích dòng vốn lớn từ các nhà đầu tư trực tiếp và gián tiếp FDI và FII vào Việt Nam và vào các doanh nghiệp Việt Nam. Gia tăng mạnh nguồn vốn công nghệ từ các nhà đầu tư nước ngoài, sẽ kích thích mạnh đầu tư trong nước, từ đó kích thích thị trường chứng khoán phát triển lên 1 tầm cao mới. Việc sửa đổi chính sách này còn thu hút nhiều nhà đầu tư FDI nhỏ và vừa đầu tư vào khối doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Hiện nay có nhiều ngành nghề kinh doanh có điều kiện hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài nên nhiều doanh nghiệp khó khăn trong thu hút nhà đầu tư chiến lược cũng như thu hút vốn. Đây chính là hạn chế mà thị trường chứng khoán Việt Nam chưa thể nâng hạng được. Việc hạn chế như trên chỉ thiệt cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước.
“Trong các năm qua nhu cầu vốn ngân sách để đầu tư phát triển là vô cùng lớn, chúng ta không thể mãi con đường đi vay nợ nhân dân, nợ nước ngoài với số nợ lớn để đầu tư phát triển vì rất rủi ro cho nền kinh tế”, văn bản của VAFI nêu.
Theo VAFI, thực ra chúng ta không thiếu vốn, đang có hàng trăm tỷ USD dưới dạng tài sản DNNN , cổ phần DNNN và đặt vấn đề tại sao Chính phủ không triệt để khai thác nguồn vốn này.
Theo bizlive.vn
Nguồn bài viết: https://bizlive.vn/doanh-nghiep/sua-doi-luat-dau-tu-luat-doanh-nghiep-vafi-gui-tam-thu-len-bo-truong-3498364.html
Link nội dung: https://phaply.net.vn/sua-doi-luat-dau-tu-luat-doanh-nghiep-vafi-gui-tam-thu-len-bo-truong-a205874.html