Kể từ ngày 5/2/2019, Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH của VKSNDTC, TANDTC, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành một số quy định của BLTTHS đối với người dưới 18 tuổi có hiệu lực thi hành.
Điều kiện được phân công giải quyết vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi
Việc xét xử vụ án có bị cáo, người bị hại là người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC ngày 21/9/2018 của Chánh án TANDTC quy định chi tiết việc xét xử vụ án hình sự có người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên.
Đối tượng áp dụng Thông tư gồm có: Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội, người bị hại, người làm chứng dưới 18 tuổi; Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan tham gia hoạt động tố tụng theo quy định của BLTTHS.
Về trách nhiệm phối hợp của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan, Điều 4 của Thông tư quy định: Trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự có người bị buộc tội, người bị hại, người làm chứng dưới 18 tuổi, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ, bảo đảm thực hiện đúng quy định tại Chương XXVIII và các quy định khác của BLTTHS về thủ tục tố tụng thân thiện đối với người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm tạo điều kiện, cung cấp những thông tin cần thiết về quá trình tố tụng, về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ cho người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi và người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ, đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia tố tụng, bảo vệ lợi ích tốt nhất cho người dưới 18 tuổi.
Người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi; đại diện của nhà trường, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan phải có mặt và tham gia đầy đủ các hoạt động tố tụng theo quyết định hoặc yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Về phân công người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, Điều 5 quy định: Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Thẩm phán khi được phân công tiến hành tố tụng đối với vụ án có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi phải có ít nhất một trong các điều kiện sau đây: Có kinh nghiệm khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi; Đã được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng giải quyết các vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi; Đã được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi.
Hội thẩm tham gia HĐXX sơ thẩm vụ án có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi phải có người là giáo viên, cán bộ Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi.
Người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi là người có thâm niên công tác trong lĩnh vực tư pháp, quản lý, đào tạo, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục người dưới 18 tuổi; người được đào tạo về giáo dục thanh, thiếu niên, nhi đồng hoặc những người khác có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi.
Trước khi lấy lời khai, hỏi cung, phải thông báo trước cho người đại diện
Về xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại dưới 18 tuổi căn cứ vào một trong các giấy tờ, tài liệu sau: Giấy chứng sinh; Giấy khai sinh; Chứng minh nhân dân; Thẻ căn cước công dân; Sổ hộ khẩu; Hộ chiếu.
Trường hợp các giấy tờ, tài liệu nêu tại khoản 1 Điều này có mâu thuẫn, không rõ ràng hoặc không có giấy tờ, tài liệu này thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải phối hợp với gia đình, người đại diện, người thân thích, nhà trường, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc tổ chức, cá nhân khác có liên quan nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động, sinh hoạt trong việc hỏi, lấy lời khai, xác minh làm rõ mâu thuẫn hoặc tìm các giấy tờ, tài liệu khác có giá trị chứng minh về tuổi của người đó.
Trường hợp đã áp dụng các biện pháp hợp pháp nhưng chỉ xác định được khoảng thời gian tháng, quý, nửa đầu hoặc nửa cuối của năm hoặc năm sinh thì tùy từng trường hợp cụ thể cần căn cứ khoản 2 Điều 417 BLTTHS để xác định tuổi của họ.
Thông báo về hoạt động tố tụng, Điều 7 của Thông tư quy định: Trước khi lấy lời khai, hỏi cung người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thông báo trước trong thời gian hợp lý cho người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ biết về thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung để những người này tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.
Việc thông báo cho gia đình của người dưới 18 tuổi bị giữ trong trường hợp khẩn cấp được thực hiện theo quy định tại Điều 116 BLTTHS; việc thông báo cho người đại diện của người dưới 18 tuổi trong trường hợp họ bị bắt, tạm giữ, tạm giam được thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 419 BLTTHS.
Việc thông báo phải bằng văn bản, trong đó phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, điện thoại liên lạc của người ra thông báo và người được thông báo. Trường hợp cần bảo đảm sự có mặt kịp thời của người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể thông báo trực tiếp, qua điện thoại hoặc phương tiện điện tử khác nhưng ngay sau đó phải gửi thông báo bằng văn bản.
Người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi khi nhận được thông báo phải thông tin kịp thời về việc có mặt và tham gia tố tụng của họ cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng biết.
Về phối hợp trong việc cử người để tham gia tố tụng, Điều 8 quy định: Khi tiến hành các hoạt động tố tụng đối với người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức sau đây cử người giám hộ, người đại diện, người thực hiện trợ giúp pháp lý, người bào chữa, bào chữa viên nhân dân để tham gia tố tụng: Yêu cầu UBND cấp xã, nơi người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi cư trú cử người giám hộ nếu họ không có người giám hộ đương nhiên; Yêu cầu Cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Bảo vệ quyền trẻ em, cơ quan, tổ chức có liên quan nơi bắt giữ, nơi xảy ra tội phạm hoặc nơi có thẩm quyền điều tra cử người đại diện cho người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi trong trường hợp họ không có nơi cư trú rõ ràng, không xác định được lý lịch hoặc có người đại diện nhưng họ cố ý vắng mặt hoặc từ chối tham gia tố tụng; Yêu cầu Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử người thực hiện trợ giúp pháp lý cho người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi nếu họ là người được trợ giúp pháp lý theo quy định tại Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 29/6/2018 quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng; Yêu cầu hoặc đề nghị Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử người bào chữa; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức là thành viên của Mặt trận cử Bào chữa viên nhân dân cho người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi theo quy định tại Điều 76 BLTTHS
Sau khi nhận được thông báo của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đang thụ lý giải quyết vụ án, vụ việc có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi về việc có mặt và tham gia tố tụng để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho người dưới 18 tuổi thì người đại diện, thầy giáo, cô giáo, đại diện của nhà trường, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, cơ quan, tổ chức khác nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động và sinh hoạt của họ phải có văn bản trả lời cho cơ quan có thẩm quyền tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng về họ tên, thông tin, địa chỉ liên lạc của người được cử để tham gia tố tụng; trường hợp cần thiết có thể báo tin trực tiếp, qua điện thoại hoặc phương tiện điện tử khác nhưng ngay sau đó phải gửi bằng văn bản.
Người đại diện, thầy giáo, cô giáo, đại diện của nhà trường, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, cơ quan, tổ chức khác phải có mặt đúng thời gian, địa điểm nêu trong thông báo. Trường hợp vắng mặt có lý do chính đáng hoặc do trở ngại khách quan thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể hoãn việc thực hiện hoạt động tố tụng hoặc yêu cầu đại diện của nhà trường, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, cơ quan, tổ chức khác cử ngay người khác tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dưới 18 tuổi.
Bảo đảm việc tham gia tố tụng của người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp
Bảo đảm việc tham gia tố tụng của người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, Điều 10 quy định: Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thông báo cho người bị buộc tội, người bị hại dưới 18 tuổi, người đại diện hoặc người thân thích của họ về việc mời người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ khi tham gia tố tụng; trường hợp những người này không mời thì tùy từng trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng giải quyết như sau: Chỉ định người bào chữa nếu thuộc trường hợp quy định tại Điều 76 BLTTHS; Yêu cầu Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước cử người thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 8 của Thông tư này; yêu cầu cơ quan, tổ chức có người bị hại là thành viên cử người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ.
Người bào chữa cho người bị buộc tội dưới 18 tuổi phải tham gia trong các giai đoạn tố tụng của vụ án, trừ các trường hợp sau: Người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa; Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hủy bỏ việc đăng ký bào chữa theo quy định tại khoản 7 Điều 78 BLTTHS; Người bào chữa có lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan không thể bào chữa.
Trường hợp đã thay đổi người bào chữa được chỉ định mà người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ vẫn từ chối người bào chữa quy định tại điểm a khoản 2 Điều này thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng lập biên bản về việc từ chối, đưa vào hồ sơ vụ án và chấm dứt việc chỉ định người bào chữa…
Về phối hợp thực hiện việc giám sát đối với người bị buộc tội dưới 18 tuổi, Điều 11 quy định: Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể ra quyết định giao người bị buộc tội dưới 18 tuổi không bị áp dụng biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam cho người đại diện của họ giám sát theo quy định tại Điều 418 BLTTHS. Quyết định giao người bị buộc tội dưới 18 tuổi để giám sát phải được gửi ngay cho người đại diện được giao nhiệm vụ giám sát.
Người đại diện được giao nhiệm vụ giám sát có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cơ quan, tổ chức khác có liên quan trong việc giám sát người bị buộc tội dưới 18 tuổi; nếu phát hiện người bị buộc tội dưới 18 tuổi có dấu hiệu bỏ trốn hoặc có các hành vi khác quy định tại khoản 2 Điều 418 BLTTHS thì phải kịp thời ngăn chặn và thông báo ngay bằng điện thoại hoặc hình thức khác nhanh nhất cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để phối hợp xử lý.
Trường hợp người đại diện được giao nhiệm vụ giám sát vi phạm nghĩa vụ giám sát mà để người bị buộc tội dưới 18 tuổi bỏ trốn hoặc thực hiện các hành vi khác quy định tại khoản 2 Điều 418 BLTTHS thì tùy tính chất, mức độ vi phạm có thể bị thay đổi hoặc bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 12 quy định về áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp áp giải. Trước khi quyết định áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam người dưới 18 tuổi, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xem xét, cân nhắc áp dụng biện pháp giám sát, cấm đi khỏi nơi cư trú hoặc tạm hoãn xuất cảnh quy định tại Điều 123, Điều 124 BLTTHS. Trường hợp sau khi quyết định tạm giam bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi mà có đủ căn cứ áp dụng biện pháp bảo lĩnh hoặc đặt tiền để bảo đảm thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần thay thế ngay biện pháp tạm giam bằng biện pháp bảo lĩnh hoặc đặt tiền để bảo đảm.
Chỉ áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam theo quy định tại khoản 1 Điều 419 BLTTHS trong trường hợp người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi đã được áp dụng biện pháp giám sát, biện pháp ngăn chặn khác quy định tại khoản 1 Điều này nhưng bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã, có dấu hiệu bỏ trốn, tiếp tục phạm tội, có dấu hiệu tiếp tục phạm tội hoặc có các hành vi khác quy định tại khoản 2 Điều 418 BLTTHS.
Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thường xuyên theo dõi, rà soát, kiểm tra việc tạm giữ, tạm giam đối với người dưới 18 tuổi bị tạm giữ, tạm giam; nếu phát hiện không còn căn cứ hoặc không cần thiết tạm giữ, tạm giam thì phải kịp thời ra quyết định hủy bỏ, thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác.
Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng biện pháp áp giải đối với người dưới 18 tuổi trong các trường hợp sau đây: Bị can, bị cáo đã có giấy triệu tập đến lần thứ hai nhưng cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan; Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị can, bị cáo đang bị tạm giam từ nơi bị giam, giữ đến địa điểm tiến hành điều tra, truy tố, xét xử vụ án.
Điều 13 quy định về phối hợp giải quyết nhanh chóng, kịp thời vụ án, vụ việc có người bị hại dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán. Đối với vụ án, vụ việc có người bị hại dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải phối hợp chặt chẽ với nhau và phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan ngay từ khi phát hiện nguồn tin về tội phạm; khẩn trương kiểm tra, xác minh, thu thập chứng cứ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, bảo đảm giải quyết vụ án, vụ việc nhanh chóng, kịp thời, trong thời gian ngắn nhất.
Về lấy lời khai, hỏi cung người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi, Điều 14 quy định: Việc lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị hại, người làm chứng dưới 18 tuổi có thể thực hiện tại nơi học tập, lao động và sinh hoạt của người đó hoặc nơi tiến hành điều tra. Việc hỏi cung bị can dưới 18 tuổi có thể thực hiện tại nơi cư trú của người đó hoặc nơi tiến hành điều tra. Trường hợp lấy lời khai, hỏi cung tại nơi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử thì phải sắp xếp, bố trí phòng lấy lời khai, hỏi cung bảo đảm thân thiện, phù hợp với tâm lý người dưới 18 tuổi.
Trường hợp lấy lời khai người bị hại dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán thì phải ưu tiên địa điểm lấy lời khai tại nơi cư trú của người đó; nếu không có nơi cư trú thì phải tiến hành tại cơ sở chăm sóc trẻ em theo quy định của pháp luật.
Việc lấy lời khai, hỏi cung phải theo đúng trình tự, thủ tục, thời gian, bảo đảm sự tham gia của người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi theo quy định tại Điều 183, Điều 421, các điều luật khác có liên quan của BLTTHS và Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT- BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP ngày 01/01/2018 hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
Trường hợp vụ án có người bị hại dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán thì việc lấy lời khai của họ phải được tiến hành ngay sau khi tiếp nhận nguồn tin về tội phạm.
Khi tiến hành lấy lời khai, hỏi cung, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải có thái độ thân thiện, nhẹ nhàng, sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu, phù hợp với độ tuổi, giới tính, khả năng nhận thức của họ; xem xét áp dụng các biện pháp phù hợp nhằm giảm đến mức thấp nhất thời gian, số lượng lần lấy lời khai, hỏi cung và phải tạm dừng ngay việc lấy lời khai, hỏi cung khi người dưới 18 tuổi có biểu hiện mệt mỏi, ảnh hưởng đến khả năng khai báo chính xác, đầy đủ.
Người đại diện, người bào chữa của người dưới 18 tuổi được tham gia hỏi người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can là người dưới 18 tuổi. Điều tra viên, Kiểm sát viên yêu cầu không được hỏi và phải dừng ngay việc hỏi trong trường hợp câu hỏi của người đại diện, người bào chữa có tính chất gợi ý, định hướng hoặc có tính chất khẳng định, phủ định liên quan đến vụ án. Trường hợp phát hiện người đại diện, người bào chữa có dấu hiệu thông cung, mớm cung phải lập tức yêu cầu họ dừng ngay việc hỏi và lập biên bản, báo cáo người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Thông tư quy định về phối hợp trong việc áp dụng biện pháp giám sát, giáo dục đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự; phối hợp trong việc áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng; Giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi.
Theo tapchitoaan.vn
Nguồn bài viết: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/cong-dan-va-phap-luat-2/quy-dinh-moi-ve-xet-xu-vu-an-co-bi-cao-nguoi-bi-hai-la-nguoi-duoi-18-tuoi
Link nội dung: https://phaply.net.vn/quy-dinh-moi-ve-xet-xu-vu-an-co-bi-cao-nguoi-bi-hai-la-nguoi-duoi-18-tuoi-a204577.html