Từ tháng 03/2019, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: Quy chế về quản lý mạng lưới TCTD phi ngân hàng; quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định CPTPP; thay thế toàn bộ biểu mẫu đăng ký kinh doanh...
1. Quy chế về quản lý mạng lưới TCTD phi ngân hàng
Ngày 31/12/2018, NHNN ban hành Thông tư 53/2018/TT-NHNN quy định về mạng lưới hoạt động của TCTD phi ngân hàng.
Theo đó, TCTD phi ngân hàng phải xây dựng Quy chế về quản lý mạng lưới gồm các nội dung tối thiểu như sau: Cơ cấu tổ chức, nhân sự; Nội dung, phạm vi hoạt động, cơ chế hạch toán kế toán; Hạn mức rủi ro theo từng hoạt động KD, hoạt động nghiệp vụ đối với một khách hàng, nhóm khách hàng và tất cả khách hàng của chi nhánh; Cơ chế quản lý, giám sát của trụ sở chính đối với đối tượng thuộc mạng lưới để đảm bảo an toàn, hiệu quả hoạt động; Tiêu chuẩn, điều kiện của GĐ, PGĐ chi nhánh, Trưởng các bộ phận chuyên môn, người đứng đầu văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp.
Thông tư 53/2018/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 1/3/2019.
2. Các ngân hàng phải tuân thủ giới hạn sở hữu cổ phần
NHNN ban hành Thông tư 46/2018/TT-NHNN quy định về thời hạn, trình tự, thủ tục chuyển tiếp đối với trường hợp cổ đông lớn của một TCTD và người có liên quan của cổ đông đó sở hữu cổ phần từ 5% trở lên vốn điều lệ của một TCTD khác.
Theo đó, TCTD phối hợp với cổ đông lớn rà soát, xác định danh sách cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông đó sở hữu cổ phần từ 5% trở lên vốn điều lệ của một TCTD khác.
TCTD đầu mối phối hợp với TCTD khác, nhóm cổ đông lớn có liên quan lập kế hoạch khắc phục việc sở hữu cổ phần vượt giới hạn.
Chậm nhất ngày 31/12/2020, tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhóm cổ đông lớn có liên quan tuân thủ quy định tại Luật các tổ chức tín dụng.
Thông tư 46/2018/TT-NHNN có hiệu lực kể từ ngày 1/3/2019.
3. Trình tự và thủ tục chấp thuận việc góp vốn, mua cổ phần của TCTD
Ngày 31/12/2018, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 51/2018/TT-NHNN quy định về điều kiện, hồ sơ, trình tự và thủ tục chấp thuận việc góp vốn, mua cổ phần của TCTD.
Theo đó, trình tự và thủ tục chấp thuận việc góp vốn, mua cổ phần của TCTD như sau:
Thứ nhất, TCTD lập 02 bộ hồ sơ gửi Ngân hàng Nhà nước thông qua Cơ quan Thanh tra, giám sát NH.
Thứ hai, trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cơ quan Thanh tra, giám sát NH có văn bản kèm hồ sơ gửi lấy ý kiến: NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố nơi TCTD đặt trụ sở chính về việc đáp ứng các điều kiện; Các đơn vị thuộc NHNN về việc góp vốn, mua cổ phần, chuyển nợ thành vốn góp của tổ chức tín dụng (nếu cần thiết).
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến các đơn vị được lấy ý kiến quy định có ý kiến bằng văn bản về các nội dung được lấy ý kiến.
Trong thời hạn 14 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến các đơn vị có liên quan, Cơ quan Thanh tra, giám sát NH thẩm định hồ sơ và trình Thống đốc NHNN xem xét, chấp thuận hoặc không chấp thuận đề nghị của TCTD.
4. Quy định cấp giấy phép, tổ chức và hoạt động của TCTD phi ngân hàng
Thông tư 01/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 30/2015/TT-NHNN quy định việc cấp giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD) phi ngân hàng được NHNN ban hành vào đầu năm 2019. Thông tư 01/2019/TT-NHNN bao gồm 4 điều với một số nội dung cơ bản như sửa đổi, bổ sung khái niệm về bên thuê tài chính, bên thuê vận hành phù hợp với quy định của Bộ Luật Dân sự 2015; sửa đổi bổ sung quy định về đăng ký điều lệ, nội dung sửa đổi để phù hợp với quy định Luật Các TCTD.
Thông tư sửa đổi, bổ sung quy định về Phiếu lý lịch tư pháp trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép của TCTD phi ngân hàng để phù hợp quy định hiện hành của NHNN; sửa đổi, bổ sung các quy định về hồ sơ, thủ tục hành chính tại Thông tư số 30/2015/TT-NHNN để phù hợp với chủ trương của Chính phủ về việc cắt giảm, đơn giản hoá điều kiện kinh doanh tại Công văn số 413/TTg-TH ngày 30/3/2018.
Thông tư 01/2019/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 20/3/2019.
5. Thay thế toàn bộ biểu mẫu đăng ký kinh doanh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư 02/2019/TT-BKHĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp.
Theo đó, toàn bộ biểu mẫu đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh được ban hành kèm theo Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT sẽ được thay thế bởi biểu mẫu mới theo Thông tư 02/2019/TT-BKHĐT.
Một số biểu mẫu điển hình được thay thế như:
- Mẫu Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH một thành viên, công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty cổ phần, công ty hợp danh…
- Mẫu Thông báo và các văn bản khác do doanh nghiệp phát hành: Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp; Thông báo thay đổi người đại diện theo pháp luật…
Các mẫu văn bản này được sử dụng thống nhất trên phạm vi toàn quốc từ ngày 11/03/2019.
6. Môi giới con nuôi dưới 16 tuổi có thể bị xử lý hình sự
Theo Nghị quyết 02/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự, hành vi môi giới con nuôi dưới 16 tuổi thuộc các trường hợp sau sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội mua bán người dưới 16 tuổi:
- Biết mục đích của người nhận nuôi con nuôi dưới 16 tuổi là để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể, bán cho người khác hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác nhưng vẫn chuyển giao nạn nhân để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác.
- Lợi dụng việc cho nhận con nuôi để tiếp nhận con nuôi là người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể…
Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 15/03/2019.
7. Hướng dẫn của Tòa án tối cao về lãi, lãi suất, phạt vi phạm
Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm.
Nghị quyết này hướng dẫn cụ thể về:
- Áp dụng pháp luật về lãi, lãi suất trong hợp đồng vay tài sản không phải là hợp đồng tín dụng;
- Xác định lãi, lãi suất trong hợp đồng vay tài sản không phải là hợp đồng tín dụng thuộc trường hợp áp dụng Bộ luật Dân sự 1995;
- Xác định lãi, lãi suất trong hợp đồng vay tài sản không phải là hợp đồng tín dụng thuộc trường hợp áp dụng Bộ luật Dân sự 2005;
- Xác định lãi, lãi suất trong hợp đồng vay tài sản không phải là hợp đồng tín dụng thuộc trường hợp áp dụng Bộ luật Dân sự 2015;
- Xác định thời điểm xét xử sơ thẩm và thời gian chậm trả;
- Áp dụng pháp luật về lãi, lãi suất trong hợp đồng tín dụng;
- Xác định lãi suất trung bình quy định tại Điều 305 của Bộ luật Thương mại 2005…
Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 15/03/2019.
8. Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định CPTPP
Theo Thông tư 03/2019/TT-BCT quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương thì hàng hóa được coi là có xuất xứ nếu hàng hóa đó:
- Có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của một hay nhiều nước thành viên;
- Được sản xuất toàn bộ chỉ từ nguyên liệu có xuất xứ tại lãnh thổ của một hay nhiều nước thành viên;
- Được sản xuất toàn bộ từ nguyên liệu không có xuất xứ tại lãnh thổ của một hay nhiều nước thành viên với điều kiện hàng hóa đó đáp ứng tất cả các quy định tương ứng tại Phụ lục I của Thông tư này;
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 08/03/2019.
9. Mức tiền thưởng phòng, chống tội phạm ma túy
Mức tiền thưởng phòng, chống tội phạm ma túy được thực hiện theo Quyết định 04/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quản lý, sử dụng Quỹ Phòng, chống tội phạm.
Theo đó, Quỹ được sử dụng để chi cho các nội dung sau:
- Thưởng tiền đột xuất cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống tội phạm ma túy. Cụ thể:
+ Đối với cá nhân, tối đa là 5 triệu đồng/người/lần khen thưởng;
+ Đối với tập thể, tối đa là 20 triệu đồng/tập thể/lần khen thưởng.
- Hỗ trợ tiền đền bù, trợ cấp đột xuất với gia đình và người trực tiếp tham gia phòng, chống tội phạm ma túy bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 10/3/2019.
10. Quy định việc cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm do Bộ trưởng Tài chính ban hành
Ngày 24/12/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 125/2018/TT-BTC quy định về việc cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm có hiệu lực thi hành từ 01/3/2019.
Theo đó, các trường hợp sau đây sẽ bị thu hồi chứng chỉ đại lý bảo hiểm (ĐLBH):- Cá nhân không tham dự kỳ thi chứng chỉ ĐLBH do Bộ Tài chính tổ chức;
- Thí sinh dự thi không thi đỗ kỳ thi chứng chỉ ĐLBH theo quy định tại Thông tư 125;
- Thí sinh dự thi giả mạo giấy tờ về nhân thân (thẻ CCCD, CMND, hộ chiếu) hoặc sử dụng giấy tờ chứng minh nhân thân của người khác khi tham dự kỳ thi;
- Thí sinh dự thi được đào tạo trong thời gian cơ sở đào tạo bị buộc đình chỉ hoạt động đào tạo ĐLBH theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.
Đến năm 2028, tất cả cơ sở KCB phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử
Đây là nội dung nổi bật tại Thông tư 46/2018/TT-BYT quy định về hồ sơ bệnh án điện tử do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành có hiệu lực từ ngày 01/3/2019.
Theo đó, lộ trình thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử được chia thành 2 giai đoạn như sau:
Giai đoạn từ năm 2019 - 2023: Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (KCB) hạng I trở lên chủ động nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin tại cơ sở để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử; Các cơ sở KCB khác căn cứ vào nhu cầu, năng lực thực tế để chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử và triển khai hồ sơ bệnh án điện tử khi đáp ứng các yêu cầu.
Giai đoạn từ năm 2024 – 2028: Tất cả các cơ sở KCB trên toàn quốc phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử; Trường hợp cơ sở KCB chưa triển khai được hồ sơ bệnh án điện tử thì phải có văn bản báo cáo cho cơ quan trực thuộc; Văn bản báo cáo của cơ sở KCB phải nêu rõ lý do, lộ trình triển khai hồ sơ bệnh án điện tử nhưng phải hoàn thành trước ngày 31/12/2030.
11. Bắt cóc bệnh nhân là sự cố y khoa phạm tội hình sự
Nội dung này được đề cập tại Thông tư 43/2018/TT-BYT hướng dẫn phòng ngừa sự cố y khoa trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành và có hiệu lực ngày 01/3/2019.
Theo đó, nhóm sự cố y khoa được cho là phạm tội hình sự gồm:
- Bắt cóc (hay dụ dỗ) người bệnh ở mọi lứa tuổi;
- Giả mạo nhân viên y tế để điều trị cho người bệnh;
- Tấn công tình dục người bệnh trong khuôn viên bệnh viện;
- Gây tử vong hoặc thương tích nghiêm trọng cho người bệnh hoặc nhân viên y tế trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
- Các sự cố y khoa nghiêm trọng khác (NC3 loại G, H, I) không đề cập trong các mục từ 1 đến 27 (Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này).
Link nội dung: https://phaply.net.vn/nhung-chinh-sach-moi-co-hieu-luc-tu-thang-32019-a205167.html