Đấu thầu qua mạng: Hết “quân xanh, quân đỏ” nhưng cán bộ… vẫn “tâm tư”

Bộ GTVT hàng năm “tiêu” một lượng lớn ngân sách cho các công trình hạ tầng. Nếu trong quá trình đầu tư, việc lựa chọn nhà thầu qua mạng được triệt để áp dụng, thì ngoài việc hạn chế tiêu cực còn tiết kiệm được ngân sách Nhà nước.

 Tổng cục trưởng ĐBVN Nguyễn Văn Huyện: “Năm 2018, việc lựa chọn nhà thầu qua mạng đã giúp tiết kiệm hơn 112 tỷ đồng”
Tổng cục trưởng ĐBVN Nguyễn Văn Huyện: “Năm 2018, việc lựa chọn nhà thầu qua mạng đã giúp tiết kiệm hơn 112 tỷ đồng”)

“Tâm tư” vì chủ đầu tư giảm quyền lực

Đấu thầu qua mạng rõ ràng là có nhiều ích lợi vì nó giúp giảm được các tiêu cực như dàn xếp trúng thầu, “quân xanh, quân đỏ” khi đấu thầu. Nhưng theo ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, khi cơ quan này chủ trường áp dụng hình thức nói trên cho tất cả các gói thầu bảo trì, sửa chữa đường bộ, thì có một thực tế là nhiều cán bộ thuộc Tổng cục hay các Sở GTVT ở địa phương tỏ ra khá “tâm tư”.

“Anh em tâm tư cũng có thể là do họ chưa quen với hình thức đấu thầu mới này. Ngoài ra, cũng phải thẳng thắn với nhau rằng, nếu làm qua mạng, thì quyền lực của chủ đầu tư chắc chắn giảm đi do không thể can dự hoặc gây ảnh hưởng tới kết quả đấu thầu. Với các nhà thầu khi tham gia dự án theo hình thức này chỉ cần giảm giá vừa phải, thi công hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng… thì chủ đầu tư phải nghiệm thu, thanh toán chứ chẳng có lý do gì để gây khó dễ người ta”, lời ông Huyện.

Đến thời điểm này, Tổng cục đã triển khai được bao nhiêu gói thầu theo hình thức qua mạng, thưa ông?

- Thực hiện chủ trương của Chính phủ và Bộ GTVT, chúng tôi đã tiến hành đấu thầu qua mạng các gói thầu sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ trên các tuyến quốc lộ, có giá trị trên dưới 20 tỷ đồng/gói. Kết quả năm 2018 vừa qua, Tổng cục đã tổ chức đấu thầu được trên 50% số gói thầu sửa chữa định kỳ, tương đương khoảng 40% tổng mức vốn sửa chữa định kỳ được giao. Kết quả đã tiết kiệm được chi phí với số tiền hơn 112 tỷ đồng. Con số này cao hơn nhiều so với những năm trước khi còn áp dụng hình thức đầu thầu truyền thống.

Có thể khẳng định, đấu thầu qua mạng là công cụ hữu hiệu nhất để tăng tính cạnh tranh, tiết kiệm, giảm thời gian chuẩn bị hồ sơ, giảm chi phí đi lại, chi phí in ấn của nhà thầu và bên mời thầu. Đấu thầu qua mạng nếu áp dụng rộng rãi, triệt để thì chi phí xã hội, chi phí doanh nghiệp sẽ giảm trông thấy.

Ông có thể nói rõ thêm tính ưu việt của việc lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với các dự án thuộc ngành Giao thông, qua hai tiêu chí minh bạch và tiết kiệm?

- Nó minh bạch vì thông tin liên quan đến dự án cần triển khai đều được cập nhật đầy đủ trên mạng. Tất cả các nhà thầu ở bất kỳ đâu, nều có nhu cầu tham gia đều có thể biết và nhập dữ liệu đấu thầu đến giây cuối cùng, trước khi hệ thống tự động đóng thầu, bất kể là ngày hay đêm.

Theo đó, sau khi mở thầu, tất cả thông tin về năng lực nhà thầu, giá bỏ thầu… sẽ xuất hiện rõ ràng trên mạng. Chủ đầu tư không phải lập biên bản việc này vì tất cả những thông tin đó đều được hệ thống máy tính lưu trữ.

Sau giai đoạn này, chúng tôi sẽ căn cứ kết quả của nhà thầu tốt nhất về giá, năng lực để mời đến thương thảo, ký hợp đồng thực hiện dự án. Theo quy định, sau 7 ngày kể từ khi ký hợp đồng, nếu nhà thầu đó không huy động được máy móc thi công để chứng minh năng lực của mình, thì chủ đầu tư sẽ loại nhà thầu đó, và tiếp tục mời nhà thầu có kết quả xếp thứ hai đến để tham gia... Cách làm này sẽ hạn chế được tình trạng một số nhà thầu không có thực lực nhưng vẫn cố tình bỏ giá thấp để vào thầu, sau đó thi công kéo dài thời gian, ảnh hưởng tới tiến độ, chất lượng dự án.

 Ban quản lý dự án 3 (Tổng cục ĐBVN) đã thực hiện việc lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với Dự án cầu dân sinh (LRAMP)
Ban quản lý dự án 3 (Tổng cục ĐBVN) đã thực hiện việc lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với Dự án cầu dân sinh (LRAMP))

Chủ trương đúng, tín nhiệm cao

Những dự án nào của Tổng cục đã thực hiện theo hình thức đấu thầu qua mạng, thưa ông?

- Giữa quý I/2018, Cục Đường bộ 4 (thuộc Tổng cục) là một trong những đơn vị đầu tiên thực hiện đấu thầu gói thầu bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ; Ban quản lý dự án 3 (thuộc Tổng cục) cũng đã tổ chức đấu thầu 1 gói cầu dân sinh (thuộc Dự án LRAMP).

Sở dĩ đấu thầu qua mạng triệt tiêu được tiêu cực vì nó bí mật thông tin của các đơn vị tham gia đến phút chót trên mạng. Ví dụ như ai đó có thể hỏi hoặc gọi điện nhờ chủ đầu tư ở một dự án nào đó, thì cũng chỉ biết vậy thôi chứ không có cách gì để can thiệp được, bởi thông tin nhà thầu, giá bỏ thầu đều được nhập qua mạng internet.

Đấu thầu qua mạng khiến cho chủ đầu tư không còn “to” như trước, trong khi cán bộ quản lý dự án ở một số nơi thì ít nhiều đã có “tâm tư” như ông vừa nói… Thực tế này có gây trở ngại khi Tổng cục quyết tâm thực hiện việc minh bạch hóa công tác đấu thầu, quản lý dự án, thưa ông?

- Mọi việc khi thực hiện đều có quá trình của nó. Lúc đầu mới thực hiện thì phải đối diện với thức tế này, nhưng khi đã là chủ trương thì tất cả đều phải nghiêm túc thực hiện, và lâu dần thì trở thành nếp trông công việc.

Sau một năm công tác, Tổng cục đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với lãnh đạo Tổng cục. Kết quả năm 2018 cho thấy, tập thể lãnh đạo Tổng cục vẫn được tín nhiệm. Điều này cho thấy, công tác chỉ đạo điều hành công việc chung, trong đó có công tác quản lý, tổ chức, thực hiện các dự án theo hướng công khai, minh bạch, tiết kiệm thông qua hình thức lựa chọn nhà thầu qua mạng - đã được cán bộ, đảng viên của Tổng cục đồng tình, ủng hộ cao. Đó là một tiền đề quan trọng để chúng tôi tiếp tục thực hiện chủ trương này trong những năm tới, nhất là khi mới đây, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể vừa ký ban hành Chỉ thị về chống tiêu cực, tham nhũng trong công tác quả lý dự án, trong đó có yêu cầu các đơn vị phải đẩy mạnh việc đấu thấu qua mạng.

Để các dự án bảo trì, sửa chữa đường bộ ngày một minh bạch hơn thông qua hình thức đấu thầu này, ông có kiến nghị thêm điều gì?

- Trước khi triển khai đấu thầu qua mạng, chúng tôi đã phối hợp với Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT) tập huấn cho các Cục thuộc Tổng cục, các Sở GTVT địa phương và các nhà thầu thực hiện theo hình thức này. Trong thời gian tới, chúng tôi vẫn mong muốn nhận được sự phối hợp hiệu quả đó.

Để có thể công khai được nhiều thông tin, nhiều dự án làm cơ sở cho đấu thầu qua mạng tốt hớn, chúng tôi kiến nghị bộ phận quản trị mạng đấu thầu quốc gia cần tăng cường hạ tầng mạng và khả năng lưu trữ thông tin để chúng tôi có thể cập nhật, công khai được nhiều hơn nữa những thông tin về các dự án cần tổ chức đấu thầu, tránh nghẽn mạng trên hệ thống.

Cảm ơn ông!

Giảm chi phí xã hội và chi phí doanh nghiệp

Đấu thầu qua mạng nếu áp dụng rộng rãi, chi phí xã hội, chi phí doanh nghiệp sẽ giảm rất lớn. Các nhà thầu có cơ hội tiếp cận thông tin đấu thầu, tham dự thầu qua internet đến mạng đấu thầu quốc gia, góp phần loại bỏ các tình trạng tiêu cực thường thấy như ngăn cản nhà thầu mua hồ sơ, thông thầu, “quân xanh, quân đỏ” xuất hiện tại một số gói thầu được đấu thầu theo hình thức truyền thống như hiện nay”, ông Lê Hồng Điệp - Vụ trưởng Vụ Bảo trì đường bộ (Tổng cục Đường bộ Việt Nam).

Theo baophapluat.vn

Nguồn bài viết: http://baophapluat.vn/kinh-te/dau-thau-qua-mang-het-quan-xanh-quan-do-nhung-can-bo-van-tam-tu-438381.html

Link nội dung: https://phaply.net.vn/dau-thau-qua-mang-het-quan-xanh-quan-do-nhung-can-bo-van-tam-tu-a204528.html