Kiến nghị sửa đổi một số quy định pháp luật về trách nhiệm kỷ luật đối với Viên chức

(Pháp lý) - Theo quy định của pháp luật về viên chức hiện nay, khi viên chức thực hiện hành vi vi phạm kỷ luật, quy định, nội quy…của nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức hoặc có hành vi vi phạm pháp luật khác, cần phải áp dụng một hoặc một số biện pháp trách nhiệm pháp lý, trong đó có trách nhiệm kỷ luật.

Xử lý kỷ luật đối với viên chức là một trong những nội dung quan trọng được pháp luật viên chức quy định cụ thể, chặt chẽ. Vì trên thực tế, khi viên chức vi phạm bị áp dụng bất cứ hình thức kỷ luật nào của trách nhiệm kỷ luật, nó đều tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích về vật chất, tinh thần của viên chức.

Về các hình thức kỷ luật viên chức

Luật Viên chức năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định tùy theo tính chất và mức độ của hành vi vi phạm kỷ luật, các hình thức kỷ luật áp dụng đối với viên chức có hành vi vi phạm kỷ luật bao gồm: Khiển trách; Cảnh cáo; Cách chức; Buộc thôi việc.

image001Bên cạnh những quy định của pháp luật về trách nhiệm kỷ luật đối với viên chức nêu trên, trường hợp viên chức vi phạm những quy định của pháp luật khác có liên quan như viên chức thực hiện hành vi tham nhũng thì việc xử lý kỷ luật được thực hiện theo Luật Phòng, chống tham nhũng. Viên chức có các hành vi sau mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, giá trị tài sản tham nhũng, mức độ thiệt hại và các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ mà phải chịu một trong các hình thức kỷ luật như quy định tại Luật Viên chức như đã trình bày ở trên: 1) Tham ô tài sản; 2) Nhận hối lộ; 3) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; 4) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; 5) Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; 6) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi; 7) Giả mạo trong công tác vì vụ lợi; 8) Đưa hối lội, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; 9) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước vì vụ lợi; 10) Nhũng nhiễu vì vụ lợi; 11) Không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; 12) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật và việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi. Bên cạnh đó, trường hợp viên chức có hành vi tham nhũng cấu thành tội phạm bị tòa án kết án cũng sẽ đồng thời bị áp dụng biện pháp kỷ luật với tư cách là biện pháp bổ trợ cho biện pháp trách nhiệm hình sự, ví dụ như buộc thôi việc.

Có thể nhận thấy nếu một trường hợp có ranh giới đánh giá giữa mức độ vi phạm ở mức độ nghiêm trọng và mức độ đặc biệt nghiêm trọng thì sẽ lựa chọn hình thức cảnh cáo hoặc buộc thôi việc mà không được áp dụng hình thức kỷ luật nào khác. Có thể thấy giữa hình thức cảnh cáo và buộc thôi việc có khoảng cách khá lớn về mức độ xử lý kỷ luật. Mặc dù theo quy định khi bị khiển trách thì thời hạn nâng lương bị kéo dài 03 tháng; bị cảnh cáo thì thời hạn nâng lương bị kéo dài 06 tháng. Trường hợp viên chức bị cách chức thì thời hạn nâng lương bị kéo dài 12 tháng, đồng thời đơn vị sự nghiệp công lập sẽ xem xét, bố trí vị trí việc làm khác phù hợp. Với những quy định này về cơ bản không phân biệt được và chưa chỉ rõ sự khác biệt trong trách nhiệm pháp lý của công chức với viên chức nên bộc lộ những bất cập trong áp dụng pháp luật.

Thực tế, hành vi tham nhũng thường dễ xảy ra đối với công chức thực thi quyền lực nhà nước, đối với viên chức lãnh đạo, viên chức không giữ chức vụ quản lý cũng có thể tham nhũng nhưng điều kiện ít xảy ra hơn vì ở đơn vị sự nghiệp công lập, chỉ cung cấp các dịch vụ công cho cá nhân, tổ chức. Hơn nữa, trong hoạt động của mình, tính quyền lực ở trong đơn vị sự nghiệp công lập đã do đội ngũ công chức là người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập (như Hiệu trưởng ở trường học, Giám đốc bệnh viện, Viện trưởng Viện nghiên cứu…). Đây là những đối tượng vừa điều chỉnh theo Luật cán bộ, công chức năm 2008, vừa áp dụng theo Luật viên chức năm 2010, song các đối tượng này cũng đều bị điều chỉnh thống nhất bởi các Luật khác có liên quan như Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật phòng, chống tham nhũng…

Về thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với viên chức

Về cơ bản có thể thấy rằng, các quy định về thẩm quyền xử lý kỷ luật trong Luật viên chức vẫn là sự tiếp thu, kế thừa các quy định hiện hành về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức. Cụ thể, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật đối với viên chức quản lý; người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quản lý viên chức tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý… Như vậy giữa chủ thể áp dụng trách nhiệm kỷ luật và người bị áp dụng biện pháp trách nhiệm pháp lý (một trong các hình thức kỷ luật viên chức) luôn có mối quan hệ trực thuộc về tổ chức. Đây là một trong các đặc trưng cơ bản để phân biệt trách nhiệm kỷ luật viên chức với các trách nhiệm pháp lý khác như trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự và trách nhiệm hành chính của viên chức hiện nay.

Tuy nhiên, thẩm quyền ra quyết định kỷ luật đối với viên chức còn tùy thuộc vào sự phân cấp quản lý viên chức của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Hiện nay, thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với viên chức ở một số đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện bởi chính người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập đối với tất cả viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập này, (trừ cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập). Một số đơn vị sự nghiệp công lập chỉ có thẩm quyền xử lý đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý, còn viên chức giữ chức vụ quản lý do cấp trên trực tiếp của đơn vị sự nghiệp có thẩm quyền sẽ xem xét, quyết định việc xử lý kỷ luật. Cũng có những đơn vị sự nghiệp công lập chưa được phân cấp quản lý nên người đứng đầu đơn vị đó không có thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với mọi viên chức trong đơn vị của mình.

Về thời hiệu, thời hạn xem xét để xử lý kỷ luật viên chức

Hiện nay, theo quy định của Luật viên chức năm 2010 và Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 06/4/2012 thì thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng, kể từ thời điểm viên chức thực hiện hành vi vi phạm, thời hạn xử lý kỷ luật viên chức là không quá 02 tháng; đối với trường hợp vụ việc có những tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng không quá 04 tháng. Nếu trường hợp viên chức đã bị khởi tố, truy tố hoặc đã có quyết định đưa ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự, nhưng sau đó có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án mà hành vi vi phạm có dấu hiệu vi phạm kỷ luật thì bị xem xét xử lý kỷ luật; trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, người ra quyết định phải gửi quyết định và tài liệu có liên quan cho đơn vị quản lý viên chức để xem xét xử lý kỷ luật.

Trong thời hạn xử lý kỷ luật, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định tạm đình chỉ công tác của viên chức nếu thấy viên chức tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý kỷ luật. Thời gian tạm đình chỉ công tác không quá 15 ngày, trường hợp cần thiết có thể kéo dài thêm nhưng không quá 30 ngày. Hết thời gian tạm đình chỉ công tác, nếu viên chức không bị xử lý kỷ luật thì được bố trí vào vị trí việc làm cũ. Trong thời gian bị tạm đình chỉ công tác, viên chức được hưởng lương theo quy định của Chính phủ. Viên chức bị khiển trách thì thời hạn nâng lương bị kéo dài 03 tháng; bị cảnh cáo thì thời hạn nâng lương bị kéo dài 06 tháng. Trường hợp viên chức bị cách chức thì thời hạn nâng lương bị kéo dài 12 tháng, đồng thời đơn vị sự nghiệp công lập bố trí vị trí việc làm khác phù hợp. Viên chức bị kỷ luật từ khiển trách đến cách chức thì không thực hiện việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực. Viên chức đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử thì không được bổ nhiệm, biệt phái, đào tạo, bồi dưỡng, giải quyết nghỉ hưu hoặc thôi việc. Viên chức quản lý đã bị kỷ luật cách chức do tham nhũng hoặc bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng thì không được bổ nhiệm vào vị trí quản lý. Viên chức bị cấm hành nghề hoặc bị hạn chế hoạt động nghề nghiệp trong một thời hạn nhất định theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, nếu không bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc thì đơn vị sự nghiệp công lập phải bố trí viên chức vào vị trí việc làm khác không liên quan đến hoạt động nghề nghiệp bị cấm hoặc bị hạn chế. Viên chức bị xử lý kỷ luật, bị tạm đình chỉ công tác hoặc phải bồi thường, hoàn trả theo quyết định của đơn vị sự nghiệp công lập nếu thấy không thỏa đáng thì có quyền khiếu nại, khởi kiện hoặc yêu cầu giải quyết theo trình tự do pháp luật quy định.

Về xử lý kỷ luật đối với viên chức đã nghỉ hưu, thôi việc

Hiện nay cũng giống như pháp luật về kỷ luật cán bộ, công chức, pháp luật về kỷ luật đối với viên chức còn có một khoảng trống chưa điều chỉnh, đó là việc quy định và áp dụng trách nhiệm kỷ luật đối với viên chức đã nghỉ hưu, thôi việc. Sự thiếu hụt này dẫn đến thiếu vắng cơ sở pháp lý cho việc thực hiện trách nhiệm kỷ luật trong trường hợp viên chức đã nghỉ hưu, thôi việc mà bị phát giác những hành vi vi phạm kỷ luật trong thời kỳ còn đang làm việc. Nhà nước cần sớm nghiên cứu để bổ sung các quy định này.

Tóm lại, pháp luật hiện hành có những quy định tương đối đầy đủ về trách nhiệm kỷ luật của viên chức, tạo được cơ sở pháp lý cho việc áp dụng trách nhiệm kỷ luật đối với viên chức. Tuy nhiên bên cạnh những ưu điểm đó, pháp luật về trách nhiệm kỷ luật đối với viên chức hiện nay còn có những bất cập, hạn chế nhất định đòi hỏi Nhà nước cần sớm quan tâm để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu quản lý đối với đội ngũ viên chức hiện nay.

ThS. Vũ Hoàng Quỳnh – Bệnh viện Phổi Trung ương

Link nội dung: https://phaply.net.vn/kien-nghi-sua-doi-mot-so-quy-dinh-phap-luat-ve-trach-nhiem-ky-luat-doi-voi-vien-chuc-a205846.html