Đầu xuân, trò chuyện với nữ Thẩm phán chủ tọa phiên tòa xét xử vụ đánh bạc nghìn tỷ

Trong 10 năm công tác tại Tòa án, vụ án để lại ấn tượng sâu sắc nhất đối với Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Hương, Chánh tòa Tòa Kinh tế, TAND tỉnh Phú Thọ là vụ đánh bạc nghìn tỷ mà bà là chủ tọa.

Nhân dịp đầu xuân năm mới, Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Hương đã dành cho PV Báo Công lý cuộc trò chuyện thú vị xung quanh những vụ đại án mà bà đã tham gia xét xử.

 

 Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Hương, Chánh tòa Tòa Kinh tế, TAND tỉnh Phú Thọ
Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Hương, Chánh tòa Tòa Kinh tế, TAND tỉnh Phú Thọ)

PV: Qua phiên tòa xét xử vụ án đánh bạc nghìn tỷ xảy ra tại tỉnh Phú Thọ vừa qua, nhiều người biết đến bà là một Thẩm phán xử án có bản lĩnh, “thấu tình, đạt lý”. Bà có thể chia sẻ về quá trình gắn bó với Tòa án?

Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Hương: Cuối tháng 12/1996, tôi bắt đầu công tác tại VKSND tỉnh Phú Thọ. Có thể nói do cái duyên đối với ngành Tòa án nên cuối năm 2008, tôi chuyển công tác đến Phòng Giám đốc kiểm tra (nay là Phòng Kiểm tra nghiệp vụ) của TAND tỉnh Phú Thọ. Sau đó vào tháng 3 năm 2009, tôi được bổ nhiệm chức danh Thẩm phán sơ cấp và công tác tại TAND TP. Việt Trì. Đến năm 2013, tôi được bổ nhiệm chức vụ Phó Chánh án TAND TP. Việt Trì và năm 2014 đạt được danh hiệu Thẩm phán giỏi.

Tiếp đó, tháng 4/2017, tôi được điều động lên làm Chánh tòa Kinh tế TAND tỉnh Phú Thọ cho đến nay. Trên cương vị công tác nào tôi đều nỗ lực, không ngừng học tập rèn luyện nâng cao đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng để không sa ngã với những quan điểm hành vi sai trái, bên cạnh đó tôi luôn học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Quá trình công tác, tôi luôn xác định vai trò, trách nhiệm và giải quyết công tâm, ứng xử chuẩn mực, phù hợp với từng vụ việc cụ thể để đưa ra những phán quyết thuyết phục lòng người, thấu tình đạt lý.

PV: Xét xử vụ đại án vừa qua với khối lượng người tham gia tố tụng nhiều, bà có chịu nhiều áp lực không, bà đã vượt qua áp lực đó như thế nào?

Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Hương: Vụ án Nguyễn Văn Dương cùng 91 đồng phạm bị đưa ra xét xử về các tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, “Đánh bạc”, “Tổ chức đánh bạc”, “Rửa tiền”, “Mua bán trái phép hóa đơn”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” là vụ án không chỉ có số lượng bị cáo được đưa ra xét xử lớn, mà còn có quy mô rộng, xảy ra tại tỉnh Phú Thọ và nhiều tỉnh thành trên phạm vi cả nước.

Tính chất vụ án phức tạp, liên quan đến nhiều cá nhân, tổ chức, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, trong đó có 2 bị cáo Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa khi phạm tội đang công tác trong lĩnh vực bảo vệ pháp luật nên thu hút rất đông đảo các cơ quan thông tin, truyền thông và sự theo dõi của quần chúng nhân dân. Trong khi đó hồ sơ vụ án bao gồm hàng trăm nghìn bút lục, kèm theo đó với hàng nghìn hóa đơn, chứng từ, bảng sao kê của ngân hàng, thời hạn xét xử bị giới hạn về thời gian tố tụng.

Sau khi nhận được hồ sơ vụ án từ VKSND tỉnh Phú Thọ chuyển sang, tôi đã cùng các đồng nghiệp chủ động nghiên cứu hồ sơ và sắp xếp bố trí nghiên cứu một cách khoa học nhất để kịp tiến độ đưa vụ án ra xét xử. Mặc dù trong vụ án này có 2 bị cáo khi phạm tội có chức vụ cao nhưng khi đưa ra xét xử chúng tôi xác định mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Do vậy bản thân tôi cũng như các thành viên của Hội đồng xét xử (HĐXX) không phải chịu bất kỳ một áp lực nào.

PV: Hiện nay, công cuộc phòng, chống tham nhũng được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Với tư cách là một Thẩm phán, lại xét xử không ít những vụ án liên quan đến tham nhũng, bà có thể cho biết suy nghĩ của mình?

Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Hương: Trong những năm qua Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, nghị quyết, chỉ thị…về đấu tranh phòng chống tham nhũng. Nhiều vụ án tham nhũng đã được đưa ra xét xử thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc giữ gìn sự trong sạch của bộ máy Nhà nước, giữ vững niềm tin của nhân dân.

Từ các vụ án có thể thấy nguyên nhân chính dẫn đến hành vi tham nhũng xuất phát từ sự suy thoái đạo đức, từ chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội của một số cán bộ đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để vụ lợi, từ đó làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước.

Với trách nhiệm của Thẩm phán, nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để thực hiện quyền tư pháp, tôi cùng HĐXX nhận thấy sự cần thiết phải xét xử thật nghiêm minh, đúng người đúng tội nhưng cũng cần thấu tình đạt lý để có hình phạt thích đáng cho các bị cáo nhằm phòng ngừa chung, giáo dục riêng đối với các bị cáo cũng như tuyên truyền giáo dục đến các tầng lớp nhân dân. HĐXX mong muốn bản án sẽ tạo sự tin tưởng của quần chúng nhân dân, có sức lan tỏa trong xử lý, tuyên truyền, phòng chống tham nhũng.

PV: Là người “cầm cân nảy mực” nhiều vụ án, vậy vụ án và kỷ niệm nào để lại trong bà ấn tượng sâu sắc nhất?

Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Hương: Trong 10 năm công tác tại Tòa án, bên cạnh những khó khăn vất vả, theo thời gian tôi cũng có rất nhiều kỷ niệm. Tuy nhiên, để lại ấn tượng sâu sắc nhất đến thời điểm này trong cuộc đời Thẩm phán của tôi có lẽ chính là vụ án Nguyễn Văn Dương cùng đồng phạm.

Đây là vụ án tội phạm sử dụng công nghệ cao hết sức phức tạp và có quy mô đặc biệt lớn, trong khi đó trên thực tiễn tại Phú Thọ cũng như cá nhân tôi chưa lần nào xét xử. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, với việc đánh giá chứng cứ là dữ liệu điện tử hết sức khó khăn, đòi hỏi cá nhân tôi cùng các thành viên HĐXX phải học hỏi, nghiên cứu trao đổi rất kỹ về công nghệ thông tin, về cơ chế vận hành game bài Rikvip/Tip.Club, 23Zdo, Pen, Zon, về nguyên tắc hoạt động của cổng trung gian thanh toán, về cách thức đánh bạc, về cách thức đổi Rik…Từ đó, để hiểu rõ nhất bản chất hành vi vi phạm pháp luật của nhóm tội Tổ chức đánh, đánh bạc.

Bên cạnh đó, vụ án này còn có số lượng bị cáo đặc biệt lớn, người tham gia tố tụng khá đông, trong đó có 2 tướng công an cùng thực hiện hành vi phạm tội… Để giải quyết, xét xử đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đảm bảo đúng thời hạn tố tụng và dự kiến kế hoạch xét xử, tôi và các đồng nghiệp của mình đã cùng nhau lập kế hoạch, phân chia công việc thành từng nhóm nghiên cứu.

Với khối lượng hồ sơ hơn 100 nghìn bút lục cùng rất nhiều hóa đơn, sao kê ngân hàng, HĐXX phải nghiên cứu hồ sơ cả vào buổi tối cũng như các ngày cuối tuần. Trong suốt hơn 3 tháng kể từ khi nhận hồ sơ, tôi cùng HĐXX không có ngày nghỉ…

Trước yêu cầu về khối lượng công việc lớn, cộng với tốc độ đòi hỏi nhanh nhưng điều ấn tượng nhất với tôi là thái độ làm việc nghiêm túc, hăng say, không quản ngại khó khăn vất vả của các đồng nghiệp. Trong quá trình giải quyết vụ án, có những quan điểm của HĐXX không đồng nhất, chúng tôi đã tranh luận tới cùng để đưa ra được cách giải quyết đúng, cũng từ đó tôi thấy được sự đoàn kết, sự đấu tranh tới cùng vì công lý của các đồng nghiệp.

Bên cạnh đó, vụ án này đặc biệt với tôi không chỉ ở nội dung của vụ án mà còn ở những chính những con người mà tôi được làm việc cùng, ở chính những phút giây vất vả mà chúng tôi đã cùng sẻ chia với nhau.

PV: Đổi mới tổ chức phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng xét xử, bà đã đưa tinh thần cải cách tư pháp đó vào các phiên tòa như thế nào, hiệu quả của nó ra sao?

Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Hương: Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, hệ thống TAND đã tiến hành nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác xét xử. Một trong những giải pháp quan trọng là đổi mới phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp.

Với tư cách là Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, tôi xác định việc điều khiển phiên tòa phải bảo đảm tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật tố tụng, bảo đảm tính công bằng, dân chủ, khách quan, tạo điều kiện cho những người tham gia tố tụng được thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ hợp pháp của họ, bảo đảm sự điều hành phiên tòa đầy đủ toàn diện có trọng tâm, trọng điểm.

Tại phiên tòa xét xử vụ án Nguyễn Văn Dương và 91 đồng phạm đã thực hiện triệt để nguyên tắc tranh tụng - một sự đảm bảo quan trọng giúp cho việc xét xử toàn diện khách quan, tôn trọng quyền con người, quyền tố tụng của những người tham gia tố tụng. Quá trình hỏi, tranh luận được thực hiện khách quan, minh bạch và công bằng, không được bỏ sót bất kỳ vấn đề pháp lý hoặc tình tiết chứng cứ nào có liên quan đến vụ án. Phán quyết của HĐXX phải trên cơ sở pháp luật, tranh luận công khai và các chứng cứ, lập luận đã kiểm tra, xem xét toàn diện, đầy đủ tại phiên tòa.

Về hiệu quả của việc đưa tinh thần cải cách tư pháp trong phiên tòa xin phép để cho người tham gia tố tụng và người tham gia phiên tòa đánh giá một cách khách quan.

PV: Xin cảm ơn bà!

Theo congly.vn

Nguồn bài viết: https://congly.vn/hoat-dong-toa-an/phong-trao-thi-dua/dau-xuan-tro-chuyen-voi-nu-tham-phan-chu-toa-phien-toa-xet-xu-vu-danh-bac-nghin-ty-285944.html

Link nội dung: https://phaply.net.vn/dau-xuan-tro-chuyen-voi-nu-tham-phan-chu-toa-phien-toa-xet-xu-vu-danh-bac-nghin-ty-a204404.html