Xây dựng án lệ trong thông luật Hoa Kỳ và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Bài viết phân tích một số vấn đề cơ bản về quy trình xây dựng án lệ trong thông luật Hoa Kỳ và chỉ ra bài học kinh nghiệm để hoàn thiện quy trình xây dựng án lệ ở Việt Nam.

10

1. Quy trình xây dựng án lệ ở Hoa Kỳ

Pháp luật Hoa Kỳ được xây dựng dựa trên nền tảng pháp luật Anh, vì vậy, án lệ Hoa Kỳ cũng mang những đặc trưng cơ bản của án lệ Anh, như việc thừa nhận án lệ là một nguồn luật chính thống bên cạnh luật thành văn. Tuy nhiên, sau khi giành được độc lập vào năm 1776, Liên bang Hợp chủng quốc Hoa Kỳ quyết định phát triển pháp luật theo một khuynh hướng mới để phù hợp với chế độ chính trị, hoàn cảnh xã hội của một quốc gia Liên bang đa dân tộc, đa tôn giáo, trong đó khuynh hướng xây dựng án lệ dù có những điểm chung trong quy trình xây dựng, phát triển, song cũng có những đặc trưng cơ bản riêng, cụ thể:

(i) Bản chất án lệ của Hoa Kỳ linh hoạt, mềm dẻo hơn án lệ của Anh (ở Hoa Kỳ gồm có 02 loại án lệ, án lệ ràng buộc và án lệ thuyết phục, trong đó án lệ thuyết phục cũng chiếm một khối lượng khá lớn; án lệ Hoa Kỳ được tất cả các Tòa án trích dẫn thường xuyên, nhưng trong các bản án cũng dành chỗ cho quan điểm của các thẩm phán về chính sách chung, đặc biệt những vụ việc mà Tòa án coi là quan trọng; trong án lệ các thẩm phán Hoa Kỳ đề cập nhiều hơn tới hệ quả thực tiễn của một phán quyết phù hợp với nhu cầu chính sách hơn hay là sự kiên định của người thẩm phán trong việc xem xét vụ việc hiện tại).

(ii) Ở Anh, án lệ không chỉ được ban hành để giải thích luật thành văn, mà còn có vai trò trong sáng tạo ra một số quy phạm thành văn, ví dụ những lĩnh vực như: Hợp đồng, bồi thường trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng, cũng như hành vi phạm tội nghiêm trọng như giết người và hành hung tập thể là sản phẩm của cơ quan tư pháp chứ không phải là cơ quan lập pháp[1]. Còn ở Hoa Kỳ, án lệ được tạo ra bởi hoạt động giải thích luật thành văn, vì vậy, án lệ giải thích ở Hoa Kỳ có giá trị ràng buộc cao.

Tuy có điểm khác biệt về bản chất án lệ giữa các quốc gia trong hệ thống thông luật, song hầu hết các quốc gia đều có điểm chung trong quy trình xây dựng án lệ:

Thứ nhất, Tòa án có thẩm quyền ban hành án lệ xem xét các bản án của Tòa án cấp dưới, đáp ứng các tiêu chí lựa chọn, đề xuất, phát triển án lệ

Ở Hoa Kỳ có hai hệ thống Tòa án: Tòa án liên bang và Tòa án tiểu bang. Việc lựa chọn đề xuất các bản án để phát triển án lệ ở Hoa Kỳ thuộc về Tòa án liên bang, mà cao nhất trong hệ thống là Tòa án tối cao liên bang. Tất cả các Tòa án liên bang và tiểu bang đều bị ràng buộc bởi quyết định của Tòa án tối cao Hoa Kỳ, lẽ dĩ nhiên là thẩm quyền xét xử của Tòa án tối cao Hoa Kỳ và các Toà án liên bang chỉ mở rộng tới các vấn đề về luật liên bang.

Các Tòa án tiểu bang là nơi lưu trữ thông luật rất lớn. Mặt dù một số bang hiện nay chú trọng nhiều hơn tới luật thành văn và quá trình pháp điển hóa song tất cả các bang đều kế thừa thông luật từ nước Anh và hầu hết các quyết định tại Tòa án tiểu bang đều chiểu theo án lệ. Tất cả các bang đã lập nên một khối lượng khổng lồ án lệ bao gồm tất cả nội dung quan trọng trong thẩm quyền xét xử của họ. Việc này có tác động đáng kể tới công việc của các thẩm phán, công tác thực hành luật, quản lý thông tin pháp luật và cách ứng xử của người dân với pháp luật. Bởi luật liên bang là tối cao trong những lĩnh vực mà nó chi phối nên các Tòa án tiểu bang phải bảo đảm rằng luật tiểu bang phải theo đúng luật liên bang. Vì mục đích này, Tòa án tiểu bang nhìn chung được trao quyền đưa ra quyết định về những vấn đề liên quan tới luật liên bang, nhất là Luật Hiến pháp. Để làm được như vậy, các Tòa án tiểu bang thường tôn trọng quyết định của Tòa án phúc thẩm liên bang và Tòa xét xử nằm trong bang của mình, mặc dù về mặt kỹ thuật, Tòa án tiểu bang chỉ phải tuân theo các quyết định của Tòa án tối cao Hoa Kỳ. Quyết định của Tòa án tiểu bang về luật liên bang có thể được kháng cáo lên Tòa án liên bang[2]. Như vậy, việc đề xuất phát triển án lệ ở Hoa Kỳ không bao gồm phán quyết của Tòa án tiểu bang, nhưng phán quyết của Tòa án cấp này có thể được viện dẫn, tham khảo học hỏi lẫn nhau ở các bang thành viên.

Thứ hai, công bố rộng rãi án lệ trên phương tiện thông tin đại chúng

Ở nhiều nước trên thế giới, việc công bố bản án được thực hiện thường xuyên, liên tục, rộng rãi bằng nhiều phương tiện thông tin đại chúng, kể cả trên hệ thống Internet. Đối với các nước theo hệ thống luật chung Anh – Mỹ (Common Law), những bản án mẫu được tuyển chọn, đăng tải trong các báo cáo tổng hợp án lệ (Law Report) và trở thành án lệ (Case Law) là nguồn của pháp luật. Ví dụ: ở Anh, quy trình một bản án được coi là án lệ sau khi được thẩm phán tuyên có hiệu lực cho đến khi được chính thức xuất bản vào những tuyển tập án lệ chính thức trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Đầu tiên, bản án khi được thẩm phán tuyên sẽ được các báo đưa tin (Báo The Times thường đưa tin khoảng 10% các bản án của Tòa án hàng ngày). Tiếp đó, trước khi bản án được xuất bản trong những tuyển tập án lệ chuyên biệt (Specialiesd Law Reports), một số tạp chí chuyên ngành sẽ đăng tải ngắn gọn nội dung vụ việc đã xử lý trong các tạp chí chuyên ngành như: Tạp chí Luật sư tư vấn (The Solicitors), Tạp chí Luật mới (The New Law Journal), sau đó toàn văn sẽ được xuất bản ở một trong hai hoặc cả hai tuyển tập án lệ mang tên “All England Law Reports” và “Weekly Law Reports”. Cuối cùng, bản án có giá trị chính thức sẽ được xuất bản vào hàng loạt tuyển tập án lệ chính thức của nước Anh – Law Reports. Quá trình để một bản án ghi nhận vào trong tuyển tập án lệ chính thức Law Reports thường mất 09 tháng kể từ khi vụ việc đó được xử xong[3].

Riêng ở Hoa Kỳ, khi xét xử các hành vi vi phạm pháp luật và các tranh chấp nảy sinh, các Tòa án cần phải diễn giải luật bằng các bản án trước đó của Tòa án cùng cấp hoặc Tòa án cấp cao hơn. Đây được gọi là nguyên tắc theo quyết định trước hay đơn giản gọi là án lệ, tiền lệ pháp. Tòa án tối cao liên bang công bố các quyết định của Tòa án tối cao thông qua website chính thức (http://www.supremecourt.gov). Các quyết định của Tòa án tối cao liên bang có thể được tìm thấy trong các báo cáo pháp luật của Hoa Kỳ.

Thứ ba, ghi chép án lệ vào tập san

Ở các quốc gia theo truyền thống pháp luật thông luật, việc ghi chép án lệ được trình bày theo các tuyển tập và theo từng lĩnh vực: Ví dụ ở Anh, hàng năm tổng kết công tác xét xử, thượng nghị viện lựa chọn và xuất bản các án lệ thành các tuyển tập theo từng lĩnh vực (được ghi chép trong Law Reports, All England Law Reports, Weekly Law Reports.)

Tại Hoa Kỳ, tập hợp các án lệ được in trong tuyển tập “Trình bày về pháp luật” (Restatement of the Law) của một hiệp hội tư nhân có tên là Viện Luật Hoa Kỳ (American Law Institute).

Thứ tư, về bãi bỏ án lệ

Trong hệ thống Common Law, các án lệ được coi là luật và nó cũng có thể bị bãi bỏ, điều này làm cho thông luật trở nên mềm dẻo và thích nghi được với sự thay đổi của các điều kiện xã hội. Theo lý thuyết, án lệ trong hệ thống Common Law sẽ không tự nhiên mất đi hiệu lực của nó cho đến khi nó bị bãi bỏ. Có hai cách để án lệ có thể bị bãi bỏ: (i) Án lệ có thể bị bãi bỏ bởi chính Tòa án đã tạo ra nó hoặc Tòa án cấp trên; (ii) Án lệ có thể bị bãi bỏ bởi một luật do cơ quan lập pháp thông qua.

Trong cách thức án lệ bị bãi bỏ bởi Tòa án, chúng ta cần phân biệt việc án lệ bị bãi bỏ với việc một bản án, quyết định bị Tòa án cấp trên thay đổi về nội dung trong quá trình tố tụng khi quyết định của Tòa án cấp dưới bị kháng cáo và xét xử tại Tòa án cấp phúc thẩm. Tòa án cấp phúc thẩm có thẩm quyền xét lại và thay đổi bản án của Tòa án cấp dưới. Tuy nhiên, hệ quả của việc sửa chữa các nội dung quyết định bị phúc thẩm hoàn toàn khác với việc một án lệ bị bãi bỏ. Vì án lệ là luật nên việc một án lệ bị bãi bỏ có thể dẫn đến hệ quả thay đổi về pháp luật. Vì vậy, thực tiễn về bãi bỏ những án lệ đã lỗi thời, lạc hậu, trái pháp luật trong hệ thống Common Law luôn gắn với việc những án lệ mới được thiết lập để làm cho pháp luật phù hợp hơn với sự thay đổi của đời sống xã hội.

Một nghiên cứu dựa trên các phán quyết của Tòa án tối cao Hoa Kỳ trong 46 năm (từ năm 1960 đến năm 2005) đã chỉ ra ít nhất 74 lần Tòa án này bác bỏ các án lệ của chính nó. Thực tiễn này cho thấy, Tòa án tối cao Hoa Kỳ không ngần ngại thay đổi, sửa chữa những sai lầm qua rất nhiều các án lệ đã bị bãi bỏ. Những ví dụ sau đây sẽ cho thấy Tòa án này bãi bỏ các án lệ như thế nào. Trong đó, nhiều vụ án, phải đợi một thời gian rất dài để Tòa án tối cao Hoa Kỳ tuyên bố từ bỏ sai lầm của họ trong các án lệ:

Ví dụ: Trong án lệ vụ Brown v. Board of Education (1954), Tòa án tối cao Hoa Kỳ đã bãi bỏ án lệ đã được thiết lập trong vụ Plessy v. Ferguson (1896). Theo án lệ trong vụ án Plessy v. Ferguson (1896), Tòa án tối cao Hoa Kỳ đã thừa nhận sự phân biệt đối xử giữa người da trắng và người da đen (cho phép các công ty vận tải đường sắt cung cấp các dịch vụ theo hình thức phân biệt toa tàu dành cho người da trắng khác với toa tàu dành cho người da đen). Tòa án tối cao Hoa Kỳ đã cho rằng sự phân biệt này không vi phạm Hiến pháp Hoa Kỳ (liên quan đến Tu chính án lần thứ XIV về bình đẳng quyền công dân). Từ án lệ của vụ Plessy v. Ferguson (1896) đã tạo ra một học thuyết về phân biệt đối xử ở trong xã hội Mỹ có tên gọi “phân chia nhưng bình đẳng” (separate but aqual). Quan điểm sai trái này đã chính thức bị bãi bỏ bởi án lệ của vụ án Brown v. Board of Education (1954), Tòa án tối cao Hoa Kỳ đã phân tích và tuyên bố rằng, bất cứ có sự phân biệt đối xử nào giữa người da trắng và da đen ở nơi công cộng như việc phân chia phòng học hay phương tiện giao thông công cộng… đều là vi phạm Hiến pháp. Những luật nào có sự thừa nhận sự phân biệt “phân chia nhưng bình đẳng” đều được coi là vi phạm Hiến pháp và nó phải bị bãi bỏ. Rõ ràng, trong ví dụ trên đây cho thấy, khi các điều kiện xã hội như quan điểm về bình quyền, quan điểm chính trị, xã hội thay đổi sẽ làm cho các án lệ sai trái có thể bị bãi bỏ[4].

2. Một số bài học kinh nghiệm

Một là, về lựa chọn, đề xuất, phát triển án lệ

Theo quy định của pháp luật Hoa Kỳ về cơ quan có thẩm quyền ban hành án lệ, thì có án lệ của Tòa án tối cao Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, án lệ Tòa án liên bang, ngoài ra việc đề xuất phát triển án lệ ở Hoa Kỳ không bao gồm phán quyết của Tòa án tiểu bang, nhưng phán quyết của Tòa án cấp này có thể được viện dẫn, tham khảo học hỏi lẫn nhau ở các bang thành viên, hoặc những phán quyết này cũng có thể trở thành án lệ trong phạm vi áp dụng ở Tòa án các tiểu bang, những án lệ này được gọi là án lệ thuyết phục và không có giá trị bắt buộc.

Để đảm bảo tính thực tiễn trong quy định pháp luật hiện hành về rà soát, phát hiện bản án, quyết định để đề xuất phát triển án lệ, Việt Nam nên thực thi quy định này theo hướng mở rộng xem xét lựa chọn các bản án của Tòa án nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại Điều 3 Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28/10/2015 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ, trong đó, phán quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện cũng có thể được đề xuất phát triển án lệ, tuy nhiên, thực tiễn các án lệ Việt Nam hiện hành đều từ phán quyết của Tòa án nhân dân tối cao.

Hai là, về thời gian trong quy trình lựa chọn, công bố áp dụng án lệ

Pháp luật Việt Nam quy định quy trình lựa chọn, công bố án lệ quá chặt chẽ. Thời gian ngắn nhất tính từ thời điểm ban hành bản án, quyết định gốc đến khi án lệ có hiệu lực là hơn 02 năm. Điều này làm cho án lệ Việt Nam hiện nay quá khiêm tốn, không đáp ứng được yêu cầu là nguồn bổ sung cho pháp luật thành văn. Với hạn chế này, tham khảo kinh nghiệm của Hoa Kỳ trong quy định về thời gian ban hành án lệ linh hoạt, không quá chặt chẽ về thủ tục. Ở Hoa Kỳ, Tòa án có thẩm quyền ban hành án lệ xem xét các bản án của Tòa án cấp dưới, đáp ứng các tiêu chí lựa chọn, đề xuất, phát triển án lệ. Như vậy, Hoa Kỳ không đặt nặng về thời gian từ khâu đề xuất đến thông qua án lệ; quy định tại Hoa Kỳ có tính linh hoạt, mềm dẻo, hướng tới hệ quả thực tiễn của một án lệ mà không chú trọng về thủ tục hình thức. Vì vậy, nguồn án lệ Hoa Kỳ đáp ứng rất tốt thực tiễn điều chỉnh quan hệ xã hội bên cạnh luật thành văn. Đây là một kinh nghiệm hữu ích cho pháp luật Việt Nam trong thời gian tới.

Ba là, kinh nghiệm Hoa Kỳ trong công bố án lệ

Án lệ tại các nước thông luật nói chung và án lệ tại Hoa Kỳ nói riêng dù phương thức công bố có thể khác nhau, tuy nhiên đều có chung một hình thức công bố công khai trên các phương tiện truyền thông. Ví dụ, ở Anh đã thành lập Ủy ban xuất bản báo cáo pháp luật với chức năng ghi chép một cách chi tiết các tình tiết của vụ án và quan điểm của thẩm phán cũng như phán quyết sau cùng của Tòa án. Một số phán quyết sẽ được cơ quan có thẩm quyền cân nhắc lựa chọn để trở thành án lệ và sau đó xuất bản trong các báo cáo pháp luật (Law Reports). Ở Hoa Kỳ, người dân có thể truy cập vào cơ sở dữ liệu điện tử của các Tòa án hoặc những dịch vụ tư nhân như Findlaw, Westlaw để tra cứu các án lệ; hoặc ở Ấn Độ là Indian Supreme Court Law Reporter (ISCLR), All India Reporter (AIR) hay Supreme Court Cases (SCC)[5]. Ở Australia, các tập san án lệ gồm Commonwealth Law Reports (CLR), Australia Law Report (ALR) và Australian Law Journal Reports (ALJR). Những tuyển tập này được công khai trên nhiều phương tiện để toàn dân dễ dàng tham khảo. Quy định này mang lại nhiều hiệu quả trong việc áp dụng án lệ trên thực tiễn, đặc biệt công khai án lệ giúp phát huy hiệu quả tính thực tiễn của án lệ.

Án lệ ở các nước thông luật sau khi được công bố, không phải trải qua một thời gian chờ đợi về tính hiệu lực mà các Tòa án cấp dưới có thể vận dụng ngay để giải quyết các vụ việc có tình tiết giống hay tương tự án lệ đã xuất bản. Quy định này nhằm đáp ứng nhanh chóng kịp thời những quan hệ xã hội mới, những vụ việc mới không có trong luật nhưng lại được hướng dẫn tại án lệ.

Bốn là, về hủy bỏ, thay thế án lệ

Ở Việt Nam hiện nay, chỉ có Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được thực hiện chức năng hủy bỏ, thay thế án lệ, quy định này sẽ mang lại tính cứng nhắc cho thực tiễn án lệ, bởi nếu thời gian tới khi các phán quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thể được thông qua án lệ, trong quá trình áp dụng án lệ nếu phát hiện những án lệ không còn phù hợp với thực tiễn cũng phải theo quy trình đề xuất Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét hủy bỏ, thay thế án lệ. Quy định này cũng sẽ dẫn tới hệ quả thụ động của các cấp Tòa án khác, không phát huy hết năng lực thực tiễn trong việc nghiên cứu, vận dụng loại nguồn án lệ. Với những hạn chế này, nếu tham khảo quy định về hủy bỏ, thay thế án lệ trong thông luật Hoa Kỳ sẽ mang lại hiệu quả cao cho quy định án lệ Việt Nam. Ở Hoa Kỳ, án lệ có thể bị bãi bỏ bởi chính Tòa án đã tạo ra nó hoặc một Tòa án cấp cao hơn Tòa án đã tạo ra án lệ. Như vậy, thẩm quyền hủy bỏ án lệ ở Hoa Kỳ rộng hơn, các Tòa án có thẩm quyền tạo ra án lệ cũng có thể linh hoạt trong việc hủy bỏ án lệ đó.

Theo tapchitoaan.vn

Nguồn bài viết: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/an-le/xay-dung-an-le-trong-thong-luat-hoa-ky-va-bai-hoc-kinh-nghiem-cho-viet-nam

Link nội dung: https://phaply.net.vn/xay-dung-an-le-trong-thong-luat-hoa-ky-va-bai-hoc-kinh-nghiem-cho-viet-nam-2-a205338.html