Nhiều trường hợp gây thiệt hại cho tính mạng, sức khoẻ của người khác được pháp luật cho phép và không bị coi là có tội. Nhưng khi vượt quá giới hạn "chính đáng" sẽ thành tội phạm.
Xoay quanh vụ việc người vợ Nguyễn Thúy Hằng vì bị tấn công mà chém chết kẻ trộm ở huyện Cần Giuộc, Long An chiều 11/3, nhiều ý kiến cho rằng người phụ nữ này sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự do phòng vệ chính đáng.
Từ câu chuyện này đặt ra vấn đề là chống trả thế nào thì được xem là phòng vệ chính đáng và trường hợp nào sẽ bị xem là vượt quá giới hạn? Zing.vn trao đổi cùng luật sư Nguyễn Văn Dũ (Đoàn Luật sư TP.HCM) về vấn đề này.
Phòng vệ chính đáng thì không có tội
Có nhiều trường hợp gây thiệt hại cho tính mạng, sức khoẻ của người khác được pháp luật cho phép và không bị coi là vi phạm pháp luật hình sự, tức là không có tội. Phòng vệ chính đáng là một trong những trường hợp vừa nêu.
Theo quy định tại Điều 22 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, "phòng vệ chính đáng" là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
Để xác định hành vi gây thiệt hại cho tính mạng, sức khoẻ của người khác là phòng vệ chính đáng thì cần và hội đủ những yếu tố sau đây: Người bị thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ đang có hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản... của người phòng vệ chính đáng hoặc của người khác một cách trái pháp luật; Người phòng vệ có hành vi chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm để ngăn chặn hành vi xâm phạm đang diễn ra cũng là để ngăn ngừa hoặc ngăn chặn thiệt hại.
Với vụ án ở Cần Giuộc (Long An), nếu sự việc xảy ra theo diễn biến sau đây thì được xem là phòng vệ chính đáng.
Đó là sau khi tên trộm giết chết chồng, hắn tiếp tục khống chế người vợ để chiếm đoạt tài sản (hành vi chuyển hoá từ trộm sang cướp), vợ vùng chạy thoát thân, tên trộm đuổi theo tấn công, vợ chụp được dao trong lúc chạy quay lại. Tuy nhiên tên trộm vẫn đang cầm hung khí lao tới chị.
Khi hai người ở khoảng cách gần nhau, vợ dùng dao chụp được chém tên trộm làm hắn gục ngã, không còn khả năng tiếp tục tấn công, chị ta dừng lại, không chống trả nữa.
Đây được xem là phòng vệ chính đáng. Việc chị Hằng chém chết Trung chỉ đơn giản là chống trả để thoát thân, còn việc Trung bị chết không phải là ý chí của chị.
Hoặc đặt giả thuyết, sau khi tên trộm sát hại chồng và khống chế vợ để chiếm đoạt tài sản. Khi người vợ giả vờ “tuân lệnh”, đợi thời cơ hắn đang tìm tài sản, thì chị dùng hung khí bất ngờ chống trả làm tên trộm mất khả năng tấn công, mất khả năng chiếm đoạt tài sản. Lúc đó người phụ nữ dừng lại. Trường hợp này cũng được xem là phòng vệ chính đáng.
Vượt quá giới hạn chính đáng sẽ thành tội phạm
Bên cạnh chế định phòng vệ chính đáng, pháp luật hình sự còn quy định trường hợp “vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (chống trả quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại) vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự tùy theo tính chất, mức độ của hành vi.
Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thường gặp ở các tình huống là chưa có hành vi tấn công, hành vi xâm hại nhưng người vượt quá nhận định sai lầm là đang có hoặc ngay tức khắc sẽ có nên “ra tay trước”. Đây gọi là phòng vệ sớm.
Hoặc hành vi xâm phạm, hành vi tấn công đã chấm dứt hoàn toàn, người có hành vi tấn công, xâm hại không còn khả năng thực tế tiếp tục thực hiện hành vi tấn công, xâm hại nhưng do người phòng vệ nhận định sai lầm là "đang còn hành vi tấn công" nên chống trả. Đây gọi là phòng vệ muộn.
Hoặc tuy có hành vi xâm phạm nhưng tính chất, mức độ xâm phạm không đáng kể, không thật sự nguy hiểm, có cách khác ngăn chặn hành vi xâm phạm tốt hơn nhưng người vượt quá đã chống trả quá mức cần thiết.
Với vụ án ở Long An, nếu sau khi chị Hằng chống trả, tên trộm đã không còn khả năng tấn công mà chị ấy lại tiếp tục chém tên trộm thì đó là hành vi vượt quá hoặc xem xét là trong trạng thái tâm lý bị kích động mạnh. Và hành vi đó sẽ vi phạm pháp luật.
Trong vụ án trên, qua khám nghiệm sẽ có cơ sở vững chắc xác định diễn biến vụ án và thu thập thêm tài liệu, chứng cứ khác sẽ kết luận được chị ấy phòng vệ chính đáng hay không? Tuy nhiên, vụ án diễn ra trong nhà, trong đêm, chồng bị giết, chỉ còn chị và tên trộm, hắn lại cầm hung khí và manh động nên việc làm của chị trong trường hợp này được nhiều lợi thế về phòng vệ chính đáng.
Theo news.zing.vn
Nguồn bài viết: https://news.zing.vn/ha-sat-ke-giet-chong-nguoi-vo-co-vuot-gioi-han-phong-ve-chinh-dang-post924456.html
Link nội dung: https://phaply.net.vn/ha-sat-ke-giet-chong-nguoi-vo-co-vuot-gioi-han-phong-ve-chinh-dang-a205600.html